Chế tạo thành công loại vật liệu mềm có khả năng đàn hồi như mô người
Chất đàn hồi thông thường (cao su) thường cứng do kích thước và hình dạng của các polymer cấu thành là phân tử dài, tuyến tính. Tuy nhiên, mới đây, các nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu trợ lý Giáo sư Vật liệu Christopher Bates tại Đại học California ở Santa Barbara (Mỹ) đã phát triển thành công vật liệu polymer tinh khiết có ưu điểm dễ dàng duy trì cấu trúc các phân tử, đem lại độ đàn hồi vật lý giống mô người mà không cần tới sự trợ giúp của nước hoặc dung môi.
Về cấu trúc nano, vật liệu mới này có thêm các sợi polymer nhỏ, gắn xung quanh trục phân tử polymer dài, tạo nên độ đàn hồi mềm mại cho vật liệu.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn sử dụng công nghệ in 3D để xếp các lớp vật liệu polymer sao cho cấu trúc của vật liệu mới này nhỏ hơn 1.000 lần so với cấu trúc của cao su và các loại polymer thông thường. Christopher Bates cho biết, khả năng đàn hồi của vật liệu mới có thể được ứng dụng để mô phỏng sinh học hoặc tích hợp trong các thiết bị cảm ứng điện tử, đặc biệt phát triển vật liệu cấy ghép ứng dụng trong y học.
Công nghệ in 3D không quá phức tạp mà đơn giản đây là quá trình sản xuất các chất liệu (nhựa, kim loại hay bất kỳ thứ gì khác) theo phương cách xếp từng lớp với nhau để tạo nên một vật thể 3 chiều. Công nghệ in 3D có nguyên tắc hoạt động như các hệ thống máy chụp CT hay cộng hưởng từ (MRI). Các thiết bị này có khả năng quét và chụp cắt lớp bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể người. Và nếu như xếp chồng các lớp này lại sẽ tạo nên một hình ảnh 3 chiều của cơ quan, bộ phận trên cơ thể. Và điều này hoàn toàn tương tự như công nghệ in 3D.
Tùy vào cách thức xếp chồng và xây dựng mô hình 3D và vật liệu cấu thành, công nghệ in 3D được phân thành 3 nhóm chính gồm: Công nghệ in 3D sử dụng vật liệu in 3D dạng nhựa dẻo và phi kim loại; Công nghệ in 3D từ vật liệu kim loại; Công nghệ in 3D sử dụng vật liệu hữu cơ.
Nghe có vẻ khó tin nhưng công nghệ in 3D đã được phát triển và ứng dụng vào thực tế từ những năm 1980 bởi Charles Hull (người sáng lập công ty in 3D danh tiếng Systems Corporation). Tuy nhiên, thời điểm đó giá thành để sản xuất một máy in 3D rất đắt, khoảng 100.000 USD, thậm chí là 400.000 USD. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sức mua và sự phổ biến của công nghệ này.
Sau thời gian phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, in 3D dần dần được phổ biến và giảm giá thành. Ngày nay, bạn có thể bắt gặp rất nhiều đồ dùng trong cuộc sống sử dụng công nghệ in 3D như đồ chơi trẻ em, chi tiết máy móc, ốp lưng điện thoại, răng giả... với giá bán rất rẻ và cạnh tranh.
An Dương