Chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án sản xuất buôn bán hàng giả với nhiều tình tiết đáng ngờ về 'trùm cuối'
Ngày 5/6/2025, TAND TP Hà Nội mở phiên phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Bùi Huy Hóa (SN 1989, trú tại Vụ Bản, Nam Định); Phạm Thị Hảo (SN 1990, trú Vụ Bản, Nam Định) và Trần Thị Thu Trang (SN 1986, trú tại TP Nam Định, tỉnh Nam Định).

Phiên tòa sơ thẩm vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả” và “Buôn bán hàng giả” đối với các bị cáo hồi tháng 7/2024. Ảnh: Phạm Thảo
Trước đó, tháng 7/2024, TAND huyện Thanh Trì (cấp sơ thẩm) tuyên bị cáo Hóa 5 năm tù; Hảo và Trang mỗi người 36 tháng tù tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”. Bị cáo Trần Văn Thủy (Giám đốc Công ty Thủy Phát) lĩnh 36 tháng tù về cùng tội danh.
Bản án xác định, Thủy lập Công ty Thủy Phát, chịu trách nhiệm điều hành, chỉ đạo việc nhập hàng hóa và trực tiếp thanh toán tiền hàng. Trong khi đó, Hóa với chức danh trưởng phòng kinh doanh của công ty đã chịu trách nhiệm chào hàng, tìm kiếm khách hàng mua bán các sản phẩm nội thất, thanh nhôm và tìm nguồn nhập hàng cho công ty; Hảo là nhân viên kiểm kê hàng nhập, xuất kho.
Theo hồ sơ vụ án, tháng 12/2022, do có khách hỏi mua nhôm Xingfa nên Hóa tìm nguồn nhập chính hãng. Tuy nhiên, do giá nhập cao, bị cáo Hóa và Trần Văn Thủy cùng buôn bán nhôm Xingfa giả. Thông qua Zalo, nhóm Hóa và Thủy đặt hàng giữa Công ty Thủy Phát và Công ty TNHH Nhôm Mal Việt Nam, sản xuất 5 tấn thanh nhôm biên dạng với giá 78.000 đồng/kg.
Do Công ty Thủy Phát thi thoảng nhập nhôm Xingfa Quảng Đông chính hãng, để khắc phục nguồn tem đầu bó, Hóa kể với ông Huang Min Han (người Đài Loan, là Phó giám đốc Công ty Nhôm Mal Việt Nam), nhờ ông này giúp đỡ.
Khoảng tháng 4/2023, sau khi có đủ các loại tem, Hóa thông báo với Công ty Nhôm Mal Việt Nam cần xuất hàng và đề nghị họ cân trọng lượng, xếp gọn hàng riêng một chỗ rồi tìm người bọc màng ni lông cho các thanh nhôm, dán tem Xingfa Quảng Đông giả ở đầu mỗi bó...
Cáo trạng cho rằng, khi bị cáo Trần Thị Thu Trang (nhân viên Công ty Nhôm Mal Việt Nam) chào bán hàng thì có khách hỏi mua nhôm Xingfa giả. Do không có sản phẩm, Trang hỏi, được bị cáo Thủy đồng ý bán giá 95.000 đồng/kg. Khi khách chuyển 40 triệu đồng, Trang chuyển lại cho Thủy 38 triệu đồng, giữ lại 2 triệu đồng chi tiêu.
Sáng 30/5/2023, Hóa và Hảo bốc hơn 2 tấn nhôm Xingfa giả lên ô cho tài xế đi giao thì bị cơ quan chức năng bắt giữ tại huyện Thanh Trì, Hà Nội. Khám xét kho hàng, Cơ quan điều tra thu giữ hơn 3,1 tấn nhôm giả, giá trị 321 triệu đồng.
Với các hành vi trên, tại Bản Cáo trạng số 53/CT-VKS-TT ngày 02/4/2024 của Viện KSND huyện Thanh Trì, vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả” đã truy tố 4 bị cáo, tuy nhiên ngay tại Phiên tòa sơ thẩm ba bị cáo Hóa, Hảo và Trang đã lên tiếng kêu oan vì họ chỉ là những công nhân làm công ăn lương và thực hiện công việc do Giám đốc chỉ đạo.
Tại phiên Tòa sơ thẩm, để chứng minh vai trò của mình chỉ là nhân viên làm theo chỉ đạo trong vụ án, 3 bị cáo này đã cung cấp các chứng cứ chứng minh việc sản xuất hàng giả tại một Công ty của người nước ngoài thành lập tại Việt Nam với đủ dây chuyền công nghệ và máy móc thiết bị để thực hiện và việc bàn bạc, thống nhất sản xuất hàng giả là do Ban lãnh đạo hai Công ty TNHH đầu tư phát triển Thủy Phát và Công ty TNHH Nhôm Mal Việt Nam thực hiện.
Đơn kháng cáo của 3 bị cáo cũng cho biết, mặc dù đã cung cấp bằng chứng mới, tuy nhiên các bị cáo cho rằng Tòa án đã bỏ qua chứng cứ mới và vẫn tiến hành xét xử và Tòa án cho rằng chỉ một bị cáo đã đủ khả năng sản xuất hàng giả.
Việc có tới 2 Công ty tham gia sản xuất, buôn bán hàng giả nhưng chỉ 1 nhân viên chịu trách nhiệm trước pháp luật theo phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm là không phù hợp.
3 bị cáo Hóa, Hảo và Trang cho rằng bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện Thanh Trì ngày 11/7/2024 chưa đánh giá đầy đủ, toàn diện tài liệu chứng cứ có trong vụ án được nộp tại phiên toà sơ thẩm, từ đó chưa xác định đúng vị trí, vai trò của các bị cáo ở trong vụ án, dẫn đến việc nhận định, đánh giá, kết luận không đúng về trách nhiệm hình sự của các bị cáo, đồng thời có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Do đó, các bị cáo Trang, Hảo, Hóa đã kháng cáo toàn bộ Bản án hình sự sơ thẩm vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả” và “Buôn bán hàng giả” ngày 11/7/2024 của TAND huyện Thanh Trì, TP Hà Nội.
Luật sư Phạm Văn Thảo đến từ Công ty luật TNHH S-Life Việt Nam (thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội), người bào chữa cho 3 bị cáo Hóa, Hảo, Trang đưa ra quan điểm không đồng tình với bản án cấp sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Thanh Trì, bởi lẽ bản án cấp sơ thẩm là chưa khách quan vì những tài liệu luật sư cung cấp cho HĐXX cấp sơ thẩm có thể làm thay đổi bản chất của vụ án nhưng không được HĐXX cấp sơ thẩm chấp nhận.
Luật sư Phạm Văn Thảo cho biết, quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, ông nhận thấy rằng từ đầu đến khi kết thúc giai đoạn điều tra lời khai của các bị cáo không hoàn toàn thống nhất, nhiều điểm mâu thuẫn, mà những tình tiết mâu thuẫn này lại liên quan trực tiếp và có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định hành vi phạm tội, của bị cáo cũng như bản chất của vụ việc. Điều này dẫn đến việc bản chất vụ án chưa được chứng minh rõ ràng, còn nhiều vấn đề khúc mắc có dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm.
Vị luật sư đại diện của 3 bị cáo đã chỉ ra trong lời khai của bị cáo Trần Văn Thủy và bị cáo Bùi Huy Hóa còn nhiều mâu thuẫn chưa có sự nhất quán trong lời khai, Cơ quan điều tra không tiến hành thủ tục đối chất giữa các bị cáo. Cùng với đó, tại phiên Tòa sơ thẩm bị cáo Hóa có sự thay đổi lời khai tại phiên Tòa sơ thẩm là bị cáo chỉ thực hiện theo sự chỉ đạo của bị cáo Thủy tuy nhiên HĐXX cấp sơ thẩm chưa tiến hành xem xét đánh giá lời khai khách quan của các bị cáo trong quá trình giải quyết vụ án, bên cạnh đó khi có sự thay đổi lời khai của bị cáo Hóa tại phiên Tòa thì HĐXX cũng không tiến hành cho hai bị cáo đối chất tại phiên Tòa để làm rõ các tình tiết còn khúc mắc cần được làm rõ trong vụ án để đảm bảo cho việc xét xử đúng người đúng tội.
Ngoài ra, những tài liệu, chứng cứ của vụ án chưa được thu thập đầy đủ, tình tiết vụ án còn nhiều điểm chưa sáng tỏ có dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm. Có thể kể đến, trong lời khai của ông Li Shen Zhou thể hiện việc ông Li Shen Zhou không biết về việc công ty MAL trong việc sản xuất và mua bán nhôm Xingfa Quảng Đông giả tuy nhiên trong lời khai của các bị can thể hiện việc ông Li Shen Zhou có chỉ đạo Hạnh giúp Hóa thực hiện việc in tem và tham gia vào quá trình sản xuất, buôn bán hàng giả.
Với nhiều nghi vấn chưa được làm rõ, luật sư Phạm Văn Thảo đề nghị HĐXX hủy bản án cấp sơ thẩm để điều tra lại nhằm làm rõ mục đích, động cơ thực hiện hành vi phạm tội, xác định đồng phạm, vai trò của bị cáo cũng các vấn đề khác có ý nghĩa làm sáng tỏ tình tiết vụ án, tránh bỏ lọt tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo Bùi Huy Hóa, Trần Thị Thu Trang, Phạm Thị Hảo.
"HĐXX cần xem xét làm rõ lại lời khai của các bị cáo nhằm làm rõ xem có hay không việc ai là người chỉ đạo thực hiện việc sản xuất mặt hàng thanh nhôm Xingfa Quảng Đông giả", luật sư Phạm Văn Thảo nói.
"Một bản án Phúc thẩm không bỏ lọt tội phạm, đúng người, đúng tội và đúng hình phạt về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” đang rất được dư luận đặc biệt quan tâm, luật sư Phạm Văn Thảo khẳng định.
PV
TIN LIÊN QUAN
-
Chuyển cơ quan điều tra vụ cửa hàng kinh doanh sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Gucci, Dior
-
Phát hiện và thu giữ số lượng lớn 'hàng lậu' tại Công ty Thương mại Á Châu
-
Khởi tố doanh nghiệp kinh doanh viên hoàn Quân vương Nhất sinh đan chưa được cấp phép
-
Nghi vấn chi nhánh CP Freshop ở Sóc Trăng trà trộn 'thịt bệnh' vào thị trường
Tin khác
