Cảnh báo: Tấn công mạng, lừa đảo trực tuyến sẽ gia tăng mạnh dịp nghỉ Tết
Những số liệu được đưa ra bởi Trung tâm Giám sát không gian mạng Việt Nam (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, đã có 1.252 trường hợp tấn công vào các trang, cổng thông tin điện tử của Việt Nam từ ngày 12/12 đến ngày 25/12, trong đó các trường hợp tấn công lừa đảo (Phishing) chiếm tới hơn 66%.
Không chỉ vậy, đã có 422 ý kiến phản ánh được gửi về hệ thống tiếp nhận phản ánh của người dùng Internet về các trường hợp nghi lừa đảo tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn do NCSC quản lý. Qua kiểm tra, phân tích, có nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo website của ngân hàng và các trang thương mại điện tử…
Có thể thấy, sự cố tấn công mạng, đặc biệt là lừa đảo trực tuyến nhắm trực tiếp vào người dùng cá nhân đang có xu hướng gia tăng trong các tháng cuối năm 2022, đặc biệt là dịp nghỉ Tết Dương lịch cũng như Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Các chuyên gia bảo mật cho biết lý do là những ngày giáp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán là thời gian các cơ quan, doanh nghiệp phải bận rộn hoàn thành các kế hoạch năm cũ và chuẩn bị, lên kế hoạch cho năm mới.
Các đối tượng lợi dụng thời điểm nhạy cảm này khi các loại số liệu và kế hoạch sẽ được cập nhật liên tục, hệ thống công nghệ thông tin hoạt động hết công suất. Không chỉ vậy, một số cơ quan, doanh nghiệp mở cổng cho phép kết nối từ xa để thuận tiện cho các nhân viên làm việc từ xa khi đi công tác. Do vậy, sẽ xuất hiện các cuộc tấn công có chủ đích APT hoặc tấn công mã hoá dữ liệu đòi tiền chuộc.
Trước tình hình trên, Bộ Công an đã liên tiếp nhắn tin cảnh báo, nhắc nhở người dân về các chiêu thức lừa đảo trực tuyến. Đặc biệt là các hình thức lừa đảo giả danh cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án… Người dùng sẽ nhận được các cuộc điện thoại thông báo có liên quan đến các vụ án và yêu cầu chuyển tiền. Các hình thức giả mạo website, ứng dụng của các tổ chức và gửi đường link dụ người dùng đăng nhập nhằm chiếm quyền điều khiển các loại tài khoản; đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online cho các trang mạng xã hội... cũng ngày càng phổ biến.
Người dùng cần tuân thủ các nguyên tắc như "hãy chậm lại" khi kẻ lừa đảo luôn nhắn tin, gọi điện với giọng cấp bách, yêu cầu bạn phải hành động ngay, chuyển tiền ngay; "kiểm tra tại chỗ" nếu nhận cuộc gọi không mong muốn, xưng là công an, cảnh sát, nhân viên ngân hàng… ngay lập tức điện thoại trực tiếp tới cơ quan công an, ngân hàng, tổ chức tài chính đó để xác minh thông tin và cuối cùng là "dừng lại", không gửi, chuyển tiền, nếu thấy giao dịch đáng nghi ngờ.
Minh Hà