Câu lạc bộ Lan hài Đà Lạt, sân chơi công phu của những người yêu lan
Đà Lạt hiện tại là nơi sở hữu nhiều giống lan nhất bao gồm cả nguyên thủy và nhân giống khảo nghiệm với trên 200 loài. Nơi đây cũng có nhiều câu lạc bộ hoa lan được thành lập như: phong lan, địa lan, lan hồ điệp, lan hài… nhằm trao đổi, nghiên cứu, bảo tồn và sưu tầm một số giống hoa lan quý hiếm của Việt Nam.
Vùng đất của “vua lan hài”
Câu lạc bộ lan Lan hài được thành lập từ năm 2018 với 12 thành viên. Các thành viên đến với nhau từ tình yêu dành cho hoa lan. Được biết, Việt Nam hiện là cái nôi lan hài của cả thế giới với 30/80 giống thiên nhiên nguyên thủy, 600 chủng loại, Đà Lạt cũng đang lưu giữ rất nhiều giống lan hài nằm trong top của Việt Nam và những giống lan hài chưa có trên thế giới.
Anh Nguyễn Quang Trí- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lan hài Việt Nam tại TP Đà Lạt cho biết: “trong Câu lạc bộ Lan hài Việt Nam, hiện có rất nhiều thành viên sở hữu những vườn hoa lan hài có giá trị kinh tế cao với các dòng như: Paph, Phrag, hay kim hài là loài quý hiếm của Đà Lạt. Câu lạc bộ Lan hài Việt Nam có không ít thành viên đang sở hữu vườn lan trị giá hàng trăm triệu đến vài tỷ đồng.”
Các thành viên câu lạc bộ lan hài Việt Nam tại Đà Lạt hiện đang chăm sóc hàng trăm loài lan hài như Paph callosum (hài vân nam), Paph hangianum (hài hằng), Paph purpuratum (hài vân bắc-hài thiết), Paph concolor (hài gấm)… với các sắc màu pha lẫn độc đáo, gam màu chủ đạo như vàng, đỏ, hồng, xanh, nâu đất... Kỹ thuật chăm sóc lan hài trên giá thể vỏ thông, đá núi lửa, dớn đen cũng không quá khó, chủ yếu là thời gian sinh trưởng cây khá lâu nên để có chậu lan chơi phải từ 4 đến 5 năm. Cá biệt có những cây tuổi từ 10 năm phát triển thành từng cụm lớn có giá bán cao lên đến hàng chục triệu đồng/1 chậu.
Lan tỏa tình yêu đối với lan hài tại Lâm Đồng
Ngày nay bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào tân tiến, hoa lan các loại đã được nhân giống ngày càng nhiều. Đối với người sành chơi, họ vẫn cất công tìm kiếm, sưu tầm những giống hoa lan thuộc loại quý hiếm được chiết tách từ củ, nhánh.
Ông Ngô Văn Thái, phường 8, TP Đà Lạt cho biết: “Ban đầu cả hai vợ chồng tôi đều yêu thích lan hài nên mới sưu tầm, lúc đó chỉ có hơn chục giò, dần về sau bạn bè, anh em đến chơi và thấy thích nên mọi người đã tách ra để tặng, trao đổi, giao lưu nhằm đưa về những giống lan mà mình chưa có”. Sau 30 năm chơi lan hài, ông Thái đã có khoảng 50 giống lan hài với 200m2 bốn mùa đều có hoa nở, thơm ngát như Paph dianthum (lan hài râu), Paph hirsutissimum (hài lông, hài vệ nữ), Paph micranthum (hài mốc hồng), Paph canhii (hài cảnh).
Anh Nguyễn Châu - Xã Hiệp An, Huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: “Tôi đã chơi lan được 20 năm nay, từ một người thích sưu tầm, trao đổi, nhân giống đến nay tôi có khoảng 40 giống lan hài nội ngoại với khu vườn rộng hơn 1000m2 đủ loại như Paph delenatii (hài hồng), Paph villosum (hài vàng), Paph appletonianum (hài đài cuốn), Paph tranlienianum (hài trần liên)… và hàng trăm giống lan khác phục vụ cho buôn bán nhỏ lẻ tại nhà”.
Anh Nguyễn Văn Toán - xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng cho biết anh tập trung sưu tầm lan hài từ năm 2016. Hiện tại, vườn của anh Toán chỉ khoảng 300m2 nhưng đã có hơn 52 loại lan hài rừng nguyên chủng.
Ông Ngô Hữu Hay – Phó Chủ tịch Hội sinh vật cảnh tỉnh Lâm Đồng trao đổi: “Tính đến nay, CLB Lan hài Đà Lạt là nơi sở hữu các giống lan hài nhiều nhất nhì so với các tỉnh thành khác và đạt nhiều giấy chứng nhận, bằng khen trong các cuộc thi hoa lan tại nhiều vùng miền trên cả nước. CLB có đóng góp không nhỏ về phong trào lan hài của Hội Sinh vật cảnh của tỉnh; đồng thời, giúp cải tạo môi trường văn hóa gắn với du lịch tại địa phương”.
Đặng Hà
TIN LIÊN QUAN
-
Cuộc thi hackathon BkAI-Naver Challenge 2022 vinh danh 12 đội chơi xuất sắc nhất mùa giải
-
Shop Villa Golf - Cơ hội đầu tư cho khách hàng đẳng cấp
-
Ford triệu hồi 350.000 xe SUV vì nguy cơ hoả hoạn, cảnh báo nên đậu xe ngoài trời
-
Gia Lai tổ chức Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP