SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Cán bộ không làm được việc không thể là… 1%!

08:22, 03/12/2013
Quốc hội cần tiến đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật làm cơ sở thực hiện văn hóa từ chức. Đây là đề xuất của cử tri tại buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào hôm qua, 2-12-2013, tại TPHCM.

Tạo cơ sở thực hiện văn hóa từ chức

“Quốc hội cần phải quyết liệt hơn trong đổi mới hoạt động giám sát, có thái độ kiên quyết, dứt khoát đối với những trả lời chưa thỏa đáng”, cử tri Lê Văn Minh (quận 1) nêu bức xúc. Cũng nêu rằng còn nhiều ý kiến trả lời chưa nhìn thẳng vào sự thật (như vụ oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn) tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri Lê Đình Cây (quận 1) đề nghị Quốc hội tiến đến việc bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật làm cơ sở để thực hiện văn hóa từ chức. Cụ thể là đưa Luật Từ chức vào Quốc hội để thảo luận.

Cử tri Trần Quang Tuấn (quận 1) đặt vấn đề: “Tại sao ở nhiều nước, khi có vấn đề gì xảy ra gây ảnh hưởng nghiêm trọng thì người đứng đầu nhận trách nhiệm và từ chức. Phải chăng do luật đất nước họ rõ ràng nên nếu không từ chức sẽ phải nhận trách nhiệm cao hơn, hình thức xử lý nặng nề hơn?”.

Hiệu quả phòng chống tham nhũng chưa cao

Vấn đề hiệu quả phòng chống tham nhũng (PCTN) tiếp tục được nhiều cử tri quận 1 và quận 3 phản ánh. Cử tri hoan nghênh việc đưa các đại án tham nhũng ra xét xử và đã kết án một cách rất nghiêm minh, mang tính răn đe mạnh mẽ. Tuy nhiên hầu hết các cử tri đều cho rằng hiệu quả PCTN vẫn chưa cao. Nhất là hệ thống các công cụ thanh kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng… đang có nhiều vấn đề. Cử tri đề nghị phải hành động một cách mạnh mẽ hơn nữa.

“Người dân đang đặt rất nhiều kỳ vọng trong việc chống tham nhũng. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cần phải có những hành động đột phá, táo bạo trong cách làm để mang lại hiệu quả một cách thực sự. Đừng để “quyết liệt” làm, nhưng “quyết” xong rồi thì lại “liệt”, không làm được”, cử tri Trần Quang Tuấn (quận 1) bức xúc nói.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu: Từ bức xúc của bà con cho thấy, bên cạnh những cái làm được trong PCTN thì cái chưa làm được còn rất lớn và chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật. Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cần phải tiếp tục thực hiện một cách thật tốt Nghị quyết Trung ương 4; thẳng thắn đấu tranh; tăng cường công khai minh bạch để công tác PCTN mang lại hiệu quả cao hơn. “Về mặt giải pháp, đã có những điều chỉnh để tập trung vào khâu phát hiện tham nhũng… Đồng thời khâu xử lý cũng sẽ mạnh mẽ hơn, nghiêm minh hơn. Không thể để tình trạng thế này mãi được”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Tôn trọng ý kiến còn khác nhau

Trao đổi với cử tri Hồ Bá Chính (quận 3) về câu hỏi “Tại sao có sự chênh lệch về con số cán bộ không làm được việc, vì Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói chỉ có 1% còn nhiều đại biểu khác và dư luận lại cho rằng con số đó là 30%?”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: “Con số cụ thể thế nào thì phải điều tra để có cơ sở làm rõ, nhưng không thể là 1% được. Vì nếu 1% thì đã không nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 là “có một bộ phận không nhỏ…”. Đã nằm trong “một bộ phận không nhỏ…” này thì làm sao là cán bộ tốt, là công bộc của dân. Có dịp tôi sẽ trao đổi lại với Bộ trưởng Bộ Nội vụ cơ sở để tính ra tỷ lệ này như thế nào”, Chủ tịch nước cho hay.

Trước băn khoăn của cử tri về bản Hiến pháp mới thông qua tại kỳ họp Quốc hội này chưa được tán thành 100%, Chủ tịch nước chia sẻ: “Trước đây, thường một cái gì đó không được 100% thì mình khó chịu lắm. Còn bây giờ thì tình hình đã khác, tính dân chủ trong Đảng, trong xã hội ngày càng phát triển. Và mỗi người có cách tiếp cận, cân nhắc trước những quyết định hệ trọng. Vấn đề là phải tôn trọng các ý kiến còn khác nhau, lắng nghe, tranh luận và làm rõ dưới nhiều khía cạnh. Có thế xã hội mới phát triển được”. Theo Chủ tịch nước, việc thông qua Hiến pháp vừa rồi gần như tuyệt đối, chỉ có 2 đại biểu không biểu quyết, đó là kết quả không phải ở nước nào cũng có được.

Sớm đưa Hiến pháp sửa đổi đi vào cuộc sống

Ngày 2-12, các ĐBQH Lê Thanh Hải, Nguyễn Phước Lộc đã tiếp xúc cử tri quận 5 và quận 10. Các cử tri bày tỏ sự vui mừng trước việc Quốc hội đã thông qua Hiến pháp sửa đổi, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của toàn dân. Các cử tri kiến nghị Quốc hội tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện Hiến pháp sửa đổi để Hiến pháp sớm đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, các cử tri phát biểu lo lắng trước tình trạng tham nhũng, đầu tư tràn lan; việc thực hiện tinh giản biên chế chưa hiệu quả. Cử tri cũng đề nghị xây dựng đội ngũ lực lượng thẩm phán có trình độ, xử án theo lương tâm và trách nhiệm để tránh bỏ lọt tội phạm, không xét xử oan sai...

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tiếp xúc cử tri quận 5. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thay mặt tổ ĐBQH, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM cảm ơn và tiếp thu những ý kiến đóng góp tâm huyết, xác đáng của các cử tri; cho biết sẽ có biện pháp giải quyết những vấn đề trong thẩm quyền, đồng thời phản ảnh, báo cáo với cấp có trách nhiệm để giải quyết những vấn đề vượt ngoài thẩm quyền của thành phố. Đối với ý kiến góp ý của cử tri về việc nên thay đổi hình thức tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cho biết sẽ nghiên cứu hình thức phù hợp để các ĐBQH có điều kiện lắng nghe sâu sát hơn ý kiến của cử tri.

Tiếp tục phản đối việc lấy đất sân bay làm sân golf

Cũng trong chiều 2-12, các ĐBQH đơn vị số 5 gồm: Võ Thị Dung, Chủ tịch UBMTTQVN TPHCM, Phó trưởng đoàn ĐBQH TPHCM; Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội; Huỳnh Minh Thiện, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TPHCM, đã tiếp xúc với cử tri quận Tân Bình.

Phản ánh với đoàn, nhiều cử tri cho rằng việc chất vấn và trả lời chất vấn còn chưa thỏa đáng, né tránh trách nhiệm, không đủ liều lượng thời gian cần thiết; công tác chống tham nhũng, lãng phí còn chưa đạt kết quả như mong đợi; giá cả các mặt hàng tiếp tục leo thang; đời sống người dân còn khó khăn; các loại tệ nạn xã hội chưa giảm… Riêng vấn đề lấy đất trong sân bay Tân Sơn Nhất làm sân golf, do thông tin chưa được chuyển tải đầy đủ đến Quốc hội nên cử tri tiếp tục phản đối quyết liệt. Cử tri đề nghị các ngành chức năng có liên quan nên tổ chức đối thoại trực tiếp với dân và những người có chuyên môn cao để giải quyết vấn đề này.

Thay mặt tổ ĐBQH, đại biểu Võ Thị Dung ghi nhận những ý kiến tâm huyết của cử tri và cho biết đã làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng về vấn đề lấy đất sân bay làm sân golf, nhưng còn phải chờ ý kiến quyết định sau cùng của Thủ tướng Chính phủ. Bà Võ Thị Dung chỉ đạo UBMTTQ quận Tân Bình ghi nhận đầy đủ các ý kiến mà cử tri phản ánh, đồng thời gửi công văn đến đoàn ĐBQH TPHCM đề nghị Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dành buổi tiếp xúc cử tri quận Tân Bình trước kỳ họp lần thứ 7 tới của Quốc hội về vấn đề lấy đất sân bay Tân Sơn Nhất làm sân golf.

Tin khác

Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Thông qua công tác đổi mới hoạt động thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, việc giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn và trước hạn của Thành phố đạt tỷ lệ lên tới 99,7%.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Ngày 19/4, Apple cho biết rằng họ đã gỡ WhatsApp và Threads của Meta khỏi App Store ở Trung Quốc sau khi nhận lệnh từ chính phủ Trung Quốc với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
Tin tức 19 giờ trước
(SHTT) - Sáng 19/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, UBND Thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024.
Tin tức 19 giờ trước
(SHTT) - Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ toàn cầu đang leo thang, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế nhằm rút ngắn thời gian xem xét và kiểm tra các đơn đăng ký sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt và đổi mới công nghệ.
Tin tức 21 giờ trước
Lần đầu tiên, các đặc sản của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có cơ hội được các doanh nghiệp khách sạn, các resort Đà Nẵng bao tiêu đầu ra, hỗ trợ đào tạo nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.