SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 29/03/2024
  • Click để copy

Cho vay bất động sản vẫn tiếp tục 'phình to' tại các ngân hàng

06:13, 08/03/2022
(SHTT) - Tính đến cuối năm 2021, dư nợ cho vay bất động sản, xây dựng tiếp tục "phình to" tại một số nhà băng như MB, Vietcombank, ACB,...

MB, Vietcombank,... đang cho vay bất động sản ra sao?

Cùng với chứng khoán, bất động sản luôn được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xếp loại vào nhóm tín dụng có rủi ro cao so với các ngành, lĩnh vực kinh tế khác. Nhiều năm trở lại đây, cơ quan quản lý tiền tệ luôn dùng các biện pháp để kiểm soát dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này.

Bằng nhiều cách khác nhau, dòng tín dụng vẫn được các ngân hàng cung cấp đều đặn cho thị trường bất động sản và dư nợ cho vay lĩnh vực này ngày càng "phình to" tại nhiều nhà băng.

Đáng nói, theo số liệu tại báo cáo tài chính, kinh doanh bất động sản chỉ là một phần trong tổng dư nợ các ngân hàng cho vay có liên quan lĩnh vực bất động sản. Ngoài ra, số này bao gồm cả xây dựng, kinh doanh khách sạn, nhà hàng, khu du lịch, cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở khác…

Nếu tính cả dư nợ các lĩnh vực này, tỷ trọng cho vay liên quan đến bất động sản tại các nhà băng còn lớn hơn rất nhiều so với con số trên báo cáo tài chính.

Đơn cử tại MB, tính đến 31/12/2021, hoạt động cho vay kinh doanh bất động sản ghi nhận hơn 12.632 tỷ đồng, tăng 34% so với đầu năm và chỉ chiếm tỷ trọng hơn 3% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng.

Ngoài ra, MB đang cho vay ngành xây dựng hơn 22.523 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng hơn 6% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2021 tại MB.

Tiếp đó là quán quân lợi nhuận Vietcombank, theo báo cáo tài chính tại mục “phân tích dư nợ cho vay theo ngành" Vietcombank lại không đề cập tới dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản như ngân hàng MB.

Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 12/2021 dư nợ cho vay ngành xây dựng tại Vietcombank ở mức gần 86.629 tỷ đồng, tương đương tăng 22%, chiếm 9% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng;  dư nợ cho vay ngành nhà hàng, khách sạn cũng tăng mạnh 66% lên gần 16.922 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2021 tại Vietcombank.

Ngoài MB, Vietcombank thì ngân hàng ACB cũng đẩy mạnh cho vay bất động sản. Cụ thể, tính đến cuối tháng 12/2021 ACB dư nợ cho vay ngành xây dựng tăng 9% lên mức gần 16.142 tỷ đồng; cho vay ngành tư vấn và kinh doanh bất động sản tăng 13% lên mức hơn 5.375 tỷ đồng; nhà hàng và khách sạn ghi nhận hơn 2.347 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2021 tại ACB.

Đáng nói, một số nhà băng như Techcombank,... lại không công bố dư nợ cho vay theo ngành nghề.

Tín dụng vẫn chảy vào bất động sản qua kênh trái phiếu

Theo thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý IV/2021 và năm 2021 Bộ Xây dựng cho biết, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản tính đến 30/11/2021 đạt 690.075 tỷ đồng.

Tỷ lệ dư nợ tín dụng của hoạt động kinh doanh bất động sản ở khoảng 7% trên tổng dư nợ tín dụng. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, tỷ lệ này vẫn trong ngưỡng an toàn.

Đáng chú ý, ngoài nguồn tín dụng thông qua cho vay, các ngân hàng còn một kênh rót vốn cho lĩnh vực bất động sản là trái phiếu doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 3/12/2021 Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 8857/CĐ-VPCP yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra và rà soát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm tránh những tiềm ẩn, rủi ro về việc huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Ghi nhận tăng mạnh trong năm 2020 nhưng tỷ trọng dư nợ qua kênh trái phiếu vào lĩnh vực bất động sản vẫn chiếm phần nhỏ so với dư nợ qua kênh cho vay của ngân hàng.

Trong năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 214.440 tỷ đồng trái phiếu, tương đương hơn 9 tỷ USD, gấp ba lần so với năm 2020 là 71.000 tỷ đồng.

Tổng giá trị phát hành của nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm 36% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, có khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.

Theo Bộ Xây dựng, việc nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chuyển sang thực hiện huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, lượng phát hành với quy mô lớn, lãi suất cao (lãi suất phát hành trong khoảng 8 - 13%/năm), không có tài sản bảo đảm sẽ tiềm ẩn rủi ro cho thị trường.

Hà Phương

vnfinance.vn

Tin khác

Kinh tế 1 giờ trước
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cho biết giá cà phê lên cao và nhanh khiến họ không trở tay kịp.
Kinh tế 9 giờ trước
(SHTT) - Tại khu công nghiệp Hoàng Mai II (Nghệ An), Hainan Drinda - nhà sản xuất tấm quang điện tái tạo từ Trung Quốc, sẽ xây nhà máy sản xuất pin mặt trời 450 triệu USD.
Kinh tế 10 giờ trước
(SHTT) - Theo nghiên cứu của IDC, với việc khảo sát hơn 2.100 doanh nghiệp với tổng số hơn 13 triệu nhân viên tại 16 quốc gia trên toàn cầu cho thấy: mỗi đô la đầu tư vào AI, các công ty sẽ thu về lợi nhuận trung bình là 3,5 đô la đến 8 đô la.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Theo phân tích của Financial Times, xe điện của Trung Quốc được dự đoán sẽ chiếm khoảng 1/4 tổng doanh số bán xe điện trên thị trường châu Âu trong năm nay, khi các thương hiệu của quốc gia này đang mở rộng dấu ấn của họ trong khu vực.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Trong chiến lược đổi mới sáng tạo quốc gia, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) được đánh giá là bộ đôi chìa khóa công nghệ trọng yếu có thể mở ra cánh cửa tương lai cho nền kinh tế Việt Nam.