Cần kiểm soát hơn việc chứng nhận xuất xứ, xúc tiến xuất khẩu sản phẩm thuần Việt
Hội nghị “Kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu – Đà Nẵng 2024) do UBND TP tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây (Hội chợ EWEC) Đà Nẵng năm 2024.
Ưu tiên phát triển sản phẩm thuần Việt đặc trưng
Việt Nam là một trong những quốc gia được thế giới đánh giá là hội nhập rất nhanh. Điều này được chứng minh bằng sự tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) chiếm khoảng 90% GDP của thế giới và hầu hết các nền kinh tế lớn.
Thực tế, doanh Nghiệp Việt Nam vẫn còn đối mặt với rất nhiều thách thức khi các nước nhập khẩu khởi xướng những cuộc điều tra trong áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nghiêm ngặt.
Đà Nẵng hiện đang có nhiều sản phẩm đã và đang khẳng định thương hiệu trong và ngoài nước, trong đó có những loại sản phẩm đã và đang được cấp, tạo lập, phát triển nhãn hiệu cộng đồng như nước mắm Nam Ô, chả cá… Cùng với đó, với nhiều chính sách hỗ trợ đã thúc đẩy nhiều sản phẩm đổi mới sáng tạo dần định vị mình trên thị trường.
Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao cảu thị trường quốc tế, doanh nghiệp Đà Nẵng nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung cần đầu tư nâng cao hơn nữa chất lượng, chuỗi giá trị sản phẩm để cạnh tranh và tạo uy tín.
“Cần nhanh nhạy, nắm bắt tốt các chính sách, hiệp định thương mại tự do để có chiến lược phù hợp đồng thời tận dụng cơ hội tham gia các triển lãm quốc gia và quốc tế để tăng cường cơ hội kết nối giao thương”, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam – Paul Lê nhận định.
Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) – đơn vị có thị trường xuất khẩu chiếm 70 % doanh thu đề xuất: “Bộ Công thương cần xây dựng hàng rào kỹ thuật từ cơ chế đến tính chất đặc thù của sản phẩm để hỗ trợ các doanh nghiệp thuần Việt xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam có ký kết hợp tác chiến lược toàn diện. Qua đó, Bộ Công Thương cần kiểm soát hơn nữa việc cấp chứng nhận xuất ứ để hạn chế gian lận xuất xứ hoặc trốn thuế, cạnh tranh không lành mạnh với thương hiệu Việt".
Theo ý kiến của các doanh nghiệp, đã đến lúc không thể mạnh ai người đó làm, doanh nghiệp nào bán được sản phẩm của mình là xong mà cần quan tâm tới thương hiệu sản phẩm chung của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung. Việc triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, minh bạch, đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm những thị trường mới còn nhiều tiềm năng, tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ là cấp thiết.
Hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm đặc trưng vươn ra thế giới
Một trong những chính sách được doanh nghiệp hết sức quan tâm đó là tiếp cận đất đai, vốn đầu tư, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp. Ông Nguyễn Phú Hòa – Phó Chủ tịch Hội Cơ khí Đà Nẵng đề xuất thành phố cần lưu ý về vấn đề này đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Phú Hòa nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ những chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp cơ khí đặc biệt là trong ứng dụng công nghệ mới, xây dựng nhà máy thông minh”.
Nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp tạo ra bước chuyển biến mới, phát huy vai trò quan trọng và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, Đà Nẵng cần các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong ssanr xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong xúc tiến thương mại và xuất khẩu theo quy mô chuyên nghiệp. Đó là ý kiến góp ý của Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại – Vũ Bá Phú.
Bà Quyền Thị Thúy Hà, Trưởng chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản) cho rằng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Nhật Bản là quan hệ hợp tác Chiến lược toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới. Mối quan hệ hợp tác này hiệu quả, chân thành, phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Trong đó lĩnh vực thương mại và đầu tư là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, đối tác thương mại thứ 4, kim ngạch song phương tăng 10 lần từ 4,7 tỷ USD năm 2000 lên 47,6 tỷ đô năm 2022. Nhật Bản cũng là đối tác đầu tư FDI vào Việt Nam lớn thứ 2.
Văn hóa tương đồng, khoảng cách địa lý gần gũi, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đông và dự kiến tiếp tục tăn. Nhiều cơ hội khi kết hợp giữa sức mạnh sản xuất của Việt Nam và công nghệ, quản lý chất lượng của Nhật Bản để mang lại lợi ích lớn cho cả hai bên. Hai nước cùng tham gia 4 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương song Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3 % tổng kim ngạch xuất khẩu vào Nhật Bản nên dư địa và cơ hội còn rất lớn.
Từ đó, bà Quyền Thị Thúy Hà cho rằng cơ hội đối với các ngành hàng công nghiệp chế biến, sản xuất, chế tạo, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm từ gỗ, ngành dịch vụ, ngành nông sản của Việt Nam tại thị trường đối tác này còn rất rộng.
Tuy nhiên Trưởng chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Osaka cũng đánh giá vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế do tập quán thương mại của Nhật Bản vô cùng thận trọng, kỹ càng, coi trọng uy tín. Khó khăn có thể đến từ một số văn hóa giao dịch có sự khác biệt. Trong khi đó, các công ty xuất khẩu của Việt Nam đôi khi còn chưa chuyên nghiệp, mô hình hoạt động hay quản lý, kiểm soát trong sản xuất và chất lượng sản phẩm thiếu sự ổn định.
Các lô hàng hợp tác lúc đầu thường không lớn nhưng yêu cầu đối tác cung cấp thông tin đầy đủ như website, tài liệu giới thiệu, quy trình sản xuất vắn tắt… tuy nhiên khi đã hợp tác thì lâu dài và uy tín. Đặc trưng nhu cầu của thị trường Nhật bản quy định khắt khe, tiêu chuẩn cao, tập quán tiêu dùng, xu hướng ưu tiêu mục tiêu phát triển bền vững.
Tại Hội nghị, Bộ Công thương khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành với các địa phương nói chung và Đà Nẵng nói riêng trong xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho nhà sản xuất, xuất khẩu.
Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, chú trọng khai thác kênh trực tuyến, thương mại điện tử cho hàng Việt Nam với các cam kết về sở hữu trí tuệ theo các Hiệp định đối tác kinh tế đã ký kết. Đồng thời tích cực thúc đẩy và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho sản phẩm Việt Nam với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam tại tất cả các khu vực trên thế giới.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - Trần Chí Cường bày tỏ kỳ vọng, thời gian tới, các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các địa phương, Thương vụ Việt Nam tại các nước tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế, các cơ quan hữu quan để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục duy trì liên hệ, trao đổi, xúc tiến hơn nữa để những hoạt động kết nối đi đến hợp tác thật sự hiệu quả.
“Thành phố sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển dịch vụ logistics, tạo nền tảng thuận lợi để thu hút nguồn hàng hóa xuất nhập khẩu luân chuyển trên địa bàn; thúc đẩy tiêu dùng trong và ngoài nước và kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường”, ông Trần Chí Cường nói.
Hội chợ quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) - Đà Nẵng 2024 từ ngày 2-7/8 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng (số 9 Cách Mạng Tháng Tám, quận Cẩm Lệ).
Hội chợ EWEC 2024 thu hút gần 300 gian hàng của hơn 150 doanh nghiệp đến từ các địa phương trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hội chợ còn có sự tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam và Đà Nẵng như: Campuchia, Lào, Myanmar, Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan.
Trong khuôn khổ hội chợ diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện như: khu trưng bày, giới thiệu các sản phẩm chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu…; hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu - Đà Nẵng 2024; chương trình quảng bá, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm OCOP, tiêu biểu trên nền tảng Tiktok và nhiều hoạt động bên lề khác.
Bà An Yên, chủ cửa hàng thực dưỡng An Yên (TP Đà Nẵng) cho biết: Nhiều mặt hàng trước đây khi ra nước ngoài mới có thì tại Hội chợ EWEC có hàng ngàn sản phẩm phong phú đa dạng mà chúng ta có thể tự hào đều là những sản phẩm thuần Việt”.
Bảo Hòa