Chất Ethylene Oxide trong lô mỳ Hảo Hảo bị thu hồi nguy hiểm thế nào?
Ethylene oxide là gì?
Ethylene Oxide (EO), hay còn gọi là oxiran và epoxit, là một hợp chất hữu cơ thường được tìm thấy ở dạng khí không màu và dễ cháy.
Về ứng dụng và mục đích sử dụng, Ethylene Oxide dùng chủ yếu làm hoá chất trung gian trong sản xuất ethylene glycol (chất chống đông), hàng dệt, chất tẩy rửa, bọt polyurethane, dung môi, thuốc, chất kết dính, nguyên liệu cho sản xuất nhựa Polyethylene terephthalate (PET) và các sản phẩm khác.
Trong khử trùng, hun trùng, Ethylene Oxide được dùng ở nhiều quốc gia cho mục đích kiểm soát côn trùng trong một số sản phẩm nông sản, khử khuẩn các nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm (nhất là cho gia vị, các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế...).
Với cấu trúc dạng vòng linh hoạt, sau khi tiếp xúc với thực phẩm, hợp chất Ethylene Oxide dễ dàng tạo thành các chất chuyển hoá với sự có mặt cùa các phân tử nước, ion clorua và Bromua như Ethylene glycol, 2-chloroethanol (2-CE) và 2-bromoetanol tương ứng.
Quá trình này có thể xảy ra ngay khi hun trùng hoặc trong suốt quá trình sản xuất và chế biến nguyên liệu.
Tác hại của chất Ethylene oxide
Người tiếp xúc với Ethylene oxide nồng độ cao có thể bị co giật, liệt, hôn mê và làm tổn hại gan và thận. Nó có thể gây ra chấn thương hại phổi, nôn mửa, suy nhược, thiếu sự phối hợp, mất trí nhớ, tiêu chảy và tê. Ngoài ra, hóa chất này cũng có thể gây kích ứng nghiêm trọng đến mắt, da, cổ họng, phổi thông qua đường hô hấp, tiếp xúc lâu dài có thể gây ra vấn đề não và hệ thống thần kinh và đục thủy tinh thể, thậm chí ung thư.
Tháng 12/2016, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế Mỹ (IARC) phân loại Ethylene oxide là chất gây ung thư. Bằng chứng của Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ cho thấy phơi nhiễm Ethylene Oxide qua đường hô hấp có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh ung thư hệ tạo lympho như bạch cầu lymphocytic, u tủy và u lympho không Hodgkin. Ngoài ra, tiếp xúc Ethylene oxide cũng có thể liên quan ung thư gan, phổi, thận, dạ dày và ung thư vú.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa, Hà Nội cho biết "Hiện nay, các nhà khoa học chưa có nghiên cứu hàm lượng chất Ethylene Oxide bao nhiêu thì ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhưng theo các nhà y học, nếu chất Ethylene Oxide tích dần trong cơ thể con người, tùy theo từng thể trạng (người già, người trẻ, phụ nữ…) có khả năng gây ung thư (đây là 1 trong 5 nhóm chất gây ung thư). Nhưng tốt nhất, đã là chất gây ung thư thì người dân nên tránh, không nên sử dụng chất Ethylene Oxide, dù ít hay nhiều".
Minh Hà