SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Biển đảo và thi ca

11:01, 26/08/2019
(SHTT) - Việt Nam là đất nước có đường bờ biển rất dài. Đó chính là sự ưu đãi tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta. Điều này cũng cho thấy, biển đảo là một phần máu thịt thiêng liêng của cha ông từ bao đời, kể từ khi lập nước.

Ý thức về chủ quyền biển đảo đã hiện hữu từ lâu trong lịch sử văn hóa. Từ trong truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên, Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra bọc trứng, qua chi tiết 50 người con cùng cha xuống biển để lập và giữ nước. Hiếm có một quốc gia Đông Nam Á nào mà lại có truyền thuyết về nòi giống của mình đã gắn liền với biển như Việt Nam. Điều đó cho thấy căn cước dân tộc Việt Nam gắn liền với biển đảo.

Từ truyền thuyết, đến những câu nói bất hủ của Bà Triệu trong cuộc kháng chiến chống quân Ngô xâm lược: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người”, hình tượng biển với ý thức cương thổ và khát vọng chinh phục đại dương cũng như ý chí chống quân xâ lược lại được khắc họa đầy ấn tượng.

viet nam

 

Những trận đánh hào hùng như Bạch Đằng, Hàm Tử, Chương Dương, Vân Đồn cùng chiến công chống lại quân xâm lược Trung Hoa trên biển của các thế hệ anh hùng như Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn  càng xác tín hơn về một dân tộc hàng ngàn năm đã sống và chiến đấu, gắn bó mật thiết với biển. Đặc biệt là đại thắng của tướng Trần Khánh Dư đối với quân Mông Nguyên trong cuộc chiến thủy quân Vân Đồn: “Khi ấy, thủy quân nhà Nguyên đánh Vân Đồn. Hưng Đạo Vương giao hết công việc ở biên thùy cho Vân Đồn phó tướng là Nhân Huệ Vương Khánh Dư. (Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, trang 65), Khánh Dư đánh, giặc bị thua, bắt được lương thực khí giới của giặc không xiết kể, bắt sống quân giặc rất nhiều” (Đại việt sử kí toàn thư, trang 66).

Những năm 1974, nhà thơ Tô Thùy Yên đã viết bài thơ Trường Sa Hành khi đặt chân lên đảo, minh định về chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam: Trường Sa! Trường Sa! Đảo chuếnh choáng!/ Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề/ Lính thú mươi người lạ sóng nước/ Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi".

viet nam 1

 

Từ đó, các thế hệ thi sĩ đã đau đáu hướng về Hoàng Sa, Trường Sa. Mỗi một nhà thơ bằng tình yêu biển đảo, lòng tự hào dân tộc có một cách riêng để viết về Hoàng Sa Trường Sa. Tiếng nói tự hào về chủ quyền vang lên trong những bài thơ của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến như:

Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển

Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa

Ngàn năm trước con theo cha xuống biển

Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa

  (Tổ quốc nhìn từ biển)

Mẹ Tổ quốc vẫn luôn ở bên ta

Như máu ấm trong màu cờ nước Việt

Biển Tổ quốc đang cần người giữ biển

Máu ngư dân trên sóng lại chan hòa

Máu của họ ngân bài ca giữ nước

Để một lần Tổ quốc được sinh ra

Sớm mai này nắng ấm ở Trường Sa

Tiếng gà gáy bình yên trên ngực đảo

Tiếng trẻ nhỏ đến trường nơi sóng bão

Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra

(Tổ Quốc ở Trường Sa)

Biết bao thế hệ đã anh dũng hi sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng biển đảo, để cuộc sống của nhân dân trên đảo  được ấm no, hòa bình, sự sống sinh sôi qua tiếng gà gáy và tiếng trẻ thơ đến trường.

Cũng nằm trong đề tài về biển đảo, nhà thơ Ngọc Lê Ninh đã sáng tác thi phẩm Hịch sóng gào. Bài thơ mang vẻ đẹp hào khí dũng cảm khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam ở Trường Sa, Hoàng Sa: Đêm nằm nghe sóng gào/Từ Hoàng sa, Trường Sa/Vọng hồn bao lính đảo/Nhắc ta giữ đất nhà/Đây Hoàng sa! Trường Sa!/Ghi sách trời, sách sử/Đây máu thịt ông cha/Bao đời qua gìn giữ. Qua bài thơ, ta cảm nhận được tấm lòng đau đáu của thi nhân đối với đất nước, non sông. Chỉ một từ gào thôi mà rung cảm xiết bao, để diễn tả hết những giông bão đang thét gào trong anh trước  cảnh Hoàng Sa, Trường Sa đang bị Trung Quốc thôn tính. Đặc biệt hơn là bài thơ này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nga và đăng trên nhiều tạp chí thơ quốc tế để bạn bè khắp năm châu hiểu được Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Đó là chân lí, đó là sự thật.

Ngoài ra, cảm hứng về biển còn được các nhà thơ lớn quan tâm gắn liền với vẻ đẹp trữ tình, với tình yêu. Đặc sắc nhất là bài  Thơ viết ở biển của nhà thơ Hữu Thĩnh:

Anh xa em

Trăng cũng chợt lẻ loi thẫn thờ

Biển vẫn thấy mình dài rộng thế

Xa cánh buồm một chút đã cô đơn

Cái tôi trữ tình tha thiết, khắc khoải với tình yêu sâu sắc vô bờ và nỗi cô đơn tuyệt đích khi đứng trước biển mà không có em của nhà thơ đã quyến rũ biết bao nhiêu tâm hồn độc giả.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã kiến tạo thi ảnh đầy ấn tượng  biển một bên và em một bên trong bài Thơ tình người lính biển. Tình yêu của người lính biển được khắc họa thật lãng mạn, nên thơ với mây treo ngang cánh buồm trắng. Người lính đứng gác giữa đảo vắng không bao giờ cô đơn giữa muôn trùng sóng biển vì trong tim anh có hình ảnh của người thương luôn sát cánh. Và hơn bao giờ anh hiểu rằng, anh chiến đấu hi sinh vì sự bình yên cho người mình yêu

Anh ra khơi

Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng

Phút chia tay, anh dạo trên bến cảng

Biển một bên và em một bên

Biển ồn ào, em lại dịu êm

Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ

Anh như con tàu lắng sóng từ hai phía

Biển một bên và em một bên

Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên

Bão thổi chưa ngừng trong những vành tang trắng

Anh đứng gác.

Trời khuya.

Đảo vắng

Biển một bên và em một bên

Vòm trời kia có thể sẽ không em

Không biển nữa.

Chỉ mình anh với cỏ

Cho dù thế thì anh vẫn nhớ

Biển một bên và em một bên...

Có thể nói, biển đảo gắn liền với đời sống của dân tộc Việt Nam từ xưa cho đến nay. Biển đảo trở thành niềm cảm hứng bất tận của các thế hệ thi nhân người Việt. Ý thức chủ quyền thiêng liêng và tình yêu biển đảo chảy trong huyết mạch của mỗi người. Đây cũng là một phương diện quan trọng cùng với các chứng cứ lịch sử để góp phần vào xác tín cơ sở khẳng định sự chính nghĩa của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Huỳnh Thu Hậu

Tin khác

Khoa học Công nghệ 14 giờ trước
(SHTT) - Ông Trần Xuân Bách, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng sự sáng tạo và đổi mới đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày và một nhân tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội.
Khoa học Công nghệ 23 giờ trước
(SHTT) - Tối 23/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17 (2022 - 2023).
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Xây dựng các cánh đồng rau an toàn là giải pháp quan trọng để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người dân. Bởi vậy, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân phát triển những cánh đồng rau an toàn.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Trong bối cảnh vấn đề bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân đang trở thành đòi hỏi cấp bách, việc triển khai các chuẩn về an toàn thông tin (ATTT) sẽ giúp doanh nghiệp (DN) thiết lập các biện pháp bảo mật cần thiết để bảo vệ dữ liệu và hệ thống khỏi các mối đe dọa mạng.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Chủ trì cuộc làm việc về Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết cần xác định chiến lược ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam để đặt hàng nhiệm vụ đào tạo nhân lực, dự báo chính xác thị trường.