Cách tra cứu nhãn hiệu để không bị trùng lặp
Nhãn hiệu là một trong những đối tượng sở hữu trí tuệ được bảo hộ theo quy định của pháp luật. Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Một trong những điều kiện để nhãn hiệu được bảo hộ là không được trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đã được đăng ký hoặc bảo hộ trước đó cho các sản phẩm hoặc dịch vụ trùng hoặc tương tự.
Cách phân biệt nhãn hiệu:
Dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu đối chứng nếu dấu hiệu đó giống hệt nhãn hiệu đối chứng về cấu trúc, nội dung, ý nghĩa và hình thức thể hiện.
Dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đối chứng nếu dấu hiệu đó gần giống với nhãn hiệu đối chứng về cấu trúc (ví dụ: NAVI và NAVIX; TRUNG NGUYEN CAFÉ và TRUNG NGUYEN FOOD) hoặc cách phát âm (ví dụ: B Book và Bi Book; apple và epple) và/ hoặc ý nghĩa, nội dung (ví dụ: Ban Mai và Dawn; Sơn Tuyết và Núi Tuyết, chữ Mặt Trời và hình mặt trời ) hoặc hình thức thể hiện.
Ngoài ra, chúng ta cần xem xét khả năng trùng hoặc tương tự giữa hàng hóa, dịch vụ đi kèm dấu hiệu xin đăng ký và hàng hóa, dịch vụ đăng ký cho nhãn hiệu đối chứng.
Theo quy định của pháp luật, hai sản phẩm hoặc hai dịch vụ được coi là trùng khi hai sản phẩm hoặc hai dịch vụ đó thuộc một chủng loại (ví dụ: ô tô và xe máy, dịch vụ nhà hàng ăn uống và dịch vụ cửa hàng ăn uống….)
Hai sản phẩm hoặc hai dịch vụ được coi là tương tự khi hai sản phẩm hoặc hai dịch vụ đó thuộc một trong các trường hợp sau:
Có cùng bản chất (thành phần, cấu tạo…) hoặc cùng chức năng, mục đích sử dụng. Ví dụ: quần áo và giấy dép; mỹ phẩm và kem trang điểm…
Có bản chất gần giống nhau và cùng chức năng, mục đích sử dụng. Ví dụ: gạo và miến; rượu và bia; vải vóc và quần áo….
Tương tự nhau về bản chất. Ví dụ: ca cao và sô cô la; bánh và kẹo…
Tương tự nhau về chức năng, mục đích sử dụng. Ví dụ: dịch vụ bệnh viện và dịch vụ mua bán dược phẩm…
Được đưa ra thị trường theo cùng một kênh thương mại (tức là các sản phẩm, dịch vụ này được phân phối theo cùng một phương thức, được bán cùng nhau hoặc cạnh nhau, trong cùng một loại cửa hàng…) hoặc được dùng cùng nhau. Ví dụ: nước mắm, nước tương, mì, miến, gạo; mỹ phẩm, dầu gội đầu; kem đánh răng và bàn chải; mỹ phẩm và bông tẩy trang….
Một sản phẩm và một dịch vụ bị xem là tương tự nhau nếu giữa chúng có mối liên hệ với nhau về mặt bản chất (ví dụ: xe máy và dịch vụ sửa chữa xe máy; vật liệu xây dựng và dịch vụ xây dựng…); hoặc giữa chúng có mối liên hệ với nhau về chức năng (ví dụ: ô tô và các thiết bị ô tô; mỹ phầm và mua bán mỹ phẩm…); hoặc giữa chúng có mối liên quan chặt chẽ với nhau về phương thức thực hiện (ví dụ: phần mềm máy tính và thiết kế phần mềm máy tính; quần áo và thiết kế thời trang….).
Cách tra cứu nhãn hiệu chi tiết
Cách 1: Tra cứu trên cơ sở dữ liệu trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ Việt NamBước 1: Truy cập vào địa chỉ tra cứu nhãn hiệu: http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/WSearch.php.
Bước 2: Nhập thông tin nhãn hiệu cần tra cứu vào ô nhãn hiệu tìm kiếm: Ví dụ nhập chữ VINFAST (đối với nhãn hiệu chữ).
Bước 3: Nhập thông tin phân loại hình vào ô phân loại hình (nếu là nhãn hình).
Bước 4: Nhập thông tin nhóm sản phẩm/ dịch vụ vào ô nhóm sản phẩm/ dịch vụ (Ví dụ: nhóm 12) và thông tin về tên sản phẩm/ dịch vụ (Ví dụ: Xe ô tô).
Sau khi đã nhập đầy đủ các thông tin trên thì click vào nút tìm kiếm.
Kết quả sẽ được trả về để khách hàng tham khảo và đánh giá xem nhãn hiệu mình tra cứu có trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của người khác hay không.
Tuy nhiên, việc tra cứu nhãn hiệu theo hình thức này chỉ mang tính chất tham khảo và kết quả chỉ chính xác được từ 50% do dữ liệu trực tuyến nêu trên sẽ không được áp dụng đầy đủ theo thời gian nộp đơn.
Cách 2: Cách tra cứu nhãn hiệu nâng cao
Tra cứu nhãn hiệu nâng cao được hiểu là việc tra cứu nhãn hiệu được thực hiện với sự “trợ giúp” của chuyên viên tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Để tiến hành tra cứu nhãn hiệu nâng cao, khách hàng sẽ ủy quyền cho một tổ chức đại diện quyền sở hữu trí tuệ làm việc với một chuyên viên để tiến hành gửi hồ sơ tra cứu nhãn hiệu cho chuyên viên, chuyên viên sẽ trực tiếp tra cứu trên cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Với cách tra cứu này, kết quả tra cứu có thể đánh giá được trên 90% khả năng được bảo hộ của nhãn hiệu. Lưu ý: Hình thức tra cứu này sẽ mất phí tra cứu.
Hạ Lam