Biên giới Lạng Sơn 'đối mặt' với nạn buôn lậu hoành hành
Theo báo cáo của Cục Quản lý Thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn, nhằm kiểm soát thị trường đạt hiệu quả cao nhất, Cục QLTT Lạng Sơn đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ tại tất cả huyện, thành phố trực thuộc trên địa bàn triển khai kế hoạch kiểm tra cao điểm hoạt động kinh doanh, buôn bán hàng hóa trên thị trường. Thời gian thực hiện kiểm tra cao điểm từ tháng 10/2024 đến hết tháng 2/2025.
Hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường của lực lượng quản lý thị trường từ nay đến cuối năm 2024 và cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 được thực hiện theo kế hoạch kiểm tra tổng thể về đo lường hàng hóa, về chất lượng hàng hóa, nhãn mác hàng hóa và kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong kinh doanh… đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo thống kê, trong tháng 10 năm nay, lực lượng QLTT tỉnh Lạng Sơn đã xử lý 67 vụ (tăng 35 vụ so với tháng 9) các cơ sở kinh doanh vi phạm về kinh doanh hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…
Theo đánh giá, thời gian qua tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại các khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tiếp tục được kiểm soát tốt. Tuy nhiên có thời điểm vẫn xuất hiện hiện tượng vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, vận chuyển hàng hóa nhập lậu.
Một số hành vi vi phạm gian lận thương mại trong XNK hàng hóa được các cơ quan chuyên môn tỉnh Lạng Sơn đưa ra chủ yếu là việc các doanh nghiệp (DN) khai sai về tên hàng, số lượng, chủng loại, mã số hàng hóa; nhập khẩu (NK) hàng hóa thuộc danh mục cấm NK; NK hàng hóa không đáp ứng đủ điều kiện; NK, quá cảnh hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ…
Theo đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn, thời gian qua, một số vụ việc được các đơn vị hải quan cửa khẩu phát hiện có tính chất phức tạp hơn, giá trị tang vật lớn, các phương thức, thủ đoạn có nhiều khác biệt và ngày càng tinh vi như sử dụng chứng từ, hồ sơ giả để qua mặt các cơ quan chức năng nhằm trục lợi.
Đáng chú ý, nhiều DN lợi dụng các đặc thù, cơ chế chính sách của một số loại hình NK như nhập nguyên liệu, vật tư để gia công cho thương nhân nước ngoài (E21), hàng nước ngoài gửi kho ngoại quan (C11), quá cảnh, chuyển cửa khẩu, vận chuyển độc lập... để thực hiện hành vi trốn thuế, gian lận thương mại. Trong khi đó lượng hàng hóa làm thủ tục chuyển cửa khẩu, vận chuyển độc lập hiện nay chiếm tới hơn 80%.
Lãnh đạo Cục Hải quan Lạng Sơn cũng cho biết, hiện nay tại khu vực đối diện các cửa khẩu Tân Thanh, Chi Ma (Lạng Sơn), phía Trung Quốc đã đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ, kho chứa hàng hóa có quy mô lớn - với chủ trương hoạt động khuyến mại, giảm giá hàng hóa, để khuyến khích, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, tham quan du lịch và mua sắm. Do hàng hóa của Trung Quốc sản xuất đa dạng về chủng loại, mẫu mã đẹp, giá rẻ, nên nhiều đối tượng sẽ lợi dụng chính sách, đường biên giới, để thực hiện các hành vi vi phạm như mua gom, mang vác, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới để trục lợi.
Đây chính là những khó khăn, thách thức cho các lực lượng chức năng tại khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn trong việc kiểm soát, quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, nhất là trong công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Minh Anh