Cảnh báo: Quảng cáo TPBVSK Khớp Đan Vương và Khớp Khang Thọ có dấu hiệu lừa dối khách hàng
Cụ thể, thông báo của Cục An toàn thực phẩm cho biết, qua công tác hậu kiểm, Cục đã phát hiện sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Khớp Đan Vương do Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Lan Chi (Địa chỉ: Thôn Hà T hượng, xã Thượng Lan, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm đang quảng cáo trên trang https://www.facebook.com/KhopDanVuong/ đang được quảng cáo với các nội dung vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng và gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh.
Được biết, trên trang Facebook có địa chỉ nêu trên, TPBVSK Khớp Đan Vương được quảng cáo là sản phẩm "Trị Xương Khớp Hiệu Quả Nhất"
Cùng trong thông báo này, sản phẩm TPBVSK Khớp Khang Thọ do Công ty Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Nam Dương (Địa chỉ: Số 22, Ngõ 81/35 Phố Linh Lang, phường Cống Vị, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm đang quảng cáo trên các trang https://www.facebook.com/X%C6%B0%C6%A1ng-Kh%E1%BB%9Bp-Khang-Th%E1%BB%8D-Hotline-0355684403-249585275560635/, https://www.facebook.com/TS-khánh-Vân-Hội-Bệnh-Nhân-Xương-Khớp-Việt-Nam-115123010331498/ cũng được Cục An toàn thực phẩm cảnh báo có nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định của nhà nước.
Cục An toàn thực phẩm cho biết, sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông xác minh, xử lý và công khai kết quả xử lý theo quy định.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng, trong thời gian các cơ quan chức năng đang tiến hành làm rõ và xử lý vi phạm nêu trên, không nên mua hoặc sử dụng sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe HumFREE mua tại website được cảnh báo để đảm bảo sức khỏe và tránh thiệt hại về kinh tế.
Nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng được quy định như thế nào?
Điều kiện quảng cáo thực phẩm chức năng
Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 1 Thông 09/2015/TT-BYT, thực phẩm chức năng là một loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Trong đời sống, thực phẩm chức năng được hiểu là các loại thực phẩm bổ sung vào chế độ ăn uống để cải thiện sức khỏe, đồng thời làm giảm nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe và ngăn ngừa các loại bệnh.
Lưu ý: Thực phẩm chức năng không phải là thuốc chữa bệnh.
Quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng
Khái niệm quảng cáo theo khoản 1 Điều 2 Luật Quảng cáo 2012 được quy định như sau: "Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân."
Thực phẩm chức năng được thể hiện dưới dạng sản phẩm, hàng hoá để giới thiệu, phân phối đến người tiêu dùng. Vì vậy, việc quảng cáo thực phẩm chức năng là rất cần thiết đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh sản phẩm này.
Theo điểm đ khoản 4 Điều 20 Luật Quảng cáo 2012 và Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP, nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng phải đáp ứng những điều kiện cụ thể sau:
1. Nội dung quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải phù hợp với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
2. Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có các nội dung sau đây:
- Tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm;
- Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
3. Quảng cáo thực phẩm chức năng phải thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP và các nội dung sau đây:
- Tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có);
- Khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
4. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
5. Quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP.
Thái An