SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 18/04/2024
  • Click để copy

Cần làm gì để tăng cơ hội tiếp cận các hệ thống sở hữu trí tuệ cho phái nữ?

14:10, 08/09/2022
(SHTT) - Hiện chỉ có 16,5% các nhà sáng chế đứng tên trên đơn đăng ký sáng chế quốc tế là phụ nữ, trong khi đó tại Hoa Kỳ, nam giới đăng ký nhiều gấp đôi so với nữ giới. Do đó, cần có thêm các giải pháp để tăng cơ hội tiếp cận các hệ thống sở hữu trí tuệ cho phái nữ.

Tại Hội thảo "Vai trò của sở hữu trí tuệ đối với doanh nhân và các nhà đổi mới, sáng tạo nữ giới" được tổ chức vào chiều ngày 7/9, các chuyên gia và nhà khoa học, doanh nhân nữ đã có những ý kiến tham luận về thực trạng của nữ giới làm nghiên cứu hiện nay, đồng thời đưa ra các giải pháp giúp cải thiện những tồn tại để phát huy vai trò của phái nữ trong sự nghiệp khoa học công nghệ nước nhà.

Tại Hội thảo, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), tại Việt Nam, KH&CN là một trong 8 lĩnh vực của mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Hiện nay, số lượng nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam có sự gia tăng (chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước). Thông qua hoạt động nghiên cứu KH&CN, nữ giới ngày một khẳng định được vị thế, vai trò của mình, họ đã được Nhà nước, xã hội, cộng đồng tôn vinh và ghi nhận.

Tuy nhiên, phụ nữ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN cũng gặp phải không ít những rào cản, thách thức trong công việc, gia đình và xã hội. Những rào cản đến từ quan điểm của cộng đồng, xã hội; cơ chế chính sách còn thiếu những đãi ngộ đủ mạnh để động viên, khuyến khích các nhà khoa học nữ làm công tác nghiên cứu và cả những thách thức ngày càng lớn của quá trình phát triển công nghệ mạnh mẽ, đòi hỏi các nhà khoa học nữ phải nỗ lực hơn nữa, trong khi vẫn phải cân bằng giữa công tác nghiên cứu khoa học và gia đình.

Theo ông Trần Lê Hồng, khoảng cách giới trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và đặc biệt trong đó là việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà còn của các nước trên thế giới.

Dẫn số liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), ông Trần Lê Hồng cho hay, chỉ 16,5% các nhà sáng chế đứng tên trên đơn đăng ký sáng chế quốc tế là phụ nữ, trong khi đó tại Hoa Kỳ, nam giới đăng ký nhiều gấp đôi so với nữ giới.

Nhận thức rõ về thực trạng còn tồn tại một số bất bình đẳng giới trong nghiên cứu và sáng tạo với không ít khó khăn mà các nhà khoa học và đổi mới sáng tạo, doanh nhân nữ còn phải đối diện, Chính phủ Việt Nam đã và đang ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ các nhà khoa học nữ, nhà sáng tạo nữ, nhà sáng chế nữ, các doanh nghiệp hay hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, trong đó có lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Một trong những chính sách phải kể đến, đó là Đề án 939 về Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025.

dcfe26f0eea22afc73b3-16625478800411798579838

Hội thảo "Vai trò của sở hữu trí tuệ đối với doanh nhân và các nhà đổi mới, sáng tạo nữ giới" ghi nhận nhiều ý kiến liên quan đến bình đẳng giới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; các chính sách hỗ trợ cho các nhà sáng tạo, doanh nhân nữ. Ảnh: VGP/Hoàng Giang 

Nêu một số thuận lợi của nữ khoa học, nữ doanh nhân, bà Lê Thị Khánh Vân, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Khởi nghiệp, Hội Nữ trí thức Việt Nam cho biết, mới đây Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã được thông qua với mục tiêu nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, các quy định được sửa đổi nhằm bảo đảm cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được hợp lý và khả thi hơn.

Bên cạnh đó, nữ doanh nhân, nữ sáng tạo đã được tiếp cận với các chương trình hỗ trợ quốc tế, mặc dù mới chỉ dừng ở các hoạt động phổ biến kiến thức, hội thảo chung, nhưng cũng đã có hiệu ứng tốt tới các nữ khoa học.

Tuy nhiên, hiện nay, khi tham gia nghiên cứu khoa học, phụ nữ vẫn gặp khó khăn bởi còn phải thực hiện chức năng “kép” vừa phải chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái vừa thực hiện công tác chuyên môn. Phụ nữ khởi nghiệp, tiếp cận các đối tác trong đàm phán khó hơn nam giới.

Bởi vậy, cần thúc đẩy hợp tác với các cơ quan liên quan nhằm hỗ trợ các nữ khoa học, nữ doanh nhân sáng tạo đăng ký SHTT.

Nghiên cứu, đề xuất thay đổi quy định pháp luật, chính sách trong nước và quốc tế để giúp các nhà sáng chế, doanh nhân nữ có được vị thế thích hợp trong bối cảnh toàn cầu hóa không ngừng phát triển.

Cùng với đó là thúc đẩy sự hợp tác với các chính phủ, tổ chức công, các tổ chức, hiệp hội khác để thực hiện các hoạt động liên quan hỗ trợ các nhà sáng chế và doanh nhân nữ thông qua diễn đàn, hội thảo, triển lãm quốc tế về sáng chế của nữ.

Cùng đưa ra các giải pháp để phát huy năng lực của phụ nữ trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học cũng như tiếp cận với các hệ thống đăng ký SHTT của các nhà khoa học nữ, các nữ doanh nhân, GS.TS Lê Mai Hương, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam khuyến nghị các trường đại học, viện nghiên cứu cần mở thêm các khóa đào tạo về SHTT và thương mại hóa sáng chế, đơn giản hóa đăng kí sáng chế quốc tế.

Đồng thời, Cục SHTT cũng nên tổ chức các buổi gặp mặt, hội nghị, hội thảo, tập huấn với sự tham dự của các thành viên nhằm đào tạo kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ chuyên môn của các thành viên về SHTT, quản trị, thương mại hóa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nỗ lực xây dựng cộng đồng sáng chế, thương mại hóa sáng chế, phổ cập kiến thức. Nhà khoa học, nhà quản lý khoa học công nghệ cần nâng cao nhận thức, kỹ năng SHTT thông qua các khóa đào tạo cơ bản trong nước và quốc tế.

Khánh An

Tin khác

Tài sản trí tuệ 2 giờ trước
(SHTT) - Bà Francesca Gino, người từng là giáo sư Tandon Family về quản trị kinh doanh tại Harvard Business School, đã bị cáo buộc đạo văn và hiện đang nhận sự điều tra từ phía trường học. Vụ việc này đặt ra câu hỏi về tính trung thực trong nghiên cứu học thuật.
Tài sản trí tuệ 2 giờ trước
(SHTT) - Đại diện của các tổ chức dược phẩm quốc tế đã đề nghị bộ trưởng Y tế các nước G20 có những chính sách về bảo vệ sở hữu trí tuệ, bao gồm cho phép chuyển giao công nghệ và hợp tác tự nguyện, cùng nhiều hoạt động khác.
Tài sản trí tuệ 2 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, thông qua công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trên địa bàn, lực lượng chức năng tỉnh Nam Định đã phát hiện một doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.
Tài sản trí tuệ 8 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Hewlett Packard Enterprise (HPE) đã kiện tập đoàn Trung Quốc, Inspur Group, cáo buộc rằng các sản phẩm của Inspur vi phạm năm bằng sáng chế của HPE liên quan đến công nghệ máy tính.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Luật Nhãn hiệu mới của Trung Quốc cho thấy cam kết của quốc gia này trong việc chống lại việc đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu.