Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Cần cân nhắc áp dụng biện pháp hình sự
Hội thảo "Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi và những tác động đối với doanh nghiệp trong bối cảnh mới" do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ tổ chức tại TP.HCM.
Nhiều đơn vị chỉ yêu cầu xử lý vi phạm hành chính
Theo ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, đa số các vụ việc vi phạm sở hữu trí tuệ đều được các doanh nghiệp yêu cầu xử lý hành chính tại Cục Quản lý thị trường, công an, hải quan,… mà gần như bỏ qua cơ quan tư pháp.
Gần đây, khi Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị chuyển một số vụ việc để xử lý tại tòa án một cách triệt để về sáng chế thì Cục nhận được những phản ứng vô cùng quyết liệt từ nhiều đơn vị khác nhau chỉ muốn xử lý vi phạm hành chính. Từ đó có thể thấy, việc thành lập tòa án sở hữu trí tuệ rất khó thực hiện.
"Có thể thấy, trong thời gian qua chúng ta sử dụng bộ máy tư pháp còn hạn chế. Chúng tôi mong muốn thúc đẩy sử dụng bộ máy tư pháp và cần có sự tham gia của các doanh nghiệp", ông Hồng nói.
Thực tế, khi các tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ được giải quyết tại tòa án, các doanh nghiệp mới có thể yêu cầu bồi thường về tiền. Bởi lẽ nếu xử lý hành chính, các đơn vị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chỉ nộp phạt chứ không bồi thường cho đơn vị chịu thiệt hại.
Việc yêu cầu xử lý hành chính ở lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong thời gian qua chưa đủ sức răn đe để cá nhân, tổ chức dừng các hành vi xâm phạm quyền. Theo ông Hồng, cần thúc đẩy được việc xử lý dân sự tại các cơ quan tư pháp, tòa án thì lúc đó mới có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại ở mức độ cao hơn đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích cho chủ sở hữu.
Vấn đề trên không đơn giản vì cần có một sự cải cách nhằm giúp việc giải quyết tranh chấp tại tòa án nhanh hơn để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nếu một vụ án kéo dài quá nhiều năm thì doanh nghiệp không đủ sức để theo đuổi.
Ngoài ra, với hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ nếu như trước đây chúng ta có những hạn chế trong vấn đề xử lý hình sự, thì bây giờ những hành vi bị xác định xử lý hình sự đã có trong quy định bộ luật hình sự, các doanh nghiệp nên cân nhắc đến biện pháp này vì đây là biện pháp mạnh.
Cũng theo ông Hồng, do số lượng các vụ việc liên quan đến sở hữu trí tuệ tại tòa án thấp cho nên Tòa án nhân dân tối cao đã đưa đề xuất sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Trong thời gian tới, việc tổ chức thực hiện dưới góc độ không phải tòa sở hữu trí tuệ mà sẽ tổ chức theo dạng 2 - 3 loại riêng biệt, gọi là tòa chuyên biệt về sở hữu trí tuệ. Trong thời gian đầu, chỉ tổ chức tòa chuyên biệt tại Hà Nội. Khi triển khai, nếu nhu cầu ở TP.HCM đủ lớn sẽ tổ chức thêm tại địa phương này.
Số lượng giám định viên về sở hữu trí tuệ sẽ tăng
Kết quả giám định sở hữu trí tuệ là một trong các nguồn chứng cứ để các cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết vụ việc tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ. Thời gian gần đây, khi xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đa số các tỉnh thành đều đưa hồ sơ về Hà Nội để giám định.
Theo ông Trần Lê Hồng, việc giám định liên quan đến sở hữu trí tuệ không phải chỉ có giám định sở hữu trí tuệ theo Luật Sở hữu trí tuệ mà còn có hình thức giám định tư pháp. Thực tế trong thời gian qua chưa có đơn vị nào đề nghị giám định tư pháp, mặc dù tại Cục Sở hữu trí tuệ cũng có một số cán bộ được xác định là giám định viên tư pháp.
"Giám định tư pháp thì giá trị pháp lý rất rõ ràng. Giám định tư pháp thường thực hiện tại tòa, nhưng lâu nay chúng ta chỉ muốn thực hiện theo biện pháp hành chính", ông Trần Lê Hồng nói.
Theo ông Hồng, hiện nay số lượng giám định viên còn hạn chế. Trước đó Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã có những kế hoạch nhằm tăng số lượng giám định viên. Tuy nhiên do việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ đòi hỏi phải tiếp cận để hoàn thiện hệ thống giám định, nhằm đảm bảo việc tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề sở hữu trí tuệ đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp, cho nên vẫn cần chờ đợi thông tư ban hành.
"Chúng tôi đang chờ đợi nghị định và thông tư ban hành sẽ có kế hoạch tổ chức giám định hành nghề giám định sở hữu trí tuệ và trong thời gian tới số lượng cũng tăng lên", ông Trần Lê Hồng nói.
Với góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, theo ông Hồng, Cục Sở hữu trí tuệ vẫn cung cấp ý kiến chuyên môn cho các cơ quan thực thi, bảo vệ pháp luật, quản lý thị trường. Nếu Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ hoạt động trên cơ sở có trả phí thì Cục Sở hữu trí tuệ không thu phí nên nguồn lực hạn chế. Ngoài việc Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước thẩm định cấp văn bằng thì còn phải thực hiện về giám định nên có hạn chế nhất định.
Theo ThS. Nguyễn Thị Minh Hằng - Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, kết luận giám định về sở hữu trí tuệ là nguồn chứng cứ phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Trong những năm vừa qua, kết quả giám định đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ cơ quan thực thi ra quyết định về việc xử lý hành vi xâm phạm.
Thực tế, hằng năm, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận trên 1.000 đơn yêu cầu giám định, trong đó thời hạn giám định đa phần được người nộp đơn yêu cầu trong 3 - 5 ngày hoặc 1 - 2 tuần. Với số lượng cùng thời gian như trên, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ vẫn đáp ứng được yêu cầu của người nộp đơn trong cả nước hiện nay.
Hiện tại số lượng giám định viên tại Việt Nam chỉ có 4 người được cấp thẻ. Tuy nhiên, trong tương lai, số lượng giám định viên sẽ được tăng lên và trên cơ sở đó thì tổ chức có chức năng giám định sở hữu công nghiệp ở Việt Nam cũng tăng lên chứ không chỉ riêng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ.
Võ Liên