SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Quy định mới có hiệu lực từ tháng 5/2020

08:12, 02/05/2020
(SHTT) - Hủy toàn bộ kết quả của thí sinh bị đình chỉ thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2020, và quy định bảy công việc người lao động không được phép làm khi ở nước ngoài,... là những quy định mới sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 5/2020.

Hủy toàn bộ kết quả của thí sinh bị đình chỉ thi tại kỳ thi THPT quốc gia

Tại Thông tư số 08/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 8/5/2020, Bộ Giáo dục và đào tạo đã sửa đổi một số điều của quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia.

Một trong những nội dung mới đáng chú ý nhất của quy chế này là quy định về việc đình chỉ thi tại khoản 10 Điều 1. Cụ thể, thí sinh bị đình chỉ thi phải nộp bài thi, đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi và ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định; thí sinh bị đình chỉ thi chỉ được ra khỏi khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài thi tự luận và sau khi hết thời gian làm bài thi trắc nghiệm; thí sinh bị đình chỉ thi sẽ bị hủy kết quả toàn bộ các bài thi của kỳ thi năm đó.

Ngân hàng được miễn phí rút tiền khi thực hiện giao dịch tại Ngân hàng Nhà nước

Thông tư 27/2019/TT-NHNN sửa đổi một số quy định về phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/5/2020.

Theo đó, tổ chức tín dụng được miễn phí rút tiền mặt trong tháng khi giá trị tiền mặt rút qua tài khoản thanh toán nhỏ hơn hoặc bằng giá trị tiền mặt không đủ tiêu chuẩn lưu thông nộp về Ngân hàng Nhà nước cùng nơi mở tài khoản.

Tổ chức tín dụng chịu mức phí 0,005% trên số chênh lệch dương trong tháng giữa giá trị tiền mặt rút qua tài khoản thanh toán trừ giá trị tiền mặt không đủ tiêu chuẩn lưu thông nộp về Ngân hàng Nhà nước cùng nơi mở tài khoản.

Bảy công việc người lao động không được phép làm khi ở nước ngoài 

Nghị định 38/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực từ ngày 20-5.

Theo đó, người lao động không được đến làm việc ở nước ngoài thuộc khu vực đang có chiến sự hoặc đang có nguy cơ xảy ra chiến sự, đang bị nhiễm xạ, bị nhiễm độc, đang có dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm.

Nghị định cũng quy định danh mục bảy công việc người lao động không được đến làm việc ở nước ngoài.

Một là công việc massage làm việc tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí.

Hai là công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ, chất độc hại trong luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thủy ngân, bạc, kẽm), tiếp xúc thường xuyên với mangan, điôxit thủy ngân.

 Ba là công việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở, khai thác quặng phóng xạ các loại.

Bốn là công việc sản xuất, bao gói phải tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất acid nitơric, natri sunfat, disunfua cacbon, các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt chuột, sát trùng, chống mối mọt có độc tính mạnh.

Năm là công việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập.

Sáu là công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn (dưới lòng đất, lòng đại dương).

Bảy là công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/5/2020.

Lao động tại Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng

Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 12 năm 2020 thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS). Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/5/2020.

Theo Quyết định này, người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS phải ký quỹ để đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động. 

Mức ký quỹ là 100 triệu đồng. Thời hạn ký quỹ là 5 năm 6 tháng.

Trong 35 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS với Trung tâm Lao động ngoài nước, người lao động phải ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn nơi đăng ký thường trú.

Thêm bốn ngành nghề được bổ  sung vào danh sách ưu đãi đầu tư

Nghị định 37/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/5/2020 đã bổ sung vào danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định 118/2015/NĐ-CP về các hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đó, bốn ngành nghề được bổ sung mới bao gồm: Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa, đầu tư kinh doanh cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa, đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đầu tư kinh doanh khu làm việc chung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

Quy định về việc cấp bản sao điện tử cho người dân

Nghị định số 45/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 8/4/2020 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử sẽ có hiệu lực từ ngày 22/5/2020. 

Đáng chú ý, thay vì cấp bản sao bằng giấy thì từ 22/5, tổ chức, cá nhân có thể yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp bản sao điện tử theo hai cách. Thứ nhất, cấp bản sao điện tử từ sổ gốc. Khi đó, cơ quan đang quản lý sổ gốc sẽ căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao điện tử có chữ ký số của cơ quan cho người yêu cầu.

Cách thứ hai là chứng thực bản sao điện tử từ bản chính giấy tờ, tài liệu­. Với cách làm này, tổ chức, cá nhân xuất trình bản chính giấy tờ, tài liệu làm cơ sở để chứng thực bản sao. Người thực hiện chứng thực kiểm tra bản chính, chụp điện tử bản chính, nhận lời chứng chứng thực bản sao từ bản chính và thực hiện ký số của người chứng thực, cơ quan có thẩm quyền chứng thực và cập nhật vào sổ chứng thực.

Việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử có giá trị pháp lý như các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử (gọi tắt là người tiếp nhận, giải quyết TTHC) không được can thiệp trái phép vào quá trình thực hiện TTHC trên môi trường điện tử gồm truyền, thu thập, xử lý, gửi hoặc thông báo kết quả xử lý hồ sơ, giao dịch thanh toán.

Người tiếp nhận, giải quyết TTHC không được can thiệp trái phép, làm sai lệch dữ liệu hồ sơ, giao dịch thanh toán, kết quả xử lý TTHC; tiết lộ thông tin, sao chép dữ liệu trái thẩm quyền.

Người tiếp nhận, giải quyết TTHC không được gian lận, mạo nhận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép danh tính điện tử của tổ chức, cá nhân, cơ quan có thẩm quyền.

Thái An

Tin khác

Tin tức 12 giờ trước
(SHTT) - UBND Thành phố Hà Nội mới đây đã chính thức khởi động chương trình hỗ trợ ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trên truyền hình và ứng dụng đa phương tiện. Theo đó, từ ngày 19/4, học sinh có thể theo dõi các chương trình ôn tập trực tuyến trên kênh H2 của Đài PT-TH Hà Nội và ứng dụng HANOI ON.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - “Tuổi trẻ sáng tạo” là một trong những phong trào truyền thống của đoàn thanh niên các cấp trên địa bàn Quảng Ninh. Phong trào này đi sâu, đi sát vào những nhiệm vụ mà tỉnh và các địa phương đang triển khai.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Ngày 17/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 của 115 trường trung học phổ thông công lập. Theo đó, thành phố sẽ tuyển 61% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 công lập.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Nhằm đảm bảo trật tự kinh doanh, góp phần bình ổn thị trường, nâng cao chất lượng công tác tổ chức Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2024, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuyên suốt thời gian diễn ra lễ hội.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Tỉnh ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa vừa có Thư kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.