SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 18/04/2024
  • Click để copy

Bị gắn mác thao túng tiền tệ, Việt Nam sẽ ứng phó ra sao?

08:17, 10/02/2021
(SHTT) - Ngày 16/12/2020, Bộ Tài chính Mỹ đã xác định Việt Nam thao túng tiền tệ với cáo buộc rằng Việt Nam đáp ứng cả 3 tiêu chí mà phía Mỹ đưa ra.

Các tiêu chí cụ thể bao gồm: Thứ nhất, thặng dư thương mại với Mỹ đạt 58 tỷ USD (vượt ngưỡng cho phép là 20 tỷ USD); Thứ hai, cán cân vãng lai thặng dư 15 tỷ USD, tương đương 4,6% GDP (vượt ngưỡng 2% GDP); Thứ ba, can thiệp một chiều vào thị trường ngoại hối thông qua việc mua ròng 17 tỷ USD (5,1% GDP) trong 6/12 tháng liên tiếp (vượt ngưỡng 2% GDP).

1

 

Dưới quan điểm của Mỹ, nếu hàng hoá được mua bán dựa trên chất lượng và giá cả sòng phẳng, tại sao Mỹ mua nhiều nhưng các nước khác lại mua ít? Vì thế họ nghi ngờ các nước thao túng tiền tệ để phá giá đồng tiền trên giá trị thực nhằm tài trợ vào giá thành hàng hoá để xuất đi với giá rẻ hơn. Mỹ cũng ám chỉ rằng, một quốc gia mua nhiều ngoại hối là đang làm suy yếu đồng tiền nội tệ hay phá giá tiền tệ.

Theo Đạo luật Cạnh tranh và Ngoại thương Omnibus được ban hành từ năm 1988 cùng Đạo luật Tạo thuận lợi Thương mại và Thực thi Thương mại năm 2015, một quốc gia được coi là thao túng tiền tệ nếu có đủ 3 tiêu chí. Đó là thặng dư thương mại song phương với Mỹ lớn, thặng dư cán cân vãng lai (trên 2% GDP quốc gia) và mua ròng ngoại tệ trong 12 tháng (trên 2% GDP quốc gia)

 Kể từ khi Đạo luật năm 1988 được ban hành, Mỹ đã gán nhãn các quốc gia sau đây là nước thao túng tiền tệ: Hàn Quốc năm 1988, Đài Loan năm 1988 rồi 1992, Trung Quốc 3 năm 1992-1994 và năm 2019.

Điều đó có nghĩa rằng, bất cứ quốc gia nào cứ có đủ cả 3 tiêu chí trên thì bị Mỹ liệt vào danh sách thao túng tiền tệ, còn có 2/3 tiêu chí chỉ bị cho vào danh sách giám sát.

Hằng năm, Mỹ hai lần công bố báo cáo theo dõi với một số đối tác thương mại lớn. Từ tháng 5/2019, VN bắt đầu bị xếp vào danh sách giám sát do có 2 tiêu chí vượt ngưỡng là thặng dư thương mại song phương (xuất siêu lớn) và thặng dư cán cân vãng lai (trên 2% GDP). Tháng 1/2020, VN tiếp tục nằm trong danh sách bị giám sát.

Góc độ khác, năm 2020, thương mại 2 chiều Việt - Mỹ tăng mạnh lên tới 76,4 tỷ USD, tăng 24,5% so với năm trước, trong đó xuất siêu tới 50,7 tỷ USD. Nếu hàng xuất từ VN chủ yếu từ nông nghiệp hay sản phẩm SX thuần túy từ VN thì không có gì đáng nói. Tuy nhiên, những mặt hàng tăng mạnh qua Mỹ là hàng SX tiêu dùng như may mặc, mà trong đó cấu tạo giá thành hàng SX của VN có tỷ lệ lớn từ nguyên liệu, bán thành phẩm từ Trung Quốc.

Năm 2020, VN nhập khẩu hàng hóa từ TQ với kim ngạch đạt 83,9 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm trước, đẩy việc nhập siêu từ TQ của VN lên tới 28 tỷ. Do vậy, có thể Mỹ đặt ra câu hỏi các doanh nghiệp (DN) VN đang làm công đoạn lắp ráp cuối cho các TQ để né thuế suất cao mà Mỹ đang đánh vào hàng hóa TQ, nên họ theo dõi khá chặt chẽ.

Khi bị dán nhãn thao túng tiền tệ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Nếu VN không đàm phán được với Mỹ trong việc giải quyết vấn đề này, thì Mỹ có khả năng sẽ xem xét các biện pháp trừng phạt đối với VN, đó là việc tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa VN vào Mỹ. Cụ thể, mức thuế nhập khẩu có thể lên đến 25% như đã làm với TQ. Điều này sẽ rất bất lợi cho các DN VN.

Khi đó, các DN xuất khẩu của VN phải giảm giá bán để tạo lợi thế cạnh tranh và cân bằng với mức thuế áp lên hàng hóa. Theo đó, hàng hóa VN phải tăng chất lượng, tạo sự hấp dẫn, khi đó mặc dù giá cao, nhưng chất lượng lại tốt hơn có thể vẫn được giới tiêu thụ Mỹ chấp nhận mua.

3

 

Tuy nhiên, theo thông lệ có thể dự đoán, Mỹ sẽ không áp thuế hàng loạt lên tất cả các mặt hàng xuất khẩu của VN mà chỉ đánh vào một số nhóm mặt hàng với mức thuế trừng phạt thấp hơn nhiều mức thuế 25% mà Mỹ đã áp lên hàng hóa xuất khẩu của TQ. Mức thuế trừng phạt có thể gần tương đương với mức thuế suất 6,2-10% mà Mỹ đã áp dụng đối với mặt hàng lốp xe của VN trong tháng 11/2020.

Việc Mỹ đánh thuế lên hàng hóa xuất khẩu của VN còn có ảnh hưởng làm chậm lại xu hướng dịch chuyển sản xuất từ TQ sang VN. Điều này làm suy yếu dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành sản xuất chế biến, chế tạo vốn được dẫn dắt bởi các DN FDI.

 Vào lúc này, rủi ro chưa nặng nề song nếu không kịp thời ứng phó, có thể khiến các nhà đầu tư quốc tế sẽ phải cân nhắc lại kế hoạch đầu tư vào VN do lo ngại nguy cơ áp thuế. Điều này sẽ khiến VN lỡ mất vé lên tàu của hành trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng mới, tiến đến trở thành công xưởng số mới của toàn cầu.

Để thoát mác thao túng tiền tệ hướng tới một nền sản xuất bền lâu, đã đến lúc VN phải thận trọng trong chính sách tăng dự trữ ngoại hối trường kỳ.

Có thể nhận thấy, chưa có nhiều tác động trong ngắn hạn tới hoạt động xuất khẩu cũng như nền kinh tế VN sau khi bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ, do hiện tại vẫn đang trong giai đoạn đàm phán giữa hai nước để giải quyết các bất đồng liên quan đến vấn đề thương mại và điều hành tỷ giá hối đoái.

Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) đã công bố các bước trong lộ trình giai đoạn 2 để kết luận về hành vi thao túng tiền tệ. Theo đó, phiên điều trần trực tuyến điều tra VN về định giá tiền tệ diễn ra vào ngày 29/12/2020. Sau đó, có thể VN và Mỹ sẽ tiến hành thêm các phiên đàm phán về thương mại và tỉ giá trước khi Bộ Thương mại Mỹ có kết luận chính thức vào ngày 16/3/2021. Do vậy, từ nay đến thời hạn đó, phía Mỹ có thể chưa đưa ra các biện pháp áp thuế trên diện rộng đối với hàng hóa xuất khẩu của VN. Theo đó, tác động trong trung - dài hạn đối với hoạt động thương mại và nền kinh tế VN sẽ phụ thuộc lớn vào quyết định của Mỹ liên quan đến thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của VN.

Điều dễ nhận thấy, các chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái của VN chỉ có tác động rất nhỏ đến Mỹ. Nguyên nhân là cán cân vãng lai, cán cân thương mại và tỷ giá thực của Mỹ chủ yếu chịu ảnh hưởng từ những yếu tố trong nước (chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, quyết định tiết kiệm và đầu tư của hộ gia đình và DN Mỹ). Khi sức mạnh của VND giảm, tác động lớn nhất đối với Mỹ là chuyển nguồn nhập khẩu của Mỹ từ các quốc gia khác sang VN, nhưng điều đó cũng không làm thay đổi tổng nhập khẩu của Mỹ.

Mặc dù vậy, cũng lảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của VN, nếu VN mong muốn tháo gỡ mác thao túng túng tiền tệ. Theo đó, trong thời gian tới, NHNN có thể sẽ phải hạn chế việc mua ngoại tệ và tiếp tục hạ giá mua vào USD tại Sở giao dịch NHNN. Như vậy, trong trung và dài hạn, việc bị hạn chế sử dụng công cụ mua ngoại tệ khiến các kênh bơm thanh khoản VND vào thị trường sẽ bị giới hạn và có thể đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng. 

Giải pháp cần giải quyết

VN còn thời gian để đối thoại, giải thích rõ cho Mỹ trước khi họ đưa ra kết luận sau cùng. Trên thực tế Hàn Quốc, Đài Loan, TQ cứ có đủ 3 tiêu chí vượt ngưỡng thì bị gắn nhãn thao túng tiền tệ, khi họ bớt đi một tiêu chí thì được bỏ ra khỏi danh sách. Do vậy, VN cần hành động để hoá giải và được tháo mác thao túng tiền tệ.

Thực ra, nếu trong năm 2020 VN không mua dự trữ ngoại tệ nhiều, thì chắc chắn vẫn chỉ ở nhóm 10 nước bị giám sát thôi. Lời giải rất đơn giản là trong 1 năm nữa, VN mua ròng ngoại tệ dưới 2% GDP thì lại được Mỹ bỏ ra khỏi danh sách quốc gia thao túng tiền tệ.

VN vẫn sẽ có 1 năm để cùng trao đổi, thương lượng với phía Mỹ để giải quyết vấn đề. Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ sẽ quyết định đàm phán song phương hoặc cùng IMF đàm phán với VN kịp thời điều chỉnh chính sách tỷ giá nhằm loại bỏ lợi thế thương mại không công bằng.

Giải pháp cần giải quyết là sắp tới, VN sẽ đối thoại, giải thích và đàm phán với Mỹ. Còn thời gian đàm phán bao nhiêu để ra quyết định sau cùng tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố.

Tuy nhiên, trong tương quan thương mại, Mỹ mong muốn VN phải thu hẹp thặng dư thương mại. VN cũng nhiều lần bày tỏ mong muốn điều chỉnh dần để cán cân thương mại tiến tới cân bằng là tốt hoặc để thặng dư không lớn.

2

 

Theo đó, VN sẽ cần điều chỉnh cơ cấu thương mại đối với nhiều nước, tăng cường nhập khẩu các mặt hàng Mỹ có thế mạnh như nông sản, công nghệ cao, năng lượng và thiết bị khoa học kỹ thuật...

Theo đó, thặng dư cán cân vãng lai trong kỳ đạt 4,6% GDP. Tuy nhiên, thặng dư cán cân vãng lai có sự đóng góp rất lớn từ lượng kiều hồi gửi về VN. Theo World Bank, lượng kiều hối gửi về VN năm 2019 đạt khoảng 17 tỷ USD, chiếm tới 6,4% GDP. Năm 2020, dù dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nhưng kiều hối về VN vẫn đạt 15,686 tỉ USD, tương đương 5,8% GDP, đưa VN là 1 trong 10 quốc gia có lượng kiều hối cao nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, số kiều hối gửi về VN với mục đích chính là trợ giúp gia đình, người thân và có xu hướng tăng trưởng ổn định qua các năm do đó ít chịu tác động bởi những biến động nhỏ của tỷ giá.

Việc NHNN mua ròng ngoại tệ là nhu cầu thực tế trong bối cảnh lượng kiều hối, FDI đều đặn đổ vào VN với số lượng khá lớn (gần 40 tỷ USD mỗi năm). Pháp luật VN hiện tại không cho phép sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán trong nước. Do vậy, nhà đầu tư khi chuyển tiền vào VN kinh doanh thì phải đổi sang tiền đồng để giải ngân. Tiền thu từ hoạt động xuất khẩu cũng như kiều hối khi chuyển về VN cũng phải đổi sang tiền đồng để sử dụng. Trong bối cảnh đó, NHNN VN với tư cách là người mua cuối cùng trên thị trường, cần thiết phải thực hiện mua vào ngoại tệ để đáp ứng quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, DN và người dân cũng như ổn định thị trường tài chính-tiền tệ-ngoại hối.

Hiện nay, các cơ quan chức năng của VN đang nỗ lực làm việc tìm kiếm giải pháp hài hòa cán cân thương mại. VN đang tính đến nhập khẩu thêm hàng hóa của Mỹ như khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), nông sản, thủy sản, ô tô, máy bay, máy móc thiết bị,… cũng như giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có thể mạnh của Mỹ để phần nào giúp cân bằng hơn cán cân thương mại giữa hai nước. Trong trung hạn, VN và Mỹ có thể tìm kiếm một thỏa thuận thương mại song phương hoặc đa phương mà hai nước là thành viên để tạo nền tảng cho hoạt động thương mại bình đẳng và bền vững.

Về chính sách tỉ giá, trong thời gian tới có thể NHNN sẽ cẩn trọng hơn trong việc mua ròng ngoại tệ liên tục với số lượng lớn và đồng nội tệ có thể chịu áp lực lên giá so với đồng USD trong năm tới. Các chuyên gia  dự báo, tỉ giá USD/VND sẽ biến động trong biên độ +/-0,5% trong năm 2021.

VN có thể đưa ra các chính sách kích thích nhà đầu tư Mỹ đầu tư vào VN. Như chúng ta có thể thấy, vừa qua, Apple đã chuyển dây chuyền sản xuất iPad, Macbook sang VN nhằm tránh những rủi ro ở TQ...

Có thể với các biện pháp thương mại, đầu tư và điều hành chính sách tiền tệ như thế, Mỹ sẽ đưa VN ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, về dài hạn, VN nên dần từ bỏ chính sách can thiệp thị trường ngoại hối một chiều như hiện nay để điều hành chính sách tiền tệ theo cơ chế thị trường.  Để điều này thực thi, VN cần phải phát triển thị trường ngoại hối theo thông lệ quốc tế. Theo đó, VN cần thành lập một sàn giao dịch ngoại hối như sàn giao dịch chứng khoán. Sàn giao dịch ngoại hối cho phép nhiều bên tham gia, quyết định tỷ giá, chứ không phải do NHNN quyết định như hiện nay...

Tóm lại: Mỹ đưa VN vào danh sách các nước thao túng tiền tệ tác động rất nhiều đến VN nói chung và các DN nói riêng. Tuy nhiên, điều đó còn tùy vào phản ứng của VN trong thời gian sắp tới.

Ngân hàng Nhà nước thay đổi phương án mua ngoại tệNHNNVN đã có động thái giảm thiểu rủi ro cho VN bị Mỹ gán mác thao túng tiền tệ trong các báo cáo tiếp theo của Bộ Tài chính Mỹ do kỳ hạn 6 tháng có thể giúp NHNN tránh được việc vi phạm tiêu chí thứ ba là can thiệp một chiều vào thị trường ngoại hối trong vòng 6 tháng của 12 tháng gần nhất.

Kể từ 31/12/2020, NHNN dừng công bố giá mua ngoại tệ USD/VND và dừng mua USD trên thị trường giao ngay.

Từ 4/1/2021, NHNN nới thời gian hợp đồng kỳ hạn USD lên 6 tháng thay vì 3 tháng như trước với mức tỷ giá USD/VND là 23.125. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại chỉ được phép hủy ngang một lần và toàn bộ giá trị giao dịch hợp đồng kỳ hạn.

Bằng cách tham gia tích cực hơn trong việc mua USD theo hợp đồng kỳ hạn, NHNN sẽ có thể quản lý thanh khoản của hệ thống ngân hàng đồng thời can thiệp trên thị trường giao ngay mà không làm ảnh hưởng đến số liệu dự trữ ngoại hối.

Việc đàm phán song phương giữa VN và Mỹ sẽ thúc đẩy một sự thay đổi trong chính sách can thiệp vào tỷ giá. Mặt khác, đồng VN có thể tăng giá nhẹ trong thời gian tới.

TS Nguyễn Văn Khanh

Tin khác

Kinh tế 3 giờ trước
Dự án The Gió Riverside được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và quyết định giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; đang tiếp tục hoàn chỉnh các vấn đề pháp lý khác để sẵn sàng triển khai xây dựng dự án trong năm nay. 
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Các công ty đang dịch chuyển ngân sách quảng cáo từ truyền thông kỹ thuật số sang mạng lưới quảng cáo bán lẻ để tạo nguồn thu mới.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Sáng ngày 16/4/2024 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) đồng tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024”.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Trong bối cảnh rác thải thời trang ngày càng gia tăng, Mèo Tôm Handmade đã được thành lập và đóng vai trò như một giải pháp sáng tạo và đầy ý nghĩa, biến những chiếc quần jean cũ thành những chiếc túi xách độc đáo và thân thiện với môi trường.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Sáng 15/4,UBND Tỉnh Quảng Ninh, Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng với Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển phối hợp tổ chức hội nghị chiến lược phát triển kinh tế tư nhân 2024.