SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 28/10/2024
  • Click để copy

Chuỗi liên kết chăn nuôi lợn truyền thống xã Thanh Cao: Hướng đi bền vững cho trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ

15:40, 28/10/2024
(SHTT) - Chuỗi liên kết chăn nuôi lợn theo phương thức truyền thống tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội theo quy trình khép kín tạo ra sản phẩm thịt lợn truyền thống 3S TramXanhFood đang đáp ứng hiệu quả xu thế chăn nuôi bền vững, đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn.

Trong bối cảnh ngành chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn, việc liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp, người chăn nuôi theo chuỗi hứa hẹn là điểm sáng nổi bật. Trong đó, chuỗi liên kết chăn nuôi lợn theo phương thức truyền thống tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội theo quy trình khép kín, đảm an toàn sinh học, bảo vệ sinh môi trường, tạo ra sản phẩm thịt lợn truyền thống 3S TramXanhFood gắn với sự phát triển của những giá trị truyền thống đang là mô hình đáng học hỏi nhằm đáp ứng xu thế chăn nuôi bền vững, đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn cho trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ.

Những khó khăn trong ngành chăn nuôi lợn

Hiện nay, bên cạnh những ưu điểm mà chăn nuôi theo hình thức công nghiệp mang lại thì cũng phải kể đến những mặt hạn chế như: Vốn đầu tư ban đầu quá lớn không phải hộ dân nào cũng áp dụng được, nhiều điểm dịch bệnh bùng phát, nhiều trang trại lạm dụng chất kháng sinh, chất tạo nạc ảnh hưởng đến chất lượng thịt, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do mật độ nuôi lớn trong khi hệ thống xử lý chất thải chưa đáp ứng đồng bộ.

Bên cạnh đó, mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, chủ yếu tập trung ở các vùng quê có nghề nấu rượu, làm đậu, làm bún giúp người dân gia tăng thu nhập. Việc chăn nuôi nhỏ lẻ tại các nông hộ tiềm ẩn ô nhiễm môi trường sống của người dân do chủ yếu chăn nuôi trong khu dân cư. Bên cạnh đó nhiều hộ dân chưa nhận thức đúng đắn về an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y và vấn đề ô nhiễm môi trường sống. Đặc biệt, bài toán tìm đầu ra cho sản phẩm luôn là điệp khúc khó giải…

Tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai từ nhiều năm nay vẫn có các hộ dân duy trì nghề nấu rượu kết hợp với chăn nuôi lợn. Bà con chăn nuôi cơ bản theo phương thức truyền thống, chất lượng thịt thơm ngon nhưng hạn chế nhất là chưa có tính chuyên nghiệp trong quy trình sản xuất, chưa ứng dụng được công nghệ vào chăn nuôi và giám sát sản xuất, vấn đề môi trường vẫn còn nhiều nan giải. Đặc biệt hơn là vấn đề đầu ra sản phẩm còn nhiều bấp bênh.

a1

Chăn nuôi lợn nhỏ lẻ tại xã Thanh Cao 

Nhận thấy những ưu điểm về chất lượng lượng thịt từ hình thức chăn nuôi lợn bằng bỗng rượu kết hợp với nấu cám truyền thống, đồng thời cũng nhằm khắc phục những hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ manh mún không ổn định đầu ra, TramXanhFood (Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Trạm Xanh) đã liên kết hợp tác với các trang trại, nông hộ chăn nuôi lợn tại xã Thanh Cao thành lập chuỗi liên kết chăn nuôi lợn truyền thống theo Nghị Định 98/2018/NĐ-CP (khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp).

Chuỗi liên kết chăn nuôi lợn theo phương thức truyền thống

Theo số liệu tổng hợp từ Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay trên toàn thành phố đã xây dựng và phát triển được 159 chuỗi; trong đó nhiều chuỗi được tổ chức khép kín từ khâu sản xuất đến phân phối, tiêu thụ sản phẩm.

Cụ thể, chuỗi liên kết chăn nuôi lợn theo phương thức truyền thống tại xã Thanh Cao bước đầu đã tạo ra hướng đi mới cho trang trại, nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhằm chuẩn hóa về quy trình sản xuất, quản lý chặt chẽ về an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, ứng dụng công nghệ sinh học vào trong chăn nuôi sản xuất, ứng dụng công nghệ 4.0 vào giám sát chăn nuôi và truy xuất nguồn gốc đầu ra sản phẩm, đặc biệt tạo ra chuỗi liên kết chặt chẽ từ trang trại đến bàn ăn, người dân sẽ không lo về đầu ra. Từ đó góp phần khắc phục những hạn chế trong mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ và thúc đẩy ngành chăn nuôi có hướng phát triển mới mang tính bền vững, đem lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi cũng như cung cấp thực phẩm chất lượng phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

1

 

Quy trình chăn nuôi khép kín, giảm thiểu phát thải

Chuỗi liên kết chăn nuôi lợn theo phương thức truyền thống với quy trình khép kín. Giai đoạn nuôi lợn con, giai đoạn nuôi lợn trưởng thành, giai đoạn nuôi lợn để xuất chuồng diễn ra đúng quy trình; thức ăn tự nhiên từ cám gạo, bột ngô, bột cá, bã đậu, bỗng rượu, rau xanh.. được nấu chín kết hợp bổ sung chế phẩm sinh học giúp đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho sự phát triển của lợn; nguồn nước sạch; đáp ứng điều kiện về chuồng trại; quản lý dịch bệnh; quá trình giết mổ và pha lóc đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng thịt; phân phối thị trường và hơn hết là việc xử lý chất thải đúng cách nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường.           

a2

 Chăn nuôi lợn truyền thống theo mô hình khép kín

Song song với quy trình khép kín, chuỗi liên kết hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn. Trong đó, chất thải từ các trang trại chăn nuôi lợn sẽ được thu gom, tập kết và xử lý thành phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ trồng cây, trồng rau để biến thành thức ăn đầu vào cho lợn. Từ đó tạo thành quy trình khép kín vừa giảm phát thải, an toàn sinh học, vừa tăng hiệu quả kinh tế.

Từ “truyền thống”...

Chuỗi liên kết chăn nuôi lợn theo phương thức truyền thống lấy yếu tố thức ăn đặt lên hàng đầu. Đảm bảo nguồn thức ăn đầu vào được kiểm soát bởi chất lượng, hoàn toàn không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Nguồn thức ăn tự nhiên bao gồm cám gạo, bột ngô, bột cá, bã đậu, bỗng rượu, thức ăn thừa, rau xanh… tất cả được đem nấu chín bằng nồi, chảo thủ công giống như cách nấu cám lợn ngày xưa tạo ra nguồn thức ăn dinh dưỡng, kích thích hệ tiêu hóa giúp lợn ăn ngon, ngủ khỏe, cải thiện chất lượng thịt.

a3

Cám nấu, bỗng rượu - yếu tố thức ăn làm nên hương vị thịt lợn xưa 

Đặc biệt, trong nguồn thức ăn tự nhiên của lợn sử dụng bỗng rượu được người chăn nuôi tự ủ lên men hoặc tận dụng từ quá trình nấu rượu. Theo đánh giá của các nông hộ chăn nuôi lợn truyền thống trong chuỗi liên kết, việc sử dụng bỗng rượu trong khẩu phần ăn của lợn cho thấy hiệu quả rõ rệt như ngoại hình lông da của lợn đẹp hơn, kích thích tính thèm ăn của lợn, hệ tiêu hóa hoạt động tốt giúp lợn ít mắc bệnh. Thịt lợn được nuôi từ cám nấu và bỗng rượu có màu hồng tươi, lớp mỡ dày dặn, độ kết dính cao, có mùi thơm đặc trưng và khi chế biến thịt thơm, ngọt chuẩn hương vị thịt lợn xưa.

… Đến “công nghệ 4.0”

Chuỗi liên kết chăn nuôi lợn kế thừa những giá trị truyền thống trong việc sử dụng thức ăn cám nấu thủ công từ thời xưa kết hợp với việc ứng dụng công nghệ hiện đại 4.0 trong quá trình chăn nuôi, quản lý chăn nuôi giúp cải thiện năng suất, chất lượng thịt.

Đối với việc ứng dụng công nghệ sinh học, sử dụng chế phẩm sinh học phối trộn vào thức ăn giúp đàn lợn cải thiện sự cân bằng vi khuẩn đường ruột, đàn lợn tiêu hóa thức ăn tốt, ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn có hại. Đồng thời, chế phẩm sinh học trong thức ăn góp phần hạn chế mùi hôi thối trong chất thải của lợn ra bên ngoài môi trường.

a5

Ứng dụng công nghệ vi sinh vào chăn nuôi lợn truyền thống 

Chuỗi liên kết sử dụng hệ thống camera giám sát tại các trang trại, kết nối với thiết bị thông minh như tivi, điện thoại để theo dõi, quản lý chăn nuôi, quản lý an toàn sinh học nhằm giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi cũng như dịch bệnh từ việc di chuyển không an toàn của nông hộ, người ngoài khi vào tham quan chuỗi liên kết chăn nuôi.

Việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc truy xuất nguồn gốc đảm bảo tính minh bạch của chuỗi chăn nuôi và tạo dựng lòng tin vững chắc từ phía người tiêu dùng. Chỉ với một lần quét mã QR trên bao bì sản phẩm thịt lợn truyền thống 3S, khách hàng sẽ dễ dàng tiếp cận thông tin chi tiết về nguồn gốc, thời gian nuôi, quy trình chăn nuôi, và các chứng nhận liên quan. Điều này giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi lựa chọn sản phẩm cho gia đình.

Giải quyết bài toán tìm đầu ra cho người chăn nuôi

Chăn nuôi lợn theo phương thức cám nấu truyền thống thuận tự nhiên nên thời gian lợn xuất chuồng rơi vào khoảng 7 đến 8 tháng, thời gian lâu hơn so với chăn nuôi thông thường. Thời gian nuôi kéo dài không chỉ gia tăng chi phí thức ăn, chi phí vệ sinh chuồng trại, mà còn tạo ra áp lực trong việc tìm kiếm đầu ra cho thịt lợn. Nhằm đồng hành cùng người chăn nuôi lợn truyền thống tại xã Thanh Oai, trong lần hợp tác này TramXanhFood đóng vai trò là đơn vị chủ chuỗi liên kết có nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật công nghệ, chuẩn hóa quy trình sản xuất, giám sát quy trình kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm giúp người chăn nuôi an tâm hơn trong vấn đề tìm đầu ra cho thịt lợn. 

Quy trình chăn nuôi lợn truyền thống khép kín từ trang trại đến bàn ăn, kiểm soát chất lượng từ đầu vào thức ăn của lợn, chăn nuôi, quá trình pha lóc chế biến diễn ra nghiêm ngặt đến thành phẩm cuối cùng là những miếng thịt lợn truyền thống 3S sạch, tươi, ngon, chuẩn hương vị xưa tới tay người tiêu dùng.

a4

Thịt lợn truyền thống 3S TramXanhFood 

Chúng tôi đề cao sự phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi lợn truyền thống tại xã Thanh Cao. Đây là cơ hội cho TramXanhFood khẳng định vai trò của mình trong việc liên kết hợp tác với các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, hướng tới những giải pháp bền vững và phát triển chăn nuôi theo chuỗi. Đồng thời là cầu nối cung cấp nguồn thực phẩm sạch đến người tiêu dùng, đảm bảo sức khỏe, nâng cao giá trị cuộc sống.

Chuỗi liên kết tại xã Thanh Cao đánh dấu một bước khởi đầu quan trọng cho TramXanhFood trong mục tiêu xây dựng và phát triển chuỗi chăn nuôi lợn truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng chuỗi liên kết chăn nuôi này tại huyện Ứng Hòa, Hoài Đức, Đông Anh, Chương Mỹ… kết hợp với các làng nghề nấu rượu, làm đậu truyền thống. Việc kết hợp mô hình chăn nuôi lợn và nấu rượu sẽ tạo ra một chiếc kiềng ba chân vững chắc, không chỉ tận dụng nguồn nguyên liệu bỗng rượu dồi dào làm thức ăn cho lợn mà còn góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.

Để mở rộng chuỗi chăn nuôi lợn theo phương thức truyền thống tại xã Thanh Cao và xây dựng thêm các chuỗi liên kết chăn nuôi khác trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian tới cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa người chăn nuôi, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước.

Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Theo Nghị định, hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (liên kết) là việc thỏa thuận, tự nguyện cùng đầu tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của nông dân, cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp (gọi chung là các bên tham gia liên kết) để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

PV

Tin khác

Kinh tế 1 phút trước
(SHTT) - Chuỗi liên kết chăn nuôi lợn theo phương thức truyền thống tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội theo quy trình khép kín tạo ra sản phẩm thịt lợn truyền thống 3S TramXanhFood đang đáp ứng hiệu quả xu thế chăn nuôi bền vững, đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn.
Kinh tế 25 phút trước
(SHTT) - Sáng 28/10 tại Mỹ Đình, UBND TP. Hà Nội và Bộ Công Thương tổ chức Tuần lễ kết nối chuỗi sản xuất, tiêu dùng bền vững cho cơ sở làng nghề truyền thống năm 2024.
Kinh tế 7 giờ trước
(SHTT) - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành Kế hoạch số 301/KH-UBND về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2025. Nội dung kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025 Thủ đô sẽ có trên 1.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Vừa qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa) đã ban hành Kế hoạch số 249-KH/HU về thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.