SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 28/03/2024
  • Click để copy

Bát nháo cơ sở khám chữa bệnh trái phép

11:05, 16/08/2017
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hầu như tuần nào UBND TP.HCM cũng ra quyết định xử phạt phòng khám (PK) khám, chữa bệnh chui! Cá biệt có tuần đến 2 - 3 PK bị xử phạt. Nhưng thực tế có những nơi dù bị đình chỉ vẫn tiếp tục hoạt động.

Kiểm tra xong, coi như không có gì

Tháng 6/2017, nhà thuốc Nhơn Tâm Tế của ông Dương Dân Cường (130/3 Trường Chinh, tổ 11, KP.1, P.Tân Thới Nhất, Q.12) bị UBND TP.HCM phạt 140 triệu đồng về hành vi khám chữa bệnh trái phép, kèm bán thuốc có chứa chất dexa - tác dụng giữ nước và muối trong cơ thể gây phù. Đáng chú ý, năm 2016 PK này từng bị UBND TP.HCM phạt 83 triệu đồng, buộc đình chỉ hoạt động. Ngày 15/8, PV Thanh Niên đến nhà thuốc này, thấy treo bảng “tạm nghỉ”, nhưng nhìn qua khe cửa chúng tôi thấy thuốc, vật dụng làm thuốc bày biện trên bàn, tủ. Khi PV hỏi có khám bệnh không, người trong nhà nói vọng ra, qua tết sẽ hoạt động trở lại do gia đình có việc phải về… Trung Quốc. Khi PV đứng trước cửa, có một bệnh nhân đi xe hơi từ Bình Dương đến hỏi mua thuốc, cũng được người trong nhà nói hẹn qua tết hoạt động lại.

PK chữa trị thoát vị đĩa đệm của ông Trần Văn Cường tại địa chỉ 127/32 Nguyễn Tư Giản, P.12, Q.Gò Vấp (TP.HCM) cũng không có giấy phép hoạt động. Thuốc thang là những sản phẩm được đóng gói không nhãn mác, không có tên sản phẩm... Người hành nghề là ông Cường, ông Ngư không có bằng cấp chuyên môn, không có chứng chỉ hành nghề; bài thuốc gia truyền chữa bệnh không hề đăng ký. Thế nhưng PK này vẫn thản nhiên quảng bá, thu hút nhiều bệnh nhân đến chữa bệnh, thu lợi bất chính. Dù bị Sở Y tế TP.HCM đình chỉ vào tháng 11/2016 nhưng PK vẫn tiếp tục hoạt động như bình thường (!). Phòng Y tế Q.Gò Vấp đến kiểm tra, yêu cầu ngưng hoạt động nhưng khi đoàn kiểm tra rút đi, PK hoạt động lại như không có chuyện gì xảy ra. Tháng 8/2017, PK này vừa chuyển địa điểm về số 110/5/8 hương lộ 2, ấp Xóm Đồng, xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi.

khambenh1_hpel

Nữ bệnh nhân đến… trả lại thuốc cho thầy Lê Văn Ngư (Q.Gò Vấp) và lấy lại 300.000 đồng, do uống các gói thuốc ở đây người như bị phù 

Vào cuối tháng 7, Sở Y tế TP.HCM cũng đình chỉ và đề xuất UBND TP.HCM xử phạt 2 PK nha khoa Gia đình và Gia đình 2 tại P.12, Q.Tân Bình cũng vì hoạt động không phép… Cùng thời điểm trên, UBND TP.HCM xử phạt 60 triệu đồng đối với PK tại 889 QL22, tổ 1, KP.5, TT.Củ Chi do hoạt động không phép. Điều đáng nói là PK nha khoa này từng bị xử phạt hoạt động không phép vào năm 2015.

Người dân cùng giám sát hoạt động trái phép

TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh thanh ra Sở Y tế TP.HCM, cho biết: "TP.HCM có đến 13.000 cơ sở y tế tư nhân, không thể nào cơ quan chức năng giám sát hết. Người dân khi nghi ngờ cơ sở nào, chỉ cần vào trang web của Sở Y tế TP.HCM có thể tra cứu được tên cơ sở cùng giấy phép hoặc tên bác sĩ, chứng chỉ hành nghề là sẽ có kết quả ngay. Người dân báo cho Sở biết qua đường dây nóng hoặc thư thì thanh tra sẽ kiểm tra ngay".

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, trên đường Nguyễn Văn Quá, P.Đông Hưng Thuận, Q.12 hiện có 1 nhà thuốc và 1 PK dù không phép nhưng hoạt động rất công khai. Đó là nhà thuốc K.P do dược sĩ Q.X.P đứng tên; và PK y khoa chuyên X-quang, siêu âm do hai bác sĩ N.T.H và N.V.H giới thiệu là bác sĩ tại Bệnh viện Quân y 175 đảm nhiệm. Tuy nhiên thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, khẳng định với PV Thanh Niên 2 vị trên không phải là bác sĩ thuộc Bệnh viện Quân y 175. Kiểm tra tại Sở Y tế TP.HCM thì được biết Sở cũng không cấp giấy phép cho PK y khoa nào tại địa chỉ nói trên.

Sáng bị niêm phong, chiều dọn đồ

TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh thanh ra Sở Y tế TP.HCM, cho biết thời gian gần đây số lượng PK không phép bị Sở Y tế và UBND TP.HCM xử phạt tăng nhiều hơn hẳn. Trong đó, loại hình nhiều nhất là các PK nha khoa và PK y học cổ truyền.

Tại địa bàn H.Củ Chi, có đối tượng tổ chức không phép PK nha khoa, buổi sáng thanh tra đến niêm phong PK thì buổi chiều đối tượng dọn đồ đi nơi khác. Hoặc khi kiểm tra thì tất cả đối tượng bỏ đi, không ai nhận mình là chủ của PK; giao cho địa phương giám sát thì họ dọn đồ đi mất. Lãnh đạo Sở phải làm việc với lãnh đạo huyện để chỉ đạo phòng y tế, trạm y tế, công an vào cuộc thì tình hình mới êm, nhưng gần đây vẫn còn thông tin cho biết PK không phép đang hoạt động lại. Tình trạng PK hoạt động không phép cũng diễn ra ở H.Bình Chánh, Q.Bình Tân, Q.Thủ Đức… Thanh tra y tế còn gặp khó khăn trong công tác xử lý, mời đối tượng lên Sở làm việc nhưng họ không lên cũng không làm được gì, và cũng không có cách nào khác để cưỡng chế.

Đặt vấn đề, một PK muốn hoạt động được phải chuẩn bị nhiều ngày, tại sao chính quyền phường, xã không phát hiện được? Theo TS-BS Trạng, người dân cứ tưởng có treo bảng hiệu là có phép nên vào, còn địa phương không giám sát.

phong kham

 Sở Y tế TP.HCM cho biết chưa cấp phép cho phòng khám y khoa này

Khó khăn trong xử lý

Mức xử phạt vi phạm hành chính cho PK có hành vi hoạt động không phép là 60 triệu đồng (pháp nhân gấp đôi) theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. TS-BS Trạng cho rằng số tiền này đối với một cơ sở ở ngoại ô, nhỏ lẻ, mới hoạt động là cao nhưng đối với cơ sở hoạt động lâu dài, có bệnh nhân đến khám thường xuyên thì thấp, không tương xứng.

“Sắp tới chúng tôi phát huy thành quả từ sự vận động tố giác cơ sở hoạt động không phép của các bác sĩ hành nghề trong từng lĩnh vực (xem đây là hành động xây dựng môi trường hành nghề lành mạnh và là trách nhiệm của các bác sĩ), tạo điều kiện tra cứu thông tin trên trang web của Sở để mọi người có thể dễ dàng phát hiện cơ sở không phép. Dù số lượng xử lý không phép tăng lên có thể gặp phải sự đánh giá không tốt từ cấp trên (tại sao để không phép nhiều thế?) nhưng chúng tôi chủ trương công khai để người dân cùng giám sát, tích cực ngăn chặn. Với sự tích cực kiểm tra, phát hiện, xử lý, chúng tôi tin rằng hiện tượng này sẽ được đẩy lùi trong thời gian tới”, TS-BS Trạng nói.

TS-BS Trạng cho hay, Thanh tra y tế sẽ trình lãnh đạo Sở Y tế kiến nghị UBND TP.HCM giao nhiệm vụ quản lý địa bàn cho các địa phương, UBND quận huyện phải chỉ đạo phối hợp giữa phòng y tế, công an, đoàn thể… để sớm phát hiện và xử lý nghiêm PK không phép. Sẽ kiến nghị Bộ Y tế xem xét bổ sung chế tài, xử lý nặng các trường hợp đối phó, trốn tránh xử lý và cần thiết có thể thu giữ dụng cụ hành nghề của PK không phép, chuyển về kho làm cơ sở xử lý (nếu không đến làm việc sẽ tịch thu).

Theo Thanh Niên

Tin khác

Pháp luật 23 giờ trước
(SHTT) - Ủy ban Châu Âu cho biết, cuộc điều tra đối với Alphabet được mở ra do tập đoàn này không tuân thủ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) khi đưa ra những chỉ đạo trong Google Play và tự ưu tiên hiển thị trên Google Tìm kiếm. Ngoài ra, EU cũng tiến hành điều tra tương tự với Meta và Apple.
Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Cục An toàn Thông tin (Bộ TT-TT) cho biết bên cạnh các hình thức lừa đảo xuất hiện trên không gian mạng Việt Nam, gần đây đã đã xuất hiện chiến dịch lừa đảo quốc tế có khả năng ảnh hưởng tới người dùng Việt.
Pháp luật 3 ngày trước
(SHTT) - Lợi dụng dịp cao điểm quyết toán thuế, nhiều đối tượng lừa đảo đã sử dụng hình thức giả mạo cán bộ thuế , cơ quan thuế để thực hiện hành vi chiếm đoạn tài sản.
Pháp luật 6 ngày trước
(SHTT) - Công an thành phố Hà Nội mới đây đã phát đi thông tin cảnh báo về hình thức lừa đảo tham gia đầu tư tiền ảo.
Pháp luật 1 tuần trước
(SHTT) - Bộ Công Thương đã xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Tờ trình, Dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả...