Bộ trưởng Đào Hồng Lan trả lời chất vấn 4 nhóm vấn đề 'nóng' về y tế
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Quốc hội sẽ chất vấn 4 vấn đề:
Việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai;
Việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh;
Thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm;
Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.
Phát biểu trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thời gian qua Bộ đã tham mưu, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Y tế.
Bộ cũng tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động của ngành, xây dựng các dự luật trình Quốc hội, trình Chính phủ, Thủ tướng, ban hành các chiến lược, chương trình, kế hoạch, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong thực tiễn của ngành.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho biết, tính từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ Y tế đã cấp mới 28 giấy phép hoạt động cho các bệnh viện tư nhân (cùng kỳ năm ngoái là 16 giấy phép hoạt động, tăng 75%);
Ngoài ra, ngành cũng cấp 57 quyết định điều chỉnh giấy phép hoạt động do thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn, thay đổi quy mô hoạt động (cùng kỳ năm ngoái là 48 quyết định, tăng 18,75%).
Tư lệnh ngành y tế khẳng định, thời gian tới, sẽ tập trung triển khai các giải pháp đột phá trong hoạt động cấp phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Qua đó sẽ xây dựng mới quy trình thẩm định theo hướng tinh gọn, minh bạch, tinh giản và rút ngắn thời gian thẩm định.
Liên quan đến lĩnh vực quản lý dược, mỹ phẩm, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, 9 tháng đầu năm 2024, Bộ Y tế đã thực hiện cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo Luật Dược năm 2016 cho 12.333 thuốc.
Về công tác quản lý giá thuốc, theo Bộ trưởng, mặc dù tình hình thị trường quốc tế có nhiều biến động, tuy nhiên, với việc triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý giá thuốc, đã giúp thị trường dược phẩm “vẫn được duy trì bình ổn”, không có hiện tượng đầu cơ tích trữ, găm hàng đẩy giá lên cao.
Về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, theo đánh giá của Bộ trưởng, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, đặc biệt là đối với giới trẻ.
Bà Lan cho biết, qua điều tra tại 34 tỉnh, thành phố vào năm 2020 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên tăng 18 lần từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, trong đó tập trung cao nhất ở nhóm tuổi từ 15 đến 24 tuổi. Kết quả điều tra liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng theo các nhóm tuổi thấy rằng, nhu cầu và việc sử dụng trong giới trẻ, đặc biệt là đối với phụ trẻ em gái cũng tăng lên.
Bộ trưởng cũng thông tin, Bộ Y tế đã chỉ ra nguyên nhân thuốc lá điện tử và nung nóng trôi nổi trên thị trường dù chúng ta chưa cho phép bán, trong đó có nguyên nhân từ tình trạng nhập lậu.
Bộ Y tế đề xuất có giải pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết tình trạng buôn bán thuốc lá điện tử làm ảnh hưởng đến người dân, hướng tới cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng bằng một nghị quyết của Quốc hội, trước khi sửa đổi Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ trưởng cho hay.
Minh Vân