SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Bức xúc nạn tôn giả, thép nhái

08:05, 27/11/2014
Nạn tôn giả, thép nhái đang diễn ra khá phổ biến với nhiều chiêu thức tinh vi để “móc túi” người tiêu dùng, gây hại cho doanh nghiệp chân chính và nền kinh tế. Theo ước tính, với lượng tôn giả, tôn nhái hiện chiếm 20% thị phần đang gây thiệt hại cho nền kinh tế khoảng 1.300 tỷ đồng mỗi năm.

Ngày 26-11, tại Hội thảo “Vấn nạn gian lận thương mại trong thị trường tôn thép: Nhận diện và quản lý” diễn ra ở Hà Nội, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen bày tỏ bức xúc trước tình trạng hàng giả, hàng nhái đang “hoành hành” như hiện nay. Điều này không những ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người tiêu dùng, tác động tiêu cực đến lợi nhuận và uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn ảnh hưởng xấu đến cả nền kinh tế đất nước.

Năm 2013, Tập đoàn Hoa Sen chiếm 39,31% thị phần tôn. “Nhưng chỉ trong 10 tháng đầu năm 2014, chúng tôi giảm 2,6% thị phần do tôn giả, tôn nhái. Việc giảm thị phần này tương đương với việc chúng tôi bị mất sản lượng gần 45 nghìn tấn trong năm 2014, dẫn đến lãi gộp bị mất 118 tỷ đồng”, ông Vũ nói.

Môi trường kinh doanh bị cạnh tranh không lành mạnh bằng các chiêu thức gian dối vừa ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng, vừa triệt tiêu động lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính trong nước, kéo theo việc suy giảm cả ngành công nghiệp tôn thép, gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Theo ước tính của ông Lê Phước Vũ, mỗi mét tôn giả, người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại khoảng 4.000 – 6.000 đồng. Trong khi, khoảng 20% thị phần tôn trên thị trường hiện là hàng giả, hàng nhái tương đương khoảng 346 ngàn tấn, tính ra mét là hơn 98 triệu mét tôn thì số tiền thiệt hại ít nhất là 394 tỷ đồng.

Theo tính toán thiệt hại của các doanh nghiệp, với lượng tôn giả, tôn nhái chiếm 20% thị phần thì ước tính thiệt hại gây ra cho toàn ngành tôn thép trong nước khoảng 906 tỷ đồng. Như vậy xét riêng ngành tôn thì tổng thiệt hại cho nền kinh tế (bao gồm thiệt hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng) ước tính 1.300 tỷ đồng, chưa kể đến thiệt hại do người bán khi bán tôn không xuất hóa đơn cho người mua trực tiếp và sau đó lại bán khống hóa đơn này để đáp ứng cho những doanh nghiệp kê khai chi phí đầu vào mà thực tế không có mua đầu vào. Ngoài ra, vấn nạn tôn, thép giả, nhái còn gây hại về môi trường, sức khỏe, ảnh hưởng đến chất lượng các công trình…đe dọa an toàn tính mạng của người dân.

Nhiều chiêu thức gian lận

Hiện nay việc làm tôn giả, tôn nhái, sử dụng các hình thức gian lận thương mại diễn ra khá phổ biến, đa dạng và rất tinh vi. Những kẻ làm giả sử dụng tôn không rõ nguồn gốc, kém chất lượng để in thông số mập mờ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Các cơ sở làm tôn giả, tôn nhái, chỉ cần trang bị máy in phun, các cơ sở kinh doanh dễ dàng “phù phép” các sản phẩm tôn kém chất lượng thành hàng chính hãng. Các cơ sở này mua tôn không rõ nguồn gốc, kém chất lượng sau đó in nhãn hiệu nổi tiếng, hoặc tẩy xóa thương hiệu của các nhãn hàng khác để in thành sản phẩm chính hiệu lừa dối người tiêu dùng. Theo đó, các sản phẩm tôn nhái, tôn giả thường có dòng in vi tính bị nhòe, không rõ ràng sắc nét do bôi xóa, in đè lên và không thể hiện đầy đủ thông tin sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất.

Ngoài ra, hình thức gian lận khác là các doanh nghiệp không xuất hóa đơn khi bán hàng. Do đó tôn bán ra sẽ có giá thấp hơn so với các đơn vị kinh doanh tuân thủ pháp luật về hóa đơn, thuế. Số hóa đơn không xuất sẽ trở thành nguồn lợi lớn để tiếp tục mua, bán hóa đơn khống trên thị trường. Điều này dẫn đến thực trạng các đơn vị tuân thủ pháp luật bị cạnh tranh không lành mạnh về giá, và quan trọng hơn là nhà nước sẽ bị chiếm đoạt một khoản đáng kể thuế VAT.

Ông Nguyễn Trọng Tín – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, một trong những sản phẩm bị làm giả nhiều là thép bởi trong giá thành xây dựng, thép có giá trị cao. Về hình thức, thép giả không dễ phân biệt với thép thật nhưng về chất lượng, khi đưa vào sử dụng thép giả dẫn đến hậu quả khó lường. Đây là những loại sắt thép gia công dùng phôi đúc sẵn, nguyên liệu từ sắt thép phế liệu mà ra, khả năng chịu lực kém gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình. Nhiều chủ cửa hàng lợi dụng sự dễ tính và thiếu hiểu biết của khách hàng đã trà trộn hàng giả với hàng thật. Ông Nguyễn Trọng Tín cho biết, tình trạng tôn, thép bị làm giả, làm nhái tương đối phổ biến nhưng kết quả thanh tra, xử lý chưa tương xứng với thực tế diễn ra. Vì đa phần hàng giả, hàng nhái không bày bán tại các cửa hàng mà được cất giấu ở những kho riêng nên việc kiểm tra, xử lý chỉ phát hiện được sự gian lận về giá cả, niêm yết giá.

Gian lận thương mại phổ biến tạicác cửa hàng, công ty là độ dày thực tế của tôn thấp hơn so với thông tin đã in. Thí dụ độ dày in được in trên tấm tôn là 0,35mm nhưng thực tế chỉ đạt 0,28mm. Nếu không có thước đo độ dày chuyên dụng, bằng mắt thường người tiêu dùng khó có thể phát hiện ra điều này. Ông Tín vạch mặt: “Để tránh bị phát hiện, các cơ sở kinh doanh thường chỉ trưng bày hàng chuẩn. Nếu khách hàng không quen biết đến hỏi mua thì chủ cơ sở đưa ra tôn chuẩn. Nhưng khi giao hàng, họ giao tôn không bảo đảm chất lượng đã được pha cắt theo yêu cầu ghi trong hợp đồng mua bán.

Hiện tình trạng tôn không rõ nguồn gốc, tôn kém chất lượng “đội lốt” tôn chính hãng đang diễn ra phổ biến ở nông thôn, đặc biệt là những vùng cao, thậm chí còn diễn ra ngay cả ở thủ đô Hà Nội. Tôn chất lượng kém nhập lậu từ nước ngoài theo cuộn, sau đó phân phối tới các cơ sở kinh doanh. Khi có khách mua, dựa vào từng yêu cầu cụ thể, chủ cơ sở sẽ dùng máy dập để in tên, thương hiệu tôn. Khách hàng muốn in nhãn mác của hãng nào cũng được, trừ việc dập số mét và chứng chỉ ISO 9001: 2008 vì máy cán không dập được.

Tương tự, đối với mặt hàng thép, xuất hiện tình trạng thép có trọng lượng, kích thước thấp hơn tiêu chuẩn quy định. Thủ đoạn gian lận thương mại chủ yếu của các cửa hàng kinh doanh sắt thép là bán sai chủng loại khách hàng yêu cầu. Chẳng hạn khách yêu cầu thép cây phi14 thì giao phi12 hoặc khách yêu cầu mua sắt phi16 lại giao phi14.

Tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thủ đoạn gian lận chủ yếu là sản xuất thiếu chuẩn kích cỡ khoảng trên dưới 1 mm đường kính. Đối với thép cây, có hai dạng làm giảm đường kính bằng cách sản xuất thân thép nhỏ hơn tiêu chuẩn - giới kinh doanh thường gọi là thép “gầy”- trong khi phần gân nổi trên thân thép được nhô cao hơn để bù đắp. Loại sắt này nhìn bề ngoài thì không khác gì thép "chuẩn", nhưng thực tế thì đường kính nhỏ đi chút ít, từ 0,5 - 0,8 mm.

Công tác kiểm tra, xử lý chưa hiệu quả

Nhiều đại biểu tại Hội thảo nhất trí răng, tôn và sắt thép là mặt hàng trọng yếu nhưng hiện hoạt động kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng này chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, hệ thống chuẩn trong đo lường chất lượng thép đã có từ lâu, nhưng hiện nay nước ta vẫn chưa có đủ công nghệ, thiết bị để kiểm tra chất lượng của loại sản phẩm này. Mặc dù thị trường sắt thép có nhiều cơ quan quản lý, nhưng lại không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát chất lượng của hàng triệu tấn thép tung ra thị trường hàng năm.

Tại khâu nhập khẩu, ông Trần Việt Hưng, Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, trong năm 2014, cơ quan Hải quan đã bắt giữ 64.500 tấn tôn thép các loại, với sai phạm chủ yếu là khai báo sai về tên hàng, mã số HS để gian lận thuế, trốn thuế, mà nguyên nhân là do các quy định về ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu mặt hàng tôn thép còn nhiều bất cập, dễ bị lợi dụng. Ông Trần Việt Hưng chỉ rõ: “Do việc áp mã để tính thuế còn phức tạp nên dễ dẫn đến khi nhập khẩu doanh nghiệp khai báo một loại, khi bán ra thị trường lại quảng cáo bán là một loại khác, đã tạo kiện để các đối tượng gian lận về chất lượng (độ dày của tôn thép)”.

Chính vì vậy, ông Hưng kiến nghị, Nhà nước cần sửa đổi, bổ sung một số quy định về việc ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu theo hướng: Hàng hóa khi nhập khẩu về Việt Nam phải ghi đầy đủ các yếu tố bắt buộc như: xuất xứ, nhãn hiệu để bảo đảm kiểm soát có hiệu quả nguồn gốc xuất xứ và chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Các Bộ ngành liên quan cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định bộ tiêu chuẩn về chất lượng thép nhập khẩu bảo đảm sát với yêu cầu thực tế, tránh làm kẽ hở để các doanh nghiệp lợi dung để gian lận.

Trước thực trạng tôn giả, tôn nhái, tôn kém chất lượng đang vô cùng nhức nhối, đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính, Ông Lê Phước Vũ kêu gọi: “Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng như Bộ Công thương, Cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý cạnh tranh, Cục sở hữu Trí tuệ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội thép Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và các cơ quan chức năng liên quan cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng này bằng cách hành động cụ thể như quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu để ngăn chặn các sản phẩm tôn, thép kém chất lượng đang nhập khẩu ồ ạt vào thị trường Việt Nam; Có hình thức xử lý thích đáng, chế tài mạnh và mang tính răn đe đối với các trường hơp vi phạm gian lận; Tổ chức những hoạt động tuyên truyền, phổ biến cho người tiêu dùng cách phân biệt giữa tôn chính hãng và tôn kém chất lượng, tôn giả, tôn nhái, cũng như nhận biết các hình thức gian lận thương mại đang diễn ra phổ biến trên thị trường hiện nay.

Tin khác

Kinh tế 7 phút trước
(SHTT) - Các ngành chức năng, địa phương cùng các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã “chung sức đồng lòng” gia tăng thêm nhiều biện pháp thiết thực nhằm tạo chuyển biến về nhận thức của người dân trong việc ưu tiên mua sắm, tiêu thụ hàng Việt.
Kinh tế 1 ngày trước
Dự án The Gió Riverside được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và quyết định giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; đang tiếp tục hoàn chỉnh các vấn đề pháp lý khác để sẵn sàng triển khai xây dựng dự án trong năm nay. 
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Các công ty đang dịch chuyển ngân sách quảng cáo từ truyền thông kỹ thuật số sang mạng lưới quảng cáo bán lẻ để tạo nguồn thu mới.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Sáng ngày 16/4/2024 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) đồng tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024”.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Trong bối cảnh rác thải thời trang ngày càng gia tăng, Mèo Tôm Handmade đã được thành lập và đóng vai trò như một giải pháp sáng tạo và đầy ý nghĩa, biến những chiếc quần jean cũ thành những chiếc túi xách độc đáo và thân thiện với môi trường.