Cảnh giác trước thủ đoạn giả danh nhân viên giao hàng bưu điện
Theo ghi nhận của Bưu điện Việt Nam (BĐVN), thời gian qua, trong lĩnh vực chuyển phát, hình thức phổ biến nhất là các đối tượng lừa đảo gọi điện, nhắn tin và tự xưng là bưu tá, người giao hàng để thông báo cho người nhận về một đơn hàng và yêu cầu, thúc ép người nhận chuyển khoản hoặc ấn vào link yêu cầu chuyển khoản trước để nhận hàng.
Nếu người nhận không có mặt tại địa chỉ và nhờ người nhận thay, các đối tượng sẽ thông báo giao hàng thành công và yêu cầu người nhận chuyển khoản thanh toán. Tuy nhiên, trên thực tế, không có bất cứ đơn hàng nào được giao đến.
Ngoài ra, có trường hợp đối tượng mạo danh bưu tá, yêu cầu người nhận chuyển thêm tiền từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng thì mới giao hàng đến tận địa chỉ, nếu không khách hàng sẽ phải tự đến bưu cục nhận hàng.
Một hình thức lừa đảo nữa là các đối tượng gửi email giả mạo Bưu điện, các hãng chuyển phát, các doanh nghiệp (DN) viễn thông, điện lực… yêu cầu thanh toán phí dịch vụ, phí hải quan thông qua đường link, trang web giả mạo gửi kèm hoặc mạo danh nhân viên gọi điện yêu cầu nộp thuế, tiền nước, tiền điện…
Cụ thể cho tình trạng này, mới đây một nan nhân của vụ lừa đảo là chị Nguyễn Thanh Thúy (Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên mua hàng qua mạng và có thói quen nhờ bưu tá, shipper gửi hàng tại lễ tân tòa nhà và lấy hàng vào giờ tan làm. Dù đã đọc nhiều cảnh báo, Chị Thúy không ngờ một ngày mình lại bị lừa đảo dễ dàng như vậy.
“Họ (đối tượng lừa đảo) gọi đến, nói là bưu tá của Bưu điện giao hàng. Tôi đang bận việc gấp nên yêu cầu gửi lễ tân rồi chuyển tiền vào tài khoản cá nhân theo yêu cầu. Nhận hàng về mở ra thấy toàn giấy lộn, kiểm tra đơn hàng trên app của Bưu điện thì thấy hàng đang vận chuyển đến, lúc này mới biết mình bị lừa”, chị Thúy kể lại.
Trường hợp của chị Thúy chỉ là một trong vô vàn cách thức lừa đảo của các đối tượng giả mạo nhân viên của các hãng chuyển phát nhằm lừa đảo, chiếm dụng tiền, thông tin của khách hàng có thực hiện hoạt động mua sắm online đang ngày càng trở nên phổ biến trên môi trường số. Các hình thức lừa đảo cũng ngày càng đa dạng, tinh vi và khó đoán hơn khiến không ít người “rơi vào bẫy”.
Không chỉ ở các dịch vụ chuyển phát, anh Hòa ở Bắc Từ Liêm đã 3 lần nhận điện thoại tự xưng là nhân viên của EVN thông báo về việc chưa nộp tiền điện tháng gần nhất, dọa sẽ cắt điện vào 18h00 cùng ngày nếu không hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền, sau đó điều hướng kết bạn zalo, tham gia vào 1 đường link telegram để điển các thông tin theo hướng dẫn từ đó thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm dụng.
Để tránh bị lừa đảo, BĐVN khuyến cáo khách hàng nâng cao cảnh giác, thường xuyên theo dõi đơn hàng trên ứng dụng/kênh đặt hàng, app My Vietnam Post Plus, cổng thông tin điện tử https://vietnampost.vn hoặc liên hệ số Hotline 1900545481, Fanpage: Vietnam Post - Bưu điện Việt Nam để được hỗ trợ.
Đặc biệt, khách hàng không vội vàng thực hiện yêu cầu từ các cuộc gọi hay truy cập vào các đường link lạ; tuyệt đối không thanh bất cứ khoản tiền, cước phí nào khi chưa nhận, kiểm tra hàng, chưa xác minh chính xác thông tin qua các kênh, số liên hệ chính thức của DN cung cấp dịch vụ công bố; chỉ thanh toán khi đã nhận đúng, đủ mặt hàng đặt mua (trường hợp có người nhận hộ, nhận thay cần xác minh rõ thông tin về tình trạng hàng hóa trước khi chuyển khoản cho người giao hàng).
Cùng với đó, người dân cũng được khuyến nghị không cung cấp thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội, các trang mua bán trực tuyến; kiểm soát chặt chẽ thông tin liên quan đến đơn hàng của mình. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần ngăn chặn các đối tượng nắm được thông tin về nhu cầu mua hàng để sử dụng các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi với người mua hàng.
TH
TIN LIÊN QUAN
-
Vietnam Land - Đại lý đồng hành chính thức tại lễ ra quân dự án Caraworld Cam Ranh
-
Hòa Bình: Phát hiện và tiêu hủy gần 1 tấn sản phẩm động vật không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
-
Việt Nam chào đón hai giải đấu Pickleball quy mô lớn dành cho gia đình và người nổi tiếng
-
Chân dung những nhà khoa học xuất sắc được vinh danh tại giải thưởng VinFuture 2024