SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 28/03/2024
  • Click để copy

Bức tranh lợi nhuận nhiều khởi sắc, khép lại một năm thành công của doanh nghiệp Việt

09:37, 17/01/2022
(SHTT) - Năm 2021 là năm chứng kiến nhiều khó khăn của các doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, “vượt bão” Covid-19, nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận thăng hoa, báo lãi cao kỷ lục.
tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Hiện, nhiều doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính năm 2021. Có thể kể đến: Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PV OIL - Mã: OIL). Theo đó, Công ty cho biết, lợi nhuận năm nay cao nhất lịch sử hoạt động bất chấp tác động của dịch Covid-19. Nguyên nhân là do giá dầu tăng nóng.

Cụ thể, doanh thu hợp nhất năm của PV OIL ước đạt 55.000 tỷ đồng, thực hiện 98,7% kế hoạch năm và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước 884 tỷ đồng, vượt 121% mục tiêu năm trong khi năm 2020 lỗ gần 111 tỷ đồng.

Cùng ngành, tuy nhiên, hiện tại CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) chưa công bố báo cáo tài chính quý IV nhưng công ty ước lượng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ BSR đạt 6.026 tỷ đồng, đây là mức lãi theo năm cao nhất kể từ sau cổ phần hóa, trong khi cùng kỳ 2020 lỗ ròng gần 2.819 tỷ đồng. Tính riêng quý IV, mức lợi nhuận tăng trưởng 60% so với cùng kỳ năm 2020.

Doanh nghiệp cho biết trong quý IV, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, sức tiêu thụ của thị trường tăng lên đáng kể. Do đó BSR đã tăng công suất nhà máy, có thời điểm Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động ở công suất 108% - ngang bằng công suất trước khi các đợt dịch xảy ra.

Đáng chú ý, ngành nổi bật trong năm qua còn kể đến là ngành phân bón khi hai công ty đầu ngành là Đạm Cà Mau (Mã: DCM) và cả Đạm Phú Mỹ (Mã: DPM) đồng loạt ghi nhận lợi nhuận đạt đỉnh lịch sử nhờ giá phân bón tăng chóng mặt.

Tổng doanh thu năm 2021 của Đạm Cà Mau vào khoảng 10.011 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.823 tỷ, lần lượt tăng 32% và gấp 2,74 lần so với năm 2020.

Tương tự, sản xuất kinh doanh hiệu quả cộng hưởng với giá phân bón thế giới tăng đã giúp Đạm Phú Mỹ lãi trước thuế kỷ lục 3.600 tỷ đồng năm 2021, tăng 324%. Nếu tính riêng quý IV, lãi trước thuế của công ty này gấp 16,3 lần so với quý IV/2020, đạt 1.810 tỷ đồng.

Riêng đối với ngành thủy sản, nhờ thời tiết thuận lợi cho nuôi trồng và nhu cầu nhập khẩu tăng trưởng nên CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) đã có lãi thăng hoa trong 26 năm hoạt động với 280 tỷ đồng, tăng trên 15% so năm 2020.

Theo đó, Sao Ta cho biết năm 2021 là năm nuôi tôm thành công nhất trong lịch sử 10 năm theo đuổi nuôi tôm, góp phần bù đắp cho mảng chế biến nông sản của công ty trong năm qua.

Năm 2021 là một năm “thắng đậm” của ngành vận tải biển khi giá cước nóng hơn bao giờ hết. Điều này đã giúp các doanh nghiệp trong ngành báo cáo lợi nhuận đầy tích cực.

Cụ thể, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines - Mã: MVN) ghi nhận một năm kinh doanh đại thắng khi doanh thu toàn tổng công ty ước đạt 19.604 tỷ đồng, bằng 124% cùng kỳ. Lợi nhuận hơn 4.000 tỷ đồng, trong khi năm trước đó lỗ 145 tỷ. Đây cũng là lần đầu tiên sau nhiều năm thua lỗ kéo dài, Vinalines có lãi hàng nghìn tỷ.

Trong đó, khối vận tải biển từ lỗ sâu 874 tỷ đồng trong năm 2020, năm vừa rồi cũng lãi hơn 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số cảng có mức lợi nhuận cao như Cảng Sài Gòn đạt 852 tỷ đồng (vượt hơn 214% so với kế hoạch 2021), Cảng Hải Phòng đạt hơn 732 tỷ đồng (vượt 9% so với kế hoạch), Cảng Quy Nhơn lãi 420 tỷ đồng (vượt hơn 162% so với kế hoạch),…

Một doanh nghiệp khác ghi nhận mức lợi nhuận khủng là CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) - doanh nghiệp thu hút giới đầu tư vì cổ phiếu liên tục tăng nóng cũng báo kết quả năm vừa qua cao nhất lịch sử với 1.900 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế 389 tỷ đồng; tăng lần lượt 59% và gần 165% so với năm 2020.

So với kế hoạch đề ra, HAH đã vượt 14% chỉ tiêu doanh thu và vượt 146% mục tiêu lợi nhuận năm.

Cuối cùng là CTCP Licogi 14 (Mã: L14) - đơn vị sở hữu cổ phiếu đắt đỏ nhất trên thị trường chứng khoán, năm vừa qua cũng báo lãi trước thuế 436 tỷ đồng, gấp hơn chục lần năm trước đó. Đây đồng thời là kết quả cao nhất của công ty kể từ khi công bố báo cáo tài chính (năm 2008). Hằng năm, lợi nhuận của Licogi 14 vào khoảng vài chục tỷ đồng.

Kết quả năm 2021 này cũng đã giúp doanh nghiệp họ Licogi vượt tới 1.145% về chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Nhìn chung, bức tranh lợi nhuận năm 2021 có nhiều khởi sắc, ghi nhận mức lãi cao vượt kỳ vọng. Đây chính là động lực để các doanh nghiệp Việt phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Quỳnh Anh

Tin khác

Kinh tế 9 giờ trước
(SHTT) - Xiaomi ra mắt Civi 4 Pro là điện thoại đầu tiên trang bị chipset Snapdragon 8s Gen 3 và camera mang nhãn hiệu Leica. Đây là một bản nâng cấp vượt bậc so với những mẫu điện thoại tầm trung mà hãng đã ra mắt trước đó.
Kinh tế 9 giờ trước
(SHTT) - Theo thông tin từ văn phòng kinh tế văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc và thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan đã gửi thông báo về việc tăng cường kiểm tra ớt nhập khẩu về an toàn thực phẩm...
Kinh tế 11 giờ trước
(SHTT) - Thời gian vừa qua, trước diễn biến của thị trường vàng thế giới và trong nước, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tiến hành tuyên truyền, rà soát 127 điểm kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh gia công, chế tác và kinh doanh vàng bạc trên địa bàn tỉnh.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Nhiều năm qua, Quảng Ninh luôn chú trọng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững trên địa bàn. Trong bảo vệ môi trường, việc quản lý chất thải rắn phát sinh được chú trọng.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, tại Diễn đàn Tài trợ thương mại 2024, đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã đề xuất nhiều giải pháp tài chính thúc đẩy tài trợ thương mại vì mục tiêu chống biến đổi khí hậu.