SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Bộ Y tế và WHO ra thông cáo chung về dịch cúm A/H7N9.

08:56, 15/04/2013
Ngày 13-4, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra thông cáo chung đầu tiên về tình hình dịch cúm A/H7N9, nêu rõ: cúm A/H7N9 là một trong những phân túyp của virus cúm thường chỉ lưu hành ở loài chim. Từ trước tới nay, trên thế giới chưa tìn ghi nhận ca nhiễm cúm A/H7N9 trên người. Hiện nay, các ca nhiễm cúm A/H7N9 trên người đã được phát hiện ở Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định đầy đủ các biểu hiện bệnh mà virus cúm A/H7N gây ra trên người. Chưa có bằng chứng về sự lây truyền dễ dàng từ người sang người. Hơn 700 trường hợp tiếp xúc gần với các ca bệnh đang được giám sát chặt chẽ về các biểu hiện lây nhiễm từ các ca bệnh đầu tiên.

Bộ Y tế Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới cùng các tổ chức, cơ quan quốc tế tại Việt Nam phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo toàn bộ hệ thống y tế tích cực triển khai các biện pháp giám sát và sẵn sàng ứng phó với dịch cúm A/H7N9 nhằm ngăn ngừa sự lây lan và giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh tới sức khỏe con người.

Cũng trong ngày hôm nay, 13-4, trước nguy cơ dịch bệnh cúm A/H7N9 xâm nhập và lây lan vào nước ta, cùng với đó là dịch cúm A/H5N1, H1N1 ở trong nước diễn biến phức tạp, Bộ Y tế cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và 33 tỉnh thành trọng điểm đã phối hợp triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm. Đồng thời, ngăn ngừa sự lây lan và giảm thiểu tác hại của dịch bệnh nguy hiểm tới sức khỏe người dân… 

Cúm dồn dập

TS Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, trong thông báo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số người mắc và tử vong vì cúm A/H7N9 ở Trung Quốc tiếp tục gia tăng. Trung Quốc đã phát hiện 43 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9, trong đó có 11 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 không còn chỉ tập trung tại 4 tỉnh/thành phố phía Đông Trung Quốc là Thượng Hải, An Huy, Giang Tô và Chiết Giang, mà tại thủ đô Bắc Kinh cũng đã ghi nhận một trường hợp mắc virus cúm nguy hiểm này.

Các trường hợp nhiễm cúm H7N9 ở Trung Quốc đều bị viêm đường hô hấp nặng với các triệu chứng như sốt, ho và khó thở. Thời gian từ khi lây nhiễm đến phát bệnh ở người chỉ kéo dài chưa đến 15 ngày cho nên nguy cơ dẫn đến tử vong rất cao.

Trở lại với tình hình dịch bệnh ở trong nước, Bộ Y tế khẳng định đến nay Việt Nam vẫn chưa ghi nhận có bệnh nhân mắc cúm A/H7N9, cũng như virus cũng chưa xuất hiện trên đàn gia cầm. Tuy nhiên nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhập, lây lan gây dịch ở nước ta là rất lớn vì chủng virus mới cúm A/H7N9 có nguồn gốc gen từ virus gia cầm, dễ biến đổi và có tính thích nghi cao. Đồng thời,  Việt Nam là quốc gia có đường biên giới trải dài với Trung Quốc, việc buôn bán, nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm khó kiểm soát, giao lưu đi lại qua biên giới của người dân nhiều.

Vận chuyển gia cầm nhập lậu ở biên giới phía Bắc làm tăng nguy cơ dịch lây lan cúm A/H7N9. Ảnh: Quốc Khánh

Đáng lo ngại hơn, theo TS Trần Đắc Phu, cùng với nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhập, hiện nay dịch cúm ở  trong nước cũng đang rất phức tạp, căng thẳng. Tại Đồng Tháp đã ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên trong năm nay do cúm A/H5N1 gây ra, cùng với đó, số người mắc cúm A/H1N1 và H3N2 vẫn xuất hiện tại một số địa phương.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết:  Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận nhiều ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 17 xã, phường của 6 tỉnh là Khánh Hòa, Tây Ninh, Điện Biên, Kiên Giang, Tiền Giang, Ninh Thuận, làm trên 32 nghìn con gia cầm mắc bệnh, chết hoặc phải tiêu hủy. Nguy hiểm hơn, với việc mới đây cơ quan chức năng đã phát hiện virus cúm A/H5N1 xuất hiện trên đàn chim yến được nuôi ở Ninh Thuận khiến cho nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm này bùng phát mạnh mẽ và lan rộng trên gia cầm và trên người.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết đã mua dự phòng 40 triệu liều vaccine cúm gia cầm để tiêm phòng bao vây khẩn cấp khi có dịch xảy ra. Bộ cũng chỉ đạo các tỉnh thành chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương mua vaccine hỗ trợ công tác phòng chống dịch.

Một vấn đề cũng khiến các Bộ ngành chức năng, cùng nhiều chuyên gia dịch tễ đau đầu là virus cúm H7N9 có nguồn lây chưa rõ ràng. Nếu như cúm A/H5N1 được phát hiện lần đầu tiên ở gia cầm sau đó mới phát hiện ở người, thì ngược lại cúm H7N9 phát hiện đầu tiên ở người và chưa có bằng chứng minh chủng cúm này không khả năng lây nhiễm từ người sang người.

Đặc biệt, mặc dù cúm H7N9 gây ra nhiều trường hợp tử vong ở người nhưng các cơ sở y tế của Trung Quốc vẫn chưa phát hiện trường hợp gia cầm chết do nhiễm cúm H7N9.

Giết mổ gia cầm tràn lan, mất vệ sinh dễ mắc cúm A/H5N1. Ảnh: Quốc Khánh

Chủ động ngăn chặn, phòng chống

Trước tình hình trên, để chủ động ngặn chặn cúm A/H7N9 xâm nhập vào nước ta, cũng như phòng chống, hạn chế tối đa thiệt hại do cúm A/H5N1 gây ra, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành từ trung ương đến địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép. Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, các cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương, cùng với các địa phương đã thống nhất và cam kết triển khai quyết liệt các kế hoạch phòng, chống dịch cũng như ngăn ngừa gia cầm nhập lậu vào Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ: Công việc quan trọng nhất hiện nay là chia sẻ thông tin kịp thời, phối hợp hành động liên ngành và tăng cường năng lực giám sát, chẩn đoán, đáp ứng, điều trị và truyền thông tới cộng đồng nhằm ngăn ngừa sự lây truyền của virus cúm và bảo vệ người dân không bị nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế yêu cầu tất cả cơ sở y tế của 63 tỉnh, thành tăng cường giám sát, đảm bảo phát hiện sớm các ổ dịch cúm A/H5N1 cũng như H7N9. Các bệnh viện và nhân viên y tế tăng cường các biện pháp phòng chống diễm khuẩn bệnh viện, theo dõi chặt chẽ bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng. Các đơn vị y tế chuẩn bị thuốc, trang thiết bị, khu vực cách ly để sẵn sàng thu dung, điều trị các trường hợp cúm A /H7N9. 2 trung tâm cúm quốc gia được đặt tại Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương và Viện Pasteur Tp. Hồ Chí Minh chuẩn bị  đầy đủ các trang thiết bị xét nghiệm cần thiết và sẵn sàng tiếp nhận mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, chuẩn đoán cúm A H7N9.

Đáng lưu ý, trong tuần tới, Cục Thú Y sẽ thực hiện xét nghiệm xác định virus cúm A H5N1, H7 và H7N9 trong các mẫu lưu trữ tại Trung tâm Chẩn đoán Thú Y trung ương, các mẫu chim yến ở Ninh Thuận và chim trĩ ở Tiền Giang (chim Yến và chim Trĩ chết tại 2 địa phương này có kết quả dương tính với vi rút cúm A/ H5N1). Đồng thời, cục Thú Y cùng các đơn vị trực thuộc cục, chi cục thú y các tỉnh, thành phố tăng cường lấy mẫu các loại gia cầm, chim nuôi, chim cảnh vận chuyển bất hợp pháp vào Việt Nam tiêu thụ để xét cúm H7, H7N9.

Cùng với đó, cơ quan thú y giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia cầm và gia súc, kịp thời phát hiện các ổ dịch để dập dịch và xử lý triệt để không để lan rộng. Phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng vận chuyển, nhập lậu gia cầm qua biên giới, ngăn chặn các sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch lưu thông trên thị trường.


 

Tin khác

Tin tức 24 phút trước
Lần đầu tiên, các đặc sản của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có cơ hội được các doanh nghiệp khách sạn, các resort Đà Nẵng bao tiêu đầu ra, hỗ trợ đào tạo nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.
Tin tức 27 phút trước
Các chuyên gia quốc tế Trường Đại học Đông Á và Viện Công nghệ công nghiệp tiên tiến Nhật Bản (AIIT) vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc tế Mô hình mới về chiến lược chống biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 2.
Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Sáng nay, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam và Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam đã tổ chức lễ công bố Giải thưởng sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 (VCA 2024). Theo đó, giải thưởng năm nay sẽ trở lại với hạng mục mới và nhiều điểm mới trong thể lệ dự thi.
Tin tức 7 giờ trước
(SHTT) - Theo công bố của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, trong năm 2023, thành phố Hà Nội tiếp tục đạt được xếp hạng thứ 3 cả nước về chỉ số cải cách hành chính.
Tin tức 23 giờ trước
(SHTT) - UBND Thành phố Hà Nội mới đây đã chính thức khởi động chương trình hỗ trợ ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trên truyền hình và ứng dụng đa phương tiện. Theo đó, từ ngày 19/4, học sinh có thể theo dõi các chương trình ôn tập trực tuyến trên kênh H2 của Đài PT-TH Hà Nội và ứng dụng HANOI ON.