Bộ Tài chính: Mức giảm trừ gia cảnh có thể căn cứ theo vùng
Hiện giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng và giảm trừ mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu, duy trì từ tháng 7/2020. Cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm, giảm trừ gia cảnh, phụ cấp, trợ cấp..., số còn lại là thu nhập căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân. Nhưng mức giảm trừ này đang được coi là bất cập trong tính thuế thu nhập cá nhân, khi chi tiêu và cuộc sống ngày càng đắt đỏ.
Mới đây, Bộ Tài chính cho biết tại dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng luật đã đặt ra việc xác định mức giảm trừ gia cảnh căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó mức lương tối thiểu vùng là một căn cứ tham chiếu để xác định mức giảm trừ gia cảnh.
UBND tỉnh Ninh Thuận đề xuất mức giảm trừ gia cảnh 16 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 6 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc. Còn UBND tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị mức giảm trừ gia cảnh 18 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 8 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc.

Đáng chú ý, UBND tỉnh Bắc Giang khi góp ý về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân cho rằng nên áp dụng mức giảm trừ phải phù hợp với điều kiện sinh hoạt thực tiễn từng vùng, miền trong cả nước thay vì cào bằng một mức như hiện nay.
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, quy định về mức giảm trừ gia cảnh hiện hành tiếp cận theo hướng cào bằng, không phân biệt vùng miền. Nhưng điều này chưa phù hợp vì pháp luật hiện hành có quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng, trong khi đó mức giảm trừ gia cảnh lại không xem xét đến mức thu nhập ở các vùng miền là khác nhau.
Hơn nữa, giá cả hàng hóa ngày càng tăng, kéo theo chi phí sinh hoạt hàng ngày cũng tăng, do đó mức giảm trừ 11 triệu đồng/tháng đối với đối tượng nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc hiện không còn phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay.
Bộ Thông tin và Truyền thông (cũ) cũng đề nghị xây dựng mức giảm trừ phù hợp với chính sách tiền lương tối thiểu theo 4 vùng của Chính phủ.
Một số ý kiến khác cho biết chi phí sinh hoạt tại mỗi vùng, địa phương có sự chênh lệch rất lớn, trong đó có yếu tố quan trọng như chênh lệch giá bất động sản, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ... Do đó, việc chia nhỏ các mức giảm trừ gia cảnh theo vùng sẽ đảm bảo tính công bằng trong chính sách thuế và đời sống người lao động.
Phạm Tuấn
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
