Cần đưa sở hữu trí tuệ vào phát triển các sản phẩm OCOP
Cụ thể, trong khuôn khổ Hội nghị Sở hữu trí tuệ năm 2022 do Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức ngày 17/3/2022, TS. Đào Đức Huấn, Trưởng phòng Quản lý quốc gia Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho hay, hiện nay có gần 7.000 sản phẩm OCOP, số lượng tăng nhanh nhưng chưa thực sự bền vững. Trong đó, nhiều chủ thể OCOP chưa quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ, năng lực về sở hữu trí tuệ còn hạn chế, sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm đúng trong đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP ở các địa phương…
Ông Huấn đề xuất Bộ KH&CN xây dựng tài liệu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm OCOP; xem xét đưa mục tiêu phát triển các sản phẩm OCOP vào các dự án phát triển tài sản trí tuệ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2022-2030; các địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã OCOP khai thác các thương hiệu cộng đồng (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận)…
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về hoạt động quản lý nhà nước đối với tài sản trí tuệ là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước; xác thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp - ứng dụng trong thiết lập và quản lý các sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ; việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ...
Nội dung sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn với khoảng 100 điều được sửa đổi, bổ sung, trong đó một vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đặc biệt là các Sở KH&CN đó là quy định về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí và giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước.
Theo ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ để trình Quốc hội thông qua vào tháng 6/2022; tiếp tục hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030.
Đồng thời triển khai có hiệu quả các Kế hoạch xử lý đơn sáng chế, nhãn hiệu và khiếu nại; cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh công nghệ thông tin trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; xây dựng và đưa vào hoạt động Bộ phận kiểm soát chất lượng thẩm định đơn sở hữu công nghiệp.
Bộ KH&CN sẽ chủ động tham gia đàm phán và bảo đảm thi hành có hiệu quả nội dung sở hữu trí tuệ trong các Hiệp định thương mại quốc tế; tăng cường hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài...
Nhận định tình trạng vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ hiện nay ngày càng gay gắt, ông Đinh Hữu Phí cũng đề nghị các cơ quan tăng cường phối hợp trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Hoàng Giang
TIN LIÊN QUAN
-
Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo: Giải pháp đột phá đổi mới mô hình tăng trưởng
-
Hội nghị Sở hữu trí tuệ 2022: Cần định hướng phát triển cả ở Trung ương và địa phương
-
Máy vớt rác WSCA2.0: Sáng chế vì môi trường của giảng viên tại Đại học Cần Thơ
-
Những chỉ tiêu cụ thể hướng tới mục tiêu chuyển đổi số năm 2022
Tin khác
- Thủ tục Đăng ký bản quyền mới nhất