SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Cảnh báo: Sử dụng "thần dược" thuốc cam không rõ nguồn gốc, nhiều trẻ ngộ độc chì nặng

07:02, 26/06/2019
(SHTT) - Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về nguy cơ ngộ độc chì trong thuốc cam không rõ nguồn gốc, nhiều phụ huynh vẫn quá tin tưởng vào loại “thần dược” này.

Theo báo PLO, nhiều phụ huynh cho rằng thuốc cam có thể giúp trẻ tăng cân, chữa lành một số bệnh thông thường. Một số cha mẹ dùng thuốc để vệ sinh lưỡi cho trẻ. Những sai lầm này có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Tính từ đầu năm 2019 đến nay, Khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho sáu trẻ ngộ độc chì do dùng thuốc cam. Phần lớn các ca ngộ độc chì ở trẻ em đều liên quan đến sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc nhằm tẩm bổ, tăng cân, chữa tưa lưỡi, viêm loét miệng…

canh-bao-su-dung-than-duoc-thuoc-cam-khong-ro-nguon-goc-nhieu-tre-ngo-doc-chi-nang

 

Trường hợp nhập viện mới đây nhất là bé N.P.B.N (bảy tháng tuổi, Thanh Hóa) được chuyển đến Khoa cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 15/5 trong tình trạng li bì, nôn trớ, đi ngoài.

Theo lời kể của người nhà, trước đó hai tuần, bé bị viêm loét miệng, bà Nội nghe hàng xóm mách một thầy lang ở gần nhà có bài thuốc cam gia truyền có thể chữa bệnh rất tốt, nên đã tìm mua thuốc cho cháu bôi và uống. Sau bảy ngày dùng thuốc cam bé xuất hiện nôn trớ, đi ngoài, co giật, li bì nên được người nhà đưa đến bệnh viện tỉnh khám và điều trị. Sau đó bé được chuyển tiếp lên khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, qua khai thác bệnh sử và các biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ đã nghĩ đến bệnh nhi bị ngộ độc chì cấp do dùng thuốc cam. Bệnh nhi được lấy mẫu máu định lượng nồng độ chì. Kết quả nồng độ chì trong máu rất cao (vượt mức cho phép).

Trực tiếp điều trị cho bé N., bác sĩ Đinh Thị Hồng, Khoa cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh nhi bị hội chứng não cấp do ngộ độc chì mức độ nặng, ngoài ra còn có tổn thương gan (xét nghiệm men gan tăng rất cao), thiếu máu nặng phải truyền máu.

Hiện tại, sau hơn hai tuần điều trị bằng thuốc thải chì đặc hiệu, bệnh nhi đã có những tiến triển rõ ràng, xét nghiệm máu cho thấy nồng độ chì đã giảm nhiều. Tuy không còn nguy hiểm đến tính mạng song những di chứng mà ngộ độc chì để lại, hiện tại chưa thể xác định được do bệnh nhi còn quá nhỏ, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần, vận động IQ và việc thải độc chì sẽ vẫn phải tiếp tục sau khi bệnh nhi được xuất viện.

Thông tin trên tờ Nhân Dân, mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về nguy cơ ngộ độc chì trong thuốc cam không rõ nguồn gốc, nhiều phụ huynh vẫn quá tin tưởng vào loại “thần dược” này. Không ít các mẹ truyền tai nhau thuốc cam giúp trẻ tăng cân, chữa lành các vết loét miệng, hoặc sử dụng thường xuyên để vệ sinh lưỡi cho con. Những sai lầm này có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Các bác sĩ cho biết, chì là một chất rất độc hại cho sức khỏe gây tổn thương trên nhiều cơ quan như thần kinh, huyết học, gan, thận, dạ dày, đường ruột, tim mạch,… Khi xâm nhập cơ thể, kim loại này sẽ được hấp thu vào máu, từ đó phân tán vào các mô trong cơ thể đặc biệt là xương. Chì từ xương sau đó sẽ giải phóng từ từ vào máu gây ngộ độc kéo dài.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em ngộ độc chì như tiếp xúc với môi trường ô nhiễm từ các khu công nghiệp, nguồn nước nhiễm chì, sơn tường, xăng dầu nhiễm chì, hoặc sử dụng đồ chơi bằng nhựa có sơn chì. Các loại thuốc nam được dân gian gọi là “thuốc cam” không rõ nguồn gốc dùng để bôi, uống cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều trường hợp ngộ độc. Tuy nhiên, do phần lớn trẻ bị nhiễm độc không có biểu hiện điển hình, nên nhiều gia đình thường chủ quan khi sử dụng thuốc.

TS, BS Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, để tránh nhiễm độc chì cho trẻ, các bậc phụ huynh không nên tự ý dùng các loại thuốc, nhất là thuốc cam, thuốc nam không rõ nguồn gốc, không có giấy phép kinh doanh. Gia đình cũng cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cho trẻ: rửa tay, cắt móng tay, không đưa tay và mọi vật lên miệng; vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, hạn chế để trẻ nhỏ tiếp xúc với đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể nhiễm chì và các kim loại nặng khác. Nếu trẻ có biểu hiện bất thường, nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Loan Hoàng

Tin khác

Tài sản trí tuệ 2 giờ trước
Cục Quản lý thị trường TP.HCM vừa tạm giữ lượng lớn kim loại vàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá gần 500 triệu.
Tài sản trí tuệ 11 giờ trước
Phòng khám chuyên khoa da liễu có biển hiệu mang tên "An Nhi" của bà Lê Thị Huyền hoạt động trái phép trên đường 3 tháng 2, Phường 11, Quận 10, TP.HCM đã 3 lần đổi tên để đối phó cơ quan chức năng.
Tài sản trí tuệ 12 giờ trước
(SHTT) - Đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Cục QLTT Thanh Hóa mới đây đã xử phạt 16.5 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu huỷ toàn bộ tang vật vi phạm đối với một cơ sở kinh doanh trên địa bàn có hành vi buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tài sản trí tuệ 12 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức khám nơi cất giấu đồ vật tại Kho A10 và kho B09, đường Bắc Nam, khu 1, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, qua đó, phát hiện hơn 40.000 sản phẩm nghi nhập lậu.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
Tổ công tác đặc biệt của Sở Y tế TP.HCM phát hiện cơ sở mang tên “Viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc Việt Nam” hoạt động không phép tại địa chỉ của Phòng khám Medigo (296 Trần Não, phường An Khánh, TP Thủ Đức).