SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 13/01/2025
  • Click để copy

Cà phê Gia Lai từng bước khẳng định thương hiệu

15:00, 22/11/2024
Sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, cà phê Gia Lai đang từng bước xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu và tiếp cận thị trường qua nhiều nền tảng công nghệ hiện đại, sẵn sàng vươn ra thế giới.

Là một trong những địa phương trồng cà phê sớm nhất cả nước (khoảng đầu thế kỷ 20), hiện cà phê đang là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai.

Danh tiếng và vị thế của cà phê Gia Lai càng được khẳng định khi vào ngày 10/11/2022, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00125 "Gia Lai" cho sản phẩm cà phê. Theo Quyết định số 5372/QĐ-SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Giống cà phê được sử dụng là giống Robusta. 

Hành trình khẳng định vị thế 

Gắn bó với cây cà phê từ năm 1998, ông Trần Quang Thủy (ngụ Thôn 8, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) đã chứng kiến bao thăng trầm của loài cây công nghiệp này. 

“Năm 2000 là thời điểm giá cà phê xuống thấp kỷ lục, tôi nhớ là khoảng 500 đồng/kg cà phê tươi. Làm không đủ ăn, tôi phải để vợ con về quê còn mình ở lại xem còn cơ hội nào không. Sau đó giá tăng dần nên tôi lại đưa gia đình vào lại Gia Lai và trụ đến bây giờ”, ông Thủy nhớ lại.

quy-trinh-thu-hoach-va-ca

Cà phê hiện đang bước vào giai đoạn thu hoạch.

Qua thời điểm giá thấp lại đến thời kỳ hạn hán. Đặc biệt là năm 2016, các tỉnh Tây Nguyên phải gánh chịu hạn hán khốc liệt nhất trong 30 năm. Hàng trăm ngàn ha cà phê bị chặt bỏ vì khô hạn, người nông dân buộc phải trồng các giống cây ngắn ngày để duy trì cuộc sống.

Đã có lúc, người ta nghi ngờ về việc các giống cây trồng khác có thể thay thế cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên khi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Tuy nhiên, nhờ các chính sách khuyến khích và hỗ trợ từ chính quyền địa phương, người nông dân đã không bỏ cuộc.

Từ năm 2016 đến nay, để không rơi vào tình huống bị động, bên cạnh cây chủ lực là cà phê, nhiều giống cây khác được trồng xen canh như sầu riêng, điều, tiêu, chanh dây,…  

“Dù khó khăn trong việc tìm nguồn nước không nhưng tôi chưa từng nghĩ đến việc chặt bỏ cà phê để chuyển hoàn toàn sang giống cây khác, dù có lúc phải đi bộ từ 5 – 10km để moi được nước dẫn về ao. Gần đây khi có điều kiện, chúng tôi khoan giếng để có nước tưới vào mùa khô”, anh Trần Mậu Long Biên (thôn Lập Thành, xã Ia Yok, Ia Grai) cho biết. 

Theo anh Biên, vụ mùa năm 2023 đến nay, giá cà phê đang ở mức cao, có thời điểm hơn 120.000 đồng/kg cà phê hạt. Năm nay, dù ảnh hưởng của bão nhưng nhiều người dự báo sản lượng vẫn tốt. “Nếu duy trì mức giá cao như hiện nay thì người trồng cà phê sẽ có mùa Tết ấm no”, anh Biên phấn khởi. 

Khu vực địa lý của chỉ dẫn địa lý cà phê Gia Lai bao gồm:

- Thị trấn Ia Kha và các xã Ia Khai, Ia Yok, Ia Bă, Ia Grăng, Ia Hrung, Ia Dêr, Ia Krái, Ia O, Ia Pếch, Ia Tô, Ia Chía, Ia Sao thuộc huyện Ia Grai;

- Thị trấn Nhơn Hòa và các xã Ia Hrú, Ia Rong, Ia Dreng, Ia Hla, Ia Blứ, Ia Le, Ia Phang thuộc huyện Chư Pưh;

- Thị trấn Chư Sê và các xã Bar Măih, Ia Tiêm, Chư Pơng, Bờ Ngoong, Ia Glai, Al Bá, Dun, Kông Htok, Ia Hlốp, Ia Pal, Ia Blang, Ia Ko, H Bông thuộc huyện Chư Sê;

- Thị trấn Chư Prông và các xã Ia Băng, Bàu Cạn, Bình Giáo, Thăng Hưng, Ia Phìn, Ia Drang, Ia Bang, Ia Kly, Ia Tôr, Ia Me, Ia Púch, Ia Vê, Ia Pia, Ia Boòng, Ia O thuộc huyện Chư Prông;

- Thị trấn Chư Ty và các xã Ia Dơk, Ia Din, Ia Kla, Ia Dom, Ia Pnôn, Ia Nan, Ia Krêl, Ia Kriêng, Ia Lang thuộc huyện Đức Cơ;

- Các phường Yên Thế, Đống Đa, Thống Nhất, Hoa Lư, Thắng Lợi, Phù Đổng, Ia Kring, Hội Phú, Trà Bá, Chi Lăng và các xã Tân Sơn, Biển Hồ, Trà Đa, Chư Á, An Phú, Diên Phú, Ia Kênh, Gào thuộc thành phố Pleiku;

- Thị trấn Ia Ly, thị trấn Phú Hòa và các xã Ia Phí, Ia Khươl, Đăk Tơ Ver, Ia Kreng, Ia Mơ Nông, Hòa Phú, Ia Ka, Chư Đăng Ya, Ia Nhin, Nghĩa Hưng, Nghĩa Hòa thuộc huyện Chư Păh;

- Thị trấn Đak Đoa và các xã Hải Yang, Hà Bầu, Hneng, Nam Yang, K Dang, Tân Bình, A Dơk, Glar, H’Nol, Ia Băng, Ia Pết, Trang, Đak Sơ mei, Đak Krong, Kon Gang thuộc huyện Đak Đoa;

- Thị trấn Kon Dơng và các xã Ayun, Đak Jơ Ta, H'Ra, Đăk Djrăng, Đăk Yă, Đak Taley, Lơ Pang, Kon Thụp, Kon Chiêng, Đê Ar, Đăk Trôi thuộc huyện Mang Yang;

- Thị trấn KBang, các xã Sơn Lang, K Rong, Sơ Pai, Đak Smar, Lơ Ku, Nghĩa An, Đông, Đăk Rong, Kon Pne thuộc huyện Kbang.

Xây dựng thương hiệu từ chất lượng

Sản phẩm cà phê Gia Lai hiện nay tương đối đa dạng, bao gồm cả cà phê hạt và các dạng sản phẩm chế biến như cà phê hạt rang và cà phê bột.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, Gia Lai có các điều kiện tự nhiên độc đáo. Đây chính là yếu tố tạo nên các tính chất, chất lượng đặc biệt của sản phẩm cà phê.  Ngoài các đặc thù về điều kiện tự nhiên thì các đặc trưng về phương thức canh tác, sơ chế, chế biến, bảo quản của người dân bản địa tại khu vực địa lý cũng là yếu tố quyết định đến chất lượng của cà phê Gia Lai.

Những năm gần đây, bên cạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, người nông dân cũng tăng cường sử dụng các loại phân vi sinh tự nhiên và hạn chế thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Các loại phân chuồng ủ hoai mục, dùng nguyên liệu cỏ khô, thân cây đậu đỗ,… được dùng để tủ gốc cho cây. Hằng năm, nông dân cũng gom các tàn dư thực vật như cành nhỏ, lá và vỏ quả cà phê chôn vùi xuống gốc cây, cải thiện tính chất đất để cung cấp đủ dinh dưỡng cho cà phê sinh trưởng trong các thời kỳ ra hoa, đậu quả, vào chín.

thu-hoach-caphe5

Tỉnh Gia Lai khuyến khích nông dân thu hoạch cà phê chín đạt tỷ lệ cao để chất lượng hạt được tốt nhất.

Được biết, Gia Lai hiện đang là một trong 8 tỉnh được lựa chọn để triển khai đề án phát triển cà phê đặc sản giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, dự kiến đến năm 2030, toàn tỉnh Gia Lai sẽ có khoảng 100.000 ha cà phê. Trong đó, diện tích cà phê đặc sản đạt hơn 2.340 ha, sản lượng đạt 1.700 tấn.

Để đạt được điều này, tỉnh Gia Lai vẫn đang đẩy mạnh phát triển vùng trồng cà phê theo hướng cảnh quan, tập trung ở những nơi có điều kiện thuận lợi. Đồng thời, rà soát diện tích cà phê trồng ở những nơi không thích hợp, năng suất thấp, già cỗi đặc biệt ở những vùng khó khăn về nước tưới để chuyển đổi sang trồng các cây trồng khác có hiệu quả, giá trị kinh tế cao hơn.

Với kế hoạch và hướng đi bền vững từ cơ quan chuyên môn, Gia Lai phấn đấu đến năm 2030, trên 80% diện tích cà phê sẽ đạt các tiêu chuẩn sản xuất (VietGAP, Organic,...); trên 70% diện tích cà phê được cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Những năm tới, Gia Lai sẽ tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư về lĩnh vực chế biến sâu sản phẩm cà phê và phát triển hệ thống logistics, chú trọng nâng tỷ lệ cà phê thu hái đúng độ chín, đạt tiêu chuẩn chất lượng đạt 80 - 90%.   

Tân Nguyên - Kim Cương

Tin khác

Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Ngày 13/01/2025, tại Hà Nội, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VFAEA) cùng Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam đã trao Quyết định bổ nhiệm Nhà báo Lê Trường Sơn giữ chức vụ Phó tổng biên tập phụ trách Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam.
Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Sáng 13/1 tại Hội nghị toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết, hướng tới đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tin tức 15 giờ trước
(SHTT) - Chính phủ ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, yêu cầu các cơ quan, tổ chức triển khai thực hiện 7 nhiệm vụ cụ thể.
Tin tức 15 giờ trước
(SHTT) - Ngày hội “Thiếu nhi Việt Nam - Học tập tốt, rèn luyện chăm” được Hội đồng Đội Trung ương tổ chức tại nhiều tỉnh, thành phố. Đây là hoạt động dành cho các em đội viên, thiếu niên và nhi đồng đang học tập tại các trường tiểu học trên cả nước.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Nhu cầu nước tăng gấp 4 lần bình thường trong khi các đám cháy liên tiếp hoành hành khiến nhiều bể nước và trụ cứu hỏa ở Los Angeles cạn kiệt.
. ..