SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Chiến dịch tẩy chay hội đồng có thực sự là 'cú đấm thép' khiến Facebook sụp đổ?

13:04, 03/07/2020
Facebook đang đối mặt với chiến dịch gây sức ép chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, chiến dịch này có thực sự khiến Facebook sụp đổ?

#StopHateForProfit - Chiến dịch chưa từng có tiền lệ

Facebook đang đối mặt với chiến dịch gây sức ép chưa từng có tiền lệ. Hưởng ứng chiến dịch #StopHateForProfit - "Ngừng phát tán nội dung thù địch để đổi lấy lợi nhuận", ngày càng nhiều thương hiệu lớn tuyên bố rút quảng cáo khỏi Facebook để phản đối cách mạng xã hội này kiểm soát tin giả và nội dung thù địch.

"Các doanh nghiệp này chứng tỏ cho Facebook cũng như công chúng thấy rằng họ không chỉ quan tâm tới lợi nhuận, mà còn cả những giá trị cốt lõi. Họ không chấp nhận hình ảnh của họ xuất hiện bên cạnh những nội dung tiêu cực, bạo lực" - ông Jonathan Greenblatt, CEO của Anti-Defamation League, nhận định.

Sự thật là Facebook đang vấp phải sự phản đối tuy không ồn ào nhưng lại rất thâm sâu từ những doanh nghiệp vốn là đối tác quảng cáo quan trọng.

Chỉ tính riêng hôm 29/6, một loạt thương hiệu đình đám gồm Adidas, HP, Ford gia nhập vào danh sách những tên tuổi lớn tạm đình chỉ các hoạt động quảng cáo trên Facebook, trước đó có một số hãng lớn khởi xướng việc rút khỏi mạng xã hội này như Unilever, The North Face, Coca Cola, Honda…

Starbucks cũng tuyên bố rút quảng cáo khỏi các nền tảng mạng xã hội, trong đó có Facebook. Trước đó, Unilever cho biết dừng quảng cáo trên cả Facebook và Twitter ít nhất là hết năm nay.

Tuyên bố này có ảnh hưởng lớn đến mức nhấn chìm cổ phiếu của cả Facebook và Twitter phiên thứ sáu, khiến tài sản của ông chủ Facebook Mark Zuckerberg bốc hơi hơn 7 tỷ USD và có thể châm ngòi cho hiệu ứng domino với các khách hàng lớn khác của mạng xã hội này. Và làn sóng tẩy chay lần này cũng đã thổi bay 56 tỷ USD giá trị thị trường của người khổng lồ mạng xã hội.

"Chúng tôi đã kêu gọi Facebook hàng năm nay, nhưng Facebook hoặc là im lặng, hoặc là hứa hẹn xong không làm gì cả" - ông Jim Steyer, CEO của Common Sense Media, chia sẻ.

Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg.

Tuần trước, Facebook đã có động thái liên lạc với các công ty, khẳng định họ đang nỗ lực lấp đầy "khoảng trống niềm tin". Họ đã gửi đi hàng loạt email đến các khách hàng, với hy vọng kiềm chế làn sóng tẩy chay.

Facebook cũng đã chính thức lên tiếng sẽ gắn mác cảnh báo các bài đăng có tính kích động. Bằng chứng là hôm thứ Sáu, Zuckerberg cũng có bài phát biểu về các cam kết mới trong việc cấm quảng cáo nội dung thù địch và gắn nhãn các bài đăng gây tranh cãi từ chính trị gia. Tuy nhiên, bất chấp sức ép ngày càng tăng, Zuckerberg – người duy nhất có quyền quyết định Facebook sẽ làm gì tiếp theo lại không nhắc đến cuộc tẩy chay. Quyết định này có thể càng khiến những người chỉ trích anh hành động mạnh tay hơn.

"Bài phát biểu của Zuckerberg là 11 phút anh ta lãng phí cơ hội cam kết thay đổi", Rashad Robinson – Chủ tịch Color of Change - một trong các nhà sáng lập chiến dịch nhận xét.

Chiến dịch này có thực sự khiến Facebook sụp đổ?

Không thể phủ nhận chiến dịch #StopHateForProfit có sức ép khổng lồ và là chiến dịch chưa từng thấy trong lịch sử. Tuy nhiên, chiến dịch này có thực sự khiến Facebook sụp đổ?

Thực chất Facebook là một doanh nghiệp quảng cáo khổng lồ. Theo tính toán, quảng cáo chiếm 98% tổng doanh thu của hãng công nghệ này. Mỗi click chuột của khách hàng vào các tin quảng cáo có thể giúp Facebook kiếm về 1,72 USD.

Facebook thực chất là một "phễu" hút data khách hàng khổng lồ. Facebook cho người dùng "miễn phí" sử dụng, thậm chí "miễn phí" cho cả một số hoạt động kinh doanh của các cá nhân trên nền tảng mạng xã hội này. Vậy Facebook có thể kiếm được gì từ người sử dụng? Đó là thông tin về việc họ thích xem phim gì, đọc báo nào, mua sắm gì, khuynh hướng chính trị ra sao… Những thông tin này sẽ được cung cấp cho các doanh nghiệp để họ đặt mua chỗ đăng quảng cáo trên Facebook.

Hiện trên Facebook có tới 8 triệu doanh nghiệp đăng quảng cáo. Theo các chuyên gia, cũng như các nhà đầu tư, chiến dịch tẩy chay lần này cần nhiều hơn để có thể có một tác động thật sự.

Theo hãng nghiên cứu Pathmatics, năm 2019, Starbucks chi gần 95 triệu USD. Unilever đứng thứ 30, với 42,4 triệu USD chi cho quảng cáo Facebook, Verizon và REI xếp thứ 88 và 90, đều chi xấp xỉ 23 triệu USD.

CNN cho biết 100 thương hiệu chi tiêu cao nhất đã chi 4,2 tỷ đôla quảng cáo trên Facebook năm ngoái - tương đương khoảng 6% doanh thu quảng cáo của nền tảng này. Tính đến nay, phần lớn các công ty cỡ vừa và nhỏ chưa tham gia tẩy chay.

Mat Morrison, trưởng bộ phận chiến lược của công ty quảng cáo Digital Whiskey, nói với tôi rằng có một số lượng lớn các doanh nghiệp nhỏ "không thể không chạy quảng cáo".

Ông nói rằng đối với các doanh nghiệp nhỏ - vốn không kham nổi quảng cáo trên truyền hình - quảng cáo rẻ hơn và tập trung hơn trên các nền tảng như Facebook là rất cần thiết. "Cách duy nhất để doanh nghiệp chúng tôi hoạt động hiệu quả là có thể tiếp cận những đối tượng công chúng mục tiêu này, đó không phải là khán giả truyền thông đại chúng, vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục quảng cáo", ông Morrison nói.

Như vậy, dù mạng xã hội lớn nhất thế giới liên tục vướng vào scandal và nhiều lần bị tẩy chay, cỗ máy quảng cáo của họ vẫn liên tục kiếm ra tiền. Đó là lý do vì sao nhiều người cho rằng Facebook là một thế lực không thể ngăn chặn.

Bản thân chiến dịch #StopHateForProfit cũng chỉ kêu gọi ngừng quảng cáo trong tháng 7. Việc này khó tác động đến lợi nhuận quý của Facebook, Nicole Perrin – nhà phân tích tại eMarketer cho biết.

"Những người ủng hộ tẩy chay sẽ cho rằng chiến dịch này có tác dụng. Còn phe ngược lại sẽ nói là không. Việc này rất khó phân định", Perrin nói.

Trừ phi Zuckerberg quyết định thay đổi, có lẽ Facebook sẽ tiếp tục mất khách hàng cho đến khi chỉ còn những công ty không phản đối chính sách của Facebook hoặc không thể tồn tại nếu thiếu nền tảng này, Martin nói. Dù vậy, kể cả trong viễn cảnh đó cũng rất khó khẳng định chiến dịch tẩy chay "thực sự có tác dụng hay không".

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Tin khác

Tin Tổng hợp 6 tháng trước
(SHTT) - Nhân viên tại cửa hàng 97 Trần Duy Hưng có 02 loại chính là “Lê sữa” và “Lê nâu” đều có xuất xứ chính hãng từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng có mặt kiểm tra, đại diện cơ sở kinh doanh từ chối trả lời các câu hỏi với lý do “chỉ trông hộ cửa hàng”.
Tin Tổng hợp 9 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 17/7, Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa kéo dài.
Tin Tổng hợp 9 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 11/7, Bắc và Trung Bộ tiếp diễn những ngày nắng nóng gay gắt, từ chiều tối về đêm có mưa rào rải rác.
Tin Tổng hợp 1 năm trước
Mới đây, Vinhomes đã tung chính sách bán hàng “khủng chưa từng có” với khoản hỗ trợ lãi suất lên tới hơn 3 năm cho khách hàng mua căn hộ
Tin Tổng hợp 1 năm trước
Bùng nổ quyết tâm, khát khao mạnh mẽ và tràn đầy khí thế trong từng khoảnh khắc là hình tượng của các chiến binh sales tham gia lễ kick-off Crystal Holidays Harbour Vân Đồn - dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô bậc nhất tại Quảng Ninh thời điểm hiện tại.