Chuối Lào Cai được bảo hộ nhãn hiệu: Nâng cao giá trị nông sản địa phương
Ngày 14/5, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Lào Cai bắt đầu cấp thí điểm quyền sử dụng nhãn hiệu “Chuối Lào Cai” cho các nông dân ở “thủ phủ” chuối Bản Lầu (Mường Khương) của tỉnh, mang về cơ hội mới cho người trồng chuối của Bản Lầu nói riêng và của toàn tỉnh Lào Cai nói chung.
Dự án Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Chuối Lào Cai” do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lào Cai chủ trì, được triển khai trong 2 năm, từ tháng 3/2017 đến hết tháng 2/2019, bao gồm nội dung đăng ký xác lập quyền cho sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Chuối Lào Cai” và quản lý nhãn hiệu chứng nhận.
Sau thời gian thẩm định, xét duyệt hồ sơ đăng ký, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm chuối cho sản phẩm "Chuối Lào Cai", bảo hộ cho 3 nhóm: Nhóm 03: Tinh dầu chuối; Nhóm 30: Chuối sấy, mứt chuối; Nhóm 31: Quả chuối tươi.
Chuối là một trong nhiều loại cây ăn quả được nông dân Lào Cai trồng thành vùng tập trung. Trong những năm qua, nông dân trồng chuối cung ứng cho các tỉnh miền xuôi và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, mang về nguồn thu trên 400 tỷ đồng mỗi năm.
Cây chuối được trồng chủ yếu tại xã Trịnh Tường, Nậm Chạc, A Mú Sung, Cốc Mỳ, Bản Qua, Cốc San thuộc huyện Bát Xát; xã Bản Lầu, Lùng Vai, Nậm Chảy thuộc huyện Mường Khương; xã Bản Phiệt, Bản Cầm, Thái Niên thuộc huyện Bảo Thắng và xã Vạn Hòa thuộc thành phố Lào Cai.
Cùng với dứa, chuối được coi là cây trồng góp phần xóa đói giảm nghèo giữ vững ổn định xã hội, hạn chế có hiệu quả tình trạng người dân địa phương đi làm thuê bên kia biên giới.
Hiện, toàn tỉnh có trên 2.000 hecta chuối, sản lượng 60.000 tấn/năm, chủ yếu là giống chuối tiêu hồng trồng theo phương pháp cấy mô, tập trung tại các huyện Mường Khương, Bát Xát, Bảo Thắng và thành phố Lào Cai. Riêng tại “thủ phủ” chuối Bản Lầu (Mường Khương) có trên 700 hecta.
Việc nhãn hiệu “Chuối Lào Cai” được công nhận sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và phát huy thế mạnh của địa phương.
Sản phẩm chuối Lào Cai được cấp văn bằng bảo hộ đã nâng số văn bằng được cấp nhãn hiệu của tỉnh lên 213 văn bằng. Riêng huyện Mường Khương đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 8 nhãn hiệu.
Hiện nay, tỉnh đang hỗ trợ nhãn hiệu “Dứa Mường Khương”; Sở Khoa học và Công nghệ đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí bảo hộ nhãn hiệu “Sa nhân tím Mường Khương” và “Chè Ô long Cao Sơn”. Tại hội nghị, Sở Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu cho 20 hộ dân của các xã Bản Lầu, Lùng Vai và Nậm Chảy.
Hải Tùng