SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 24/04/2024
  • Click để copy

Chuyện chưa kể về tờ tin Mặt trận Kinh tế - tiền thân của báo Công thương

10:49, 25/08/2022
Ít ai biết rằng, tờ tin Mặt trận Kinh tế ra đời vào năm 1948 là một trong những tờ báo tiền thân của báo Công thương, được xuất bản 2 số đầu tiên giữa chiến khu Việt Bắc.

Ngược dòng lịch sử

Sau 74 năm, thời gian bằng cả một đời người đã trôi qua, trừ số báo đầu tiên đã thất lạc, từ số báo số 2 (xuất bản tháng 12/1948) của tờ tin Mặt trận Kinh tế hiện vẫn còn được lưu trữ nguyên vẹn tại thư viện Quốc gia ở phố Tràng Thi (Hà Nội).

Theo tư liệu còn sót lại, giai đoạn đầu tờ tin xuất bản khoảng 2 - 5 tháng một số. Từ tháng 1/1950 tờ tin Mặt trận Kinh tế xuất bản đều đặn mỗi tháng một số. Tờ tin mỗi số có từ 16 đến 24 trang, với các trang, mục như: Địa lý kinh tế các tỉnh; ABC Kinh tế học; Trên mặt trận kinh tế có gì lạ?; Nói chuyện kinh tế, Luật kinh tế hiện hành…

Trong trang bìa tờ tin Mặt trận Kinh tế số 2 xuất bản tháng 12/1948, với 4 câu thơ: “Tặng chàng chiếc áo em may/Vải này em dệt, sợi này em xe/Chàng đi em vội trở về/Thi đua sản xuất lo bề nông trang” đã khắc họa cho người đọc hiểu được toàn bộ nội dung mặt trận kinh tế nước ta thời bấy giờ “tiền tuyến lo đánh giặc, hậu phương chăm lo sản xuất…”.

Trang nhất của tờ tin Mặt trận Kinh tế số 2 trích nội dung bức thư “Hồ Chủ Tịch gửi ngành Tơ sợi Trung ương”: “Gởi ngành Tơ sợi Trung ương Bộ Kinh tế. Cảm ơn các bạn đã gởi biếu tôi bộ áo dừa. Tôi mong các bạn xung phong THI ĐUA ÁI QUỐC làm sao cho ngành Tơ sợi phát triển cho mau, cho tốt, cho nhiều để giải quyết vấn đề mặc cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ của các bạn trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc”.

Cũng trong số này, bài viết “Tiến mạnh trên chiến - tuyến sản - xuất” đã viết rất rõ về tầm quan trọng của sản xuất trong thời kỳ bấy giờ.

nhung-so-dau-tien-cua-to-tin-mat-tran-kinh-te-co-gi-20220824141010

 Trang bìa tờ tin Mặt trận Kinh tế số 2 xuất bản tháng 12/1948.

Đáng chú ý, có nội dung “Bộ trưởng Bộ Kinh tế gửi Hội đồng Sản xuất kỹ nghệ Liên khu 4”: “Nhân dịp đại hội nghị lần thứ sáu của Hội đồng sản xuất kỹ nghệ Liên khu IV, tôi gửi lời chào thân ái các vị tới dự hội nghị và chúc hội nghị đạt được nhiều kết quả tốt để khuếch trương công kỹ nghệ nước nhà, thực hiện chính sách kinh tế kháng chiến kiến quốc”.

Ngoài những nội dung về kinh tế, tờ Mặt trận Kinh tế số 2 còn đăng tải những phóng sự ngắn, bài vấn đáp như: “Từ Bờ Lờ… đến Bờ Vờ” của tác giả Lưu Ngọc; hay bài vấn đáp “Bài trừ xa xỉ phẩm trước?” của tác giả Sơn Đạo.

Các chuyên trang: ABC Kinh tế học; Trên mặt trận kinh tế có gì lạ?; Nói chuyện kinh tế, Luật kinh tế hiện hành… đã cung cấp đầy đủ các thông tin về kinh tế trong nước và quốc tế; pháp luật về kinh tế đến bạn đọc thời bấy giờ.

Số 3 xuất bản vào đầu năm 1949 là số Xuân của tờ tin Mặt trận kinh tế. Trên trang nhất số báo này có bài “Năm 1949 trên mặt trận kinh tế chúng ta phải làm gì đây?” của tác giả Bùi Công Trung.

Nội dung bài báo viết: “Tình hình quốc gia và quốc tế đang thuận lợi cho ta, chúng ta bước nhanh trên giai đoạn thứ 2, chúng ta chuẩn bị tổng phản công. Khẩu hiệu năm nay là: Tất cả để chiến thắng. Trong thời kỳ mới của lịch sử, trong giai đoạn mới của thời kỳ kháng chiến, chúng ta phải có một chương trình kế hoạch kinh tế toàn diện. Chương trình kế hoạch ấy phải theo đường lối nào?” - nội dung bài báo viết.

Ngoài ra, trong số báo Xuân này còn có các bài viết: “Mùa Xuân kinh tế” của tác giả Xuân Long;“Một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng về Bắc Ninh tự túc ăn mặc” nhằm hưởng ứng phong trào thi đua tự túc của Chính phủ; hay tác phẩm “Sự hưng thịnh của chế độ Dân chủ mới và sự suy đồi của Đế quốc chủ nghĩa”;…

Tính chiến đấu ngay từ số đầu

Tờ tin số 1 (theo thông tin đăng trên số 2) cho biết đã ngay lập tức phát động hai cuộc thi gồm: Cuộc thi “Thi đua phá hoại kinh tế của địch” cho các cá nhân, đơn vị bộ đội, dân quân du kích và đoàn thể trong 3 tháng 11, 12/1948 và tháng 1/1949. Giải nhất sẽ là một chiếc áo quý giá do Hồ Chủ tịch gửi tặng. Giải nhì sẽ là 500 đồng và một sản phẩm nội hoá của Bộ Kinh tế.

Cùng với đó, tờ tin Mặt trận Kinh tế còn tổ chức cuộc thi sáng tác thơ, ca dao, phóng sự về các vấn đề kinh tế với 3 giải thưởng 500 đồng và một sản phẩm nội hoá toà soạn Mặt trận Kinh tế tặng cho 3 tác phẩm hay nhất.

mat-tran-kinh-te-to-tin-tien-than-cua-bao-cong-thuong-20220824165110

 Trang nội dung tờ tin Mặt trận Kinh tế số 2 xuất bản tháng 12/1948.

Tờ số 4 xuất bản tháng 3 và tháng 4 với những bài viết nổi bật như “Phá mưu mô giặc Pháp, đánh bại bọn đầu cơ”; “Bài trừ xa xỉ phẩm”; “Nạn hiếm nhân công”; “Nước Phi Luật Tân có được độc lập thật sự hay không?”; “Sự tiến triển của nghề làm giấy”;…

Tờ Mặt trận Kinh tế số 11 xuất bản tháng 5/1950, số ra ngày kỷ niệm sinh nhật Hồ Chủ Tịch. Trên trang bìa số báo này, bài viết “1890 - 1950 Lễ thượng thọ của Hồ Chủ Tịch” có nội dung: “Hồ Chủ Tịch trước đây 30 năm, là người Việt Nam đầu tiên thấy rõ muốn giải phóng dân tộc Việt Nam phải có một sự liên kết chặt chẽ với phong trào thợ thuyền thế giới và phong trào giải phóng của các thuộc địa và bán thuộc địa dưới ách đế quốc chủ nghĩa.

Người cũng là người Việt Nam đầu tiên nhận thấy nước Việt Nam muốn thoát khỏi tình trạng phụ thuộc về kinh tế tất phải nỗ lực chiến đấu giành độc lập về chính trị. Muốn cuộc chiến đấu có kết quả phải có một Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Năm 1930, Người đứng ra thống nhất các nhóm tiền phong cách mạng của thợ thuyền thành một Đảng tiền phong duy nhất của giai cấp vô sản để lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc và thực hiện dân chủ thực sự.

Năm 1941, đứng trước nạn phát xít thống trị thế giới Người chủ trương lập mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, tập trung và thống nhất mọi lực lượng của dân tộc thành một trào lưu mạnh mẽ để đánh bại phát xít chủ nghĩa, và chủ nghĩa thực dân phản động, nhờ đó mà cuộc Cách mạng tháng 8 thành công rực rỡ”.

Trang bìa số 14 xuất bản tháng 8/1950 đã đăng nguyên văn “Lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh độc lập 1950”.

Có thể nói, dù đã trải qua gần 75 năm, nhưng những nội dung của tờ Mặt trận Kinh tế vẫn còn vẹn nguyên giá trị với thời gian. Đây cũng là hành trang vô giá cho thế hệ những người làm ngành công nghiệp, thương mại ngày hôm nay phát huy giá trị truyền thống của thế hệ trước để lại. 

Quang Thắng (t/h)

Tin khác

Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 122/KH-UBND về triển khai thí điểm Ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà và dữ liệu dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Hàng trăm y tá từ khắp California đã mặc áo sơ mi đỏ và cầm biển hiệu ghi “Hãy tin tưởng y tá, không phải AI” biểu tình bên ngoài Trung tâm Y tế San Francisco của Kaiser Permanente để phản đối việc hệ thống bệnh viện lớn sử dụng trí tuệ nhân tạo để chăm sóc cho các bệnh nhân.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Đó là thông điệp được Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đưa ra tại buổi thăm và làm việc tại Liên hiệp các Hội khoa học và ký thuật Việt Nam (VUSTA) vào chiều ngày 23/4 vừa qua.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Viện Phát triển và Quản lý quốc tế (IMD) phối hợp Tổ chức Thành phố Thông minh bền vững thế giới (WeGO) tháng 4/2024 đã công bố bảng xếp hạng các thành phố thông minh hàng đầu thế giới năm 2024. Trong đó, Hà Nội đứng ở vị trí thứ 97.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Tỉnh đoàn Thanh Hóa phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức Hội nghị biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 vào sáng 23/4 tại TP Sầm Sơn.