SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 23/04/2024
  • Click để copy

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn Quốc hội

16:36, 05/06/2019
Ngày 4/6, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về 2 nhóm vấn đề: Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng. Dưới đây là phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

ANTT diễn biến phức tạp, nhiều nguy cơ thách thức lớn

Báo cáo với Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, thời gian qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng ta vẫn giữ vững được tình hình an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường bình yên để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân. Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá là an ninh trật tự, an toàn trong đó có cố gắng rất lớn của lực lượng công an nhân dân. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm cũng chỉ rõ, tình hình an ninh trật tự còn diễn biến phức tạp, đối mặt với nhiều nguy cơ thách thức lớn trong đó có nhiều loại tội phạm gây bức xúc nhân dân, cử tri, nhất là hoạt động ma túy xuyên quốc gia tăng, nhiều vụ vận chuyển ma túy lớn được bắt giữ. Điều này cho thấy tội phạm đã lợi dụng địa bàn Việt Nam để vận chuyển ma túy sang các nước thứ ba. Trong khi đó, nội địa số người nghiện ma túy rất lớn, công tác cai nghiện còn nhiều bất cập…

Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, sau khi bị trấn áp mạnh, tội phạm tín dụng đen đã bị kìm chế, nhiều cơ sở đã dừng hoạt động nhưng tình hình vẫn phức tạp, đã len lỏi đến các vùng quê gây nhiều lo lắng cho người dân

chat van quoc hoi

 

Tội phạm mua bán, xâm hại phụ nữ và trẻ em cũng gây bức xúc xã hội, trong đó có hình thức mới, đó là mua bán bào thai qua biên giới, nhưng việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tội phạm xuyên quốc gia có yếu tố nước ngoài, người nước ngoài phạm tội có chiều hướng gia tăng và xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới.

Tai nạn giao thông, sử dụng rượu bia, ma túy, chất kích thích khi tham gia giao thông cũng là vấn đề gây những vấn đề nghiêm trọng cần sự chung tay giải quyết của toàn xã hội. Đây cũng là vấn đề đại biểu Quốc hội rất quan tâm và cho ý kiến tại buổi thảo luận về kinh tế - xã hội. 

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, chủ trương của Bộ Công an là giảm tội phạm, từ những tháng đầu năm 2019 giảm gần 3% số vụ phạm pháp hình sự. Bộ Công an cũng đã chỉ đạo đồng bộ các giải pháp thực hiện mục tiêu này và bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít tồn tại, thách thức đặt ra trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trong phòng, chống tội phạm.

“Trên tinh thần hết sức thẳng thắn, cầu thị chúng tôi xin trân trọng lắng nghe các ý kiến chất vấn của các đại biểu Quốc hội”, Bộ trưởng Tô Lâm nói. 

Kiên quyết không để hình thành đường dây mua bán ma túy

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về quản lý người nghiện ma túy, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, Bộ đã xác định từ tội phạm ma túy nảy sinh ra trộm cắp, cướp của, thậm chí giết người, cướp của. Ước tính, cứ mỗi bánh ma túy heroin vào trong nước, được tiêu thụ thì 10 gia đình có 1 người đi tù, vi phạm pháp. Tội phạm ma túy hết sức nguy hiểm. Số người trong trại cải tạo dao động từ 50 - 60% số người có liên quan đến ma túy. 

Nhấn mạnh đấu tranh với ma túy là vấn đề rất quan trọng, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, về pháp luật, Bộ Công an đang đề nghị Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy, khôi phục Điều 199 của Bộ luật Hình sự năm 2009 về tội sử dụng trái phép chất ma túy;

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền ở cộng đồng, cơ sở, khu dân cư; công tác quản lý người nghiện ngoài xã hội, trong gia đình, cũng như quản lý tại các cơ sở cai nghiện, có giải pháp đấu tranh tốt với lực lượng chức năng, công an quốc tế phát hiện đường dây mua bán ma túy.

“Trước đây, chúng ta mới tập trung vào một số vụ việc, mới phát hiện những gia đình, người nghèo, người khó khăn đi vận chuyển ma túy thôi, chưa xử lý được những đối tượng, những dường dây, thì chúng tôi kiên quyết không để hình thành đường dây mua bán ma túy trong nước”, Bộ trưởng nêu rõ. 

Không để lọt tội phạm nhưng cũng không để xảy ra oan, sai

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đặt vấn đề thời gian qua, số lượng đối tượng vi phạm pháp luật là người có chức, có quyền, có tiền ngày càng tăng. Có vụ việc cử tri cho rằng việc phát hiện, khởi tố không kịp thời dẫn đến trường hợp đối tượng bỏ trốn phải truy nã, gây bất bình trong dư luận. Cử tri lo ngại tính nghiêm minh của pháp luật. “Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?” đại biểu Nguyễn Tạo chất vấn.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng một số đối tượng bỏ trốn phải truy nã cũng có vấn đề liên quan quy định của pháp luật. Trước đây quy định có các hình thức bắt quả tang, bắt giữ khẩn cấp, bắt theo lệnh... Tuy nhiên, để phòng ngừa việc bắt nhầm, oan sai nên quy định pháp luật được sửa đổi, không cho phép công an sử dụng một số biện pháp như trước đây.

chat van quoc hoi 1

 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn Quốc hội

Cụ thể hiện nay không còn quy định bắt trong trường hợp khẩn cấp nếu chưa chứng minh được hành vi phạm tội, chưa khởi tố. Do đó vừa qua có sơ hở cho đối tượng lợi dụng bỏ tốn.

“Yêu cầu là không để lọt tội phạm nhưng cũng không để xảy ra oan, sai. Đối tượng trước khi gây án đều chuẩn bị để chạy tội, trốn tội nên đối phó tinh vi. Chúng tôi sẽ tổng kết để có giải pháp về pháp luật và nghiệp vụ nhằm giải quyết vấn đề này”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Do sợ oan sai hay hạn chế về nghiệp vụ?

Đề cập đến vụ án hiếp dâm bé gái 9 tuổi xảy ra tháng 2/2019 tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) chất vấn, mặc dù dấu hiệu của tội hiếp dâm rất rõ ràng nhưng Cơ quan điều tra công an cấp huyện lại ra quyết định khởi tố bị can về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi và không tiến hành bắt tạm giam đối tượng. Sau đó, nhờ sự vào cuộc của dư luận, Cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội ra quyết định khởi tố bị can về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi và bắt tạm giam đối tượng.

Xảy ra tình trạng nêu trên là do áp lực sợ bị oan sai dẫn đến quá thận trọng hay là do còn hạn chế về nghiệp vụ - đại biểu Mai Thị Phương Hoa chuyển câu hỏi này tới Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí.

Trả lời chất vấn, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, trong vụ án hiếp dâm bé gái ở Chương Mỹ, lúc đầu, cơ quan điều tra đề nghị Viện Kiểm sát huyện Chương Mỹ phê chuẩn tội dâm ô và Viện Kiểm sát huyện đã đồng ý, phê chuẩn theo hướng này.

Tuy nhiên, sau khi dư luận phản ánh, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã yêu cầu Viện Kiểm sát thành phố Hà Nội kiểm tra sự việc, chỉ đạo Viện Kiểm sát huyện Chương Mỹ yêu cầu phục hồi trở lại, khởi tố và phê chuẩn theo tội hiếp dâm trẻ em.

Ông Lê Minh Trí cũng cho biết, đã chỉ đạo kỷ luật Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện Chương Mỹ và kiểm sát viên thụ lý vụ án này do “đây là loại tội phạm xã hội đang gây bức xúc và qua giám định thương tích của cháu bé khá rõ". Hiện vụ án đang trong quá trình thụ lý theo quy định pháp luật.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) về việc số vụ xâm hại trẻ em thời gian qua gia tăng hay do gia đình nạn nhân mạnh dạn tố cáo, truyền thông đưa tin và các cơ quan tư pháp đã đẩy mạnh xử lý, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, ngành công an đã phối hợp Tòa án, Viện kiểm sát thống nhất quy trình, cách thức xử lý hướng dẫn tố giác tin báo, khởi tố tội xâm phạm tình dục với người dưới 16 tuổi.

Trước đây, việc xử lý tội phạm này khó khăn nhưng hiện nay, quy trình từ tiếp nhận đến cách thức xử lý đã được thống nhất trên toàn quốc nên khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ trong giải quyết vấn đề liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, đẩy mạnh trấn áp loại tội phạm này.

Về việc số vụ tội phạm xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện, xử lý gia tăng thời gian qua, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, sự tích cực vào cuộc của các cơ quan chức năng đã tạo lòng tin cho người dân, số lượng người dân tố cáo loại tội phạm này nhiều hơn.

“Người dân tin vào sự xử lý, giải quyết của cơ quan chức năng nên đã có sự hợp tác hơn. Người dân mạnh dạn tố cáo, lên án tội phạm xâm hại nên việc phát hiện và xử lý những vụ việc này tăng lên”, Bộ trưởng Tô Lâm lý giải.

Kiên quyết loại bỏ cán bộ làm ngơ, bảo kê tội phạm

Trả lời đại biểu về trách nhiệm của lực lượng công an quản lý địa bàn, xử lý cán bộ bảo kê cho tội phạm, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, trong trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị về bảo đảm an toàn trật tự xã hội thì lực lượng công an chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề an ninh, trật tự. Trong lực lượng công an thì người đứng đầu chịu trách nhiệm nêu gương, chịu trách nhiệm xử lý. 

Bộ trưởng cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã xử lý vấn đề như với Giám đốc Công an tỉnh phải hoàn thành nhiệm vụ, nếu không hoàn thành sẽ có biện pháp chấn chỉnh. Đối với người đứng đầu công an thành phố, huyện, quận, xã, phường cũng như vậy. Hành động bảo kê tội phạm, thì như tôi đã nói, tội phạm có diễn biến phức tạp. Đối với các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng công an, chúng không từ một thủ đoạn nào, tấn công vô hiệu hóa công an”. 

Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Tô Lâm cũng nêu rõ, từ các thủ đoạn đơn giản nhất là qua các mối quan hệ, các đối tượng sẽ mua chuộc, dụ dỗ và nếu không được sẽ dùng vũ lực tấn công các lực lượng, trong đó có lực lượng công an, chiến sĩ công an và cả gia đình, vợ con, những người thân cũng chịu áp lực đó. Đe dọa bằng vũ lực không được thì chúng xuyên tạc, vu khống, nói xấu, hạ uy tín rất nhiều cán bộ, chiến sĩ. Trong đó, có các đồng chí không chịu được áp lực, mất phẩm chất, có những hành động, có quan hệ với nhóm tội phạm, làm ngơ cho tội phạm hoạt động, bảo kê, tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động, hợp tác với các đối tượng vi phạm. 

“Với những hành vi này, chủ trương của Nhà nước, trong đó có Bộ Công an là kiên quyết loại bỏ những cán bộ đó, những người không chịu nổi áp lực từ tội phạm tấn công, lôi kéo, mua chuộc, nhưng cũng bảo vệ những trường hợp bị vu khống, nói xấu. Đồng thời xử lý rất nghiêm những trường hợp bảo kê, từ xử lý hành chính đến hình sự. Cán bộ phòng chống tội phạm mà vi phạm pháp luật thì dứt khoát phải xử lý. Vừa qua đã xử lý rất nghiêm, không có vùng cấm, bất kể cấp nào. Đây là sự xử lý kiên quyết, quyết liệt của lực lượng công an để khôi phục lòng tin của cán bộ, nhân dân vào quản lý nhà nước”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định. 

Liên quan đến vấn đề quản lý cán bộ, chiến sĩ, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho biết: Vừa qua có một số cán bộ, công chức công an đang có biểu hiện liên minh giữa người có tiền, có quyền với một số đối tượng cộm cán ngoài xã hội, hoạt động với phương châm “khép kín, giấu mình” để can thiệp việc công nhằm trục lợi, dằn mặt những ai tố cáo, kiến nghị vấn đề liên quan đến lợi ích nhóm. Đây là loại hình hoạt động mang tính chất xã hội đen. Đại biểu “đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình trong đấu tranh, ngăn chặn và xử lý”.

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: “Quan điểm của Bộ Công an rất kiên quyết để xử lý sai phạm, trong nội bộ không có vùng cấm, không bao che bất kỳ trường hợp nào”.

Bộ trưởng cho biết, trên thực tế, Bộ đã xử lý nhiều trường hợp, kể cả cán bộ cao cấp có liên quan. Bộ Công an có nhiều quy định về kiểm tra, giám sát, luân chuyển địa bàn, lắng nghe ý kiến người dân để phòng ngừa hoạt động này.

“Chúng tôi sẽ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ để nắm thêm thông tin về vấn đề đang diễn ra ở đâu đó, đối với cá nhân nào đó để đấu tranh, xử lý nghiêm theo quy định”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.     

Bất kỳ ai vi phạm pháp luật đều bị xử lý

Cũng liên quan đến vấn đề cán bộ vi phạm pháp luật, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đặt câu hỏi: Vì sao thời gian qua số lượng tướng lĩnh ngành công an vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý, thậm chí áp dụng chế tài hình sự nhiều như vậy? Ai là người chịu trách nhiệm trong việc cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm những người này?

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn cho rằng những vụ việc này đã được xử lý nghiêm. Không có khoảng trống hay vùng cấm nào và bất kỳ ai vi phạm pháp luật đều bị xử lý.

“Việc đề bạt, bổ nhiệm thì theo quy trình, quy định. Có người lúc được bổ nhiệm thì tốt nhưng sau đó có vi phạm thì xử lý”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Khó khăn trong việc ngăn chặn người "ngáo đá", tâm thần gây án

Trả lời câu hỏi của đại biểu về vấn đề quản lý đối tượng ngáo đá trước khi gây án, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết đây là vấn đề rất thực tế trong tình hình hiện nay. Giải pháp trước mắt là tăng cường hướng dẫn Công an địa phương để quản lý nhóm đối tượng này.

"Dù khả năng gây án của nhóm đối tượng này là rất lớn nhưng trên thực tế họ vẫn chưa phạm tội nên chưa thể xử lý được, chỉ có thể theo dõi và phòng tránh", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Riêng đối với các đối tượng tâm thần gây án thì việc phạm tội thường xảy ra bất ngờ, thường trong các gia đình. Qua nghiên cứu, tỷ lệ người tâm thần gây án cao gấp khoảng 6-7 lần so với người bình thường. Để phòng ngừa, Bộ chỉ đạo Công an các địa phương tham mưu cho chính quyền làm tốt công tác phòng ngừa, quản lý các đối tượng  này.

“Điều quan trọng nhất là quản lý chặt chẽ đối tượng, khi có biểu hiện phát bệnh cần đưa đối tượng đến cơ sở y tế điều trị”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Không để Việt Nam trở thành nơi trung chuyển ma túy quốc tế

Trả lời chất vấn của các đại biểu về công tác phòng chống ma túy, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Đảng và Nhà nước rất quan tâm công tác chỉ đạo phòng, chống ma túy, Bộ Chính trị có Chỉ thị, Quốc hội quan tâm, có hình phạt nghiêm khắc, 9/13 khung hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình. Các bộ, ngành cũng có sự phối hợp trong công tác đấu tranh xử lý; ban hành nhiều chương trình trong công tác phòng chống ma túy hợp tác với các nước, thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt chúng ta. 

“Với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn được tội phạm ma túy, không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển của ma túy trên thế giới”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, đã có một số thách thức đặt ra trong đấu tranh phòng, chống ma túy. Chúng ta đang ở rất gần vòng xoáy trung tâm về ma túy, số người nghiện ma túy gia tăng, nguồn cung lớn, nhu cầu ngày càng lên. Tất nhiên, so với một số nước trong ASEAN, chúng ta kiểm soát được, nhưng số người nghiện trong nước tăng lên khiến đây là thách thức lớn. Tội phạm này cũng có những diễn biến phức tạp. 

Bên cạnh đó, chúng ta đang gặp một số khó khăn, vướng mắc về pháp luật, như việc đơn giản hóa các thủ tục đưa người vào cai nghiện, giám định hàm lượng chất ma túy, hướng dẫn áp dụng một số vấn đề trong Luật Phòng, chống ma túy, Bộ luật Hình sự, như tội phạm sử dụng ma túy, Điều 199 của Bộ luật Hình sự trước đây đã bị bỏ ra ngoài, nên không xử lý được tội phạm sử dụng ma túy, chúng ta đang nghiên cứu để đưa vào vấn đề này và sửa đổi luật pháp. 

Về giải pháp, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết thời gian tới sẽ thực hiện đồng bộ, song song các giải pháp chặn nguồn cung, giảm nguồn cầu trong nước; tiếp tục tập hợp các nguồn lực, tăng cường phối hợp với các lực lượng phòng, chống ma túy… 

Về quản lý các cửa khẩu, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, “nước ta là một quốc gia rất thông thoáng, chúng ta mở cửa phát triển kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thành ra các đối tượng tội phạm lợi dụng chính sách này, chúng tính là nếu 2 vụ bị bắt, 1 vụ lọt thì chúng vẫn có lời.

Bên cạnh đó, các phương tiện, điều kiện kiểm soát cửa khẩu, công tác phối hợp vẫn còn có khó khăn, lực lượng biên phòng kiểm tra chính ở cửa khẩu, lực lượng công an đấu tranh trong nước và nước ngoài. Chúng tôi sẽ tính toán phối hợp nhuần nhuyễn giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Hải quan để giải quyết vấn đề này; giải quyết vấn đề về nhu cầu cai nghiện trong nước”, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ. 

Đề xuất xây dựng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Về xử phạt an toàn giao thông, theo Bộ trưởng Tô Lâm, bất cập hiện nay là điều chỉnh trật tự an toàn giao thông mới trên cơ sở Luật Giao thông đường bộ, với phạm vi luật này, một số văn bản dưới luật, tiêu chí quản lý an toàn giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bộ trưởng Tô Lâm đề xuất, Quốc hội xem xét xây dựng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông vì đây là vấn đề gây bức xúc hiện nay trong xã hội. 

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề năng lực, đạo đức của cảnh sát, năng lực thực thi pháp luật, bảo đảm duy trì trật tự, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã có giải pháp nâng cao năng lực của cảnh sát giao thông, tổ chức lại lực lượng cảnh sát giao thông, nâng cao đạo đức, giảm tiêu cực, nâng cao năng lực cho anh em; phối hợp với ngành giao thông, tổ chức hoạt động giao thông trong xã hội cho hợp lý để giảm tai nạn giao thông.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, đây là vấn đề chúng ta có thể yên tâm, lực lượng công an đã dự báo trước tình hình. Trên cơ sở đó triển khai, kích hoạt các biện pháp phòng chống ma túy. Trước hết, tội phạm ma túy là vấn đề tội phạm quốc tế, không có quốc gia nào không có sự hợp tác mà có thể giải quyết được tội phạm ma túy. “Chúng tôi đã tính đến những nguy cơ tội phạm ma túy của Việt Nam phát triển”, “đánh giá được, dự báo trước tình hình”, Bộ trưởng Tô Lâm nói. Chúng ta rất gần vùng trung tâm thứ 2 về sản xuất ma túy là Tam giác vàng. 

Tình hình ma túy hiện nay trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp, tôi đã tính đến vấn đề nhiều nước hợp pháp hóa về ma túy. Riêng đối với Việt Nam, ASEAN đã có lập trường chung về vấn đề này, đó là phòng, chống ma túy. Từ tháng 10.2018, Bộ Công an đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đăng cai chủ trì Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN và có Tuyên bố cấp Bộ trưởng các nước ASEAN vào tháng 3/2019. Tuyên bố nêu rõ, các nước ASEAN đoàn kết chống loại tội phạm này. 

Người vay và cho vay đều có dấu hiệu của tội phạm

Chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm về vấn đề tín dụng đen đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đánh giá cao sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ trong công tác đấu tranh phòng chống tín dụng đen. Tuy nhiên, theo báo cáo, 5 tháng đầu năm 2019, mới xử lý được 933 băng nhóm của loại tội phạm này, giảm không nhiều so với năm 2018. Điều đáng quan tâm là trong 2.500 vụ liên quan đến tín dụng đen của năm 2018, chỉ có 34 vụ bị xử vì cho vay nặng lãi. Đại biểu đặt câu hỏi đâu là giải pháp giải quyết dứt điểm loại tội phạm này?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, băng nhóm tín dụng đen là một trong những nguyên nhân nảy sinh tội phạm phức tạp khác. Bản chất của tín dụng đen là quan hệ về dân sự, quan hệ về kinh tế, nhưng có giới hạn là vấn đề kinh tế, vượt quá giới hạn là vấn đề hình sự. Thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục duy trì khí thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen hiện nay.

Bộ Công an cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12 phân công phân trách nhiệm cụ thể cho các ngành giải quyết về tín dụng đen, góp phần làm giảm phức tạp của tín dụng đen này.

“Về mặt pháp luật, Bộ Công an cũng đã đề xuất có hướng dẫn giải quyết khó khăn vướng mắc liên quan đến xử lý tội phạm tín dụng đen, vi phạm pháp luật của hoạt động này, ranh giới giữa hành chính, dân sự, hình sự có sự liên kết, khiến nhiều đối tượng lợi dụng một số quy định luật pháp liên quan”, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết.

Thời gian tới Bộ Công an cũng sẽ phối hợp các Ngân hàng đa dạng hóa hình thức cho vay, tạo cho người dân tiếp cận vốn lành mạnh, để không có cơ hội cho tín dụng đen có đất hoạt động.

Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về tình trạng “nhiều gia đình bất an lo lắng trước nguy cơ tiềm ẩn con cái, thành viên trong gia đình dính phải tình trạng nợ nần do ham mê đánh bạc, cá cược online từ đó vay tín dụng đen để sử dụng vào mục đích không chính đáng của bản thân khi cần lãi suất cao vẫn chấp nhận”, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, hiện nay tội phạm đã lợi dụng quan hệ dân sự - kinh tế giữa người vay và người đi vay để tiến hành hoạt động tội phạm. Theo Bộ trưởng, người đi vay có dấu hiệu liên quan đến hoạt động tội phạm. Bởi nếu sản xuất kinh doanh bình thường thì rất khó có điều kiện, đủ điều kiện kinh doanh trả lãi cao lên tới 300%.

“Người đi vay cũng có mục tiêu để vi phạm pháp luật không lành mạnh như: Cờ bạc, buôn bán hàng lậu, gian lận thương mại, hoặc lừa đảo. Những người cho vay đằng sau là những tổ chức tội phạm, đằng sau bản thân cũng là đối tượng hình sự, nếu không thì cũng nuôi, chăm sóc đối tượng hình sự để phục vụ cho tín dụng đen của mình. Tín dụng đen là giới hạn phạm vi của tội phạm hình sự. Từ quan hệ dân sự, diễn biến trở thành quan hệ hình sự. Từ người vay và cho vay đều có dấu hiệu của tội phạm”, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết.

Năm 2018, chúng ta đã ngăn chặn lượng ma túy lớn qua các tỉnh Tây Bắc, chủ yếu là Điện Biên, Hòa Bình, Sơn La. Sau khi bị trấn áp, các đối tượng chuyển hướng vào các tỉnh miền Trung, miền Nam. Đặc biệt, từ năm 2019, đã có sự can thiệp, chỉ đạo từ các đối tượng ma túy là người nước ngoài, vấn đề này không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới, trong đó có ASEAN như Lào, Singapore, Campuchia, Malaysia……

Đang điều tra “phụ huynh có đưa tiền hay không?”

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu vụ gian lận tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 gây bức xúc dư luận, nhiều cán bộ có hành vi can thiệp nâng khống điểm cho thí sinh.

Đại biểu băn khoăn vì sao có vụ giao thẩm quyền cho công an địa phương điều tra xử lý, có vụ lại do cơ quan điều tra của Bộ Công an tiếp nhận làm rõ.

Việc giao cho công an địa phương điều tra vụ gian lận xảy ra trên địa bàn có khách quan hay không? Nếu có dấu hiệu không khách quan thì Bộ công an có cùng phối hợp với VKNDTC đề nghị chuyển thẩm quyền điều tra vụ việc hay không?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, cơ quan chức năng đã khởi tố 3 vụ án, 16 bị can liên quan đến vụ gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018. Cơ quan điều tra đã kết luận hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp nâng điểm theo tội danh. Qua điều tra cũng làm rõ 214 thí sinh được nâng điểm.

Để đảm bảo yêu cầu về thời gian theo luật định, công an trước mắt kế luận, đề nghị truy tố các bị can được xác định rõ hành vi phạm tội. Còn vấn đề phụ huynh có hành vi đưa tiền cho bị can hay không, các bị can có nhận tiền để nâng điểm hay không đang được cơ quan điều tra làm rõ, củng cố hồ sơ và công bố khi có kết quả.

Đại tướng Tô Lâm cũng cho biết, trong 3 vụ thì có 2 vụ ở Sơn La và Hà Giang do công an địa phương điều tra theo thẩm quyền, VKSND địa phương kiểm sát theo quy định. 

Riêng vụ xảy ra ở Hòa Bình, nhận thấy đây là loại tội phạm mới, theo đề nghị của địa phương thì Cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp nhận để có kinh nghiệm trực tiếp.

Người đứng đầu ngành công an cũng nhấn mạnh, do tính chất các vụ án nên Bộ Công an luôn quan tâm chỉ đạo, giám sát điều tra xử lý đúng người, đúng tội cho dù đã giao xử lý theo thẩm quyền.

“Hiện chưa thấy hiện tượng điều tra xử lý không khách quan hay để lọt người, lọt tội. Bộ Công an cùng VKSND tối cao và VKSND địa phương giám sát vấn đề này” – Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Xử lý gian lận thi cử, không có vùng cấm

Giải trình làm rõ thêm những nội dung đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, về giải pháp căn cơ để xử lý hiện tượng gian lận trong thi cử, ngay khi xảy ra vụ việc, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương xác minh, nếu có yếu tố vi phạm thì xử lý theo quy định pháp luật. Hiện Bộ Công an đang tiếp tục điều tra xác minh gian lận trong kỳ thi này.

Trong phiên họp gần đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 trung thực, khách quan, tạo niềm tin cho phụ huynh, học sinh cả nước, và đề ra giải pháp trung thực, khách quan. 

Về giải pháp căn cơ, theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, “ở đây có câu chuyện là phụ huynh muốn con em mình thi đậu nên có hành vi tiêu cực, cũng có người trong bộ máy giáo dục có tiêu cực, quản lý nhà nước chưa được chặt chẽ  cho nên để xảy ra những sai sót bị lợi dụng và có hành vi gian lận”. 

“Nguyên nhân trước hết là ý thức trách nhiệm chung của xã hội, của mọi công dân, phụ huynh, học sinh, trách nhiệm của cán bộ, công chức nhà nước làm trong lĩnh vực giáo dục, của thầy cô”. Nhấn mạnh điều này, Phó Thủ tướng nêu rõ, “làm thế nào để củng cố giá trị đạo đức xã hội là biết tôn trọng các giá trị đạo đức xã hội, tôn trọng kết quả của người khác, không cướp cơ hội này của người khác”. Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, nhận thức chung của xã hội phải như thế và nhận thức chung này phải được giáo dục trong nhà trường, các cơ quan, bộ máy của hệ thống chính trị, trong bộ máy ngành giáo dục và đào tạo, nhà trường, học sinh, phụ huynh. Có như vậy mới lên án với hành vi tiêu cực. 

Giải pháp tiếp theo là nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ công chức, đạo đức công vụ, trách nhiệm trong quản lý Nhà nước, thi hành công vụ. Củng cố quy chế thi cử chặt chẽ và phối hợp với các cơ quan chức năng để tổ chức thi cử bảo đảm khách quan, nghiêm minh, công khai, minh bạch, có kiểm soát của cơ quan, có sự giám sát của cộng đồng xã hội.

“Căn cơ xử lý phải toàn diện, nhiều mặt nữa, và nếu phát hiện vi phạm thì ở mức nào xử lý ở mức đó, đúng quy định pháp luật, không thể làm oan và cũng không có vùng cấm”, Phó Thủ tướng khẳng định. 

Tăng mức phạt tối đa đối với hành vi vi phạm giao thông

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về quan điểm của Phó Thủ tướng như thế nào đối với việc người uống rượu bia tham gia giao thông, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ: “Chúng ta, cả xã hội, Quốc hội, cả hệ thống chính trị và người dân đều thấy nguy hiểm của việc uống rượu bia khi tham gia giao thông, gây ra tai nạn giao thông, gây ra những cái chết đau thương, gây ra gánh nặng cho gia đình, xã hội và chính bản thân mình. Chỉ trong cuộc vui mà quá chén gây ra tai nạn giao thông, hậu quả đau lòng. Tất cả chúng ta đều thấy rằng đã uống rượu bia là không tham gia giao thông. 

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ: Chúng ta có nhiều quy định của pháp luật để xử lý việc này, như Luật Giao thông đường bộ, Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng có quy định để Chính phủ ban hành Nghị định xử lý vi phạm. Chính phủ đã ban hành Nghị định 46 để xử phạt với những trường hợp này. Tới đây, Phó Thủ tướng cho biết, sẽ sửa Nghị định 46 theo hướng tăng mức phạt tối đa đối với hành vi vi phạm giao thông, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Có chế tài nặng đối với cơ quan tổ chức, kinh doanh xe, với cơ sở đào tạo, cơ sở kiểm định…

Pháp luật hiện hành có nhiều quy định nghiêm cấm uống rượu bia lái xe

Liên quan đến chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an và ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội cũng như phần trả lời của Phó Thủ tướng xung quanh vấn đề an toàn giao thông có liên quan đến người sử dụng phương tiện giao thông có sử dụng rượu bia, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Trong quá trình xây dựng Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, Quốc hội chọn những vấn đề còn ý kiến khác nhau để tham khảo xin ý kiến Quốc hội theo Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật. 

“Việc xin ý kiến ngày hôm qua là để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, chứ không phải là biểu quyết thông qua Luật. Nhưng rất tiếc qua dư luận xã hội qua phân tích của báo chí gây hiểu nhầm trong nhân dân là Quốc hội chưa muốn chế tài, chưa muốn xử lý người sử dụng phương tiện giao thông sử dụng rượu bia”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Theo quy định của pháp luật hiện hành, trong lĩnh vực giao thông có nhiều quy định nghiêm cấm hành vi uống rượu bia mà sử dụng phương tiện giao thông. Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Giao thông thủy nội địa, Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có quy định đầy đủ. 

“Điều này có nghĩa, không phải không quy định này trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì không có chế tài xử lý nhưng khi xây dựng thì muốn thu hút các nội dung về các quy định sử dụng rượu, bia vào luật này. Trong quá trình đó còn có nhiều ý kiến khác nhau, mới xin ý kiến các đại biểu Quốc hội để có cơ sở tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội thông qua, không có nghĩa ngày hôm qua là biểu quyết thông qua”.

Khẳng định điều này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị: Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan Chính phủ nắm rõ những quy định của pháp luật để giải thích cho nhân dân và các cơ quan truyền thông báo chí cũng phải nắm rõ các quy định pháp luật để tuyên truyền cho đúng với bản chất của sự việc, tránh gây hiểu lầm của nhân dân. 

Bộ trưởng nắm chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, thẳng thắn nhận trách nhiệm

Kết luận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên chất vấn với nhóm vấn đề về an ninh, trật tự, an toàn xã hội đã có 47 đại biểu Quốc hội chất vấn, có 11 đại biểu Quốc hội tham gia tranh luận. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Minh Trí và Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình, làm rõ những vấn đề liên quan.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi rõ ràng, ngắn gọn, đi thẳng vào những nội dung thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công an, trách nhiệm chung của các Bộ, ngành. Đây là lần đầu Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Với tinh thần trách nhiệm cao cùng với kinh nghiệm trong công tác điều hành thời gian qua, Bộ trưởng đã nắm chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, thẳng thắn nhận trách nhiệm đối với những mặt còn hạn chế, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực trong thời gian tới.

Có thể thấy rằng, công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, tính mạng, tài sản của người dân, liên quan đến trật tự, kỷ cương của nhà nước và bình yên của xã hội. Do vậy, nhóm vấn đề đưa ra chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công an và các thành viên Chính phủ hôm nay là những nội dung được cử tri, xã hội và nhân dân đặc biệt quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thời gian qua, dưới sự quan tâm của các ngành, các cấp, các địa phương, sự nỗ lực của ngành Công an, công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội đã có chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, cũng còn không ít tồn tại, hạn chế. Thực tế diễn biến thời gian qua và qua nội dung chất vấn của các đại biểu Quốc hội cho thấy, xã hội vẫn chưa thật sự yên bình, người dân vẫn chưa thực sự yên tâm trước diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình an ninh trật tự, sự gia tăng hoạt động tội phạm.

Thành tích của lực lượng công an, quân đội là rất lớn, nhưng vẫn còn đó những lo lắng trong xã hội, vẫn xảy ra rất nhiều vụ án lớn, thương tâm mà Quốc hội, nhân dân và xã hội cực lực lên án.

Đề nghị Chính phủ, Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, tập trung vào một số vấn đề sau đây: Tổng kết, rà soát một cách tổng thể và đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật về phòng, chống ma túy; quy định về tội phạm liên quan đến cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, “xã hội đen”, đánh bạc qua mạng, tội phạm liên quan đến buôn bán người, xâm hại phụ nữ, trẻ em, mang thai hộ, bảo đảm trật tự giao thông,... sớm đề xuất hướng xử lý các bất cập trong hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý tội phạm trong các lĩnh vực này;

Phối hợp các ngành, các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng xã, phường, thị trấn  không có tội phạm, hạn chế người nghiện ma túy; phối hợp chặt chẽ các cơ quan tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh đối tượng phạm tội;

Triển khai hiệu quả Chương trình Quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2020. Nâng cao trách nhiệm của lực lượng chức năng trong quản lý địa bàn; Phối hợp giữa các lực lượng chức năng, nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy và tránh biến Việt Nam thành điểm trung chuyển ma túy, hướng tới mục tiêu “ngăn nguồn, giảm cung và hạn chế người dùng ma túy”; chú trọng bảo vệ, ngăn chặn trẻ em, thanh niên tiếp xúc, sử dụng ma túy; phối hợp làm tốt công tác cai nghiện, quản lý đối với người nghiện, cơ sở cai nghiện ma túy. 

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần triển khai hiệu quả Chương trình Quốc gia về phòng, chống tội phạm; tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, triệt phá các băng nhóm tội phạm hình sự ngay từ khi mới manh nha; kiềm chế gia tăng tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội, tạo sự chuyển biến rõ nét về trật tự, an toàn xã hội trên từng địa bàn cả đô thị và nông thôn.

Nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm giết người, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội các hành vi vi phạm pháp luật, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm, hạn chế để tội phạm bỏ trốn phải truy nã. Tăng cường trách nhiệm của lực lượng chức năng, xử lý nghiêm các hành vi thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, tiếp tay, bảo kê cho tội phạm; xử lý tốt các vấn đề tiềm ẩn về an ninh trật tự; quản lý tốt an ninh mạng, an ninh thông tin mạng.

Phối hợp các lực lượng cùng với chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ đối tượng tâm thần, xử lý nghiêm các trường hợp làm giả hồ sơ tâm thần để trốn tội; hạn chế tình trạng ngáo đá, sử dụng ma túy để gây án, phạm tội nghiêm trọng.

Trấn áp, xử lý nghiêm tội phạm liên quan đến tín dụng đen, xã hội đen, hoạt động bảo kê; phối hợp với ngân hàng để đa dạng các hình thức cho vay nhằm hạn chế tín dụng đen; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn hợp pháp cũng như phương thức, thủ đoạn của tội phạm, giúp người dân chủ động phòng ngừa, tích cực tố giác tội phạm tín dụng đen.

Chủ động ngăn chặn hoạt động của các băng nhóm xã hội đen, đặc biệt là băng nhóm xã hội đen hoạt động có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, sử dụng mạng xã hội, công nghệ cao, can thiệp vào hoạt động của cơ quan công quyền.

Kiên quyết xử lý nghiêm, loại trừ ra khỏi lực lượng công an những cán bộ bị suy thoái, tiếp tay, bảo kê cho tội phạm. Thực hiện tốt chương trình Quốc gia phòng, chống mua bán người. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, nơi dễ xảy ra tình trạng mua bán người, mang thai hộ, mua bán trẻ em.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý xuất, nhập cảnh của công dân để chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý những vi phạm liên quan đến mua bán người, mua bán trẻ em. Phối hợp với các ngành tư pháp các địa phương để xử lý tội phạm xâm hại phụ nữ, trẻ em; hoàn thiện quy trình điều tra, truy tố, xét xử đặc biệt liên quan đến xâm hại trẻ em.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là các giải pháp, các chế tài xử lý hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông tại các tuyến, địa bàn trọng điểm; xử lý nghiêm tình trạng người tham gia giao thông sử dụng rượu bia, chất kích thích vượt ngưỡng cho phép, gây hậu quả nghiêm trọng.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, tiêu cực trong hoạt động tuần tra, kiểm soát giao thông; nâng cao năng lực của lực lượng thực thi chức năng bảo đảm an toàn giao thông; Thống nhất về phương pháp thống kê số lượng người chết do tai nạn giao thông giữa các ngành để phản ánh đầy đủ, khách quan số lượng người chết do tai nạn giao thông.

Ngoài các nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ Công an, các ngành có liên quan xử lý dứt điểm và trả lời cho đại biểu Quốc hội, các cử tri về những vụ việc cụ thể, như: các vụ án gian lận trong thi cử, vụ phân bón Thuận Phong, vụ xâm hại trẻ em ở Thủ Đức.

Thu giữ lượng ma túy kỷ lục

Xác định nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống ma túy vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là nhiệm vụ thường xuyên lâu dài, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, thời gian qua, Bộ Công an đã chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp để đẩy mạnh phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này.

Đã chỉ đạo tập trung chuyển hóa các địa bàn phức tạp về ma túy tại các tỉnh Tây Bắc, trong đó đã tập trung trấn áp số đối tượng nguy hiểm cầm đầu các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy tại bản Tà Dê, xã Loóng Luông, Vân Hồ, Sơn La.

Sau khi tấn công mạnh trên tuyến Tây Bắc, các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy chuyển hướng hoạt động sang các địa bàn khác, nhất là tuyến miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam; mặt khác, qua triển khai công tác nghiệp vụ nắm tình từ xa cũng cho thấy tội phạm liên quan đến ma túy tổng hợp trong khu vực “Tam giác vàng” có chiều hướng gia tăng.

Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động triển khai các kế hoạch, biện pháp đấu tranh theo sự chuyển hướng hoạt động của tội phạm ma túy, qua đó tạo thế chủ động về nghiệp vụ, mang lại hiệu quả tích cực.

Năm 2018, lực lượng Công an đã phát hiện, bắt giữ ma túy tăng 10,53% về số vụ, 10,59% số đối tượng; lượng heroin thu giữ tăng 102,52%, ma túy tổng hợp thu được tăng 125,14% so với năm 2017.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, lực lượng Công an đã phát hiện 10.246 vụ, 11.731 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 301,31kg heroin, 3.272,20 kg và 437.334 viên ma túy tổng hợp, 259,61kg cần sa.

Mặc dù số vụ bắt giữ giảm so với cùng kỳ 2018, nhưng lượng ma túy tổng hợp thu được tăng kỷ lục, đây là số lượng ma túy thu được lớn nhất từ trước đến nay.

Đặc biệt, đã liên tiếp phát hiện, triệt xóa nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia với số lượng lớn, điển hình như: Vụ bắt giữ 278kg ma túy tổng hợp ngày 17-2 tại Hà Tĩnh; 3 vụ bắt giữ 300kg ma túy tổng hợp, 895 bánh heroin, 1.030kg ma túy tổng hợp vào các ngày 20-3, 27-3 và 12-4 tại TP. Hồ Chí Minh; các vụ bắt giữ 600kg ma túy tổng hợp, 100 bánh heroin và 700kg ma túy tổng hợp vào các ngày 15-4, 17-4 tại Nghệ An; vụ bắt giữ hơn 500kg ketamin ngày 11-5 tại TP. Hồ Chí Minh; vụ bắt giữ 119kg cocain tại Tiền Giang... Phối hợp các ngành phát hiện, xử lý nhiều tụ điểm sử dụng trái phép các chất ma túy trong các quán bar, vũ trường, karaoke.

60-70% các vụ giết người là do mâu thuẫn bộc phát

Trong những năm qua, trước tình hình các loại tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm giết người, Bộ Công an đã chỉ đạo toàn lực lượng tập trung triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh.

Tăng cường công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, quản lý các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, tổ chức tuần tra, kiểm soát công khai nhằm răn đe tội phạm...

Tổ chức tấn công trấn áp quyết liệt các loại tội phạm, góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh. Đối với các vụ án giết người xảy ra, đã tập trung lực lượng điều tra làm rõ (đạt tỷ lệ trên 95%), về cơ bản các vụ án nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm đều được nhanh chóng điều tra khám phá…

Tuy nhiên tình hình tội phạm giết người vẫn diễn biến phức tạp, năm 2018 xảy ra 1.074 vụ giết người (giảm 0,19%); 43 vụ giết người nhằm mục đích cướp tài sản (tăng 13,16%). Riêng 5 tháng đầu năm 2019, xảy ra 447 vụ giết người (tăng 3,47%); 15 vụ giết người cướp tài sản (tăng 15,38%) so với cùng kỳ năm 2018; đáng lưu ý, xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo (giết nhiều người, giết người vứt xác, chặt xác, đốt xác, giết phụ nữ và trẻ em...).

Phân tích các vụ giết người cho thấy có khoảng 15-17% là các vụ người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau; 60-70% các vụ giết người là do mâu thuẫn bộc phát, nhất thời, đối tượng phạm tội lần đầu; xuất hiện ngày càng nhiều vụ giết người do đối tượng bị bệnh tâm thần hoặc bị ảo giác do sử dụng ma túy tổng hợp (“ngáo đá”) gây ra.

Điển hình các vụ như: Vụ giết, hiếp nữ sinh giao gà do các đối tượng nghiện ma túy gây ra ngày 4/2 tại Điện Biên; vụ Nguyễn Võ Ngọc Bảo “ngáo đá” giết, cướp tài sản của mẹ đẻ và em trai xảy ra ngày 5/1 tại Ninh Thuận; vụ Trịnh Viết Ba (hành nghề thầy cúng) dùng dao giết 2 người, bị thương 2 người xảy ra ngày 4/3 tại Nam Định; vụ Nguyễn Hoàng Nam “ngáo đá” chém chết bố, mẹ, bà nội tại TP Hồ Chí Minh và 1 người khác tại Long An ngày 11/3; vụ Trần Trọng Luận do thù tức cá nhân dùng dao giết chết 3 người hàng xóm ngày 24/4 tại Bình Dương…

Xử lý hơn 2.500 vụ việc liên quan “tín dụng đen”

Bộ Công an đã chỉ đạo mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc, trong đó trọng tâm là triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Năm 2018, Công an các đơn vị, địa phương đã xử lý hơn 2.500 vụ việc liên quan đến “tín dụng đen”; trong đó khởi tố 34 vụ, với 66 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201- Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và 2.353 vụ án khác có liên quan (84 vụ giết người, 855 vụ cố ý gây thương tích, 105 vụ cướp tài sản và 1.309 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến “tín dụng đen”).

Trong 5 tháng đầu năm 2019, lực lượng Công an đã triệt phá 933 băng, nhóm tội phạm (riêng đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm từ 16/12/2018 đến 15/2/2019, đã triệt phá 436 cơ sở, khởi tố 12 vụ, 358 bị can liên quan “tín dụng đen”); trong đó, đã chủ động đồng loạt ra quân, đấu tranh triệt phá nhiều đường dây, băng nhóm cho vay lãi nặng, siết nợ, đòi nợ thuê.

Điển hình như: Vụ phá đường dây cho vay lãi nặng, tạm giữ hình sự 11 đối tượng, thu giữ 11 tỷ đồng, 3 xe ôtô tại Hà Nội; vụ triệt phá nhóm đối tượng hoạt động tín dụng đen núp dưới danh nghĩa Công ty Tài chính Nam Long, bắt giữ 18 đối tượng thuộc 32 chi nhánh ở nhiều địa phương tại Thanh Hóa... Những kết quả này đã kiềm chế, làm cho hoạt động của tội phạm có tổ chức nói chung, các băng nhóm liên quan đến “tín dụng đen” nói riêng không còn manh động, công khai như trước.

Năm 2018 và quý I năm 2019, lực lượng CAND đã khởi tố hơn 244 vụ, 330 bị can về tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi. Tổ chức xác minh, giải cứu, tiếp nhận gần 1.900 trường hợp, trong đó, xác định 577 trường hợp là nạn nhân bị mua bán.

Về tội phạm xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em, 5 tháng đầu năm 2019 xảy ra 289 vụ hiếp dâm phụ nữ, trẻ em (trong đó có 162 vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi); 5 vụ cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144 Bộ luật hình sự); 244 vụ giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145 Bộ luật Hình sự); 114 vụ dâm ô với người dưới 16 tuổi (Điều 146 Bộ luật Hình sự)…

Nhóm vấn đề 1 về lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tập trung vào: Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý; công tác đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan tới hoạt động tín dụng đen, băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tổ chức đường dây mang thai hộ xuyên quốc gia, xâm hại phụ nữ, trẻ em; công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông, nhất là đối tượng tham gia giao thông sử dụng rượu bia vượt quá mức quy định, sử dụng ma túy hoặc chất kích thích gây hậu quả nghiêm trọng.

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Theo baochinhphu.vn

Tin khác

Tin tức 8 phút trước
(SHTT) - Hiện nay, người dân Hà Nội và Thừa Thiên Huế có thể đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp ngay trên ứng dụng VNeID bằng cách thực hiện theo 7 bước dưới đây.
Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Ngày 23/4, Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF 2024) với Chủ đề “Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm”.
Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) vừa phát đi văn bản cảnh báo gửi các Đài phát thanh, truyền hình, các đơn vị hoạt động truyền hình, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền về việc kiểm soát, ngăn chặn quảng cáo cờ bạc, cá độ trái phép trên truyền hình.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Đó là ý kiến được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đặc biệt nhấn mạnh trong buổi làm việc về Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" diễn ra hôm 22/4 vừa qua.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là nền tảng, động lực tạo đột phá cho sự phát triển, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, ngày 5/2/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.