SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 16/04/2024
  • Click để copy

Chính sách an sinh xã hội bị trục lợi

08:22, 27/06/2014
Chất lượng khám chữa bệnh còn hạn chế, thủ tục khám chữa bệnh BHYT còn rắc rối. Cùng với đó là tình trạng lạm dụng thuốc men, xét nghiệm, gian lận, trục lợi Quỹ BHYT… Đây là những vấn đề được các cơ quan chức năng thẳng thắn chỉ ra tại buổi mít tinh Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1-7) do Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 26-6.

Xâm hại quyền lợi người bệnh

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách an sinh xã hội có tác động rất lớn đối với cuộc sống của người dân, góp phần tích cực trong việc xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Cho tới nay cả nước đã có trên 61 triệu người dân tham gia BHYT đạt tỷ lệ bao phủ gần 69% dân số. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện chính sách BHYT cũng đã bộc lộ nhiều bất cập và cả sai phạm. Bộ trưởng Bộ Y tế thẳng thắn chỉ rõ, qua các cuộc tiếp xúc cư tri, người dân vẫn phản ánh nhiều về chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu, thủ tục khám chữa bệnh BHYT vẫn còn phiền hà rắc rối. Đặc biệt trong thời gian gần đây, qua thanh kiểm tra các cơ quan chức năng đã phát hiện tại một số cơ sở khám chữa bệnh có tình trạng gian lận, trục lợi quỹ BHYT gây hậu quả xấu, ảnh hưởng tới quyền lợi của người bệnh.

Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện chính sách BHYT còn nhiều tồn tại và hạn chế. Trong đó nổi lên là ý thức tham gia BHYT, tính tuân thủ pháp luật BHYT của một bộ phận người dân vẫn chưa cao, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân còn thấp, chỉ đạt 55% và còn nhiều đơn vị trốn đóng; nợ đọng BHYT của người lao động. Quy định về điều kiện tham gia BHYT tự nguyện chưa hợp lý dẫn đến tình trạng lựa chọn ngược khi tham gia BHYT. Nhiều người chỉ khi mắc bệnh mới tham gia BHYT làm giảm tính chia sẻ cộng đồng của người dân và tạo thêm gánh nặng cho Quỹ BHYT. Cơ chế quản lý giá thuốc chữa bệnh chưa đạt hiệu quả mong muốn; việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế còn phân tán khó kiểm soát. “Ngay trên địa bàn một tỉnh cũng có hàng chục hội đồng đấu thầu thuốc dẫn đến có sự chênh lệch về giá của cùng một loại thuốc trên cùng địa phương…”- Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh.

Người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh phải chờ đợi suốt nhiều giờ.

Giảm dần chi phí từ tiền túi người dân

Với chủ đề của Ngày BHYT Việt Nam năm 2014 là “Thúc đẩy tiến trình mở rộng bao phủ BHYT, tiến tới BHYT toàn dân”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách BHYT, nhất là khi Luật BHYT vừa được Quốc hội sửa đổi bổ sung. Theo đó, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam và các cơ quan chức năng tập trung nâng cao tỷ lệ bao phủ của BHYT trong dân số để đạt mục tiêu năm 2015 sẽ có 70% dân số có BHYT và đến năm 2020 là trên 80% dân số tham gia BHYT. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Y tế sẽ tập trung tăng cường hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh, cải tiến thủ tục hành chính liên quan tới khám chữa bệnh và BHYT giảm phiền hà cho người dân. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ rõ: Chất lượng khám chữa bệnh không tăng, không đáp ứng được nhu cầu của người bệnh thì người dân sẽ không mặn mà với chính sách BHYT…   Cần giảm dần chi phí mà người dân phải bỏ tiền túi khi đi khám chữa bệnh BHYT, trong đó sẽ tiến hành thành lập Hội đồng độc lập với Bộ Y tế để xây dựng danh mục thuốc BHYT; gói giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, với mục tiêu đặt quyền lợi của người dân và người tham gia BHYT cao nhất. Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng kêu gọi toàn xã hội tích cực tham gia để thực hiện được lộ trình BHYT toàn dân và kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ 30% kinh phí tham gia BHYT cho hộ cận nghèo...

Về phía BHXH Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh cho rằng, phải khẩn trương triển khai thực hiện thí điểm đấu thầu thuốc tập trung ở trung ương và cấp tỉnh để từng bước quản lý giá thuốc thống nhất trên toàn quốc. Xây dựng và ban hành các quy trình chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán nhằm nâng cao chất lượng điều trị và kiểm soát, hạn chế tình trạng lạm dụng dịch vụ khám chữa bệnh, thuốc men và xét nghiệm.

 Đến nay cả nước đã có trên 2.100 bệnh viện, trong đó 424 cơ sở y tế ngoài công lập tham gia khám chữa bệnh BHYT. Ngoài ra còn có trên 9.500 trạm y tế ở tuyến xã, phường tham gia khám chữa bệnh BHYT, chiếm trên 86% số trạm y tế trên toàn quốc. Trong năm 2013, quỹ BHYT đã chi trả trên 131 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT với số chi trên 42.000 tỷ đồng, trong đó có hàng chục triệu người nghèo, người có công, người mắc bệnh hiểm nghèo.

Tin khác

Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã ký Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.
Tin tức 7 giờ trước
(SHTT) - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà đề nghị các địa phương, tăng cường đổi mới, sáng tạo các hoạt động gắn với công nghiệp văn hóa nhằm kích cầu du lịch và tạo nguồn thu nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Tin tức 7 giờ trước
Từ ngày 15/4 - 17/4/2024, tại ICISE, Viện Y Dược Việt đồng hành cùng hội thảo Quốc tế lần thứ nhất về cây dược liệu và hợp chất thiên nhiên.
Tin tức 9 giờ trước
(SHTT) - Google thông báo sẽ thử nghiệm loại bỏ các liên kết tin tức cho một số người dùng California do lo ngại ảnh hưởng của đạo luật mới.
Tin tức 9 giờ trước
(SHTT) - Từ ngày 15/4, Hà Nội bắt đầu thí điểm ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành các bãi đỗ xe, điểm trông giữ xe trên địa bàn thành phố.