Bộ TT&TT tập trung triển khai trợ lý ảo hỗ trợ công việc
Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, thúc đẩy sử dụng trợ lý ảo sẽ thúc đẩy xây dựng hệ tri thức, thay đổi toàn bộ cách làm việc của đơn vị, tổ chức đó, làm thông minh hóa hệ thống công chức của Bộ.
Vì vậy, công việc đầu tiên cấp trưởng đơn vị phải quan tâm là dùng, hỏi trợ lý ảo. Nếu hỏi chưa được câu trả lời đúng thì phải hỏi “nhóm thông thái” nắm thông tin về việc nạp tri thức. Việc thúc đẩy sử dụng trợ lý ảo hỗ trợ công việc là tài sản để lại cho các cán bộ thế hệ kế tiếp của đơn vị nên các cấp trưởng chủ động sử dụng.
Bộ trưởng cũng cho rằng: “Cái xuất sắc nhất của trợ lý ảo là hiểu câu hỏi, cái khó nhất khi làm trợ lý ảo là trợ lý ảo không hiểu câu hỏi. Trợ lý ảo phải trả lời được 90% câu hỏi thì may ra mới dùng được”.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các Thứ trưởng Bộ TT&TT sử dụng phần mềm quản lý điều hành công việc của Bộ cũng như trợ lý ảo để đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) của Bộ hơn nữa.
Theo nội dung tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 6/2024 với các đơn vị, doanh nghiệp (DN) và các cán bộ biệt phái của Bộ TT&TT, bắt đầu từ tháng 7/2024, Bộ trưởng và các Thứ trưởng khi làm việc với các đơn vị sẽ trực tiếp hỏi trợ lý ảo của các đơn vị được giao phụ trách.
Nếu trợ lý ảo hỗ trợ công việc trả lời không đúng câu hỏi hoặc không có nội dung trả lời thì cấp trưởng các đơn vị là người chịu trách nhiệm.
“Việc lãnh đạo Bộ TT&TT hỏi trợ lý ảo của các đơn vị với mong muốn để đơn vị phải xây dựng được hệ tri thức, qua trợ lý ảo cũng giúp cho cán bộ công nhân viên làm việc. Đây là công việc trọng tâm của Bộ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài các trợ lý ảo hỗ trợ công việc đang được các đơn vị thuộc Bộ TT&TT thí điểm triển khai như trợ lý ảo do Viettel, Misa, VTC… phát triển, Bộ trưởng cũng đề nghị Cục CĐS Quốc gia tìm hiểu thêm trợ lý ảo của DN công nghệ khác để có thêm thí điểm trong tháng 7 và 8 năm 2024. Sau khi thí điểm tốt hơn có thể khuyến nghị cho Toà án Nhân dân tối cao hay các bộ, ngành khác thí điểm sử dụng.
TH