SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 28/03/2024
  • Click để copy

Cần khai thác những gì để xây dựng Khu công nghệ cao ở Thừa Thiên Huế?

11:36, 03/11/2022
Thừa Thiên Huế đang xây dựng Đề án thành lập Khu công nghệ cao (CNC) với mục tiêu xây dựng nơi đây trở thành một trung tâm khoa học, công nghệ của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Thời gian qua Thừa Thiên Huế đã triển khai xây dựng Đề án Khu công nghệ cao gắn với việc xây dựng quy hoạch tỉnh. Theo Đề án, vị trí Khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế nằm ở xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tổng diện tích là 1.081ha, nằm trên tuyến cao tốc đi qua khu vực miền Trung, có vị trí thuận lợi về giao thông và liên kết chặt chẽ với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo có trình độ cao như: Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Phát huy tiềm năng lợi thế

Ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học công nghệ (KH&CN) nhấn mạnh: “Thừa Thiên Huế là 1 trong 5 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với những đặc thù, lợi thế riêng, Thừa Thiên Huế tập trung khai thác các tiềm năng, thế mạnh vốn có để xây dựng Khu CNC”.

Cụ thể, Thừa Thiên Huế là trung tâm Giáo dục đa ngành đa lĩnh vực chất lượng cao, với hạt nhân là Đại học Huế - đang phát triển thành Đại học Quốc gia theo hướng đại học nghiên cứu. Với nguồn nhân lực hùng hậu đa ngành, đa lĩnh vực, gồm 32 Giáo sư danh dự, 212 Giáo sư, Phó Giáo sư, 744 Tiến sĩ và hơn 1.500 Thạc sỹ,... Đại học Huế sẽ là nguồn cung cấp chuyên gia, các nhà nghiên cứu và nguồn nhân lực CNC cho Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế còn là trung tâm khoa học, CNC về y học, với Bệnh viện Trung ương Huế là hạt nhân của trung tâm y tế chuyên sâu, là bệnh viện hạng đặc biệt có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Với mục tiêu hình thành Khu Y tế CNC trong lĩnh vực y dược, Bệnh viện Trung ương Huế và Trường Đại học Y Dược là những thiết chế hỗ trợ đắc lực.

Bên cạnh đó, đặc điểm khí hậu và địa hình - địa mạo đa dạng, Thừa Thiên Huế sở hữu hệ sinh thái Vườn Quốc gia Bạch Mã và đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Đây là tiềm năng, thế mạnh để phát triển công nghệ sinh học.

Đặc biệt, với Viện Công nghệ sinh học - Đại học Huế đã được Thủ tướng phê duyệt sẽ là trung tâm công nghệ sinh học cấp quốc gia tại miền Trung, có cơ sở vật chất hiện đại, tiến tới sáng tạo các công nghệ của nền công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ về nông nghiệp CNC.

Là trung tâm văn hoá, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc của cả nước, Thừa Thiên Huế thực sự là nơi hội tụ các tiềm năng, thế mạnh để trở thành thành phố Festival, trung tâm văn hóa đặc sắc trong tương lai không xa. Đây là nguồn tài nguyên văn hóa phong phú để sáng tạo, phát triển nghiên cứu CNC trong lĩnh vực văn hóa.

63e8e9580624c07a9935

Giới thiệu các sản phẩm công nghệ tại tuần lễ chuyển đổi số Thừa Thiên Huế 2022.

Ngoài ra, Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin ở tất cả các lĩnh vực, kiến tạo mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh với hạt nhân là Trung tâm Công nghệ thông tin (HueCIT) - thành viên của Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung và Trung tâm Giám sát - Điều hành đô thị thông minh.  Đây là cơ sở để Thừa Thiên Huế thu hút nguồn lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Khó tháo gỡ nút thắt ngân sách

Với các lợi thế nêu trên, mô hình “Khu CNC Thừa Thiên Huế” định hướng xây dựng là Khu CNC đa ngành, trọng tâm là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và ứng dụng công nghệ cao trong y dược.

“Trên cơ sở khai thác tiềm năng và lợi thế đó, Khu CNC Thừa Thiên Huế hoàn toàn có khả năng cung ứng hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ và nguồn nhân lực thuận lợi đáp ứng yêu cầu của hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, phát triển CNC; ươm tạo doanh nghiệp CNC; sản xuất thử nghiệm sản phẩm CNC; cung ứng dịch vụ CNC,... và hoàn toàn có khả năng trở thành hạt nhân tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế Hồ Thắng khẳng định.

Theo ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ KH&CN, bên cạnh việc tập trung phát huy những lợi thế của Thừa Thiên Huế, cần phải xác định được mục đích khi xây dựng Khu CNC, cách làm và lộ trình triển khai.

Cũng theo ông Duy, cần phải tìm kiếm nguồn lực tương ứng để đảm bảo tính khả thi của Khu CNC, nếu không thì sau khi giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng xong mà không thu hút được gì thì nơi đây sẽ trở thành một khu đất trống, dẫn đến nhiều thay đổi về mục tiêu.

Bên cạnh đó, với định hướng phát triển Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở, tỉnh Thừa Thiên Huế cần xây dựng TP Huế thành không gian mở cho các nhà khởi nghiệp về công nghệ thông tin, để họ đưa ra giải pháp để ứng dụng tại đây.

Bên cạnh những tiềm năng và lợi thế, việc thành lập Khu CNC Thừa Thiên Huế cũng gặp phải một số khó khăn. Trong đó, nguồn vốn kêu gọi đầu tư theo hướng xã hội hóa do đang trong quá trình xây dựng Đề án, hạ tầng chưa hoàn thiện, một số chính sách thu hút đầu tư chưa cụ thể nên gặp khó khăn trong việc kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng.

Khi thu hút các nguồn lực đầu tư cũng phải đảm bảo vừa khai thác hiệu quả vừa kết hợp gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa của địa phương.

Phan Hòa

Tin khác

Tin tức 14 phút trước
(SHTT) - Ngày 28/3, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND về việc tuyển sinh vào 10 trung học phổ thông năm học 2024-2025.
Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn NTM năm 2021. Phát huy kết quả đạt được, huyện tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Trong 3 ngày 28, 29, 30/3, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Sở hữu trí tuệ 2024 và các sự kiện bên lề.
Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Theo hướng dẫn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh đang học lớp 12 sẽ thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 từ ngày 2/5-10/5 theo hình thức trực tuyến. Trước đó, thí sinh sẽ được đăng ký thử từ ngày 24/4-28/4.
Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Chiều 27/3, tại Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội và UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ.