SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 18/04/2024
  • Click để copy

Chuyện chưa kể về 'bác sĩ sách' chuyên phục chế những văn tự cổ

12:52, 28/05/2022
Những tư liệu quý, sách cổ xưa viết bằng chữ Hán Nôm đã cũ nát, hư hỏng theo thời gian dần hồi sinh khi qua bàn tay của 'bác sĩ sách' Bùi Tiến Phúc.

Anh Bùi Tiến Phúc, được nhiều người yêu thương gọi với cái tên 'bác sĩ sách'. Anh chính là người hồi sinh những cuốn sách có tuổi đời cả trăm năm, góp phần cho công tác bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp, quý giá của Việt Nam qua các tư liệu xưa.

Hồi sinh sách cũ, rách nát

Công việc cứu chữa những trang sách xưa của anh Phúc được gọi là nghề “phục chế hiện vật chất liệu giấy”. Đây được xem là nghề độc nhất Việt Nam hiện nay. Người làm công việc này như một bác sĩ, chỉ khác đối tượng khám chữa bệnh  là những thư tịch, quyển sách, những bức tranh hay sắc phong cổ xưa…

Công việc phục chế giấy đòi hỏi sự tập trung cao độ, bởi vì trải qua mấy thế kỷ, các trang sách đều đã bị hư hỏng, rất mỏng và có nhiều vết rách do mọt ăn. Chỉ cần người phục chế không cẩn thận một chút có thể khiến sách trở nên nặng hơn, thậm chí rách luôn cả trang sách.

Để phục chế những cuốn sách bị hư hỏng trở về nguyên bản nhất cần trải qua 19 bước khác nhau, kết hợp cả phương pháp 'điều trị' vật lý và phương pháp hoá học.

2a

Sắc phong cổ xưa khi đến tay anh Phúc đã cũ và hư hỏng nặng. (Ảnh: NVCC)

2b

Qua bàn tay khéo léo của bác sĩ sách, tấm sắc phong được hồi sinh. (Ảnh: NVCC)

“Việc phục chế sách cũ phải tuân thủ theo những nguyên tắc khoa học mới mang đến hiệu quả lâu dài. Với những thư tịch có tuổi đời hàng trăm năm, người chữa sách giỏi phải có am hiểu sâu sắc. Trước tiên, phải khám bệnh, “giải phẫu” cuốn sách đó. Ở mỗi công đoạn phải hết sức tỉ mỉ, quan sát nhận diện được loại giấy, kỹ thuật in và lối đóng.

Tiếp đó là hàng loạt các kỹ thuật công phu 'bác sĩ sách' cần ghi chép chi tiết hiện trạng, đánh số trang, rồi tiến hành làm vệ sinh, yêu cầu cứu chữa với những chất liệu chuyên biệt. Kế đó là kiểm tra độ pH và thử axit cho giấy. Một công đoạn cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ không kém, đó là nấu hồ, tu bổ cục bộ (vá rách, bổ khuyết) và bồi nền”, anh Phúc chia sẻ.

Anh Phúc cho biết riêng công đoạn tách rời từng trang sách phải cẩn trọng và tỉ mỉ, công đoạn này cũng rất nhiều thời gian. Có sách mất vài tiếng giải thể tách từng trang, thậm chí là vài ngày, có cuốn anh mất gần 1 tuần mới làm xong, do đó để hoàn thành một cuốn sách tốn rất nhiều thời gian và công sức.

Sau khi giải thể sách, vệ sinh cẩn thận anh Phúc sẽ kiểm tra tình trạng hư hỏng của sách để đưa ra phương pháp, liệu trình 'điều trị' phù hợp nhất. Đối với các trang sách bị thủng bởi mối mọt, anh Phúc sẽ dùng giấy dó đã được nhuộm màu gần giống màu của trang sách để bồi giấy, che đi các lỗ thủng. Với các trang sách bị ố màu do thời gian, anh sẽ ngâm vào thuốc hóa học để làm trang sách trắng trở lại. Cứ như vậy anh Phúc đã hồi sinh cho hàng trăm trang sách một cách cẩn thận.

123967919_345452636459617

Anh Bùi Tiến Phúc đang biểu diễn kỹ thuật phục chế giấy. (Ảnh: NVCC)

Tuy nhiên, việc phục chế sách không phải lúc nào cũng thành công, anh Phúc cho biết có những cuốn sách khi đến tay anh đã bị axit nghiêm trọng, giấy giòn tan, đụng tay vào là vỡ ra từng miếng rất khó cứu chữa, phục chế về nguyên trạng.

“Một số thư tịch, sắc phong cũ từng trải qua phục chế không đúng cách hay bị dán băng keo vài chục năm khó lòng mà cứu chữa được. Dán băng keo lên mặt sau không có chữ thì có thể cứu được, dán ngay mặt chữ cố gắng gỡ ra thì con chữ đi theo băng keo, tôi có giỏi đến đâu cũng đành bó tay, mất nét chữ rồi phục chế lại cũng vô nghĩa”, anh Phúc chia sẻ.

Để có thể 'bắt bệnh' và 'chữa trị' cho từng trang sách, người phục chế phải hiểu tất cả các kiến thức về giấy, từ nguyên liệu, cấu tạo, cho đến kỹ thuật in ấn, đóng sách, thậm chí là cả kiến thức về hội họa, hóa học. Do vậy anh Phúc đã dành gần 6 năm học tập và thực hành thành thạo nghề tại Đài Loan.

262465312_461278306210382

Bộ dụng cụ anh Phúc dùng để cứu chữa hàng trăm trang sách xưa.

Cùng với đó, tất cả các dụng cụ để làm đều được anh nhập khẩu từ Nhật Bản, Đài Loan, Anh, Mỹ nên rất đắt đỏ. Vì vậy chi phí phục chế sách không hề rẻ, có sách chi phí từ 1 - 3 triệu, còn tranh cổ có thể đến 10 triệu.

Hiện nay, nghề phục chế giấy còn quá mới lạ, chưa được nhiều người biết đến, do đó nhiều người không biết 'bác sĩ sách' hay 'bác sĩ giấy' là gì. “Tôi phải học tập rất nhiều kiến thức chuyên ngành, kỹ thuật mới có thể ra hành nghề được. Tại sao có bác sĩ cho người, cho động vật mà không có bác sĩ cho sách? Trên thế giới người ta đã làm nghề này lâu rồi, chỉ có Việt Nam mình còn mới lạ nên nhiều người vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của công việc này”, anh Phúc tâm sự.

Hành trình đến với nghề phục chế sách độc nhất Việt Nam

Cơ duyên đưa anh Bùi Tiến Phúc - chàng sinh viên nghèo đến từ mảnh đất đầy nắng gió Bình Thuận đến với công việc phục chế tư liệu giấy là cả hành trình dài từ việc yêu sách, tư liệu Hán Nôm cổ khi còn học chuyên ngành Hán Nôm tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Khi là sinh viên Khoa Văn học, anh Phúc được tiếp cận bộ môn Hán Nôm. Cùng với đó, trong những chuyến đi thực tế ở các đình chùa, khu di tích, anh được đọc những thư tịch cổ, sắc phong viết bằng chữ Hán Nôm khiến anh rất thích thú.

Tuy nhiên, cầm những cuốn sách, tư liệu quý trên tay anh cảm thấy đau lòng khi nhiều giấy tờ bị hư hỏng nặng nề, do nhiều nguyên nhân tác động như yếu tố thời tiết, khí hậu, cách bảo quản…

219656308_4170463529669113_73632740360620637_n

 Sách xưa bị hư hỏng nặng. (Ảnh: NVCC)

Sau khi tốt nghiệp năm 2012, anh làm công việc sưu tầm các tài liệu cổ tại thư viện Huệ Quang (TP.HCM). Hằng ngày tiếp xúc với sách cổ xưa lại khiến anh trăn trở làm thế nào để hồi sinh những cuốn sách cổ xưa trở lại hiện trạng trước đây.

Năm 2014 anh mang nỗi trăn trở đó sang Đài Loan theo ngành học về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, hy vọng tìm ra phương pháp cứu chữa những trang sách cổ đã hư hỏng theo thời gian.

Ở Đài Loan, sinh viên Việt Nam sang học rất nhiều nhưng đa phần học ngành kinh tế, marketing… Riêng anh Phúc, đơn độc trên chính hành trình theo đuổi ước mơ của mình. Có đôi khi, sự kiên trì của anh bị lay động vì mọi người khuyên anh từ bỏ, theo nghề này không có tương lai. Anh cũng có chút băn khoăn là học xong, về nước có sống được với nghề hay không, nhưng sự kiên trì, niềm đam mê đã níu giữ chân anh ở lại.

“Đối với những ngành nhiều người học, các bạn sẽ học được kinh nghiệm của người đi trước, còn tôi cứ lủi thủi một mình. Nhiều lần nản chí lắm nhưng tôi tự động viên mình rằng bất kỳ ngành gì, nếu mình theo đuổi đến cùng, làm tốt nhất có thể thì sẽ thành công...”, anh Phúc chia sẻ.

241205584_609151933841104

Vợ chồng anh Bùi Tiến Phúc miệt mài tu bổ phục chế sách tại Hán Nôm Đường. (Ảnh: NVCC)

Chương trình thạc sĩ ở Đài Loan chỉ 2 năm, nhưng anh Bùi Tiến Phúc đã nán lại 6 năm vì ở đó có những “bệnh viện sách” nơi để anh Phúc có cơ hội thực hành, học hỏi. Cuối năm 2019, anh mang tất cả kiến thức, kinh nghiệm phục chế giấy về Việt Nam mở “bệnh viện giấy” Hán Nôm Đường để thực hiện những dự định dang dở trước đó.

Sau khi trở về Việt Nam, anh đã nhanh chóng khẳng định được sự kiên trì, nỗ lực theo đuổi công việc này là đúng đắn. Tuy nhiên, anh Bùi Tiến Phúc còn nhiều trăn trở về tương lai của công việc anh làm hiện tại. Theo anh, đây là một công việc rất ý nghĩa vì nó góp phần bảo tồn di sản, tri thức nhân loại. Do đó, cần có thêm nhiều người trẻ theo nghề phục chế sách, để xã hội thấy được tầm quan trọng của công việc này.

Anh chia sẻ rằng sách, tư liệu cổ ngày càng nhiều, do vậy anh vừa làm việc vừa kết hợp đào tạo thêm người trẻ để kế thừa công việc của mình. Hiện tại Hán Nôm Đường của anh có 3 nhân viên, vừa phụ việc vừa được anh dạy nghề miễn phí.

Thanh Thảo

Tin khác

Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - UBND Thành phố Hà Nội mới đây đã chính thức khởi động chương trình hỗ trợ ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trên truyền hình và ứng dụng đa phương tiện. Theo đó, từ ngày 19/4, học sinh có thể theo dõi các chương trình ôn tập trực tuyến trên kênh H2 của Đài PT-TH Hà Nội và ứng dụng HANOI ON.
Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - “Tuổi trẻ sáng tạo” là một trong những phong trào truyền thống của đoàn thanh niên các cấp trên địa bàn Quảng Ninh. Phong trào này đi sâu, đi sát vào những nhiệm vụ mà tỉnh và các địa phương đang triển khai.
Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Ngày 17/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 của 115 trường trung học phổ thông công lập. Theo đó, thành phố sẽ tuyển 61% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 công lập.
Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Nhằm đảm bảo trật tự kinh doanh, góp phần bình ổn thị trường, nâng cao chất lượng công tác tổ chức Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2024, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuyên suốt thời gian diễn ra lễ hội.
Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Tỉnh ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa vừa có Thư kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.