SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Cải cách tài chính cho giáo dục đại học

08:59, 09/06/2014
Nằm trong tốp 25% các quốc gia đầu tư lớn cho giáo dục, chiếm 20% ngân sách quốc gia nhưng chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục đại học (ĐH) nói riêng của Việt Nam vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, chưa nói đến thế giới. Một phần của vấn đề nằm ở sự đánh đồng, chia đều ngân sách giáo dục và chi tiêu không đúng tinh thần, mục tiêu gây lãng phí. Đây là những nội dung được các chuyên gia trong và ngoài nước tập trung tranh luận sôi nổi tại hội thảo “Hội nhập quốc tế trong quá trình đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam” do Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực phối hợp với ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức tại TPHCM ngày 8-6.

Kết quả của tự chủ tài chính

GS Phạm Phụ, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) nhấn mạnh: “Để có nguồn nhân lực trình độ cao có chất lượng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, không thể không có cải cách tài chính trong giáo dục đại học”. GS Phạm Phụ cho rằng, cải cách tài chính giáo dục đại học phải trả lời 3 câu hỏi: chi phí đào tạo cho một sinh viên/năm; chia sẻ chi phí đào tạo; làm thế nào để đảm bảo công bằng xã hội. Trong suốt mấy thập kỷ qua, cải cách tài chính luôn là một trong 3 mảng ưu tiên hàng đầu trong cải cách giáo dục ĐH trên thế giới. Để đảm bảo khả năng cạnh tranh của nền giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng như cạnh tranh về nguồn nhân lực ĐH, trước tiên là bài toán chi phí đào tạo bình quân cho 1 sinh viên trong 1 năm (chi phí đơn vị - CPĐV). Ở Việt Nam hiện nay, theo ước tính từ báo cáo của Bộ GD - ĐT cũng như qua khảo sát thực tế, CPĐV bình quân, tính cả khấu hao cho cơ sở vật chất, khoảng 12 - 15 triệu đồng/năm, tương đương 600 - 700USD. Trong khi đó, từ những năm 2004 - 2005, mức CPĐV bình quân ở Mỹ đã là 22.000USD/năm; các nước châu Á - Thái Bình Dương khoảng 12.000USD/năm; ở Đài Loan: 7.000USD/năm. So sánh các yếu tố, giáo sư tính toán CPĐV hợp lý phải cần đến khoảng 1.600 - 1.700USD/sinh viên/năm, nghĩa là phải hơn gấp đôi con số hiện nay.

Để chia sẻ chi phí cho giáo dục ĐH, GS Phạm Phụ tính toán: Trong nhiều thập kỷ qua, nhiều nước và vùng lãnh thổ ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Indonesia, Malaysia… mở rộng rất nhanh giáo dục ĐH tư thục và có tỷ lệ đóng góp từ ngân sách nhà nước (NSNN) chiếm một tỷ lệ khá thấp. Nhật, Hàn Quốc, có tỷ lệ sinh viên tư thục lên đến 70% - 80% và đóng góp từ NSNN chiếm khoảng 25% - 35%. 

Là trường công lập hoàn toàn tự chủ tài chính đầu tiên của cả nước, PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng: “Năm 2008, trường thực hiện tự chủ bắt đầu vận hành cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định số 43 của Chính phủ và Thông tư số 71 của Bộ Tài Chính. Tự chủ tài chính là một bước tiến thành công trong việc thúc đẩy trường phát triển và đã đạt được những kết quả tích cực như: tăng thu nhập cho cán bộ giảng viên; thu hút được lực lượng cán bộ trẻ, có tài, trình độ cao được đào tạo từ nước ngoài đáp ứng yêu cầu cao của xã hội để thu hút được số lượng sinh viên. Năm 2007 số lượng giảng viên 39 người với mức lương 9,3 triệu đồng/tháng nhưng đến 2014 là 141 giảng viên với mức lương 29 triệu đồng/tháng. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên đạt 59%”. 

PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM khẳng định: “Tài chính hiện nay được xem như một “nút thắt cổ chai” đối với các nỗ lực đổi mới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Nhiều quy định đã không còn phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội hiện nay. Ngân sách nhà nước cấp và mức thu học phí không tạo đủ điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập với các nước trong khu vực. Do đó, giải quyết được bài toán về tài chính là một trong các giải pháp quan trọng để đổi mới giáo dục ĐH”.

Phân tầng đại học

Cùng với cải cách tài chính, vấn đề phân tầng đối với giáo dục ĐH trong bối cảnh hội nhập quốc tế cũng là giải pháp được nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nghiên cứu giáo dục kiến nghị cần thực hiện song hành đề đầu tư của nhà nước hiệu quả hơn. 

Th.S Trần Đức Cảnh, nguyên Giám đốc Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực và an sinh xã hội cho chính quyền bang Massachusetts (Hoa Kỳ), phân tích: “Số lượng trường ngoài công lập (NCL) tăng nhanh là điều tất yếu, không những giải quyết bài toán tài chính công mà là xu thế và hướng phát triển giáo dục tương lai. Nếu xây dựng được mục tiêu rõ ràng và động cơ hướng tới thì việc giảm số sinh viên ĐH, CĐ ở các trường công từ 86% xuống còn 51% trong thời gian 20 năm, sẽ giúp tăng chất lượng đào tạo (hiện nay 75% trường đại học/cao đẳng của Nhật Bản và 86% của Hàn Quốc là trường ngoài công lập). Mặt khác, cần tăng thêm nguồn vốn vay cho sinh viên. Số 9.000 tỷ đồng/năm hiện nay dành cho sinh viên, một phần gián tiếp giúp các trường tăng nguồn thu và tăng chất lượng lâu dài. Cơ chế thị trường sẽ dần đào thải các trường tư kém chất lượng”.

Nhìn từ kinh nghiệm của giáo dục Hoa Kỳ, GS-TSKH Lâm Quang Thiệp (Trường ĐH Thăng Long) nhấn mạnh cần phải phân tầng hệ thống giáo dục ĐH. Hội nghị thế giới về giáo dục ĐH đã khẳng định: Không một quốc gia nào có đủ sức chu cấp kinh phí để mọi trường ĐH của mình tương xứng với các trường ĐH nghiên cứu đẳng cấp thế giới. Từ thực tế giáo dục ĐH của Việt Nam, GS Thiệp đề xuất: Để xây dựng một hệ thống tốt cần xác định chức năng và vai trò của các thành viên trong từng tầng bậc của hệ thống và xây dựng mối quan hệ giữa các thành viên và các tầng bậc của hệ thống.

- GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Để hội nhập sâu và rộng vào nền giáo dục ĐH thế giới, giáo dục ĐH VN còn phải vượt qua nhiều thách thức. Trong đó, nguồn lực đầu tư cho giáo dục ĐH còn thấp, CPĐV cho sinh viên còn quá thấp bé so với các nước phát triển và khiêm tốn so với các nuớc trong khu vực. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy trong thực hiện chương trình đào tạo toàn diện, nâng cao kỹ năng thực hành và tạo điều kiện phát huy năng lực sáng tạo của sinh viên. 

- Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực: Những kiến nghị của các chuyên gia sẽ được tập hợp và hội đồng tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

Tin khác

Tin tức 9 giờ trước
(SHTT) - Chiều 25/4, tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học "Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)".
Giải trí 11 giờ trước
(SHTT) - Sở Du lịch Thành phố Hà Nội mới đây đã có công văn đề nghị các cơ quan, ban ngành trên địa bàn phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, giữ gìn môi trường du lịch Thủ đô dịp lễ 30/4 và 1/5 sắp tới.
Tin tức 14 giờ trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, chú trọng "3 tăng cường" và "5 đẩy mạnh".
Tin tức 18 giờ trước
(SHTT) - Chiều 24/4, tại Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã chính thức ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo (ABAII).
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Sáng ngày 24/4, Triển lãm Quốc tế lần thứ 6 về Công nghiệp Khai thác, Khôi phục Tài nguyên Khoáng sản và Xây dựng Việt Nam - Mining Vietnam 2024 đã chính thức được khai mạc tại Hà Nội.