SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 24/04/2024
  • Click để copy

Chùa Cổ Lễ (Nam Định): Vẻ uy nghiêm trầm mặc của một cổ tự hàng ngàn năm lịch sử

07:34, 29/01/2022
(SHTT) - Chùa Cổ Lễ tọa lạc tại thị trấn Cổ Lễ, Trực Ninh, Nam Định, là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, một di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia của vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng, với kiến trúc độc đáo mang trong mình vẻ uy nghiêm trầm mặc của một cổ tự ngàn năm lịch sử.

Chùa cũng là một trong những quần thể kiến trúc Phật Giáo độc đáo bậc nhất của tỉnh Nam Định cũng như của đồng bằng sông Hồng nói chung. Chùa có tên chữ là “Thần Quang Tự”, được xây dựng từ thế kỉ thứ 12 thời Lý Thần Tông, thờ Phật và Đức Thánh tổ Nguyễn Minh Không. Chùa Cổ lễ mang trong mình nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc và là di tích lịch sử trong kháng chiến.

Người sáng lập chùa Cổ Lễ

Quốc sư Nguyễn Minh Không (hay còn gọi là Lý Quốc Sư) là một vị cao tăng đứng đầu tổ chức Phật giáo của triều đại nhà Lý. Vì có nhiều công lớn như chữa bệnh cho nhà Vua và nhân dân nên ông là một trong những nhân vật lịch sử có thật được tôn là đức Thánh, và được thờ ở rất nhiều chùa, đền theo kiểu “Tiền Phật hậu Thánh”.

Ngoài ra ông còn được tôn vinh là ông tổ của nghề đúc đồng và là ông tổ của nghề Đông y Việt Nam, đồng thời cũng là vị thiền sư sáng lập lên nhiều ngôi chùa nhất Việt Nam trong lịch sử. Chùa Cổ Lễ là một trong những ngôi chùa lớn được ông thành lập và còn nguyên giá trị, vẻ đẹp cho đến ngày nay.

Ngôi chùa với kiến trúc độc đáo

chua co le

 Toàn cảnh chùa Cổ Lễ

Khi đến thăm chùa Cổ Lễ, chắc hẳn chúng ta sẽ thấy choáng ngợp trước phong cảnh hữu tình nơi đây cùng cấu trúc, kiến trúc của quần thể công trình. Nhìn từ xa chùa mang dáng dấp của một nhà thờ nhưng khi lại gần nhìn kĩ thì là một ngôi chùa với những họa tiết trang trí, đường nét hoa văn, phù điêu mang biểu tượng Phật giáo, mái cuộn, hoa sen,…

Chùa Cổ Lễ là một chỉnh thể gồm nhiều công trình kiến trúc khác nhau, trải rộng theo hướng Đông -Tây, trên một diện tích gần 10 mẫu Bắc bộ. Chùa Cổ Lễ có sự khác biệt rất lớn và rõ rệt về kiến trúc so với các ngôi chùa cổ khác ở Việt Nam. Nếu như chùa cổ Việt Nam thường thấp và trải rộng bề ngang với bộ khung gỗ lim vững chắc thì chùa Cổ Lễ không những rộng mà còn rất cao với kiến trúc mái vòm kiên cố. Có thể nói chính sự khéo léo kết hợp giữa các yếu tố kiến trúc cổ truyền với kiến trúc Gô-tích của Gia-tô giáo đã làm nên nét khác biệt, độc đáo của ngôi chùa này.

chua co le1

 Tượng sư tổ Nguyễn Minh Không - Người sáng lập ra chùa Cổ Lễ

Điểm nhấn của tổng thể kiến trúc chùa Cổ Lễ chính là tháp Cửu phẩm liên hoa thuộc loại kiến trúc nhiều tầng vươn cao dần lên không trung, đây là một đặc trưng của kiến trúc nhà Phật. Tháp cao 32m, do chín tầng hoa sen liên kết hợp thành, mang ý nghĩa “cửu trùng” là chín tầng trời, đặc thù tín ngưỡng của đạo Phật. Đế tháp được đặt trên lưng một con rùa lớn, đầu quay vào phía chùa. Con rùa được nằm giữa một hồ nước hình vuông, bốn góc là bốn hòn núi giả khá lớn, có đắp bốn con voi to bằng voi thật. Trong lòng tháp có cầu thang gồm 98 bậc xoắn ốc đến đỉnh. 

chua co le2

 Tháp Cửu Liên Hoa

Tiếp theo ngôi tháp là chiếc cầu cuốn cong ba nhịp bắc qua hồ Chu Tích (hồ Núi). Mặt cầu lát gạch cổ dẫn vào chùa Trình, còn gọi là Phật giáo Hội quán. Chùa Trình được xây vào năm 1936 và trùng tu vào năm 2001.

Sau lưng chùa Trình có một cái hồ lớn, giữa hồ có một quả chuông nặng 9.000kg gọi là Đại Hồng Chung. Quả chuông cao 4,2m, đường kính 2,2m, thành dày 8cm. Đây là một trong những quả chuông lớn nhất ở Việt Nam. Miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước và một số văn tự bằng chữ Nho. Tương truyền, khi thỉnh Đại Hồng Chung thì cả tỉnh Nam Định và một vài vùng lân cận sẽ nghe được tiếng chuông ngân.

Hàng năm, lễ hội chùa Cổ Lễ diễn ra từ ngày 13 – 16/9 âm lịch nhằm tướng nhớ ngày ngài Nguyễn Minh Không hóa thân (14/9), một ngày đã đi vào tiềm thức nhân dân qua câu ca dao:

“Dù ai buôn bán trăm nghề

Mười tư tháng chín thì về hội Ông”.

Đây là một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của tỉnh Nam Định nói riêng và cư dân đồng bằng sông Hồng nói chung còn bảo lưu được nhiều nghi thức, trò chơi dân gian đặc sắc như rước kiệu, bơi trải, múa rối, tổ tôm điếm… phản ánh đời sống sinh hoạt văn hóa phong phú, đa dạng của cư dân nông nghiệp lúa nước.

 Bùi Hợp

Tin khác

Giải trí 23 giờ trước
(SHTT) - Có thể nói, Carnaval Hạ Long là một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc nhất, lễ hội đường phố ấn tượng nhất mỗi dịp hè về đã được Quảng Ninh duy trì, phát triển suốt nhiều năm qua, để lại những dấu ấn, kỷ niệm sâu sắc trong lòng mỗi du khách khi được hoà mình vào không khí lễ hội.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Adidas hiện đang phải đối mặt với sự thẩm vấn gay gắt của tòa phúc thẩm Hoa Kỳ trong nỗ lực khôi phục vụ kiện tuyên bố hãng thời trang Thom Browne đã xâm phạm nhãn hiệu ba sọc mang tính biểu tượng của công ty.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Ngày 21/4, Hooked Entertainment tổ chức buổi họp báo ra mắt thông báo chính thức trở lại thị trường âm nhạc điện tử Việt Nam và mong muốn đưa dòng nhạc EDM này trở lại thời kì “hoàng kim”.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Hi_King Lake, khu resort đẳng cấp, một danh xưng mang dấu ấn đặc biệt của vùng đất “địa linh nhân kiệt”, gắn liền với nhiều điển tích lịch sử từ thời vua Lê, mang vẻ đẹp hài hòa của thiên và nhân tạo đem đến cho du khách những trải nghiệm nghỉ dưỡng sang trọng độc đáo mà hiếm nơi nào có được.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Theo kế hoạch, Quảng trường biển Sầm Sơn, quảng trường biển lớn nhất Thanh Hóa, rộng 2ha với sức chứa hơn 10.000 người sẽ khánh thành trước ngày nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm nay.