SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Người đàn ông tật nguyền đạp xe bán hàng rong: “... có công ăn việc làm là hạnh phúc!”

12:34, 28/05/2020
(SHTT) - Anh Nguyễn Bình Dương sinh năm 1976, ở xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình bị liệt chân, tay từ nhỏ, miệng không thể nói lưu loát do ảnh hưởng lúc sinh. Anh đã vượt lên số phận, tự nuôi sống bản thân bằng nghề bán hàng rong.

Đã 6 năm từ ngày anh rời khỏi chiếc giường trong căn phòng chật hẹp, đạp chiếc xe chở theo hàng hóa, ước mơ và hy vọng ra cuộc sống đời thực. Để có được ngày hôm nay là cả một nghị lực phi thường, những đớn đau và nước mắt, cũng là sự yêu thương của cả gia đình và những người xung quanh.

 Tôi gặp anh vào một buổi sáng tháng 5, anh đến rất đúng giờ, quần áo và tư trang đầy đủ cho một ngày lao động đúng nghĩa. Ấn tượng của tôi xuất phát ngay từ câu nói đầu tiên của anh Dương: “Người làng bảo tôi đi làm làm gì cho khổ, người ta đâu biết có công ăn việc làm là hạnh phúc”. Lúc ấy tôi hơi chững lại nghĩ ngợi, có những người bản thân lành lặn, khỏe mạnh còn ham chơi, lười lao động.

1

Anh Nguyễn Bình Dương khi đi bán hàng tại chợ Quang Trung (Tp Thái Bình). 

Hành trình đầu tiên của chúng tôi là từ nhà anh (xã Song An) đến ngã tư Lạc Đạo phường Trần Lãm, Tp Thái Bình dài chừng 7km. Anh lên xe đã đầy khó khăn, việc đạp xe cũng hết sức vất vả. Tốc độ đạp xe của anh theo ước tính khoảng 5km/h, chưa kể thời gian lên xuống xe. Nhưng anh làm việc này hết sức cố gắng và vui vẻ. Anh nói với tôi anh yêu công việc này vô cùng, cứ hôm nào trời mưa không thể đi làm là anh lại buồn.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Gánh hàng của anh chỉ vọn vẹn mấy chục gói tăm, vài chiếc móc khóa, bông ngoáy tai,... nhưng tôi cảm nhận được đó là cả những hi vọng, niềm hạnh phúc của anh. Đã có nhiều trung tâm người khuyết tật ngỏ ý muốn anh đi bán hàng cho họ, có bao ăn, có xe chở đi và có người chăm sóc nhưng anh không đồng ý. Anh Dương biết một khi đã đi làm cho họ thì công sức sẽ phải chia năm xẻ bảy, anh lại bị bó buộc và quản lý về thời gian, không gian hoạt động.

Anh nói muốn ngao du đó đây, muốn chầm chậm đạp những vòng xe của chính mình. Bởi cả quãng thời gian hơn ba mươi năm trước anh đã phải thu mình trong những không gian nhỏ hẹp. Tay chân khuyết tật, có những người phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác trong sinh hoạt hàng ngày, thế nhưng anh Dương vẫn cố gắng đạp xe đi bán hàng trên chiếc xe được anh gọi là “xe tình thương”. Anh kể mình ngã rất nhiều lần, nhẹ thì sứt đầu mẻ trán, lần nguy hiểm hơn thì ngã xuống sông, phúc lớn có người nhìn thấy và cứu anh lên. Nhiều khi gia đình thương cho anh ở nhà, nhưng chỉ được mấy hôm là anh lại đòi đi làm ngay.

Anh nói: “Ngã nhiều, quen rồi! Ngày bé không ngã nhiều thì làm sao biết đi như bây giờ”. Với giọng nói không được tròn vành rõ ràng, ban đầu tôi phải nhờ một người thân của anh phiên dịch hộ, sau dần mới quen và hiểu được.

Thoạt nghe qua có lẽ cũng thấy thật vất vả. Công việc bán hàng rong của anh còn khó khăn hơn gấp vạn lần khi bị những kẻ xấu lợi dụng lấy tiền, thậm chí là trấn lột. Đã có lần anh bị trộm số tiền bán được cả một ngày khi đang nghỉ ngơi ở công viên. Chân tay anh vốn đi lại đã khó khăn, nói gì đến tự vệ hay phản kháng lại những người khỏe mạnh.

Rồi tổn thương hơn nữa là khi chào mời mua hàng bị người ta xua đuổi vì sợ bẩn, sợ bệnh tật: “Người ta đuổi nhiều lắm, nghĩ là bán hàng rong lừa, giả vờ tàn tật hoặc nhìn tôi họ sợ” anh tâm sự.  Tôi thầm trách những người ăn xin giả, những cơ sở bán tăm lừa đảo đã làm ảnh hưởng biết bao mảnh đời mưu sinh thực sự như Nguyễn Bình Dương. 

Rồi nỗi đau sẽ qua

Bên cạnh những khó khăn thì niềm vui cũng nhiều hơn cả, trong những lần tôi hỏi anh “Anh có thích đi làm không? Có vui không?” anh đều trả lời dõng dạc không một giây nghĩ ngợi “Có”. Thì ra anh Dương có thật nhiều bạn, đó là bác sửa xe đạp, anh Nam thợ chìa khóa ở chợ Quang Trung, Tp Thái Bình... và rất nhiều bạn bè cùng cảnh ngộ.

Mỗi buổi trưa, sau khi đi ba đến bốn chợ nhỏ trong thành phố, anh lại đạp xe về chợ Quang Trung, được mọi người giúp đỡ đút cơm giùm. Hôm nay, có thêm tôi đi cùng, anh ngỏ ý mời tôi một suất cơm. Một suất cơm mà tôi cảm thấy giá trị hơn cả. Có lẽ một buổi sáng bán hàng cũng chưa đủ lời lãi để mua cơm cho cả anh và tôi.

Hình ảnh con gái bác sửa xe đạp hiền lành đút cơm cho chàng trai khuyết tật Nguyễn Bình Dương làm tôi xúc động. Tôi thấy những tiếng cười và niềm vui của góc chợ. Khi họ đùa nhau, quan tâm nhau thật ấm áp biết bao.

2

Mọi người thay nhau giúp đỡ anh ăn uống 

Hạnh phúc còn ở những vị khách hàng qua đường, anh bán sản phẩm mưu sinh bằng đồng lãi, có khi còn được cho thêm vì lòng thương cảm.

3

 Khách mua hàng của anh Nguyễn Bình Dương

Sau khi nghỉ trưa, mồ hôi ráo, anh lại tiếp tục hành trình trên khắp các nẻo đường. Có khi lại ghé vào nhà người quen cho đỡ buồn. Anh Nguyễn Đình Tăng người cùng xã với anh Dương chia sẻ : “Dương là người rất tình cảm, rất biết ơn. Tất cả mọi người biết đến hoàn cảnh của Dương cũng đều muốn giúp đỡ cậu ấy”. Hay anh Nguyễn Văn Vy, một thở sửa xe ở Thành phố Thái Bình, phần vì thương cảm, lại thêm nể phục anh Dương nên cũng thường xuyên giúp đỡ anh.

4

 Anh Nguyễn Văn Vy người thường xuyên giúp đỡ anh Bình Dương

Anh Dương chia sẻ, anh cũng thường xuyên tham gia các hoạt động cho người khuyết tật của đạo Công Giáo, được dạy dùng máy vi tính và gặp gỡ, sinh hoạt với mọi người. Niềm vui sau một ngày lao động vất vả là được trở về nhà, khi anh Dương thấm mệt, da ngăm đi vì cái nắng đầu hạ. Ở nhà, Nguyễn Bình Dương cũng có một không gian riêng cho mình, sạch sẽ và ngăn nắp. Phần là anh gìn giữ, phần là tình yêu thương chăm sóc của người thân.

Nhìn anh, ít ai có thể nghĩ rằng anh là người thành thạo vi tính, biết đánh văn bản, chơi facebook, chỉnh sửa ảnh. Anh có một trang cá nhân trên facebook để giao lưu với bạn bè, người thân và những người có hoàn cảnh như mình. Anh có những người bạn rất nổi tiếng là những tấm gương người khuyết tật vượt khó như Đỗ Hà Cừ, Trần Thị Mượt...

5

Anh Nguyễn Bình Dương bên chiếc máy tính tại nhà riêng 

Tuy chưa một ngày đến trường nhưng anh được bố dạy chữ, tập đi, và nuôi dưỡng tâm hồn anh từ nhỏ. “ Bố là nguồn động lực lớn lao nhất với tôi, tôi nhớ bố”. Tuy rằng bố anh đã qua đời, nhưng anh vẫn còn người mẹ và các anh chị em vô cùng thương yêu anh. Bà Hà Thị Thảo (mẹ anh Dương) cũng vô cùng tự hào về anh.

Mọi sinh hoạt như tắm rửa, vệ sinh cá nhân anh Dương đều cố gắng tự làm để không phiền đến mọi người. Tuy còn hơi chậm chạp và lóng ngóng nhưng được tự chăm sóc bản thân có lẽ cùng là một niềm tự hào của người khuyết tật như anh.

Hi vọng vào tương lai

Khi tôi ngỏ ý hỏi về mong muốn cho bản thân, anh Dương chỉ cười một cách ngại ngùng. Anh nói anh có một khoản tiền tiết kiệm tuy không nhiều, nhưng đủ để anh duy trì khi về già không đi bán hàng được nữa. Thế nhưng về phần tâm hồn, anh cũng muốn có cho mình một người bạn đời để tâm sự, để chăm sóc nhau khi tuổi già: “Tôi cũng yêu lắm chứ nhưng sợ người ta khổ nên lại thôi” lời nói thốt lên khi ánh mắt khao khát tình yêu bỗng ứa nước , sợ người ta khổ vì phải gắn bó cả đời với một người khuyết tật, cũng sợ gia đình không đồng ý lại có thêm một gánh nặng. Tôi có được đọc vài dòng thơ tình anh viết trên mạng xã hội, có lẽ dành cho người con gái anh thầm thương.

Anh mong muốn mình mạnh khỏe, có thể ngày ngày đi bán hàng, vươn mình ra cuộc sống đời thường để mưu sinh và cảm nhận cuộc sống. Anh cũng rất thương mẹ và các anh chị em, luôn thầm cầu nguyện cho họ.

Chào tạm biệt anh tại nhà, quãng đường cả thảy tôi đo được bằng xe máy là 36km, thật khâm phục và ngưỡng mộ anh. Anh tạm biệt tôi bằng một nụ cười và cái vẫy tay khó khăn nặng nề, câu nói ngượng nghịu “Khi nào lại qua nhé!”

Nhất định một ngày tôi sẽ lại qua thăm anh, để thấy được một sức sống mãnh liệt tràn trề trong con người nhỏ bé tật nguyền. Để thấy được cuộc đời không chịu khuất phục trước số phận, tình yêu thương của mọi người xung quanh.

Thu Hằng

Tin khác

Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Sáng 19/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, UBND Thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024.
Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ toàn cầu đang leo thang, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế nhằm rút ngắn thời gian xem xét và kiểm tra các đơn đăng ký sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt và đổi mới công nghệ.
Tin tức 5 giờ trước
Lần đầu tiên, các đặc sản của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có cơ hội được các doanh nghiệp khách sạn, các resort Đà Nẵng bao tiêu đầu ra, hỗ trợ đào tạo nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.
Tin tức 5 giờ trước
Các chuyên gia quốc tế Trường Đại học Đông Á và Viện Công nghệ công nghiệp tiên tiến Nhật Bản (AIIT) vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc tế Mô hình mới về chiến lược chống biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 2.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Sáng nay, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam và Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam đã tổ chức lễ công bố Giải thưởng sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 (VCA 2024). Theo đó, giải thưởng năm nay sẽ trở lại với hạng mục mới và nhiều điểm mới trong thể lệ dự thi.