Cẩn trọng khi mua 'Green Health tinh dầu thông đỏ sâm Ngọc Linh' vi phạm quy định về quảng cáo
Trong thời gian vừa qua tại các đường link https://www.facebook.com/greenhealthofflical/; https://nhathuocthanthien.com.vn/san-pham/tinh-dau-thong-do-sam-ngoc-linh/; https://bigonline.com.vn/san-pham/green-health-tinh-dau-thong-do-sam-ngoc-linh thực hiện quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Green Health tinh dầu thông đỏ sâm Ngọc Linh vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm, nội dung quảng cáo sản phẩm gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo không phù hợp với giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Green Health tinh dầu thông đỏ sâm Ngọc Linh do Công ty cổ phần tập đoàn dược phẩm Trung ương Queen Diamond Diophaco, Km 18 đại lộ Thăng Long, KCN Thạch Thất-Quốc Oai, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, Hà Nội đăng ký bản công bố sản phẩm, Công ty cổ phần dược phẩm Vinapharma- Group, Đội 3, thôn Quyết Tiến, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo.
Tại buổi làm việc với Cục An toàn thực phẩm, đại diện Công ty cổ phần tập đoàn dược phẩm Trung ương Queen Diamond Diophaco, Công ty cổ phần dược phẩm Vinapharma - Group khẳng định không thực hiện và không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào thực hiện quảng cáo Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Green Health tinh dầu thông đỏ sâm Ngọc Linh tại các đường link nêu trên.
Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn/ và cổng công khai y tế tại địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/.
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo vi phạm để quyết định mua và sử dụng sản phẩm tại đường link nêu trên vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Theo quy định của pháp luật về quảng cáo và Nghị định 181/2013/NĐ-CP, quảng cáo thực phẩm chức năng phải thực hiện theo quy định và có các nội dung gồm: Tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có); Khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".
Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, việc quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt trong đó có quảng cáo thực phẩm chức năng chỉ thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo.
Tại Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm a, b Khoản 15 Điều 4 Nghị định 129/2021/NĐ-CP) thì việc xử phạt hành vi vi phạm các quy định về quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm như sau:
- Phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có hoặc ghi không đúng hoặc không đọc rõ hoặc không thể hiện trong quảng cáo khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".
- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định; Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm thiếu một trong các nội dung: Tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm; khuyến cáo về nguy cơ, cảnh báo đối tượng không được sử dụng, tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;...
- Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hội chợ, hội thảo, hội nghị, triển lãm có phát tán hoặc thuyết trình các sản phẩm in, ghi âm, ghi hình, thiết bị lưu chứa dữ liệu giới thiệu sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung theo quy định.
- Phạt tiền từ 20 triêu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ,...; Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh;...
Ngoài khung hình phạt nêu trên, chủ thể vi phạm còn bị áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung như Tước quyền sử dụng giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; Tước quyền sử dụng giấy xác nhận nội dung quảng cáo và tiến hành các biện pháp khắc phục hậu quả mà mình gây ra.
Quỳnh Trang
TIN LIÊN QUAN
-
Đình chỉ lưu hành sản phẩm Ginseng Beauty Cream do lượng thủy ngân vượt mức
-
Đình chỉ lưu hành toàn quốc sản phẩm dầu massage Đại lực hoàng
-
3 sản phẩm do Công ty TNHH xuất nhập khẩu phát triển Việt Anh đưa ra thị trường bị đình chỉ lưu hành
-
Đình chỉ lưu hành toàn quốc Kem chống nắng vitamin E của Công ty MARADO