Bột ngọt Meizan tạm thời bị thu hồi tại nhiều siêu thị
Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài viết thông tin về những lo lắng, băn khoăn của bạn đọc về các sản phẩm bột ngọt (mì chính) trên bao bì có thương hiệu và công ty đóng gói nhưng lại không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ để người tiêu dùng có thể biết. Việc này có dấu hiệu vi phạm quy định nhãn hàng hóa và cũng dấy lên nhiều lo lắng của người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm như vậy.
Ngoài các sản phẩm được bán ở chợ lẻ, sản phẩm có tên "Bột ngọt Meizan" trên bao bì ghi thông tin: Đóng gói tại Việt Nam bởi: Công ty TNHH Thực Phẩm Quốc Tế Nam Dương có địa chỉ tại Lô C20a-3, đường số 14, Khu công nghiệp Hiệp Phước, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, Tp. Hồ Chí Minh được bày bán ở nhiều siêu thị trên cả nước.
Ngay sau khi nhận các thông tin này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi thông tin, văn bản đến các siêu thị, cơ quan quản lý đề nghị rà soát để có thông tin khách quan và đảm bảo thực thi các quy định pháp luật nghiêm túc, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Ngày 30/10, phóng viên đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail (đơn vị sở hữu thương hiệu Big C, Go! ) để cung cấp thông tin và đề nghị cho rà soát, kiểm tra.
Qua trao đổi, bà Vân cho biết đã ghi nhận nội dung thông tin phóng viên cung cấp, đồng thời sẽ báo cáo lãnh đạo Tập đoàn và sẽ sớm có câu trả lời đến Tạp chí.
Ngay sau khi bài viết "Nhiều sản phẩm bột ngọt được đóng gói không rõ xuất xứ, người dân lo ngại" được đăng tải, chiều 4/11, nhiều độc giả trên cả nước đã liên lạc về số hotline của Tạp chí cho biết, ở kệ hàng gia vị tại nhiều siêu thị, sản phẩm "Bột ngọt Meizan" đã không còn được trưng bày.
Phóng viên đã liên hệ đến một số siêu thị để có thêm thông tin cụ thể.
Trao đổi với phóng viên, một vị quản lý ngành hàng của Siêu thị Go! Thăng Long xác nhận đã tạm thời cho thu hồi sản phẩm Bột ngọt Meizan. Tuy nhiên khi hỏi về lý do thu hồi sản phẩm, người này từ chối trả lời.
Tiếp tục liên hệ đến Siêu thị Go! Long Biên, một quản lý ngành hàng tại siêu thị này cho biết: "Khi nhận được thông tin sản phẩm này có vấn đề thì chúng tôi đã tạm thời thu hồi toàn bộ hàng trên kệ hàng của siêu thị và đóng thùng cất vào kho rồi".
Trong chiều ngày 4/11, phóng viên cũng đã có khảo sát thực tế tại Siêu thị Go! Thăng Long.
Qua quan sát có thể thấy, tại khu vực bày bán mặt hàng bột ngọt, không tìm thấy sản phẩm nào có tên "Bột ngọt Meizan" trên kệ hàng.
Khi được hỏi, một nhân viên chia sẻ đã có lệnh thu hồi các sản phẩm này một vài ngày trước.
Tại siêu thị Go! Long Biên, chiều 4/11, phóng viên cũng không tìm thấy thấy sản phẩm "Bột ngọt Meizan" trên các kệ hàng.
Điều này cho thấy, hệ thống siêu thị Big C, Go! đã rất kịp thời ghi nhận các ý kiến phản ánh khách quan và xem xét một cách nhanh chóng, trách nhiệm để các sản phẩm bày bán tại siêu thị đảm bảo các quy định và vì quyền lợi của người tiêu dùng trên hết.
Trước đó, trong bài viết "Nhiều sản phẩm bột ngọt được đóng gói không rõ xuất xứ, người dân lo ngại" được đăng tải đã phản ánh của nhiều độc giả gửi đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam bày tỏ những lo ngại liên quan đến các sản phẩm mì chính (bột ngọt) không rõ nguyên liệu nhập từ nước nào được san chiết, đóng gói và tiêu thụ trong nước.
Trong đó, sản phẩm có tên "Bột ngọt Meizan" trên bao bì ghi thông tin: Đóng gói tại Việt Nam bởi: Công ty TNHH Thực Phẩm Quốc Tế Nam Dương có địa chỉ tại Lô C20a-3, đường số 14, Khu công nghiệp Hiệp Phước, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh.
Sản phẩm nói trên, qua quan sát trên bao bì phóng viên không tìm thấy thông tin ghi rõ về xuất xứ hàng hóa, cũng như không tìm thấy thông tin tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi đóng gói theo quy định.
Trong khi đó, theo quy định, thông tin về xuất xứ hàng hóa thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP thì: Cách ghi xuất xứ hàng hóa được quy định như sau: Ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó.
Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ thì mới ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa được thể hiện bằng một trong các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
Ngoài ra, tại Khoản 1 Điều 10 Thông tư 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế có quy định:
"Chỉ được san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại phụ gia thực phẩm trong trường hợp đã được tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc chịu trách nhiệm về sản phẩm đồng ý bằng văn bản".
Nguồn: Tạp chí Giáo dục Việt Nam
https://giaoduc.net.vn/bot-ngot-meizan-bi-go-khoi-ke-hang-tam-thoi-thu-hoi-tai-nhieu-sieu-thi-post246730.gd