SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Cánh cò bay lả, bay la…

09:00, 17/02/2018
(SHTT) - Hai người đàn ông miệt sông nước miền Tây, đã chấp cánh cho những cánh cò bay lả bay la qua những cánh đồng lúa chín, tạo nên một phong cảnh làng quê trù phú và thanh bình. Tuy nhiên, ít ai biết đến sự kỳ công của họ trong việc chắp cánh bay cho những chú cò.

Vườn cò Bằng Lăng

Qua khỏi bắc Vàm Cống, từ ngã ba Lộ Tẻ xuôi theo Quốc lộ 80 khoảng 8 km, có cây cầu bắc qua con rạch nhỏ. Cây cầu và con rạch đều mang tên Bằng Lăng, một loại cây có hoa màu tím được lứa tuổi học trò ưa thích. Từ đây, theo con đường làng len lõi giữa cánh đồng lúa xanh mượt và nhiều kênh rạch chằng chịt chừng hơn 1 km nữa là đến vườn cò Bằng Lăng thuộc ấp Thới Bình, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Chủ vườn cò là ông Nguyễn Ngọc Thuyền, dân ở đây thường gọi là ông Bảy Cò.

canh co

 Ông Bảy cò với niềm vui săn sóc cò

Những người lớn tuổi ở đây cho tôi hay, vùng này trước kia là ruộng lúa, quanh bờ có một số tre, trúc, tầm vông, dừa nước, trâm bầu, me nước, mù u…Quãng năm 1983, bỗng dưng cò ở đâu bay về đây đậu ngày càng nhiều. Chẳng những không xua đuổi, ông Bảy Cò còn đào mương, thả cá để cò sinh sống và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho cò trú ngụ. Từ đó đến nay, vườn cò của ông được mở rộng thêm, có diện tích 12.500 m2 và số lượng cò từ 100.000 con - 150.000 con, gồm hơn 20 chủng loại. Ông Bảy được xem như “nhà cò học” ở Nam bộ với vốn hiểu biết sâu rộng và nhiều kinh nghiệm thực tiễn về cò.

Theo nhận xét của tôi, hiện nay vườn cò Bằng Lăng là vườn chim thuộc loại độc đáo nhất nước. Bởi vừa đa dạng sinh học với các loại thực vật đặc trưng của miền song nước, lại vừa phong phú các loại chim, cò. Du khách đến đây sau khi đi qua  hai cổng cầu vồng bằng tre sẽ có dịp lên đài quan sát cao 8m để ngắm nhìn thoải mái khu vườn cò. Nhìn từ xa những cánh cò, chúng tôi không thể phân biệt được loại cò nào, nhưng với ông Bảy Cò thì khác. Như một nhà “cò học”, ông vanh vách nói về các loại cò sống ở đây gồm cò ruồi, cò cá, cò ngà, cò ma, cò xanh, cò lép, cò đúm, cò sen, cò quắm… Nhỏ nhất là cò lép, chỉ nặng chừng 150g và lớn nhất là cò ngà, cò quắm nặng đến 1,2 kg. Còn loại diệc nặng đến 3 kg.

Ngoài họ hàng nhà cò, còn có một số loài thuộc “bà con” của nhà cò như vạc, bồ nông, cuốc, cồng cộc, bìm bịp, điên điển, bạc má, diệc…Đông nhất là cò ruồi lông trắng, mỏ vàng, chân đen. Giống này nhỏ con, chỉ nặng từ 400-500g, nhưng chiếm đến hơn 80% trong tổng số đàn có có mặt tại vườn. Cò ruồi về đây làm tổ từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch hàng năm. Còn loại cò cá lông trắng, mắt, mỏ và giò đen, về làm tổ từ tháng 8 năm trước cho đến tháng 2 âm lịch năm sau.

canh co 2

 Đám cưới cũng chọn cảnh trong vườn cò Bằng Lăng để lưu lại những cảnh đẹp

Đặc biệt, giống cò ma không bao giờ đẻ và ấp trứng tại vườn. Cò ma có đặc điểm là khi bay toàn thân màu trắng, đến khi đậu thì cánh trắng, thân màu đen. Chúng chỉ đến đây cư ngụ qua đêm từ tháng 8 năm trước cho đến tháng 3 năm sau. Chim cồng cộc thì có bộ lông đen, mỏ và giò đều đen, có bàn chân như chân vịt… Mỗi năm cò đẻ 4 lứa. Cò đẻ trung bình mỗi lứa 4 trứng (mỗi ngày đẻ 1 trứng).

Thời gian ấp là 17 ngày, tổng cộng cả thời gian đẻ và ấp là 21 ngày. Cò con chỉ 5 tuần lễ là biết bay, sáu tháng tuổi thì cò trưởng thành. Cò sinh trưởng ở đây, nhưng đi kiếm ăn xa rồi tìm bạn tình ở nơi khác rủ về. Khó có loài chim nào chịu khó (con cò lặn lội bờ sông) và có tính thuỷ chung như cò. Cò thường đi kiếm ăn theo từng cặp, có lúc thì đi theo đàn. Quanh năm cò tự đi kiếm ăn, nhưng vào mùa khô hạn, ông chủ vườn Bảy Cò phải cho ăn phụ thêm hàng ngày. Mỗi năm, ông còn sửa sang lại “nhà cửa” cho chúng ở, vét sâu thêm các mương rạch, thả thêm cá, ốc, trồng thêm cây xanh cho mát mẻ. Cũng như con người, đất lành thì chim đậu.

Vườn cò Tân Long

Vườn cò Tân Long nằm cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 60 km, trải rộng trên diện tích 2ha, thuộc xã Long Bình, huyện Ngã Năm-tỉnh Sóc Trăng do ông Huỳnh Văn Thỏ (thường gọi Mười Thỏ) làm chủ. Ông Mười kể: “Đất này do tôi khai phá. Hồi chiến tranh, bom đạn của Mỹ cày nát hết, nhưng gia đình tui vẫn ở đây bám trụ làm lúa, còn một phần đất rừng khoảng 1ha bị bọn đồn bắt buộc đốn sạch. Sau ngày thống nhất đất nước, tui lên liếp bao ngạn trồng dừa, tre để lấy củi và tận dụng đất rừng trồng dừa nước chủ yếu lấy lá lợp nhà…Không ngờ đám dừa, dừa nước phát triển xanh tốt, rồi bỗng dưng từng đàncò ở đâu bay về đây trú ngụ. Lúc đó, người dân ở đây đồn nhau vườn ông Mười đất lành…cò đậu. Được vài năm cò sinh sản đông thêm, tui mở rộng thêm vườn cò bằng cách liên liếp, trồng cây trên đất trồng lúa".

canh co 1

 Du khách trong vườn cò Tân Long

 Sáng sớm, cò đậu trắng phau trên cây như cây sứ trổ trắng bông. Khi đi ăn chúng bay thật êm đềm, thường theo bốn hướng. Chiều về mỗi đàn lại về đúng hướng của mình. Khi cò bay đi ăn là ông Mười rảo khắp vườn xem con nào chết, con nào bị thương xệ cánh, gãy chân, con non rớt ổ còn nằm lại,..ông mang vào nhà dưỡng thương, rôi đi mua tép, bắt cá về đút cho chúng ăn. Có con ông phải chăm sóc đến nửa tháng mới khỏe lại và bay đi theo đàn. Suốt 30 năm qua, ông đã cứu hàng ngàn con cò như thế. Từ việc chăm sóc cò, dường như ông thuộc cả những tập tính của loài cò. Ông rành mạch diễn giải: Cò ruồi rất nhát, đi ăn từng đàn, chúng bắt ruồi rất giỏi, về vườn chúng ngủ ở tầng thấp. Còn cò cá thì dạn dĩ, đi ăn một mình, nên dễ bị người ta bắn, chúng thường ngủ ở bìa vườn. Cò quắm thường bay đi ăn sớm về muộn, với thân mình cao to, nên là đối tượng dễ bị săn bắt nhiều nhất, vả lại bán được giá, thịt rất ngon. Về vườn chúng thường ngủ trên cây cao…

canh co 3

 Vườn cò Tân Long

Hoàng hôn vừa buông xuống, cuộc trò chuyện của chúng tôi về lũ cò trên nhà chòi quan sát trở nên đứt quãng. Đôi mắt ông Mười cứ dõi ra xa. Tôi nhìn theo những bóng trắng đang sà trên ngọn dừa. Ông Mười chỉ tay: “Kìa, lũ nó kéo về kìa. Hai, ba… tốp nữa kìa!”. Trời sẫm dần. Lần lượt từng tốp, mỗi tốp chừng năm bảy chục con, có tốp  bay theo hàng ngang, tốp thì bay theo hàng dọc. Chúng vừa là là lượn sát xuống mặt ruộng rồi lại vút lên trời cao. Hàng chục tốp nối tiếp nhau. Hàng ngàn con tiếng oang oác, lao xao vang một góc trời. Lúc này, trong không gian lờ mờ của buổi tối chạng vạng, hướng mắt về khoảng cây cối xanh tươi phía trước đã thấy trắng cánh cò. Ông Mười khoe:- Vườn cò này có đủ loài cò như cò ngà, cò trâu, cò bợ, cò lạo xám, cò nhạn, cồng cộc, cò quắm,… đặc biệt là diệc mốc. Diệc mốc là loài quý hiếm nhất trong vườn cò của ông Mười số lượng chỉ vài trăm con. Không chỉ cao to, diệc mốc còn nổi bật với bộ lông màu nâu xám. Diệc mốc trưởng thành nặng trên 3 kg với sãi cánh rộng hơn 1,5 m . Trong khi lông các loài cò khác thì chỉ một màu trắng muốt.

Xin một điều ước

 Hai ông lão vườn cò tuy ở hai nơi khác nhau, nhưng tấm lòng yêu thiên nhiên, mến lũ cò thì đặc biệt giống nhau. Hai ông như người mẹ hiền tảo tần, nuôi nấng, chăm sóc và che chở lũ cò. Ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng ngày ngày hai ông vẫn âm thầm động viên con cháu bảo vệ vườn cò, lặng lẽ trồng thêm dừa nước phía ngoài trồng thêm tre gai…Hai ông cho rằng, ở tầm thấp, cò ngủ êm hơn, ít bị đong đưa như trên tàu dừa, trên hàng cây.

 Những ngày ở hai khu vườn cò, tôi biết được một qui luật là trời vừa hửng sáng, đàn cò lần lượt bay đi khắp nơi. Chúng thường kiếm mồi trên các ruộng lúa vừa mới gặt xong. Thức ăn chủ yếu là cá, ốc, tép, cua, còng, ếch nhái, cào cào, sâu bọ... Trời chạng vạng, chúng lần lượt bay về vườn cho đến tối hẳn mới hết. Lúc bấy giờ, chúng đậu trên cây giáp với bốn bề bờ rào bao xung quanh. Sau khi đi ăn về, thỉnh thoảng có vài con bị mắc câu, mang theo cả cần câu bay về vườn. Chủ vườn phát hiện các con cò bị nạn, lấy sào đưa cò xuống đất, dùng cọng lá đu đủ cắt bỏ hai đầu, xỏ vào sợi dây câu, đưa cọng đu đủ vào bao tử cò đẩy nhẹ cho lưỡi câu tuột ra khỏi thành bao tử, sau đó bỏ vào bụi tre nuôi dưỡng vài ba hôm cho lại sức.

 Hai ông cho rằng, những tiếng kêu oang oắc như reo mừng của lũ cò sau một ngày kiếm ăn không thể thiếu trong các ông cho đến cuối cuộc đời. Và nếu xin một điều ước, hai ông đều mong Nhà nước và các cấp chính quyền giúp đỡ giữ vườn cò, không để cò bị bắt làm đặc sản. Hai ông thở than: “Cò về nhiều nhưng cũng bị săn bắt dữ lắm. Mỗi mẻ lưới người ta bắt vài con đến mươi con. Quanh vườn cò luôn có hơn chục tay lưới, mỗi ngày họ vẫn luôn rình rập tàn sát lũ cò. Ngày nào thú săn bẫy chim trời, chỉ dành cho phút giây tiêu khiển thì giờ đây đang trở thành một nghề của nhiều người sống gần các vườn chim. Họ tìm mọi cách săn bắt để đáp ứng nhu cầu thưởng thức các món ăn đặc sản miền quê.

 Xung quanh vườn cò Bằng Lăng ở khu vực huyện Thốt Nốt và vườn cò Tân Long đoạn trên quốc lộ 1A, nhìn những tấm bảng đặc sản “Cò bằm nhuyễn nấu cháo đậu xanh, cò rô ti, cò khìa nước dừa…” treo trước quán nhậu mà lòng tôi không khỏi xót xa. Lúc đó tôi tự hỏi rằng, việc làm của hai ông có phải như câu chuyện của cốc và cò trong khu vườn của họ. Nhưng nhớ lại những lời nói quyết tâm, việc làm tâm huyết của hai ông giành cho lũ cò, tôi lai tin vào một ngày mai, hai khu vườn cò bên bờ sông Hậu sẽ là những điểm đến của du khách khắp nơi. Và từ đó, khu vườn ngày càng được mở rộng và đàn cò sẽ ngày một sinh sôi.

Vườn cò Bằng Lăng là địa điểm du lịch hấp dẫn tại TP Cần Thơ. Nơi đây, dành cho những du khách thích tìm hiểu về thiên nhiên, thích khung cảnh một vùng quê thanh bình với đồng lúa, vườn tre, vườn trúc xanh mướt với cánh cò bay lả. Vé vào cổng khách Việt Nam 10.000đ, khách Nước Ngoài 20.000đ. Ở đây có rất nhiều loại cò như: cò ruồi, cò cá, cò ngà, cò ma, cò xanh, cò lép, cò đúm, cò sen, cò quắm… Loại nhỏ nhất là cò lép, chỉ nặng chừng 150g. Lớn nhất là cò ngà, cò quắm nặng đến 1,2 kg. Giống cò ruồi lông trắng, mỏ vàng chân đen. Một con nặng chừng 400 đến 500gr. Giống này chiếm khoảng 80%.

Khu du lịch sinh thái Tân Long là nơi ngụ của hàng nghìn giống Cò, Vạc, Còng cọc và nhiều giống chim khác… cuộn hút ngàn hàng du khách mỗi năm. Ngoài mục đích tham quan, khách tham quan còn được tận hưởng các món ăn: cháo, chiên, khìa… từ sản phẩm chim cò. Đây là một tour du lịch độc đáo của Sóc Trăng và toàn tuyến miền Tây Nam bộ.

Anh Thục

Tin khác

Khoa học Công nghệ 2 giờ trước
(SHTT) - Tạp Chí Time công danh sách 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới 2024, trong đó có 3 Chủ nhân Giải đặc biệt VinFuture 2023 là GS. Daniel Joshua Drucker (Canada), GS. Joel Francis Habener và PGS. Svetlana Mojsov (Hoa Kỳ).
Khoa học Công nghệ 19 giờ trước
(SHTT) - Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá ngành công nghiệp bán dẫn đang có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, với quy mô trên 520 tỷ USD năm 2023 và vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Một nghiên cứu mới từ Turnitin, nhà phát triển nền tảng chống đạo văn hàng đầu, đã khám phá xu hướng mới trong việc viết bài của sinh viên trên toàn cầu, từ đó mở ra cuộc thảo luận về vai trò của AI trong giáo dục hiện đại.
Khoa học Công nghệ 3 ngày trước
(SHTT) - Tiến sĩ Nguyễn Duy Duy đã trở thành 1 trong 10 nhà khoa học trẻ xuất sắc được trao giải thưởng từ quỹ tài trợ các nhà khoa học tại Australia trong lĩnh vực khoa học và công nghiệp, của Viện Hàn lâm Khoa học Australia (SIEF).
Khoa học Công nghệ 3 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ thông tin Việt Nam (Vinasa) mới đây đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Sao Khuê 2024 cho 169 sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin của 117 doanh nghiệp công nghệ.