SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 18/04/2024
  • Click để copy

Chưa có quy định xử lý tài sản trí tuệ khi tách công ty

11:40, 11/05/2023
Công ty Cổ phần Vận chuyển Sài Gòn Tourist sử dụng bộ nhận diện thương hiệu tương tự Saigontourist Group gây nhầm lẫn cho khách hàng, nhưng đơn vị này từng là công ty con thuộc Saigontourist Group.

Công ty Cổ phần Vận chuyển Sài Gòn Tourist từng có quan hệ mẹ - con với Tổng Công ty du lịch Sài Gòn - Saigontourist Group. Năm 2013, Nhà nước đã thoái hết vốn tại Công ty Vận chuyển Sài Gòn Tourist. Từ đây, doanh nghiệp này chính thức không còn liên quan đến Saigontourist Group. Thế nhưng đến nay, doanh nghiệp này tiếp tục sử dụng bộ nhận diện thương hiệu tương tự của Saigontourist Group, gây hiểu lầm cho khách hàng.

Doanh nghiệp có đang vi phạm sở hữu trí tuệ?

Theo luật sư Huỳnh Duy Toàn (Đoàn Luật sư TP.HCM), Công ty Cổ phần Vận chuyển Sài Gòn Tourist có xâm phạm nhãn hiệu của Saigontourist Group hay không sẽ dựa trên hồ sơ, tài liệu liên quan đến quá trình tạo ra nhãn hiệu này, thỏa thuận giữa các bên liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu (nếu có) trong giai đoạn Công ty Cổ phần Vận chuyển Sài Gòn Tourist còn là công ty con thuộc Saigontourist Group; thỏa thuận cho phép sử dụng của chủ sở hữu nhãn hiệu sau khi đã được cấp văn bằng (nếu có). Ngoài ra, còn có thể phụ thuộc vào quan điểm của cơ quan giải quyết tranh chấp.

Trả lời Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo liên quan đến sự việc tài xế Công ty Cổ phần Vận chuyển Sài Gòn Tourist "chặt chém" du khách Nhật Bản khi thu đến 1,2 triệu tiền cước cho quãng đường 7km từ sân bay Tân Sơn Nhất về khách sạn ở Quận 1 (giá cược thật khoảng 120.000 đồng), Sở Du lịch TP.HCM cho đến ngày 10/5, đơn vị chưa nhận được thông tin phản ánh hay trình báo của du khách về nội dung sự việc. Tuy nhiên, Sở Du lịch TP.HCM ghi nhận thông tin và sẽ liên hệ các cơ quan, đơn vị chức năng để xác minh sự việc.

Luật sư Toàn cho rằng với một trường hợp cụ thể khi nhãn hiệu đã được các tổ chức trong cùng một tập đoàn sử dụng, sau đó một pháp nhân trong số đó được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Khi các pháp nhân này không còn quan hệ sở hữu vốn hoặc liên kết khác và phát sinh tranh chấp về nhãn hiệu thì việc tổ chức đã sử dụng nhãn hiệu trước khi chủ sở hữu nhãn hiệu được cấp văn bằng có được tiếp tục sử dụng các dấu hiệu này làm nhãn hiệu hay không hiện nay chưa có quy định điều chỉnh, hướng dẫn.

Còn theo luật sư Phan Vũ Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, mặc dù trước đây giữa 2 công ty có thể đã từng tồn tại quan hệ công ty mẹ và công ty con, tuy nhiên trong trường hợp Công ty Cổ phần Vận chuyển Sài Gòn Tourist đã tách khỏi Saigontourist Group thì sẽ được coi là 2 pháp nhân hoàn toàn độc lập.

Luật sư Tuấn cho rằng sự việc sẽ tương đối phức tạp nếu chỉ nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh trước đây 2 công ty đã từng có mối quan hệ mẹ - con. Trong trường hợp này cần xét đến bản chất của vấn đề, cụ thể là các tài sản sở hữu trí tuệ đang thuộc sở hữu của pháp nhân nào. Nói cách khác, để đánh giá vụ việc cần xét đến các Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có chứa dấu hiệu chữ "SAIGONTOURIST" đã được cấp cho công ty nào.

saigon tourist

Hình ảnh nhãn hiệu đã được bảo hộ có chứa chữ “SAIGONTOURIST” đăng ký cho dịch vụ vận chuyển hành khách. Ảnh chụp màn hình 

Theo thông tin tra cứu trên hệ thống Thư viện số về Sở hữu Công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, nhiều công ty đăng ký nhãn hiệu chứa chữ "SAIGONTOURIST" cho dịch vụ vận tải, trong đó có thể kể đến như Tổng công ty du lịch Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn một thành viên; Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ lữ hành SAIGONTOURIST; Công ty cổ phần vận chuyển Sài Gòn Tourist; Công ty cổ phần đầu tư thương mại Saigontourist.

Tuy nhiên, các Văn bằng bảo hộ có chứa chữ "SAIGONTOURIST" chỉ được cấp cho 2 công ty, cụ thể là Tổng công ty du lịch Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Saigontourist Group) và Công ty TNHH một thành viên dịch vụ lữ hành Saigontourist (đơn vị thuộc Saigontourist Group). Điều đó có nghĩa là Công ty Vận chuyển Sài Gòn Tourist không sở hữu bất kỳ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu nào có chứa chữ "SAIGONTOURIST".

Với tư cách là chủ sở hữu các văn bằng bảo hộ nhãn hiệu có chứa chữ "SAIGONTOURIST", Tổng Công ty du lịch Sài Gòn hoàn toàn có quyền sử dụng và ngăn cấm người khác sử dụng dấu hiệu "SAIGONTOURIST" đối với các sản phẩm/dịch vụ đã được bảo hộ theo các giấy chứng nhận được cấp, bao gồm "dịch vụ vận chuyển hành khách" theo quy định tại Điều 123 Luật Sở hữu trí tuệ.

nhan hieu

Xe taxi Saigontourist thuộc Công ty Cổ phần Vận chuyển Sài Gòn Tourist vẫn sử dụng nhãn hiệu có cụm từ  "SAIGONTOURIST".

Trong trường hợp giữa 2 bên không có bất cứ thỏa thuận nào khác, việc Công ty Vận chuyển Sài Gòn Tourist sử dụng dấu hiệu "SAIGONTOURIST" có thể được xem xét là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của Tổng công ty du lịch Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn một thành viên và Công ty TNHH một thành viên dịch vụ lữ hành Saigontourist theo quy định tại Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo đó, Saigontourist Group hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp được quy định tại Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ để tự bảo vệ tài sản của mình, ví dụ như yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm, yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm, khởi kiện ra tòa án,...

Chưa có quy định chia tách nhãn hiệu đối với công ty mẹ và công ty con

Pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định cụ thể việc xử lý các tài sản sở hữu trí tuệ khi tách công ty con ra khỏi công ty mẹ.

Tuy nhiên có thể liên hệ với trường hợp nhãn hiệu liên kết khi công ty mẹ là chủ sở hữu của các nhãn hiệu tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại (hoặc tương tự nhau, hoặc có liên quan với nhau) trong hệ sinh thái kinh doanh của mình. Khi có nhu cầu chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình trong các công ty con thì cùng với việc bán lại phần vốn góp, các bên có thể thỏa thuận việc chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu liên quan cho công ty con.

saigontourist

 Hiện pháp luật chưa có quy định về việc xử lý các tài sản sở hữu trí tuệ khi tách công ty con ra khỏi công ty mẹ.

Với trường hợp Saigontourist Group thoái vốn hoàn toàn khỏi Công ty Cổ phần Vận chuyển Sài Gòn Tourist, đây đơn thuần là việc chuyển nhượng cổ phần. Theo đó Saigontourist Group không còn là cổ đông sở hữu cổ phần trong mối quan hệ với Công ty Cổ phần Vận chuyển Sài Gòn Tourist nữa. Những vấn đề khác như về việc sử dụng các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ giữa các bên sẽ phải tiếp tục thực hiện theo hợp đồng chuyển quyền sử dụng đã có hoặc thông qua việc cho phép sử dụng bằng một hợp đồng mới sau thời điểm thoái vốn.

Theo luật sư Toàn, Công ty Cổ phần Vận chuyển Sài Gòn Tourist không phải đồng chủ sở hữu nhãn hiệu (theo dữ liệu của Cục SHTT thì Công ty cổ phần vận chuyển Saif Gòn Tourist chưa được cấp văn bằng). Vì vậy, để không bị xem là xâm phạm nhãn hiệu, họ phải chứng minh có sự cho phép của chủ sở hữu nhãn hiệu khi sử dụng. Việc chứng minh sẽ dựa trên tài liệu, chứng cứ thể hiện nội dung có sự cho phép của chủ sở hữu nhãn hiệu, cụ thể là Saigontourist Group hoặc tổ chức khác đã được cấp văn bằng bản hộ.

Trong khi đó, luật sư Phan Vũ Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM cho rằng pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về việc xử lý các tài sản sở hữu trí tuệ khi tách công ty con ra khỏi công ty mẹ, nhưng có thể nhìn nhận và đánh giá vụ việc dựa vào các nguyên tắc cơ bản của pháp luật nói chung và Luật Sở hữu trí tuệ nói riêng.

Công ty nào đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thì công ty đó là chủ sở hữu của nhãn hiệu đó. Chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép cá nhân, công ty khác sử dụng nhãn hiệu được cấp giấy chứng nhận hay không là do thỏa thuận giữa các bên (nếu có) thông qua hợp đồng.

Trường hợp không có bất kỳ thỏa thuận nào, chủ sở hữu của nhãn hiệu "SAIGONTOURIST" hoàn toàn có quyền yêu cầu Công ty Vận chuyển Sài Gòn Tourist chấm dứt hành vi vi phạm và/hoặc yêu cầu cơ quan hành chính Nhà nước xử lý và/hoặc khởi kiện yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, bồi thường thiệt hại,… theo quy định của pháp luật hiện hành.

Ngoài ra qua vụ việc này, luật sư Tuấn cho rằng trong trường hợp công ty mẹ cho phép công ty con sử dụng các tài sản trí tuệ của mình, cần có những văn bản thỏa thuận cụ thể hoặc hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hoặc quy chế sử dụng tài sản trí tuệ.

Theo đó, các văn bản, hợp đồng, quy chế nên có những nội dung cơ bản như: Chủ sở hữu tài sản trí tuệ, nguyên tắc sử dụng, phạm vi sử dụng, thời gian sử dụng,... Việc quy định rõ ràng và chi tiết sẽ góp phần thống nhất cách sử dụng tài sản trí tuệ, xây dựng được hình ảnh ổn định trong mắt người tiêu dùng, nâng cao giá trị doanh nghiệp trong tương lai.

Võ Liên

 

Tin khác

Tài sản trí tuệ 12 giờ trước
(SHTT) - Luật Nhãn hiệu mới của Trung Quốc cho thấy cam kết của quốc gia này trong việc chống lại việc đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu.
Tài sản trí tuệ 14 giờ trước
(SHTT) - Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 16/4/2024, Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh của bà Đ.T.T tại địa chỉ: phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, phát hiện 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc xuất xứ có tổng trị giá 300 triệu đồng.
Tài sản trí tuệ 17 giờ trước
(SHTT) - Thực hiện kế hoạch và công văn chỉ đạo của Cục QLTT về tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường công tác giám sát trên địa bàn, qua đó phát hiện nhiều sai phạm về hàng hóa.
Tài sản trí tuệ 20 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, một nghệ sĩ quyết định khởi kiện Shein với cáo buộc thương hiệu này đã vi phạm bản quyền khi sử dụng AI để sao chép tác phẩm của mình.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Vụ kiện bản quyền vaccine COVID-19 của Moderna đối với Pfizer và BioNTech được tạm ngừng sau quyết định của tòa án Massachusetts, khi Cục Sở hữu trí tuệ Mỹ xem xét hiệu lực hai trong ba bằng sáng chế của công ty này.