SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Cảnh báo lừa đảo trợ cấp COVID -19 để chiếm đoạt tiền

11:00, 29/10/2021
(SHTT) - Lợi dụng tâm lý người lao động, người sử dụng lao động đang trông ngóng nhận được trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, các đối tượng xấu thời gian gần đây đã thực hiện nhiều hành vi lừa đảo, trục lợi.

Thời gian qua, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã và đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ đối với người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19 từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Lợi dụng điều này, các đối tượng xấu đã thực hiện nhiều hành vi lừa đảo, trục lợi nhắm đến người lao động, người sử dụng lao động đang trông ngóng nhận được trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp trong lần hỗ trợ này của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng- VPB mới đây đã có cảnh báo đối với khách hàng về các chiêu thức lừa đảo trợ cấp COVID-19. Theo đó, các đối tượng giả mạo email của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với nội dung “Công đoàn hỗ trợ tiền mặt cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID – 19” và đề nghị toàn thể cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp điền đầy đủ thông tin theo đường link có sẵn.

canh bao lua dao

 

canh bao lua dao1

Cảnh báo lừa đảo trợ cấp COVID -19 để chiếm đoạt tiền 

Khi người dùng cung cấp các thông tin tài khoản cá nhân, hoặc click vào các đường link có chứa mã độc, kẻ gian sẽ xâm nhập hệ thống mạng doanh nghiệp đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Chiêu trò thứ 2, đó là giả mạo tin nhắn và website của Bộ Y tế. Kẻ gian gửi tin nhắn giả mạo với nội dung hướng dẫn hoàn tất thủ tục đăng ký xin trợ cấp kèm theo đường link dẫn đến website có giao diện giống website của Bộ Y tế. Tại đây, ở thao tác bấm thủ tục “đăng ký xin trợ cấp”, người dùng sẽ cần cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng (username, password, OTP)…

Nếu người dùng làm theo hướng dẫn, kẻ gian sẽ đánh cắp toàn bộ thông tin nhằm chiếm đoạt tài sản. Chiêu trò thứ 3, lừa đảo khách hàng cung cấp giấy tờ tùy thân để nhận tiền hỗ trợ ảnh hưởng của dịch COVID – 19, thực chất là làm hợp đồng tín dụng/vay tiền của các công ty tài chính. Đối tượng mà kẻ gian thường nhắm tới là những người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động bị mất việc làm trong mùa dịch ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi không có điều kiện tiếp cận thông tin kịp thời.

Trong các tình huống này, kẻ gian thuyết phục khách hàng cung cấp giấy tờ tùy thân cùng các thông tin cá nhân khác, thậm chí đề nghị khách hàng gửi video ghi hình lại gương mặt để hỗ trợ nhận tiền trợ cấp.

Khi có được những dữ liệu này, đối tượng sẽ tiến hành thực hiện hồ sơ vay vốn tại các công ty tài chính hoặc các tổ chức tín dụng nhằm chiếm đoạt số tiền giải ngân nếu hồ sơ được duyệt, rồi cắt đứt liên lạc. Hình thức này diễn ra ngày càng phổ biến, đặc biệt ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi trình độ dân trí thấp.

Bảo hiểm xã hội Hà Nội khuyến nghị người lao động cần nâng cao cảnh giác, thời gian nhận hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là đến ngày 31/12/2021.

Vì vậy tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào, nhất là không nhấp chuột vào bất kỳ đường dẫn nào, nếu không thì có khả năng lộ thông tin cá nhân và bị hack tài khoản.

Nếu cần tra cứu thông tin hưởng hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, người lao động chỉ cần vào website Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Hà Nội theo đường link: https://hanoi.baohiemxahoi.gov.vn/Pages/default.aspx, nhấp chuột vào banner có nội dung "Công khai thông tin hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP" rồi nhập mã số bảo hiểm xã hội, họ tên, tích chọn "Tôi không phải là người máy" và ấn "Tra cứu".

Ngoài 3 hình thức “vẽ” các khoản tiền hỗ trợ để lừa đảo như trên, lợi dụng dịch bệnh đang diễn biến phức tạp khiến đời sống người lao động khó khăn, kẻ lừa đảo còn dụ dỗ những người dân không biết chữ, ít hiểu biết và đưa họ đến các cửa hàng điện máy, trực tiếp ký vào các giấy tờ mà không biết rằng thực chất, đó chính là hợp đồng mua trả góp các thiết bị điện tử, di động.

Với hình thức lừa đảo này, kẻ gian đã biến các nạn nhân thành “con nợ” và chiếm đoạt tiền của các công ty tài chính. Chưa hết, trong thời gian giãn cách xã hội, để hạn chế lây lan của dịch COVID - 19, các hình thức kinh doanh online nở rộ, đã tạo điều kiện cho các đối tượng phạm tội lợi dụng nhiều hình thức mua bán hàng để lừa đảo, chiếm dụng tiền của khách hàng.

Đặc biệt, các đối tượng còn xoáy nhiều vào các thủ đoạn liên quan như tạo các website bán hàng trực tuyến vật tư y tế như khẩu trang y tế, nước rửa tay khử khuẩn… Tuy nhiên, sau khi nhận tiền của người mua hàng, đối tượng lừa đảo ngắt liên lạc và không giao hàng như thỏa thuận. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến để quảng bá dịch vụ tiêm vaccine, bán các sản phẩm có khả năng phòng ngừa virus để lừa nạn nhân.

Cao tay hơn, các đối tượng còn dùng các “App” lừa đảo mạo danh đầu tư vaccine COVID-19, thiết bị y tế như khẩu trang, kính bảo hộ kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn tham gia. Khi “con mồi” sập bẫy thì “App” cũng sập theo và không thể rút lại tiền…

Vân Mai

Tin khác

Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Bộ môn Sở hữu trí tuệ - Khoa Khoa học Quản lý phối phợp cùng Hội Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam tổ chức tạo đàm “Luật Sở hữu Trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại”.
Pháp luật 1 ngày trước
)SHTT) - Ngày 17/4/2024, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Công an TP. Thanh Hoá vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 8 đối tượng để phục vụ điều tra.
Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Trong buổi tọa đàm Luật sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại, luật sư Lê Xuân Lộc (TGVN) đã có phần trình bày của mình về những sửa đổi của quyền sở hữu trí tuệ cho đến thực tiễn áp dụng của hệ thống pháp luật này tại Việt Nam.
Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Công ty Johnson Controls (JCI.N) đã đồng ý trả 750 triệu USD để giải quyết vụ kiện liên quan đến "hóa chất vĩnh viễn" vô cùng độc hại trong bọt chữa cháy do công ty sản xuất.
Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Tại Tọa đàm Luật Sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành, Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà (Vision & Associates) - thành viên của Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã mang tới nhiều thông tin hữu ích liên quan đến hệ thống pháp luật về xác nhận quyền đối với nhãn hiệu.