SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 24/04/2024
  • Click để copy

Chuyện buồn về lòng tự trọng của người làm nghệ thuật: Ẵm giải từ tác phẩm đạo nhái

07:16, 24/11/2020
(SHTT) - Thời gian qua liên tiếp xảy ra những vụ đạo nhái tác phẩm trong nghệ thuật. Nhức nhối nhất chính là nhiều tác phẩm dự thi đạo nhái và vẫn ung dung đoạt giải. Vậy lòng tự trọng của nghệ sĩ ở đâu?

Mới đây nhất, một tiết mục giải nhì cuộc thi Tài năng biểu diễn múa 2020 đã bị tố đạo tác phẩm nước ngoài. Cụ thể, tác phẩm 'Số không' - biên đạo - huấn luyện: Mai Minh Anh Khoa - Lê Hải, biểu diễn Huỳnh Nhựt Hòa, Thạch Hiểu Lăng đã đạt giải nhì khi tham dự cuộc thi Tài năng biểu diễn múa 2020.

Tuy nhiên ngay sau khi buổi diễn tổ chức ngày 9/10 được đăng trên YouTube, một tài khoản nước ngoài tên là MN Dance Company đã bình luận tiết mục Số không của Việt Nam sao chép tác phẩm S/HE của công ty này.

nghe thuat

 Hình ảnh tác phẩm "Số không" của Việt Nam (Ảnh cắt từ clip)

"Thật buồn khi người biên đạo điệu múa sao chép phần vũ đạo của chúng tôi và ký tên dưới tác phẩm này. Tác phẩm của chúng tôi được thực hiện vào năm 2017... Biên đạo múa đã sử dụng âm nhạc từ màn trình diễn của chúng tôi, vốn do Diaphane sáng tác.

Tác phẩm của chúng tôi có thể được sử dụng như khơi gợi nguồn cảm hứng chứ không phải để sao chép. Nếu muốn sử dụng tác phẩm của chúng tôi, các bạn cần xin phép. Xin cảm ơn", dòng bình luận của tài khoản MN Dance Company.

nghe thuat 1

 Tác phẩm "S/HE" (Ảnh cắt từ clip)

Dễ nhận thấy Số không giống S/HE từ vũ đạo, âm nhạc, đến cách sử dụng đạo cụ trên sân khấu.

Ngay khi nhận được phản ánh tác phẩm đoạt giải Nhì bảng B (múa đương đại) bị tố “đạo nhái”, Ban tổ chức cuộc thi đã có buổi họp, trao đổi về vụ việc.

“Chúng tôi đã giao phòng Nghệ thuật liên lạc hai thí sinh Thạch Hiểu Lăng, Huỳnh Nhựt Hòa yêu cầu làm tường trình rõ về sự việc. Ban tổ chức cuộc thi thống nhất rằng, nếu có vi phạm sẽ xử lý theo quy định. Vi phạm đến đâu xử lý đến đó, không bao che”, ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn khẳng định.

Không chỉ vậy, thời gian gần đây, một số họa sĩ đã thông tin trên Facebook về việc bức tranh cổ động Hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của họa sĩ Dương Ngân Hải được Cục Văn hóa cơ sở trao giải khuyến khích cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền năm APEC Việt Nam 2017 là tác phẩm "đạo nhái" lại một bức tranh cổ động về kỳ Thế vận hội 1980 tổ chức tại Liên Xô của một họa sĩ Liên Xô.

Tiếp đó, bức tranh cổ động Một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng của họa sĩ này tham dự cuộc thi sáng tác tranh cổ động Tuyên truyền văn hóa năm Chủ tịch ASEAN 2020 do Cục Văn hóa cơ sở tổ chức cũng là một tác phẩm đạo nhái lại bức tranh cổ động của một họa sĩ Ukraine đã từng công bố năm 2015.

Nhà báo Phan Việt Hùng - một người có nhiều năm du học ở Liên Xô cũ - cho biết tác phẩm mà họa sĩ Dương Ngân Hải đã "mượn" cho sáng tác Hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng là một trong những bức tranh cổ động tiêu biểu nhất về kỳ Thế vận hội 1980 do họa sĩ A. Arkhipenko sáng tác.

Nguyên bản của tác phẩm này được in tuyên truyền ở Liên Xô từ năm 1978, phía dưới hình chú chim bồ câu có dòng chữ tiếng Nga màu đỏ có nghĩa "Thể thao phục vụ hòa bình và tình hữu nghị các dân tộc". 

Tác phẩm còn có một phiên bản bằng tiếng Anh phục vụ công tác đối ngoại, chỉ có dòng chữ MOSCOW 1980.

Không chỉ in ápphich dán nơi công cộng, để phục vụ tuyên truyền, từ 1978 Liên Xô đã cho in bưu thiếp, in lịch bỏ túi có hình bức tranh cổ động này của họa sĩ A. Arkhipenko. 

nghe thuat 2

 Bức tranh cổ động của hoạ sĩ H. (bên phải) bị cho là đạo một tác phẩm của một hoạ sĩ Ukraina. 

Dấu hỏi về lòng tự trọng của người làm nghệ thuật

Trả lời báo chí, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết quy trình thẩm định, chấm chọn các tác phẩm tranh cổ động để trao giải và phục vụ công tác tuyên truyền được triển khai rất chặt chẽ. Tuy nhiên, thực tế vẫn xảy ra những vụ việc tác phẩm vi phạm bản quyền tham dự các cuộc thi. Ở đây vẫn phải nói đến vấn đề trách nhiệm của người có tác phẩm tham gia.

Đồng tình, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cũng cho rằng đạo tranh là do ý thức bản quyền và đạo đức nghề nghiệp của họa sĩ kém. Còn hoạ sĩ Ngô Quang Dương, Giám đốc Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định “nguyên nhân sâu xa của thực trạng này bắt nguồn từ sự tồn tại của một thị trường tranh thiếu định hướng”. 

Quả thực, sự “thiếu định hướng” này thể hiện trong tư duy và nhận thức của tác giả, trong lỗ hổng của công tác thẩm định tranh thật – giả, thị hiếu của khán giả. Song đáng trách nhất chắc chắn vẫn chính là tác giả. Sau rất nhiều vụ việc đạo, nhái bị phát giác, vấn đề xâm phạm quyền tác giả đã được nêu ra trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, báo đài trong nhiều năm nay.

nghe thuat 3

  Nhiều bức tranh cổ động không chỉ giống về ý tưởng mà gần như trùng khớp về hình ảnh. 

Việc tác giả nói rằng “không biết hành vi của mình là hành vi đạo nhái” rõ ràng chỉ là một lời nguỵ biện. Lý do này được cho là “chống chế” cho tư duy nghệ thuật nghèo nàn, đạo đức làm nghề yếu kém, cũng như hiểu biết sơ sài về tác quyền và sở hữu trí tuệ. 

Có thể thấy các cơ quan thực thi pháp luật cần hoàn thiện hơn nữa những quy định pháp lý, tăng chế tài xử phạt các hành vi "chôm chỉa" trong nghệ thuật. Nhưng gốc rễ của vấn đề vẫn phải nằm ở lòng tự trọng, ở đạo đức của người nghệ sĩ. Nghệ thuật nghĩa là mỗi người phải tự đi một con đường của riêng mình, sáng tạo những cái mới mang dấu ấn cá nhân chứ không phải cóp nhặt hay đạo ý tưởng của người khác, hòng kiếm danh lợi từ cái không phải của mình.

Nếu việc "đạo nhái" từ tác phẩm của người khác có mang đến thành công cho người nghệ sĩ thì thành công đó cũng chỉ giống như bong bóng xà phòng, sẽ tiêu tan bất cứ lúc nào, khi công chúng phát hiện ra. Một khi không có lòng tự trọng, không biết tôn trọng chính mình và người khác, thì người sáng tạo không thể xứng với danh xưng nghệ sĩ. Vì vậy, những người làm nghệ thuật chân chính và muốn đi lâu dài trên con đường của mình hơn ai hết phải biết trân trọng sự thật, trung thực tận cùng với mình, giữ cho lòng tự trọng của mình không bị nhuốm màu. Chỉ khi sự tự giác đó có trong mỗi người nghệ sĩ, thì nạn đạo nhái mới có thể được đẩy lùi.

Hà Vân

Tin khác

Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Trải qua hơn 2 tháng phát động cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, BTC đã tìm ra được top 20 dự án xuất sắc nhất.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Ngày 24/11 và 25/11, vòng thi chọn Top 20 Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã diễn ra bằng hình thức pitching trực tuyến. Dự án Smart VieLinkit thuộc bảng dự thi Mô hình Đổi mới sáng tạo đã xuất sắc lọt vào top 20.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Quản trị tài sản trí tuệ tại các cơ quan đặc biệt giúp ta hiểu rõ về hơn về các quy trình, biểu mẫu, các điều khoản cần thiết trong các quy chế, quy định.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Cuộc thi “Giải pháp thương mại hóa sáng chế 2021” đã đi một nửa chặng đường trong hành trình tìm kiếm các phương án, cách thức áp dụng các bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích vào thực tiễn, từ đó tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Buổi tập huấn thứ 6 trong chuỗi chương trình của Làng Sáng chế và Doanh nghiệp ĐMST phối hợp với Hội Sáng chế Việt Nam, hưởng ứng sự kiện khởi nghiệp ĐMST Quốc gia Techfest 2021 với chủ đề: “Thẩm định giá tài sản trí tuệ” được diễn ra vào lúc 8h00 sáng chủ nhật ngày 07/11/2021.
Liên kết hữu ích