Canh Nậu: Hiệu quả của mô hình Hội làng nghề trong phát triển sản phẩm OCOP địa phương
Những hiệu quả tích cực từ mô hình "Hội gỗ mỹ nghệ Canh Nậu"
Vào tháng 3/2024, trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm sản phẩm làng nghề mộc, sinh vật cảnh xã Canh Nậu năm 2024, UBND xã Canh Nậu cũng đã công bố quyết định thành lập "Hội gỗ mỹ nghệ Canh Nậu".
Hội gỗ mỹ nghệ Canh Nậu được thành lập nhằm phát huy tiềm năng làng nghề, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ tại địa phương. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình làm nghề phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ.
Sau gần 6 tháng chính thức đi vào hoạt động, Hội gỗ mỹ nghệ Canh Nậu đã thể hiện được sự đúng đắn trong định hướng phát triển nghề truyền thống của chính quyền địa phương.
Theo ông Đỗ Ngọc Quang – Chủ tịch UBND xã Canh Nậu, Hội làng nghề địa phương đang đi vào hoạt động rất hiệu quả.
Hiện, theo chỉ đạo của Thành phố Hà Nội, Hội gỗ mỹ nghệ Canh Nậu đang phối hợp với Sở Công thương xây dựng một Trung tâm thiết kế, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặt trụ sở trên địa bàn xã nhằm thúc đẩy hoạt động công nghiệp thương mại trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, với sự đi vào vận hành chính thức, các nghệ nhân làng nghề cũng được công nhận những đóng góp quý giá đối với việc xây dựng và truyền thừa các giá trị văn hóa của nghề truyền thống.
Sự hiện diện của Hội gỗ mỹ nghệ Canh Nậu cũng giúp thương hiệu đồ gỗ Canh Nậu được lan tỏa hơn tại thị trường trong nước. Điều này được thể hiện qua những lời mới tham dự trưng bày sản phẩm tại các chương trình triển lãm, hội chợ cấp huyện, Thành phố và quốc gia.
Việc mang các sản phẩm mang thương hiệu đồ gỗ mỹ nghệ Canh Nậu đi giới thiệu tại các sự kiện không chỉ giúp nâng cao mức độ nhận diện cho sản phẩm của làng nghề, đồng thời, hoạt động này cũng mang về những lợi ích kinh tế lớn đối với người làm nghề tại địa phương.
Theo ông Đỗ Ngọc Quang, ngay tại buổi công bố thành lập làng nghề, các hộ kinh doanh mang sản phẩm thủ công mỹ nghệ tới triển lãm đã thành công thu về 15 tỷ đồng, bao gồm sản phẩm bán và ký kết.
Qua tìm hiểu của các nghệ nhân thành viên, Hội làng nghề đã giúp gia tăng đáng kể danh tiếng của sản phẩm OCOP của Canh Nậu. Điều này khiến hiệu quả hoạt động của Hội đồ gỗ mỹ nghệ Canh Nậu cũng được nâng cao, đồng thời, tinh thần hoạt động của các thành viên cũng trở nên sôi nổi hơn.
Với việc các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang thương hiệu làng nghề Canh Nậu được người tiêu dùng nhận biết rộng rãi và được yêu thích tại các sự kiện trưng bày, nhận thức về việc quảng bá sản phẩm OCOP của người làm nghề địa phương cũng được gia tăng đáng kể.
Tập thể nghĩ - Tập thể làm và sức mạnh lòng dân
Theo Chủ tịch UBND xã Canh Nậu, do đặc trưng là các mặt hàng cồng kềnh, vận chuyển khó, nên trước đây, khi được mời tham dự các sự kiện Hội chợ, triển lãm, các hộ làm nghề tại xã đều không quá mặn mà. Tuy nhiên, với những hiệu quả tích cực do Hội làng nghề mang lại, hiện nay, các nghệ nhân đã dần chủ động hơn trong việc đưa các sản phẩm đặc sắc tới giới thiệu tại các sự kiện.
Theo ông Đỗ Ngọc Quang, sự thành lập của Hội làng nghề cũng khiến ý thức làm nghề và phát huy các giá trị văn hóa nghề truyền thống được nâng cao rõ rệt.
Thay vì hoạt động manh mún, tự phát như trước đây, hiện nay, các hoạt động quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đồ gỗ Canh Nậu đã được hoạt động quy củ và có tính tập thể. Hiệu quả của mô hình Tập thể nghĩ - Tập thể làm cũng đã được các thành viên trong Hội gỗ mỹ nghệ Canh Nậu cảm nhận rõ.
Những kết quả tích cực này cũng giúp thu hút thêm các thành viên, đặc biệt là các nghệ nhân và người trẻ cùng tham gia vào tập thể và nâng cao danh tiếng thương hiệu sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của địa phương.
Cùng với đó, bài toán phòng cháy chữa cháy cũng được các hộ gia đình làm nghề thực hiện hiệu quả hơn. Theo đó, nhờ công tác thông tin, tuyên truyền theo hình thức 'đi từng ngõ, gõ từng nhà' của lực lượng chức năng, ý thức tập thể trong phòng cháy, chữa cháy tại địa phương thời gian qua đã được nâng cao rõ rệt.
Theo chia sẻ của lãnh đạo xã, với đặc trưng hầu hết các gia đình làm nghề trong xã đều là nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh, do đó, phòng cháy chữa cháy là vô cùng quan trọng. Nhờ việc kết hợp giữa tuyên truyền và kiểm tra, xử lý quyết liệt, hiện nay, xã Canh Nậu đang là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả nhất công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn huyện Thạch Thất.
Hiện nay, các hộ gia đình trên địa bàn xã đều đã được trang bị đầy đủ các thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định chung. Việc tập huấn phòng cháy, chữa cháy tại địa phương cũng được thực hiện thường xuyên nhằm giúp người dân chủ động nâng cao kỹ năng bảo vệ tính mạng và tài sản khi xảy ra sự số.
Thái An
TIN LIÊN QUAN
-
Canh Nậu: Thành công vượt sóng suy thoái đưa kinh tế địa phương đi lên
-
Khai mạc Hội chợ Triển lãm sản phẩm làng nghề mộc, sinh vật cảnh xã Canh Nậu năm 2024
-
Xã Canh Nậu (Thạch Thất): Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm OCOP tại địa phương
-
Canh Nậu: Diện mạo mới của làng nghề trong thời kỳ kinh tế thị trường