Các nhà khoa học thành công khôi phục tranh chấp bằng sáng chế CRISPR
Quyết định của Tòa Phúc thẩm Liên bang Hoa Kỳ là một chiến thắng cho hai trường đại học trong cuộc tranh chấp kéo dài với Viện Broad – một liên doanh giữa Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) – về quyền sở hữu bằng sáng chế CRISPR.
Trước đó, Văn phòng Sáng chế Hoa Kỳ đã xác định rằng các nhà khoa học của Viện Broad là những người đầu tiên đưa ra ý tưởng về công nghệ này, trước Doudna và Charpentier.
Tuy nhiên, hôm thứ 12/5 vừa qua, Tòa Phúc thẩm cho rằng Văn phòng Sáng chế đã áp dụng sai luật liên bang về việc xác lập ý tưởng sáng chế, và đã chuyển vụ việc trở lại Hội đồng Xét xử và Kháng nghị Bằng sáng chế (Patent Trial and Appeal Board – PTAB) để xem xét lại.

CRISPR là công nghệ đột phá cho phép các nhà khoa học sử dụng “chiếc kéo sinh học” để chỉnh sửa ADN
Người phát ngôn của Viện Broad cho biết họ vẫn tin tưởng hội đồng sẽ “một lần nữa xác nhận quyền sở hữu bằng sáng chế của Viện Broad, vì các dữ kiện cơ bản không thay đổi".
Luật sư Jeff Lamken đại diện cho các trường đại học, thuộc hãng luật MoloLamken, phát biểu rằng phán quyết này mang đến cho hội đồng một cơ hội mới để xem xét lại các bằng chứng và “xác nhận điều mà cả thế giới đã công nhận: rằng nhóm của Doudna và Charpentier là những người đầu tiên phát triển công nghệ mang tính đột phá này để phục vụ nhân loại".
CRISPR là công nghệ cho phép các nhà khoa học sử dụng “chiếc kéo sinh học” để chỉnh sửa ADN. Công nghệ này hiện đang được thử nghiệm lâm sàng nhằm điều trị các bệnh do đột biến và bất thường di truyền gây ra.

Nhà vi sinh vật học người Pháp Emmanuelle Charpentier (trái) và giáo sư Jennifer Doudna
Doudna (thuộc Đại học California) và Charpentier (thuộc Đại học Vienna) là những người đầu tiên nộp đơn xin cấp bằng sáng chế CRISPR vào năm 2012. Họ đã cùng nhận giải Nobel Hóa học tám năm sau đó nhờ công trình nghiên cứu này.
Viện Broad sau đó đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế riêng vào năm 2013, liên quan đến việc sử dụng CRISPR trong các tế bào “sinh vật nhân thực” (như thực vật hoặc động vật), và đã được cấp bằng sáng chế vào năm 2014. Doudna, Charpentier và các trường đại học của họ đã kháng cáo lên PTAB, cho rằng họ là những người đầu tiên phát minh ra công nghệ này.
Tuy nhiên, vào năm 2022, hội đồng đã phán quyết rằng Viện Broad có quyền sở hữu bằng sáng chế, với lý do phía các trường đại học không chứng minh được rằng họ đã tạo ra công nghệ CRISPR hoạt động được trên tế bào nhân thực trước Viện Broad.
Trong đơn kháng cáo, các trường đại học lập luận rằng nhóm nghiên cứu của họ “đã nghĩ ra và mô tả đầy đủ mọi yếu tố của sáng chế trước khi Viện Broad đưa ra ý tưởng đầu tiên của mình.”
Tòa Phúc thẩm Liên bang từng đưa ra phán quyết có lợi cho Viện Broad trong một vụ án liên quan vào năm 2018.
Quỳnh Trang
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
