SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 24/03/2024
  • Click để copy

Chỉ khoảng 20% doanh nghiệp Việt chú trọng xây dựng thương hiệu

07:05, 30/10/2018
(SHTT) - Mặc dù việc xây dựng thương hiệu là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp cạnh tranh nhưng hiện tại số lượng doanh nghiệp Việt đầu tư xây dựng thương hiệu còn rất ít. Điều này khiến doanh nghiệp phải chịu thiệt đơn, thiệt kép.

Ngày 29/10, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Hiệp hội nhãn hiệu quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo “Thương hiệu trong chiến lược phát triển doanh nghiệp”.

Tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và quốc tế. Quá trình hội nhập này đã mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, nhưng cũng khiến doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, không chỉ ở thị trường quốc tế mà ngay tại thị trường trong nước.

Trước xu thế đó, việc xây dựng thương hiệu là yếu tố then chốt để doanh nghiệp có thể cạnh tranh tốt với các DN trong và ngoài nước.

Tuy nhiên theo khảo sát của Bộ Công Thương, người nước ngoài biết đến thương hiệu Việt và sự ấn tượng về hình ảnh biểu trưng cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam còn mờ nhạt. Nguyên nhân chính là do chỉ có 20% doanh nghiệp đầu tư xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chỉ chú trọng đăng ký tại thị trường trong nước chứ chưa đăng ký tại thị trường nước ngoài.

hoi thao

 Hội thảo “Thương hiệu trong chiến lược phát triển doanh nghiệp”

Đã có nhiều trường hợp, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam rất nổi tiếng và được ưa chuộng trên thế giới như cà phê Trung Nguyên, mít sây Vinamit, giày dép Bitis...do chưa chú ý đăng ký nhãn hiệu nên đã bị chiếm đoạt thương hiệu tại một số thị trường nước ngoài, gây tổn thất lớn trong việc mở rộng thị trường và cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Trong lĩnh vực xuất khẩu, yếu tố thương hiệu đóng vai trò quan trọng cũng như tăng ưu thế cạnh tranh cho doanh nghiệp tại các thị trường nước ngoài. Nhưng thực trạng là nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có hàng xuất khẩu đã phải chịu thiệt đơn, thiệt kép do không hiểu biết pháp luật, không có ý thức về xây dựng và bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp mình.

Minh chứng cho điều này chính là lĩnh vực xuất khẩu nông sản. Mặc dù Việt Nam luôn đứng top đầu thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, hồ tiêu... nhưng nông sản mang thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới lại rất khiêm tốn. Thương hiệu nông sản mang tên doanh nghiệp Việt Nam rất ít được biết đến mặc dù chất lượng các mặt hàng nông sản xuất khẩu được thị trường nhiều nước ưa chuộng.

Đồng quan điểm với ông Phòng, bà Nguyễn Như Quỳnh – Phó Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, thương hiệu là một bộ phận cấu thành của doanh nghiệp, tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đem lại lợi nhuận và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt cần nâng cao nhận thức về thương hiệu và cách thức xây dựng, phát triển thương hiệu, qua đó góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

PGS-TS Mai Hà, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng nhận định, thực tế hiện nay là nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa quan tâm đến vấn đề xây dựng thương hiệu, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Không ít doanh nghiệp có quan niệm, việc xây dựng thương hiệu là tốn kém, lãng phí và chỉ phù hợp với những doanh nghiệp lớn. 

"Chính vì tư duy đó mà nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ bị lép vế, yếu thế, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Điều này dẫn đến hậu quả, nhiều khách hàng đã quay lưng lại với các sản phẩm trong nước, quan tâm đến các sản phẩm có thương hiệu nước ngoài cho dù sản phẩm không khác nhau nhiều về chất lượng, hình thức và giá cả", PGS-TS Mai Hà nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi những chủ đề liên quan đến thương hiệu, cũng như cách thức xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp như: Làm thế nào để xây dựng chiến lược thương hiệu hiệu quả và bền vững; kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và phát triển thương hiệu; vai trò của thương hiệu trong giá trị doanh nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu…

Hương Mi

Tin khác

Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Trải qua hơn 2 tháng phát động cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, BTC đã tìm ra được top 20 dự án xuất sắc nhất.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Ngày 24/11 và 25/11, vòng thi chọn Top 20 Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã diễn ra bằng hình thức pitching trực tuyến. Dự án Smart VieLinkit thuộc bảng dự thi Mô hình Đổi mới sáng tạo đã xuất sắc lọt vào top 20.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Quản trị tài sản trí tuệ tại các cơ quan đặc biệt giúp ta hiểu rõ về hơn về các quy trình, biểu mẫu, các điều khoản cần thiết trong các quy chế, quy định.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Cuộc thi “Giải pháp thương mại hóa sáng chế 2021” đã đi một nửa chặng đường trong hành trình tìm kiếm các phương án, cách thức áp dụng các bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích vào thực tiễn, từ đó tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Buổi tập huấn thứ 6 trong chuỗi chương trình của Làng Sáng chế và Doanh nghiệp ĐMST phối hợp với Hội Sáng chế Việt Nam, hưởng ứng sự kiện khởi nghiệp ĐMST Quốc gia Techfest 2021 với chủ đề: “Thẩm định giá tài sản trí tuệ” được diễn ra vào lúc 8h00 sáng chủ nhật ngày 07/11/2021.