SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Cần có tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ?

16:35, 23/11/2021
(SHTT) - Mới đây, Hội thảo "Góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ", các chuyên gia đã tiếp tục đưa ra xuất về việc thành lập tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ để giải quyết các vấn đề tranh chấp liên quan mang tính đặc thù.

Hội thảo "Góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ" mới được diễn ra gần đây với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành.

Tại Hội thảo, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) thuộc Bộ KH&CN cho biết, vấn đề xử lý xâm phạm SHTT hiện nay đang còn có nhiều vướng mắc, Cục SHTT đang phối hợp, tham mưu Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Tổ chức tòa án theo hướng thành lập riêng tòa án chuyên về lĩnh vực SHTT.

thanh-lap-toa-chuyen-trach-ve-so-huu-tri-tue

 

Trước đó, trong một cuộc Hội thảo “Góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Pháp luật Quốc hội tổ chức (vào cuối tháng 8/2021), ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Phó Chủ tịch Hội SHTT Việt Nam đã đề xuất cần xây dựng một lộ trình cụ thể trong trung hạn và dài hạn (5-10 năm) cho việc bồi dưỡng năng lực cho ngành Tòa án.

Cụ thể là thành lập tòa chuyên trách về SHTT, bổ nhiệm thẩm phán chuyên trách về SHTT và các bồi dưỡng chuyên ngành khác, trước khi có những sửa đổi Luật SHTT tương ứng, tránh tình trạng luật ban hành nhưng không thể áp dụng.

Theo các luật sư đại diện chủ thể quyền cho một số nhãn hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước, hiện tòa án SHTT là một trong những tòa chuyên trách được nhiều quốc gia thành lập nhằm thụ lý và xét xử các tranh chấp về SHTT. Nếu Việt Nam cứ tiếp tục áp dụng trình tự như quy định pháp luật tố tụng dân sự trong giải quyết tranh chấp quyền SHTT sẽ không thể giải quyết vụ việc. Bởi SHTT liên quan đến đối tượng đặc thù như sáng chế, xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh…

Do đó, cần phải nghiêm túc tính đến khả năng và lộ trình thành lập tòa án chuyên trách về SHTT tại Việt Nam. Đồng thời, các cơ chế tố tụng dân sự hiện hành liên quan đến việc giải quyết tranh chấp SHTT cũng cần được xem xét, sửa đổi theo hướng rút gọn, đơn giản hóa cơ chế tiếp nhận xét xử, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời… để bảo đảm tốt hơn, kịp thời hơn cho quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền SHTT.

Trước đó vào tháng 8/2021, bài viết của ThS Tạ Đình Tuyên đăng tải trên Tạp chí Tòa án cho biết, nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,... đã có hệ thống tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ và được vận hành vô cùng hiệu quả để thụ lý và xét xử các tranh chấp về SHTT. 

Từ bối cảnh và thực tế hiện nay, ThS Tạ Đình Tuyên cho rằng Việt Nam cũng cần phải nghiên cứu khả năng và lộ trình thành lập tòa chuyên trách về SHTT vì các lý do sau:

Thứ nhất, xu thế hội nhập quốc tế về SHTT trở nên phổ biến và tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa. Việt Nam đã ký kết các hiệp định song phương liên quan đến quyền tác giả như: Hiệp định thiết lập quan hệ quyền tác giả Việt Nam - Hoa Kỳ (năm 1997); Hiệp định giữa Việt Nam và Thụy Sĩ về bảo hộ quyền SHTT và hợp tác trong lĩnh vực SHTT (năm 1999); Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (năm 2000). Năm 2004, Việt Nam đã nộp đơn xin gia nhập để trở thành thành viên của Công ước Bơn (Berne) về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật đã được ký tại Bơn (Thụy Sĩ) năm 1886 và Chủ tịch nước đã ký quyết định gia nhập Công ước Rô-ma bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng được thông qua tại Rô-ma (Italia) năm 1961. Theo cam kết tại các Hiệp định song phương với Hoa Kỳ, Thụy Sĩ và yêu cầu của WTO, Việt Nam đã gia nhập Công ước Giơ-ne-vơ, Công ước Brúc-xen và tuân thủ các quy định của Hiệp định TRIPS (Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT). Pháp luật Việt Nam cũng đã ghi nhận thẩm quyền dân sự cho Tòa án nhân dân (TAND) để giải quyết các tranh chấp về SHTT, bao gồm: Quyền tác giả, quyền liên quan và quyền sỡ hữu công nghiệp, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức. Việc giải quyết loại tranh chấp này dựa trên cơ sở nguyên tắc, trình tự, thủ tục được quy định chung trong Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS).[10] Năm 2005, Việt Nam cũng đã ban hành Luật SHTT và đang tiến hành sửa đổi nhiều nội dung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Thứ hai, cơ chế giải quyết tranh chấp quyền SHTT còn rườm rà, tốn kém và ít hiệu quả.[11] Luật SHTT năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) không có quy định riêng về cơ chế giải quyết tranh chấp quyền SHTT. Điều 198 Luật này quy định, khi có cơ sở để cho rằng tài sản trí tuệ được bảo hộ đang bị xâm phạm bởi một tổ chức/cá nhân nào đó, chủ sở hữu tài sản trí tuệ có thể khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đây là biện pháp dân sự. Theo đó, khi xảy ra tranh chấp về tài sản trí tuệ, chủ sở hữu tài sản trí tuệ căn cứ theo quy định pháp luật tố tụng dân sự để khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Khi khởi kiện vụ án dân sự, chủ sở hữu tài sản trí tuệ có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; xin lỗi, cải chính công khai; thực hiện nghĩa vụ dân sự; bồi thường thiệt hại; tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền SHTT với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể sở hữu tài sản trí tuệ (Điều 202). Ngoài ra, khi khởi kiện hoặc trong quá trình Tòa án thụ lý giải quyết tranh chấp, chủ sở hữu tài sản trí tuệ có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong một số trường hợp.

Theo khoản 2 Điều 30 và khoản 1 Điều 37 Bộ luật TTDS năm 2015, khi xảy ra tranh chấp trong quá trình khai thác và sử dụng tài sản trí tuệ vì mục đích lợi nhuận là tranh chấp về kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết sơ thẩm tại TAND cấp tỉnh. Theo Luật Tổ chức TAND năm 2014, TAND cấp tỉnh bao gồm: Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa hành chính, Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa gia đình và người chưa thành niên. Trường hợp cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án TAND tối cao (Điểm b khoản 1 Điều 38). Trong đó, Tòa dân sự giải quyết các vụ việc dân sự; giải quyết các vụ việc kinh doanh, thương mại, phá sản, lao động, hành chính trong trường hợp tại Tòa án đó không tổ chức Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa hành chính; Tòa kinh tế giải quyết các vụ việc kinh doanh thương mại, phá sản (khoản 2, 3 Điều 3 Thông tư 01/2016/TT-CA). Như vậy, những tranh chấp về tài sản trí tuệ không liên quan đến kinh doanh, thương mại sẽ do Tòa dân sự giải quyết (không có mục đích lợi nhuận), còn những tranh chấp về tài sản trí tuệ liên quan đến kinh doanh, thương mại (có mục đích lợi nhuận) do Tòa kinh tế giải quyết, trong đó, tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan được giải quyết theo quy định của pháp luật về TTDS hoặc trọng tài (khoản 3 Điều 49 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP).

Tuy nhiên, việc áp dụng trình tự như quy định pháp luật TTDS trong giải quyết tranh chấp quyền SHTT đã bộc lộ nhiều hạn chế (đặc biệt là khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến đối tượng đặc thù như sáng chế, xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến đối tượng SHTT được bảo hộ), cơ chế kiện dân sự rườm rà, tốn kém và ít hiệu quả, vì thế các Tòa án cần phải có cơ chế pháp lý riêng để giải quyết tranh chấp quyền SHTT, qua đó bảo vệ quyền và lợi hợp pháp của các chủ thể sở hữu tài sản trí tuệ.

Thứ ba, số lượng các vụ tranh chấp về quyền SHTT ngày một gia tăng về số lượng, tính chất ngày một phức tạp thêm, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang sửa đổi Luật SHTT theo hướng tăng thẩm quyền cho Tòa án giải quyết các tranh chấp về SHTT. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có Tòa chuyên trách về SHTT cũng như không có Thẩm phán chuyên trách về lĩnh vực này, việc đào tạo, tập huấn chuyên môn về SHTT chưa đầy đủ và hiệu quả thấp; vẫn còn có tình trạng người được tập huấn không phải là người xét xử trực tiếp, hoặc ngược lại… Vì vậy, Việt Nam cần phải thành lập Tòa chuyên trách về SHTT, tập trung các Thẩm phán đào tạo về chuyên môn này để xét xử những vụ án đó, từ đó đưa ra những phán quyết chính xác, giải quyết được tận gốc rễ các xâm phạm về SHTT.[12]

Biện pháp dân sự thông qua Tòa án có những ưu điểm để bảo vệ tốt hơn cho quyền lợi của chủ thể quyền. Cụ thể, phán quyết của Tòa án sẽ có hiệu lực thi hành, tính răn đe cao hơn đối với chủ thể xâm phạm quyền; biện pháp dân sự có cơ chế áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để có thể nhanh chóng bảo vệ chứng cứ, giữ nguyên hiện trạng, tránh gây hiệu quả trầm trọng thêm cho chủ thể quyền SHTT.

Theo điểm a khoản 1 Điều 211 Luật SHTT hiện hành, bất cứ tổ chức, cá nhân nào thực hiện hành vi "xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội" sẽ là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính.

Quy định này mang tính bao quát chung chung, dẫn đến cách hiểu là tất cả đối tượng quyền SHTT sẽ có thể được bảo vệ, giải quyết thông qua biện pháp hành chính. Đây chính là nguyên nhân căn bản/cơ sở pháp lý để dẫn tới việc xử lý xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính được các chủ thể quyền SHTT, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước "ưa chuộng" sử dụng/áp dụng hơn.

Dự thảo mới đây của Luật SHTT sửa đổi đã đề xuất sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 211 như sau: "Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội" (Phương án 1).[13]

Với nội dung sửa đổi này, có thể hiểu, các xâm phạm đối với các đối tượng quyền SHTT khác là sáng chế; kiểu dáng công nghiệp; thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; tên thương mại; bí mật kinh doanh sẽ không thuộc đối tượng bị xử lý bởi biện pháp hành chính. Bởi vậy, về mặt nguyên tắc, nếu có tranh chấp xảy ra đối với những đối tượng quyền SHTT này, Tòa án sẽ là cơ quan tài phán duy nhất có thẩm quyền xử lý tranh chấp.

Nếu đề xuất này được thông qua, đây sẽ là bước tiến đáng kể trong quá trình định hướng chuyển dịch thẩm quyền xử lý tranh chấp, nâng cao vị thế, vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền SHTT. Song điều này cũng sẽ mang đến nhiều thách thức to lớn cho hệ thống TAND, vì đối tượng quyền SHTT đã nêu, đặc biệt là sáng chế hay thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, đều là những đối tượng có hàm lượng và bản chất kỹ thuật cao, đòi hỏi những cán bộ Tòa án thụ lý vụ việc phải nắm vững không chỉ pháp luật về SHTT, mà còn cả những vấn đề liên quan đến khoa học, kỹ thuật.[14]

Do dự thảo Luật SHTT sửa đổi đang hướng tới việc không áp dụng biện pháp hành chính liên quan đến một số đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, nên với những tranh chấp liên quan đến các đối tượng SHTT nêu trên (nếu xảy ra), hầu hết sẽ được xử lý bởi biện pháp dân sự và "dồn" đến hệ thống Tòa án. Có thể nói, đây là một bước chuyển dịch về mặt cơ chế nhằm thúc đẩy vai trò của Tòa án và giảm thiểu vai trò quyết định của cơ quan hành chính trong giải quyết các vụ việc tranh chấp SHTT. Tuy nhiên, với những tồn tại hiện có, việc thực hiện bước chuyển đổi nêu trên sẽ là một thách thức không nhỏ, gây ra nhiều trở ngại đối với cả bên xét xử và các bên tranh chấp.

Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia đề xuất việc thành lập Tòa SHTT tại TAND cấp tỉnh và TAND cấp cao. Về thẩm quyền, chỉ cho phép Tòa án cấp tỉnh tiến hành thụ lý và xét xử tất cả các loại vụ việc tranh chấp SHTT. Tòa SHTT tại TAND cấp cao, có vai trò xét xử phúc thẩm bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp tỉnh chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị. Đồng thời, các cơ chế TTDS hiện hành liên quan đến việc giải quyết tranh chấp SHTT cũng cần được xem xét, sửa đổi theo hướng rút gọn, đơn giản hóa cơ chế tiếp nhận xét xử, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời… để bảo đảm tốt hơn, kịp thời hơn cho quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền SHTT.[15]

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, tài sản SHTT ngày một đa dạng và phong phú, đặc biệt trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0, Việt Nam cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế và thiết chế pháp luật nhằm bảo hộ quyền SHTT ngày một hiệu quả hơn, đặc biệt là việc nghiên cứu cơ chế giải quyết tranh chấp về SHTT tại Tòa chuyên trách. Đây là đòi hỏi khách quan trong quá trình cải cách tư pháp nói chung và hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo vệ quyền SHTT nói riêng ở Việt Nam hiện nay[16].

Ghi chú: 

[10] Xem TS. Nguyễn Văn Luật, Nhu cầu thành lập Tòa sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 15 (391), tháng 8/2019, bản điện tử tại: http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210379, truy cập ngày 14/8/2021.

[11] TS. Nguyễn Văn Luật, tlđd.

[12] TS. Nguyễn Văn Luật, tlđd.

[13] Xem dự thảo tại https://duthaoonline.quochoi.vn/Pages/dsduthao/chitietduthao.aspx?id=7371, truy cập ngày 14/8/2021.

[14] Xem Trần Mạnh Hùng, Nguyễn Tuấn Linh, Cần thành lập tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ, Báo điện tử Đầu tư, tại https://baodautu.vn/can-thanh-lap-toa-an-chuyen-trach-ve-so-huu-tri-tue-d144711.html, truy cập ngày 14/8/2021.

[15] Trần Mạnh Hùng, Nguyễn Tuấn Linh, tlđd.

[16] TS. Nguyễn Văn Luật, tlđd.

Thái An

Tin khác

Tài sản trí tuệ 30 phút trước
Tổ công tác đặc biệt của Sở Y tế TP.HCM phát hiện cơ sở mang tên “Viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc Việt Nam” hoạt động không phép tại địa chỉ của Phòng khám Medigo (296 Trần Não, phường An Khánh, TP Thủ Đức).
Tài sản trí tuệ 4 giờ trước
(SHTT) - Công tác bảo hộ bản quyền tác giả, quyền liên quan là một trong những yếu tố quan trọng để hướng tới xây dựng nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh; đóng góp ngày càng nhiều vào GDP, tạo thêm nhiều việc làm và tăng kim ngạch xuất khẩu của đất nước.
Tài sản trí tuệ 7 giờ trước
(SHTT) - Vừa qua, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy lô sản phẩm Bath Gel – MM Professional (chai 35ml) do không đảm bảo các yêu cầu về chất lượng theo quy định.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Bà Francesca Gino, người từng là giáo sư Tandon Family về quản trị kinh doanh tại Harvard Business School, đã bị cáo buộc đạo văn và hiện đang nhận sự điều tra từ phía trường học. Vụ việc này đặt ra câu hỏi về tính trung thực trong nghiên cứu học thuật.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Đại diện của các tổ chức dược phẩm quốc tế đã đề nghị bộ trưởng Y tế các nước G20 có những chính sách về bảo vệ sở hữu trí tuệ, bao gồm cho phép chuyển giao công nghệ và hợp tác tự nguyện, cùng nhiều hoạt động khác.