SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 25/03/2024
  • Click để copy

“Cánh tay robot” cho học sinh khuyết tật: Món quà vô giá từ những người thầy cô

06:14, 09/04/2017
Đầu tháng 3 vừa qua, một nhóm thầy cô giáo trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng đã trao tặng cho 2 em học sinh ở Quảng Nam những cánh tay robot do chính thầy cô chế tạo. Đây là món quà vô giá với những đứa trẻ không may bị khiếm khuyết một phần cơ thể.

Tâm huyết của những người thầy

Xuất phát từ ý nghĩ, rất nhiều em nhỏ bị khuyết tật, mất toàn bộ hoặc một phần cánh tay đã, đang gặp khó khăn trong sinh hoạt và thiệt thòi trong cuộc sống, cuối năm 2016, nhóm Chế tạo Robot (Robotica), thuộc Trung tâm Điện-Điện tử (EEC) của ĐH Duy Tân Đà Nẵng đã lập ra dự án mang tên “Cánh tay robot”.

Tìm gặp những thầy cô trong nhóm dự án, chúng tôi được gặp những người từng hướng dẫn sinh viên tham gia Cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam trong nhiều năm và giành nhiều giải thưởng ấn tượng. Họ còn là những thầy cô có nhiều kinh nghiệm và hơn hết là có chung tâm huyết. Bởi để làm nên những món quà dành tặng các em nhỏ khuyết tật không hề dễ dàng như làm robot cho những cuộc thi.

canh tay robot

 ThS. Đặng Ngọc Sỹ (đứng) lắp Cánh tay “Robot” cho em Phan Trọng Hiếu để em có thể uống nước, đi xe đạp.

Bắt tay vào dự án, các thầy cô cho hay, bên cạnh khá nhiều các nguyên vật liệu cần thiết như dây chất dẻo, dây kéo không dãn, vật liệu lót hút ẩm, dây dán độ bền cao,… nhà trường còn đầu tư thêm 2 máy in 3D vật liệu nhựa với công nghệ dùng tia khả kiến để chế tạo cánh tay robot. Trung tâm CEE cũng đã chế tạo thêm 2 máy in 3D vật liệu nhựa bằng phương pháp nóng chảy để gia công các chi tiết với tính chính xác và độ bền cao.

ThS. Đặng Ngọc Sỹ - Phó Giám đốc Trung tâm CEE, Chủ nhiệm đề tài cánh tay robot - cho biết, mục tiêu của dự án là cho ra đời những cánh tay robot nhưng có thể sử dụng như cánh tay thật của con người, nhóm Robotica đã phải thiết kế nhiều chi tiết với độ chính xác tuyệt đối. Mỗi chi tiết như ngón tay, bàn tay, cẳng tay và các khớp nối, “gân” cơ tay sau khi thiết kế được mô phỏng 3D trên phần mềm Solidworks trước khi đưa qua các máy in 3D. Các chi tiết khi in mất khá nhiều thời gian (trung bình in 3D đối với 1 chi tiết tốn hết 6 tiếng, có chi tiết “ngốn” tới 15 tiếng), và để có được một sản phẩm chuẩn xác phải thử nghiệm in đi in lại nhiều lần.

Không dừng lại ở đó, nhóm còn trực tiếp về Quảng Nam liên tục để tiếp xúc với người nhận cánh tay nhằm đo kích thước chính xác, tính toán lực các kết cấu phù hợp với chiều dài cánh tay khuyết tật cụ thể.

Thầy Sỹ chia sẻ: “Nhóm đã về Quảng Nam 3 lần để đo đạc, lắp thử các mẫu cánh tay giả cho các em. Lần thứ 2 về lắp phiên bản đầu tiên mới chỉ đạt hiệu quả tầm 50% nhưng lần thứ 3 khi hoàn thiện, kết quả đã rất thành công”.

canh tay robot a

 Nhận được cánh tay robot, gia đình em Trần Đăng Khoa hy vọng em sẽ có thể trở lại là cậu bé tự tin, vươn lên trong học tập.

Món quà vô giá

Sau 4 tháng miệt mài, đầu tháng 3 vừa qua, 2 cánh tay robot đã được trao tặng cho 2 em học sinh bị khuyết tật ở Quảng Nam. Trong lần trao tặng đầu tiên này, có em Trần Đăng Khoa học sinh lớp 6 tại trường THCS Nguyễn Huệ, Đại Lộc, Quảng Nam. Em bị mất một bàn tay trái ngay từ khi sinh ra. Khoa luôn tự ti khi giao tiếp với bạn bè và mọi người xung quanh. Gia đình Khoa nghèo nên không thể mua tay giả cho em.

Một trường hợp khác là em Phan Trọng Hiếu, học lớp 8 tại trường THCS Nguyễn Trãi, Quảng Nam. Hiếu kém may mắn hơn cả khi em bị mất cả 2 tay sau một lần cầm phải một quả bom. Mẹ Hiếu kể, cho đến bây giờ, tiếng nổ chát chúa của quả bom năm nào vẫn đang để lại nỗi đau cả thể xác và tinh thần của Hiếu. “Không có tiền mua tay giả cho con, tôi đành lấy một ống bơ, đục lỗ rồi chọc ngòi bút vào trong để cho con viết chữ. Nhưng cũng từ đó, cuộc sống của Hiếu thay đổi, em không còn là cậu bé vui vẻ như trước nữa”, mẹ Hiếu kể.

Nhiều nỗi đau là vậy, nhưng cả Hiếu và Khoa đều chăm học, cố gắng vươn lên trong học tập. Và nay, nhờ những tấm lòng của các thầy cô giáo, các em đã có cơ hội được bù lấp một phần nào khiếm khuyết bấy lâu.

Thầy Sỹ cho hay, những cánh tay robot được đặc chế cho từng em. Những ngày đầu tiên, do chưa quen với cánh tay giả nên các em có đôi chút ngại ngần. Tuy nhiên, sau một ngày được lắp ráp, được sự động viên của gia đình, các em đã có phản ứng tốt với cánh tay robot và dần coi nó như một người bạn mới sẽ theo mình suốt khoảng thời gian tới. Giờ đây, các em đã có thể cầm nắm, uống nước, đổ nước,… Riêng em Hiếu đã có thể đi xe đạp vững với cánh tay giả. Đây là những điều mà hẳn các em chưa bao giờ nghĩ bản thân có cơ hội làm được trong đời.

Chị Ngọc Đào, mẹ của em Phan Trọng Hiếu, chia sẻ: “Các thầy cô đã tặng cho em Hiếu 1 đôi tay quý giá. Nhìn em mừng rỡ khi tiếp nhận tay mới, không còn điều gì làm trái tim của những người mẹ như tôi vui hơn. Giờ đây, em Hiếu đã có thể chơi đùa thoải mái với bạn bè và thực hiện được nhiều việc từ sinh hoạt cá nhân đến học tập và làm những gì em thích”.

2 em nhỏ đã có được niềm vui lớn cùng với gia đình. Chia sẻ về dự định tương lai của dự án, thầy Sỹ cho hay: “Nhóm thiết kế rất vui khi hỗ trợ được các gia đình khó khăn và mang đến niềm vui, sự tự tin cho các em nhỏ. Hiện tại, nhóm tiếp tục chế tạo thêm những cánh tay robot phiên bản mới để trao tặng cho các trường hợp bị khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn khác. Trong thời gian tới, nhóm đặt mục tiêu nâng cấp thiết kế các cánh tay thông minh có lắp cảm biến, biết “hiểu”, giúp nhận diện tín hiệu từ thần kinh trung ương và chỉ thị đến các cơ bắp để thực hiện các chuyển động, giúp người khuyết tật có thể khắc phục được nhiều vấn đề khó khăn hơn trong cuộc sống”.

Theo Lao động

Tin khác

Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Trải qua hơn 2 tháng phát động cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, BTC đã tìm ra được top 20 dự án xuất sắc nhất.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Ngày 24/11 và 25/11, vòng thi chọn Top 20 Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã diễn ra bằng hình thức pitching trực tuyến. Dự án Smart VieLinkit thuộc bảng dự thi Mô hình Đổi mới sáng tạo đã xuất sắc lọt vào top 20.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Quản trị tài sản trí tuệ tại các cơ quan đặc biệt giúp ta hiểu rõ về hơn về các quy trình, biểu mẫu, các điều khoản cần thiết trong các quy chế, quy định.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Cuộc thi “Giải pháp thương mại hóa sáng chế 2021” đã đi một nửa chặng đường trong hành trình tìm kiếm các phương án, cách thức áp dụng các bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích vào thực tiễn, từ đó tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Buổi tập huấn thứ 6 trong chuỗi chương trình của Làng Sáng chế và Doanh nghiệp ĐMST phối hợp với Hội Sáng chế Việt Nam, hưởng ứng sự kiện khởi nghiệp ĐMST Quốc gia Techfest 2021 với chủ đề: “Thẩm định giá tài sản trí tuệ” được diễn ra vào lúc 8h00 sáng chủ nhật ngày 07/11/2021.