SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 19/03/2024
  • Click để copy

Cao Bằng chờ mong!

11:41, 14/10/2019
(SHTT) -Cao Bằng là tỉnh biên giới Việt-Trung, với 2 địa danh nổi tiếng đi vào sách giáo khoa và bản đồ du lịch Việt Nam. Đó là hang Pắc Pó và thác Bản Giốc. Tôi đã nhiều lần đặt chân đến tỉnh biên giới này, lần nào cũng đong đầy kỷ niệm về con người, phong cảnh thiên nhiên và đặc sản nơi này.

Đường đến Cao Bằng

Lần đầu đến Cao Bằng tôi đi theo chỉ dẫn của Google Map. Theo đó, tuyến Hà Nội - Cao Bằng có 2 cung đường đi xuất phát từ bến xe Mỹ Đình: Thứ nhất là Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng. Thứ hai là Hà Nội - Bắc Ninh - Bắc Giang - Lạng Sơn - Cao Bằng.

thac4

 

Thông thường đi theo lộ trình 2 thì gần và dễ đi hơn, còn lộ trình 1 thì phải qua nhiều ngọn đèo dốc rất hiểm trở. Sau khi tìm hiểu tôi được biết, từ bến xe Mỹ Đình về Cao Bằng có nhiều xe, nhưng phân biệt rạch ròi là xe chạy ban ngày chỉ có ghế ngồi, còn xe chạy đêm là xe giường nằm. Tôi chọn đi chuyến ngày, khởi hành từ 6 giờ sáng và theo lộ trình thứ nhất để thưởng ngoạn cho thỏa thích phong cảnh hùng vĩ của núi rừng, dẫu biết rằng, phía trước còn lắm gian nguy. Sau khi xe qua Thái Nguyên tiến vào Bắc Kạn thì cung đường gặp phải nhiều khúc cua hẹp, vừa ngoằn ngoèo vừa khúc khuỷu mà lại hiếm có những  thanh chắn bảo vệ. Rồi xe vượt đèo Giằng, đèo Gió với con đường phía trước quanh co như con rắn uốn mình qua vách núi đá cheo leo.

Từ trên cao, tôi nhìn lại con đường vừa đi qua giờ trông như dải lụa trắng thắt hờ vòng eo núi. Xe nhọc nhằn lao tới với những khúc cua gắt khúc khuỷu tựa như cùi chỏ, tôi tự hiểu rằng, lái xe qua con đường này là một việc không hề dễ dàng, đòi hỏi phải rất cẩn trọng. Và, anh tài xế cũng không khách sáo mà nói rằng, em lái xe cung đường này đã hơn 15 năm, nhưng mỗi lần đi em luôn nghĩ mình phải về. Ôi tay tài xế có vẻ rất triết lý theo kiểu đi là về và đi về là đi đi...

Rồi xe vượt đèo Cao Bắc, nối 2 tỉnh Bắc Kạn - Cao Bằng như đèo An Khê nối giữa Bình Định và Gia Lai. Đi hết ngọn đèo, một thành phố trên cao hiện ra, kiểu đất bằng trên cao, có phải vậy khộng mà người ta đặt tên cho thành phố này là Cao Bằng.

thac2

 Đường đi Pắc Pó

Xuống bến xe, tôi thong thả dạo phố và đi tìm chỗ nghỉ. Lúc này đây, trong lòng cảm thấy nhẹ hẳn sau hơn 7 giờ đồng hồ giằng lắc theo xe. Thành phố Cao Bằng đón tôi bằng những làn gió nhẹ thoảng qua rất dễ chịu như muốn xóa tan nỗi nhọc nhằn cho lữ khách đường xa. Tôi bất chợt nhớ đến câu thơ trong bài “ Trở lai Cao Bằng” của Trúc Thông mô tả thật gần:

Sau khi qua Đèo Gió

Ta lại vượt Đèo Giàng

Lại vượt Đèo Cao Bắc

Thì ta tới Cao Bằng

Lối vào trung tâm thành phố, tôi băng qua chiếc cầu dài bắc qua sông Bằng Giang. Nhìn dòng sông Bằng Giang đục ngầu, tôi ái ngại về việc các nhà máy, công ty phía Trung Quốc vô tư xả thải làm ô nhiễm nguồn nước. Nhưng nỗi lo đó lập tức tan biến, vì con sông Bằng Giang tuy bắt nguồn từ tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam vào Cao Bằng tại cửa khẩu Sóc Giang, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng. Từ Sóc Giang, sông chảy qua thành phố Cao Bằng rồi ngược lên hướng Bắc đổ về thị trấn Long Châu, huyện Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc để tạo thành sông Tả Giang. Như vậy, sông Bằng Giang lấy nguồn nước từ Trung Quốc mang phù sa về đắp bồi cho bề bãi đất Việt, rồi cho nước ngược về phía bên kia, nên các doanh nghiệp phía họ không dám xả thải bừa để gánh lại hậu quả.

Vịn thành cầu và nhìn dòng Bằng Giang nước cuồn cuộn chảy, tôi bâng khuâng nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa, thuở một thời làm báo trên đất Tây Nguyên. Cây cầu và con sông Bằng Giang có nhiều điểm tương đồng như dòng sông ĐăkBla chảy qua thành phố Kon Tum. Trong khi hàng trăm con sông trên cả nước chảy xuôi ra biển Đông, lạ lùng thay lại có cả những dòng sông chảy ngược ví như sông Đak Bla chảy từ Đông sang Tây, sông Bằng Giang chảy ngược Đông Bắc.

Đó chỉ là dòng sông, còn về những căn cứ cách mạng, những chiến tích mang dấu ấn lịch sử, những hình tượng anh hùng từ thuở thiếu niên… cũng lắm tương đồng.

Nhờ cô bạn Lê Hải Yến mà tôi rất thuận lợi trong việc làm quen với những người bạn mới gồm anh Đỗ Văn Thắng - Chủ tịch huyện Thông Nông, chị Bạch Tố Uyên - nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP Cao Bằng và anh Tân - Chánh văn phòng Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng. Tôi quen Yến qua một đồng nghiệp, thuở cô ấy mê nghề báo mới vào học Học viện Báo chí tuyên truyền rồi tốt nghiệp năm 1999. Tuy nhiên, về Cao bằng thì Yến lại rẽ ngang vào ban tổ chức chính quyền tỉnh Cao Bằng và hiện nay là Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy.

thac3

 

Trò chuyện với Yến cùng các người bạn mới, tôi có nhiều thông tin về kinh tế-xã hội trên địa bàn, theo đó vạch ra kế hoạch cho chuyến đi về hai địa danh Pắc Pó và thác Bản Giốc. Yến tuy bỏ nghề đã lâu, nhưng sự tổng quan của chị cũng rất tuyệt vời. Hãy nghe Yến phác thảo về vị trí địa lý tỉnh nhà: Cao Bằng là tỉnh nằm trên cao nguyên đá vôi xen lẫn núi đất, độ cao trung bình trên 200m so với mực nước biển, diện tích gần 6.691km2, địa hình phức tạp, có tới 90% diện tích là núi rừng; có hai mặt Bắc và Đông Bắc giáp với tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc, với đường biên giới dài tới 311km. Ngoài thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng còn có 12 huyện. Hai địa phương sẽ đi là Pắc Pó thuộc huyện Hà Quảng và Bản Giốc thuộc huyện Trùng Khánh. Hành trình chúng ta từ Cao bằng đến 2 địa phương này giống như hình chữ V, nên khá xa, cả thảy đi về khoảng 300 km. Các dân tộc bản địa như Tày, Nùng, Dao, Mông, Thái, Lô Lô, Sán Chỉ, Sán Dìu… và cả người Kinh. Rồi Yến nói vui: - Người Kinh các anh ở đây chúng tôi gọi là người thiểu số đấy!

Hành trình lên Bản Giốc

Chúng tôi lên đường đến thác Bản Giốc - biểu tượng của tỉnh Cao Bằng. Con đường làm dang dở đầy “ổ gà” lở loét bởi xe tải nặng và cơn mưa rừng xối xả. Tuy vậy, nhưng cảnh sắc hai bên đường thật là hùng vĩ, với núi non nhấp nhô trùng điệp hiện rõ những thung lũng uốn lượn hun hút, qua những vạt rừng vàng ươm hoa cúc quì phối màu cùng hoa cơm nguội trắng, trông rất dịu mát.

Thác Bản Giốc ở giữa có một mô đất rộng phủ đầy cây, khiến dòng nước xẻ thành ba luồng chính và chia thác thành hai phần dễ nhận thấy với tổng chiều rộng 208m. Phần thác ở phía Nam gọi là thác Cao, đây là thác phụ vì lượng nước không lớn. Phần thác ở phía dưới gọi là thác Thấp là thác chính, có lượng nước lớn, nằm ở phía Bắc trên biên giới Việt Trung.

Vào những ngày nắng đẹp, ánh nắng chiếu rọi qua những bọt nước trắng xóa tạo thành hiệu ứng cầu vồng vô cùng kỳ ảo và tuyệt đẹp. Dưới chân thác là mặt sông rộng. Hai bên bờ là những vạt cỏ xanh mướt, ngoài xa là cây rừng thấp thoáng rất nên thơ.

thac1

Thác Bản Giốc

Thác Bản Giốc là thác nước lớn thứ 4 trên thế giới trong số các thác nước đẹp nằm trên biên giới giữa các quốc gia và là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đây là thắng cảnh du lịch nổi tiếng của Cao Bằng. Thác mang một vẻ đẹp hung vĩ và nguyên sơ đến kinh ngạc ngày đêm đổ nước xuống sông Quây Sơn, địa phận xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh của tỉnh Cao Bằng. Bên kia sông đối diện với nước ta là xã Đức Thiên, huyện Đại Tân, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Người Trung Quốc gọi tên thác nước này là thác Đức Thiên, đệ nhất hùng quan, coi đây là một điểm du lịch quan trọng trong ngành công nghiệp không khói.

Hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc đều khai thác du lịch ở thác Bản Giốc. Một điều dễ nhận thấy là ở phía Việt Nam thì đất đai bằng phẳng, dân cư đông đúc, trồng trọt được, nhưng ít khách du lịch tới tham quan, còn phía Trung Quốc thì núi non hiểm trở nhưng luôn có nhiều người tới ngắm thác. Họ xây nhiều cái lầu chênh vênh trên sườn núi để khách du lịch nghỉ chân. Hình ảnh thác nước 3 tầng đặc biệt này có mặt hầu hết trên các bản đồ du lịch của Trung Quốc.

Đối với Cao Bằng, khai thác du lịch ở thác Bản Giốc mới chỉ là sự khởi đầu. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu du lịch thác Bản Giốc nhằm hướng địa điểm này thành trọng điểm du lịch quốc gia. Ý nghĩa về chủ quyền lãnh thổ cũng là một trong những lý do để khách thập phương muốn tới thác Bản Giốc, mặc dù cung đường tới được khu vực biên giới này không hề dễ dàng. Thiên nhiên tươi đẹp đủ sức tạo nên niềm tin vững vàng theo năm tháng và cảnh quan ở thác Bản Giốc luôn làm thức tỉnh tâm hồn dân Việt.

Xuống bè do một thanh niên xã Đàm Thủy đẩy sào, chúng tôi ra giữa dòng sông, trèo lên mỏm đá giữa dòng để chụp ảnh kỉ niệm. Theo lời người chèo bè, thì ranh giới thác Bản Giốc là ranh giới phân thủy nên con thác hầu như được chia đôi.

Trùng Khánh mùa hạt dẻ

Mỗi lần đến Cao Bằng, tôi đều đi thăm Trùng Khánh, ghé chợ Trùng Khánh, bởi nơi đây là quê của một người chị rất thân với tôi. Gặp gỡ và giao lưu với các bạn ở đây mới thấm thía câu thơ của Trúc Thông “sâu sắc người Cao Bằng”.

thac6

 

Người Cao Bằng nói chuyện mộc mạc, nhưng sâu sắc, đùa giỡn nhưng ý tứ, nhẹ nhàng… và đặc biệt là uống rượu “kiểu Cao Bằng” rất khác lạ. Cứ uống với nhau từng cặp một. Uống xong rồi tiếp cũng là vì quý mến nhau, nhưng sau mỗi cái cạn ly thì bắt tay cho tình cảm thêm thắm thiết.

So với những lần tôi đến thác Bản Giốc trước năm 2014, thì nay đường từ thành phố Cao Bằng đến huyện Trùng Khánh đã tốt hơn nhiều nên xe đưa khách du lịch đến cũng đông hơn.

Tôi “search google” đã có những thông tin: Trùng Khánh có tổng diện tích đất nông nghiệp là 38.798,40 ha, với nhiều cánh đồng màu mỡ lớn nhỏ. Dọc theo sông Quây Sơn là những cánh đồng trải dài, màu mỡ, như: cánh đồng xã Ngọc Khê, dài gần 10 km, rộng 2 km, đặc biệt là cánh đồng xã Đình Phong do phù sa dòng sông Quây Sơn bồi đắp, rất màu mỡ. Người dân quanh vùng thường lưu truyền câu ca “Quỳnh Lâu Lũng Đính đa hào phú” chính là để chỉ sự trù phú của dân cư vùng đất này. Bên cạnh đó còn có các cánh đồng Chí Viễn, Đàm Thủy. Dọc theo sông Bắc Vọng là những cánh đồng xã Trung Phúc, Thông Huề, Thân Giáp,…Ngoài ra còn có các cánh đồng lúa dựa vào nguồn nước tưới chủ yếu là các con suối và nước tự nhiên, như: Lăng Hiếu, Lăng Yên, Phong Châu, Bồng Sơn, Cao Thăng, Đức Hồng, Đoài Côn. Những cánh đồng lúa trên là nguồn cung cấp lương thực chủ yếu cho nhân dân huyện Trùng Khánh.

thac7

Cây dẻ di sản của VN 

Tuy nhiên, trong các sản phẩm nông nghiệp thì Trùng Khánh nổi tiếng khắp nơi nhờ hạt dẻ. Nơi đây có cây dẻ trên 300 năm tuổi được dựng bia, ghi là cây di sản quốc gia.

Chị bạn tôi ở Trùng Khánh kể rằng: Sau tết Trung Thu, khi bắt đầu có cốm thì dẻ Trùng Khánh cũng bắt đầu chín rụng và vỡ quả để rơi những hạt căng tròn dưới gốc. Hạt dẻ Trùng Khánh to như ngón chân cái và có màu nâu bóng, đầu hạt phủ lớp lông tơ mịn màng.

Chị bạn tôi kể tiếp: - Loại hạt dẻ bé tí như quả sim còi thì quê tôi có cả rừng cây cổ thụ, quét một lúc dễ có được cả thúng mà chẳng có mấy ai ăn. Khi rụng quả nào chưa vỡ hẳn cũng đã tách vỏ, đeo găng tay bạt giữ quả rồi dùng kẹp mới lấy được hạt bởi gai dẻ cực sắc và cứng lắm. Phơi hạt 2 nắng rồi dùng dao khía chữ thập thật nhỏ thôi ở đầu hạt rồi cho vào đồ đến khi hạt “mở miệng” thì đưa ra cho vào nồi đáy dày đậy kín, đun thật nhỏ lửa, thỉnh thoảng đảo đều tay cho hạt chín xém đều, đến khi miệng hạt xoè rõ 4 cánh vỏ là hạt sắp chín rồi.

Khi chín, hạt dẻ Trùng Khánh có vị béo, bùi, thơm và ngọt, rang hơi xém vỏ thì lại càng ngon hơn. Hạt dẻ Trùng Khánh bở tơi như đỗ, ngọt mềm mà không ngọt lịm như loại hạt dẻ có bán quanh năm. Hạt dẻ Trùng Khánh có số lượng hạn chế và cũng chỉ rộ khoảng 15 - 20 ngày là hết vụ. Khi bán thì chỉ bán theo “Trăm hạt” chứ không bán theo từng kg. Muốn ăn hạt dẻ Trùng Khánh, yên tâm nhất là đi vào Trùng Khánh, nếu có thể thì vào vườn nhà người trồng để mua. Chị bạn tôi tiết lộ: “Rất ít khi có hạt dẻ Trùng Khánh được bán tràn lan, chủ cửa hàng chuyên bán hạt dẻ lớn nhất thành phố Cao Bằng cũng phải công nhận là: mua được hạt dẻ của một vườn ở Trùng Khánh nhiều nhất là gần 2 tạ mà thôi. Vậy nên, muốn có hạt dẻ Trùng Khánh “măm” quanh năm, bạn phải đổ hạt dẻ vào cấp đông nhé, khi ăn thì lấy ra để rã đông rồi đồ, rồi luộc, rồi sấy, rồi rang, rồi hầm chân giò ...”

thac8

 Đi thăm vườn dẻ

Chị bạn tôi lại hoài niệm: “Món ăn thích nhất thời thơ bé của tôi là cốm trộn hạt dẻ rưới mỡ vịt. Mùi cốm thơm thơm quện với vị bùi bùi của hạt dẻ, càng nhai lại càng ngọt, ăn mãi chẳng thấy chán và chỉ mong mùa dẻ kéo dài để được Bố làm Hạt dẻ trộn Cốm cho ăn.”

Tháng 9 dương lịch, hạt dẻ Trùng Khánh đã chớm vào mùa. Ngay tại thị xã Cao Bằng, ai may mắn lắm mới mua được đúng hạt dẻ Trùng Khánh, mà phải tháng Chín, tháng Mười hàng năm vì đây là mùa thu hoạch.

Ngày nay, thứ quả đặc sản này tràn lan ra khắp cả nước thậm chí sang cả Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc). Nhưng nhìn kỹ thì thấy hạt dẻ to, tròn, mỏng vỏ, bóng bẩy và rốn không có lông tơ. Khi luộc chín, không có mùi thơm. Nhưng thịt nó rất ngọt. Ngọt như trộn đường. Đó là hạt dẻ bên Trung Quốc. Điều dễ nhận biết nhất là hạt dẻ “nhái” bán quanh năm. Mùa nào cũng có. Hạt dẻ ấy mang đi bao xa, đi bao lâu cũng không bao giờ sợ bị thâm bị thối.

Còn hạt dẻ Trùng Khánh xịn, vỏ cứng, dày và có nhiều lông tơ. Nếu đem luộc, hấp hoặc mang vào lò nướng chín, sẽ thấy có hương thơm tự nhiên. Ngọt bùi tự nhiên. Chỉ cần ngậm một lúc, tự nó mềm ra như bột bánh khảo. Nó từ từ chín một lần nữa trong miệng. Hãy nhớ một điều, hạt dẻ Trùng Khánh chỉ xuất hiện vào cuối thu. Cuối thu đầu đông là hạt dẻ xù lông rụng rốn. Hái về phải chế biến ngay, đừng để lâu. Để lâu, hạt dẻ bị thâm thối. Bốc mùi không ngửi được. Vì nó chứa hàm lượng đạm cao. Đạm càng cao, khi bị hư, càng nặng mùi.

Chúng tôi về Trùng Khánh tham quan nhiều nơi, nhưng thời gian nhiều dành cho việc thăm vườn dẻ. Đi dưới những tán cây dẻ mát lành, thoang thoảng hương, chúng như những bàn tay gió vuốt nhẹ lên mặt, lên tóc. Mất cả buổi chiều chiêm ngưỡng những hạt dẻ thơm ngon, mà chẳng biết ở đâu đó trong vùng này có hạt dẻ nào dành cho Lọ Lem?

thac9

Hoa cơm nguội - loài hoađặc trưng nơi này 

Cảnh đẹp nơi đây thật tuyệt vời và hùng vĩ, đi thăm mãi mà cả đoàn vẫn khó rời xa. Chiều muộn, bầu trời lấm tấm sương mù rồi đậm lại thành một cơn mưa nhỏ, thì thầm với vạt rừng cây dẻ. Lúc này đây, tôi mơ màng nghĩ về sự trù phú với dòng người đông đúc khắp nơi để về đây thưởng lãm, tạo nên một Cao Bằng giàu đẹp ở ngày mai. Đó là sự thật chứ không phải giấc mơ.

Anh Huy

Tin khác

Khoa học Công nghệ 17 giờ trước
(SHTT) - Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024 sẽ diễn ra tại tỉnh Bắc Giang trong 3 ngày (20, 21, 22/3). Cuộc thi do Bộ GD-ĐT phối hợp UBND tỉnh Bắc Giang, Trung ương Đoàn và Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức.
Tin tức 1 ngày trước
Chuyến bay liên thành phố đầu tiên trên thế giới với một chiếc taxi bay điện trong nỗ lực cách mạng hóa du lịch đã được công ty AutoFlight của Trung Quốc thực hiện thử nghiệm thành công.
Khoa học Công nghệ 2 ngày trước
(SHTT) - Rút ngắn thời gian thu hoạch, giảm lượng nước nuôi trồng tới 98% và sử dụng ít diện tích hơn, trạng trại thẳng đứng của Dubai được kỳ vọng sẽ trở thành giải pháp bền vững cho vấn đề về nguồn lương thực và bảo vệ môi trường.
Khoa học Công nghệ 3 ngày trước
(SHTT) - Tại Diễn đàn Báo chí Toàn quốc năm 2024, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông và tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này.
Khoa học Công nghệ 3 ngày trước
(SHTT) - Một trong những giải pháp của Huyện Đoàn là phổ cập, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho ĐVTN; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn ĐVTN cài đặt, sử dụng các ứng dụng trên điện thoại; như Cuộc thi tìm hiểu Nghị quyết Đại hội Đoàn lần thứ XII do Trung ương Đoàn phát động trên App Thanh niên Việt Nam...